Tết của 'lính' trại giam

Thứ Tư, 11/03/2015, 08:00
Làm sao để đảm bảo cho các phạm nhân có một cái Tết vui vẻ, an toàn? Đó là những "nhiệm vụ bất khả thi" của các cán bộ, chiến sỹ công tác tại các Trại giam. Họ phải hy sinh ngay chính những hạnh phúc riêng tư nhất của mình, hy sinh sự đoàn tụ gia đình của mình trong thời khắc chuyển giao năm mới để hoàn thành nhiệm vụ...

Họ là những CBCS đang công tác tại các trại giam của Bộ Công an. Càng đến dịp Tết nguyên đán, công việc của họ lại vất vả hơn rất nhiều. Tổ chức Tết cho một gia đình đã bận rộn, tổ chức Tết cho hàng trăm, hàng nghìn phạm nhân còn bận và phức tạp hơn rất nhiều. Nhất là vào thời điểm chuẩn bị bước sang năm mới, tâm lý phạm nhân có nhiều diễn biến phức tạp, họ nhớ nhà, có người chỉ khóc, nhưng cũng có người nảy sinh tiêu cực.

Làm sao để đảm bảo cho các phạm nhân có một cái Tết vui vẻ, an toàn? Đó là những "nhiệm vụ bất khả thi" của các cán bộ, chiến sỹ công tác tại các Trại giam. Họ phải hy sinh ngay chính những hạnh phúc riêng tư nhất của mình, hy sinh sự đoàn tụ gia đình của mình trong thời khắc chuyển giao năm mới để hoàn thành nhiệm vụ.

Mỗi khi nghe thấy câu nói của hai vợ chồng cụ già trong mục quảng cáo này trên tivi: "Tết này cái gì cũng có, chỉ thiếu chúng nó", Đại úy Đinh Trọng Tuấn, Trưởng Phân trại K2 của Trại giam Quyết Tiến lại thấy bùi ngùi. Sao nó đúng với hoàn cảnh của bố mẹ anh đến thế. 18 cái Tết rồi, chưa bao giờ anh Tuấn được về sum họp với bố mẹ ở Thái Bình trong đúng thời khắc giao thừa, khi nhà nhà sum vầy đón năm mới.

Bởi ở các trại giam, vào dịp Tết Nguyên đán, nhất là trước và trong lúc giao thừa, chính là thời điểm mà các phạm nhân dễ xao lòng nhất. Họ nhớ nhà, có thể là một lời nói, có thể là một câu chuyện cũng dễ khiến phạm nhân rơi nước mắt. Hoặc có phạm nhân khùng lên, hành động theo bản năng. Chính vì thế, vào những thời điểm này, lực lượng Cảnh sát làm việc tại các trại giam phải căng hết mình làm nhiệm vụ. Họ phải lo chu đáo cho các phạm nhân đón Tết, động viên tinh thần họ để họ vơi bớt nỗi nhớ nhà khi Tết đến, xuân về, đảm bảo việc tuần tra, canh gác, giữ vững trật tự an toàn ở trong khu vực trại giam….

Đại úy Đinh Trọng Tuấn mừng tuổi con phạm nhân trong dịp Tết Ất Mùi.

Ở trại giam thường phân chia 2 đợt trực Tết, đợt 1 từ trước Tết đến ngày mùng 1, hoặc mùng 2; đợt 2 nối tiếp đến hết kỳ nghỉ Tết. Là Phân trại Trưởng, Đại úy Đinh Trọng Tuấn luôn đảm trách nhiệm vụ trực ca 1. Sau thời khắc giao thừa, anh là người chúc Tết, động viên tinh thần anh em trong ca trực và các phạm nhân đang thụ án trong phân trại mình phụ trách. Những lúc ấy, nụ cười nồng ấm, cái bắt tay rất chặt, lời chúc rổn rảng của  Trưởng Phân trại khiến cho mọi người xích lại gần nhau hơn, cùng hướng về một cuộc sống tốt đẹp hơn phía trước.

Sáng mùng một, nắng nhẹ khiến hoa cỏ của Phân trại số 2 thêm tưng bừng trong sắc xuân. Việc đầu tiên của Trưởng phân trại Đinh Trọng Tuấn là xuống thăm, chúc Tết các cháu bé đang được chăm sóc ở "nhà trẻ" của trại giam đặt tại Phân trại 2. Ở nơi này có 5 cháu bé, cháu lớn nhất 5 tuổi, cháu bé mới 5 tháng, theo mẹ đang thụ án về các tội mua bán người, chứa mại dâm. Trong đêm giao thừa, các cháu còn nhỏ nên ngủ rất sớm. Sáng mùng một, được "bác" Tuấn và các cô chú quản giáo đến chúc Tết, mừng tuổi, các bé vui lắm, hớn hở, âu yếm ôm cổ các bác, các chú…

Năm nay ngày nghỉ Tết của cán bộ, học sinh cả nước sớm hơn. Vì thế, khi hai đứa con nhỏ của vợ chồng Đại úy Đinh Trọng Tuấn được nghỉ Tết, một đứa đã được bố mẹ gửi về quê với ông bà nội. Chúng phụng phịu: "Sao chúng con không giống các bạn. Chả bao giờ được đón giao thừa với bố gì cả". Nghe câu hỏi thơ ngây của hai đứa trẻ, lòng người Trưởng phân trại chùng xuống. Nhưng anh hiểu rằng, rất khó, kể cả sau này, khi anh còn đảm đương nhiệm vụ của người lính trại giam, để hứa với con trẻ một lần đưa đi chơi giao thừa.

Năm nay, anh Tuấn trực tại Phân trại vào ngày 30, mùng 1 Tết. Sáng mùng 2 rời khỏi trại giam, về chỉ kịp thắp hương cúng ông bà tổ tiên, loanh quanh chúc Tết ở địa bàn TP Tuyên Quang, là đến ngày trực tiếp theo là mùng 4 Tết. Lại một năm anh không thể về quê chúc Tết bố mẹ. Anh cười: "Bố mẹ, vợ và con cái của lính trại giam đều thiệt thòi thế đấy, nhà báo ạ!".

Từ chiều 30 Tết, đứa con đầu đã gọi điện cho Trung tá Vũ Nguyên Hồng, Trưởng Phân trại số 1, Trại giam Hoàng Tiến hỏi: "Bố có về đón giao thừa với nhà mình không ạ?". Dù anh đã nói với vợ, con về ca trực của mình, các con cũng đã quen với việc bố không có mặt ở nhà đêm giao thừa nhưng tối ấy, chúng vẫn gọi vì vẫn mong có một sự thay đổi nào đó và cả nhà sẽ được sum vầy trong đêm giao thừa.

Đúng thời điểm giao thừa, trời đất giao hòa, một chút bâng khuâng dâng lên trong lòng người Trưởng Phân trại. Anh chạnh lòng khi nghĩ đến bố mẹ ở quê, nghĩ đến người vợ là nhân viên bưu điện 10 năm nay phải đằng đẵng chuẩn bị cúng và đón giao thừa thiếu bàn tay chồng. Nhưng giây phút đó trôi qua rất nhanh, bởi anh quá bận rộn với công việc của mình trong ngày giao thừa. Buổi chiều, Trung tá Hồng và các cán bộ quản giáo đã vào từng buồng giam để chúc Tết các phạm nhân. Khi thời khắc giao thừa điểm, nhiệm vụ của anh là chúc và tổ chức đón Tết cho các CBCS đang trong ca trực ở phân trại. Tất cả cùng trong tâm trạng bâng khuâng, xa nhà nên các bàn tay xiết lấy nhau cũng chặt hơn, tình cảm nồng ấm.

Anh Hồng cho biết, 10 năm nay anh trực ca 1, phải lo chuẩn bị Tết cho phạm nhân, tổ chức cho người nhà thăm gặp. Vất vả nhất là những ngày 28-29 Tết hay xảy ra hành vi tiêu cực do tâm lý dao động của các phạm nhân khi không được đón Tết với người thân. Nhưng đến 30 Tết năm nay thì không xảy ra sự việc gì. Có lẽ khi trời đất giao hòa, tất cả mọi người đều cảm thấy bâng khuâng, chỉ hướng về trời đất nên các phạm nhân cũng trở nên lành hiền hơn. Họ chỉ chúc tụng nhau, hoặc ngồi lặng hướng về gia đình mình.

Các phạm nhân sửa sang phòng giam chuẩn bị đón Tết.

Anh Hồng hóm hỉnh cho biết: "Phạm nhân rồi sẽ có ngày ra trại, được về đón Tết với gia đình. Nhưng chúng tôi, các cán bộ, chiến sỹ công tác tại Trại giam thì sẽ liên tục đón giao thừa trong … trại giam thôi".

Năm nào cũng vậy, khi bắt đầu thời khắc chuyển giao sang năm mới, Đại úy Trần Thị Ngọc Hà, quản giáo Trại giam Hoàng Tiến cũng như các đồng nghiệp của mình lại nhận được hàng chục tin nhắn, điện thoại chúc tết của các phạm nhân đã hết án trở về cộng đồng. Năm nay cũng vậy, khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đang chúc Tết trên truyền hình, điện thoại của chị réo vang. Bên kia đầu dây, giọng một phụ nữ khá quen thuộc ngập ngừng: "Chúc cán bộ năm mới sức khỏe, hạnh phúc, công tác tốt…".

Dù người gọi không xưng tên, điện thoại số lạ nhưng Đại úy Hà nhận ra ngay người gọi cho mình là chị Hoàng Thị K, SN 1976 ở Gia Lương, Gia Lộc, Hải Dương - người mà chị giáo dục, quản lí nhiều năm nay mới được giảm hết án trước Tết Ất Mùi. Chị K là người có hoàn cảnh khá đặc biệt, mẹ mất sớm, bố lấy vợ mới nên 9 tuổi hai anh em phải tự dọn ra cánh đồng, dựng lều sống với nhau. Cuộc sống leo lắt qua ngày cho đến năm K 12 tuổi thì bỏ nhà lên Lạng Sơn làm thuê kiếm sống.

Sau nhiều năm lăn lóc làm thuê, K được 1 người đàn ông yêu say đắm, cưới làm vợ. Dù nghèo nhưng vợ chồng K sống khá hạnh phúc, chăm chỉ làm ăn. Tuy nhiên, nhà chồng ở vùng sâu của tỉnh Lạng Sơn, gần như cả gia đình đều nghiện ma túy, chồng K cũng không ngoại lệ. Chồng nghiện, bao nhiêu của nả dần đội nón ra đi. Túng quẫn quá, K và chị dâu rủ nhau đi mua ma túy về bán lẻ lấy lãi cho chồng sử dụng.

Bị bắt, chồng nghiện, hai đứa con, đứa lớn mới lên 7, đứa bé 4 tuổi, gia đình nghèo không có nổi 10 triệu để nộp hình phạt bổ sung nên K chán nản vô cùng. Đặc biệt, chỉ một thời gian ngắn sau, chồng K cũng bị bắt về tội ma túy nên nghĩ đến hai đứa con sẽ có cuộc đời lay lắt như mình K càng bất cần hơn, sẵn sàng gây sự với bất cứ ai.

Thấy  K như vậy, nhiều đêm, Đại úy Hà không ngủ, tìm cách gần gũi, giúp đỡ phạm nhân này. Trước tiên, chị đề nghị Ban Giám thị xác nhận phạm nhân có hoàn cảnh khó khăn, đề nghị được hoãn nộp hình phạt bổ sung. Điều này rất quan trọng bởi theo quy định,­­­ nếu không nộp khoản tiền trên thì phạm nhân chỉ được xếp loại cải tạo Trung bình, không được giảm án. Rồi ngày nào chị cũng hỏi han, gặp gỡ, suốt 2 -3 năm trời ròng rã, dần dần K mới mở lòng.

Hiểu hoàn cảnh của K, chị Hà tìm mọi cách liên lạc với địa phương quê của K, sau khi lần tìm hàng chục đầu mối, chị đã tìm được anh trai của K, giúp anh trai K đưa con đến thăm…Cứ như thế, chị Hà đã cảm hóa được K, được phạm nhân này cảm phục, kết quả cải tạo khá, tốt, được giảm án tổng cộng tới 5 năm 1 tháng, được làm đội trưởng tự quản. Trước khi được trở về, chị K đã nắm tay Đại úy Hà rất lâu, nước mắt rưng rưng cảm ơn người cán bộ đã giúp mình có cơ hội làm lại cuộc đời…

Là phụ nữ, nhưng Đại úy Hà cùng đồng nghiệp cũng không ngoại lệ trong công tác của Trại giam bởi trách nhiệm quản lí, giáo dục những người lầm lỗi không phút nào có thể lơi là. Đặc biệt là khi Tết đến, xuân về, họ lại chạnh lòng nhớ nhà, nhớ quê hương. Chính vì vậy, trách nhiệm của những người cán bộ công tác ở trại giam, nhất là cán bộ quản giáo - những người gần gũi với phạm nhân phải đặt lên hàng đầu, để làm sao, phạm nhân coi trại là nhà, coi cán bộ là anh, chị của mình để phấn đấu trả giá lỗi lầm…

Thu Hòa - Phương Thủy
.
.