Kỷ niệm 69 năm ngày truyền thống của Lực lượng CAND Việt Nam (19/8/1945-19/8/2014)

Sừng sững những tượng đài bất tử

Thứ Ba, 26/08/2014, 08:00
Tôi đứng dưới tượng đài Bảo vệ an ninh Tổ quốc. Ngước lên, phía trên cao là hình tượng người chiến sĩ CAND và ngọn cờ Tổ quốc sừng sững, đỡ lấy vòm trời xanh ngắt. Đây cũng là lần đầu tiên tôi - một người trẻ thuộc thế hệ chưa bao giờ sống trong cảnh đạn bom - đặt chân đến Khu di tích lịch sử - văn hóa Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, nơi có tấm bia ghi danh hơn 14.000 Anh hùng liệt sĩ CAND, tôi bỗng thấy dâng lên một cảm xúc rất đỗi thiêng liêng, tự hào.

1. Trở về thăm lại chiến trường xưa, những cán bộ, chiến sĩ Công an lão thành một thời gắn bó với Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam tay bắt mặt mừng, giọt nước mắt lăn dài lên gò má đồi mồi. Có người mắt đã mờ, mái đầu bạc thảng quên, thảng nhớ nhưng khi cúi xuống thắp nén hương cho đồng đội từng vào sinh ra tử thì tiếng bom, tiếng hô xung phong, nụ cười, giọt nước mắt… bỗng như thức dậy…

Nhắc về tháng năm hoạt động tại Trung đội Trinh sát 5 (gọi tắt là Trinh sát B5) thuộc Trung đoàn 180 An ninh vũ trang (nay là Phòng Bảo vệ 180 - Bộ Tư lệnh Cảnh vệ) bảo vệ Trung ương Cục miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Trung tá Nguyễn Phước Tấn (Ba Tấn) vẫn cất giọng sang sảng đầy tự hào. Trận đánh ngày 10/10/1968, địch đổ quân bằng máy bay ở Ngã ba Quốc Tế nhằm luồn sâu đánh phá căn cứ Trung ương Cục. Ba Tấn cùng 6 chiến sĩ liên tục nã đạn, chống trả quyết liệt, chặn bước tiến của địch. Tiến không được, địch điên cuồng cho máy bay quần thảo, bắn phá dữ dội. Đợi máy bay xuống tầm thấp, các chiến sĩ dùng AK và B40 bắn hạ. Trận đó, 6 chiến sĩ do Ba Tấn chỉ huy đã hạ được 68 tên địch, bắn cháy 5 máy bay. Với chiến công hiển hách ấy, đồng chí Ba Tấn đã vinh dự được Nhà nước tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Đó chỉ là một trong hàng vạn, hàng vạn chiến công… mà lực lượng CAND miền Nam khi ấy lập được, góp phần vào thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Nam, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng - CAND và các cán bộ, chiến sĩ CAND, cán bộ công an lão thành... thắp hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Ban An ninh Trung ương Cục Miền Nam, đồi 82, Tây Ninh. Ảnh: Công Trường.

Dẫu đã đọc nhiều sách lịch sử, nhưng khi được nghe câu chuyện của người trong cuộc, tôi mới thực sự chạm vào một góc sử đầy máu và nước mắt của thế hệ cha anh mà đôi khi tuổi trẻ hôm nay vẫn cho rằng đó là huyền thoại khó tin. Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh, nguyên Ủy viên Ban An ninh Khu VI, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng Lực lượng - CAND là một trong những cán bộ Công an được chi viện cho chiến trường miền Nam. Ngày ấy, Ban An ninh khu VI đóng ở chiến khu Bác Ái (nay thuộc huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận).  Địch vây chặt,  ném bom như vãi trấu, không chừa một ngọn đồi, con suối nào. Trong mù mịt khói lửa, đơn vị hết dời qua ngọn đồi này lại chuyển đến cánh rừng khác. Đôi chân mỏi rã, gai xé cào da thịt. Rồi sốt rét, rồi đói khát triền miên.

Thời đó, lúa gạo vùng này vô cùng khan hiếm. Anh em chiến sĩ phải ăn sắn (củ mì) thay cơm. Ngày mồng Một Tết năm 1966, cả cơ quan phải họp thống nhất để các chiến sĩ được ăn hai bữa cơm trắng. Sang ngày mồng Hai lại tiếp tục ăn sắn. Thiếu muối nên hầu hết anh em chiến sĩ đều bị quáng gà, mắt đục mờ. Địch vây ráp gắt gao nên mỗi lần băng rừng, băng núi lấy muối ở ruộng muối Cà Ná - cách hàng chục km và con sông Cái khá rộng - giữa đêm khuya là một lần các anh em chiến sĩ phải truy điệu sống đồng đội. Đã bao vốc muối trắng nắm chặt trên tay nhuộm đỏ màu máu. "Thế nên, hạt muối quý lắm. Mỗi lần nấu canh chỉ dám cho vào một chút để hơi mằn mặn là được rồi, còn phải để dành cho những lần sau. Có dạo anh em Cảnh vệ lấy được mấy gói muối con của địch, đem phát cho tụi tôi, tôi phải chia ra, đem cho đồng chí Phan Minh Đạo và các anh trong Ban lãnh đạo Khu VI một ít".

Kể đến đây, vị tướng già bỗng quay sang tôi hỏi: "Này, cháu có biết gói muối ấy có vị gì không?".  "Dạ, tất nhiên là vị mặn ạ!" - Tôi nhanh nhẩu đáp và không khỏi ngạc nhiên trước câu hỏi quá dễ này.

Vị tướng già trầm ngâm: "Ừ, muối có vị mặn. Nhưng trong chiến tranh gian khổ, hạt muối mà đồng đội chia nhau có vị khác lắm, cháu ạ". Tôi hỏi: "Khác thế nào hả bác?". Vị tướng già trầm ngâm: "Bác Đạo nếm muối, bảo: Này, muối "ngọt" lắm ông ạ! Bác trợn tròn, lật đật nếm thử. Thấy vị mặn tê trên đầu lưỡi mà gật đầu, chảy nước mắt: Ừ, muối "ngọt" thật!".

Ngồi dưới chân tượng đài Bảo vệ An ninh Tổ quốc, Trung tá Ba Tấn không sao quên được tấm thân đẫm máu của người đồng đội hấp hối trên lưng mình. "Trận càn Johnson City năm 1967, một toán địch đóng quân tại Bảy Bàu. Tôi cùng 3 đồng chí nữa gài 4 trái mìn để tiêu diệt địch. Sáu giờ tối thì cho nổ mìn, bọn địch phản pháo lại. Không may, đồng chí Được bị thương rất nặng. Tôi cõng đồng chí từ ngoài trảng chạy về căn cứ. Máu từ ngực ảnh chảy càng lúc càng nhiều, tràn ra cả lưng áo tôi. Về đến căn cứ gần Ngã ba Quốc tế thì ảnh chỉ còn nói trọ trẹ được vài tiếng, tay huơ huơ mềm oặt: "Anh về tìm mẹ em. Đưa cho mẹ cái đồng hồ này". Tôi về gặp mẹ Được, cụ đã tám mươi mấy tuổi rồi, ôm mình mà khóc ngất, khản cổ gọi "Được ơi, Được hỡi".

Mảnh pháo cắt đứt chân, máu chảy thành dòng, nhưng đồng chí điệp báo Phương Văn Hãn (Dũng Bắc) vẫn gượng sức, nắm chặt lấy tay anh em quân y mà thều thào, năn nỉ: "Đừng truyền máu cho tôi… Tôi không qua khỏi đâu… Các đồng chí dành máu… mà cứu các anh em thương binh khác…". Rồi phút chốc, cánh tay anh rơi thõng. Câu nói ấy, con người ấy làm cho mỗi lần nhớ lại, giọt nước mắt hiếm hoi của tuổi già lại chực ứa ra nơi khóe mắt Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh.

Khu di tích lịch sử - văn hóa Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam (Tây Ninh).

15 năm chiến đấu, dù trên mặt trận vũ trang hoặc trên mặt trận thầm lặng không tiếng súng, 12 vạn chiến sĩ An ninh đã ngã xuống vì sự nghiệp cách mạng. Tôi đi tìm lời đáp cho câu hỏi bấy lâu mình trăn trở: Cái gì đã làm nên ý chí quật cường của những con người ấy? Trung tướng Võ Thái Hòa, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an trả lời tôi thật đơn giản: "Tuổi trẻ ngày ấy ra đi vì yêu nước, vì khao khát độc lập tự do, sống và chiến đấu vì lý tưởng cộng sản, nguyện "còn Đảng, còn mình".

Khu di tích lịch sử - văn hóa Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam như một lời tri ân của đồng đội đang sống dành cho những người nằm xuống và ghi dấu lịch sử hơn 50 năm oanh liệt của lực lượng CAND miền Nam. Nơi đây, đồng đội đưa các anh về yên nghỉ trong lòng đất mẹ. Nhớ lại tháng năm đi tìm mộ liệt sĩ, Đại tá Huỳnh Minh Phụng (Tư Phụng) - nguyên Phó Cục trưởng Cục Công tác - Chính trị, Tổng cục Xây dựng lực lượng - CAND bảo, đó là cuộc hành trình đầy gian nan, khổ ải. Trèo đèo, lội suối, đói khát. Chiến trường xưa nhiều thay đổi, hài cốt trôi dạt giữa rừng hoang, rong ruổi nhiều năm trời vẫn không tìm được. Thắp nén hương cho đồng đội trên Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia, đồi 82, Trung tướng Võ Thái Hòa trăn trở: "Tôi tự nhận mình làm chưa tròn trách nhiệm với các anh. Không phải đem họ về đây yên nghỉ là xong, mà chúng ta phải tự hỏi gia đình họ ở đâu, con cái họ ra sao, cuộc sống như thế nào".

2. Lặng mình bên nấm mồ nghi ngút khói hương trên Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia, đồi 82, tôi gặp cậu bạn nhỏ cùng cha mẹ đến tưởng niệm, dâng hương. Cậu bé tên là Trần Văn Tuyên, học lớp 3 trường Thạnh Tây (huyện Tân Biên). Ngồi trò chuyện, Tuyên ríu rít như chim non vòi tôi kể chuyện chú Công an đánh giặc. Càng nghe, đôi mắt cậu càng tròn xoe. "Cô ơi, hồi đó các chú Công an có giống như bây giờ không ạ?". Tôi chưa kịp trả lời thì mẹ bé đã đến đón con về. Trời đã xẩm tối. Vừa đi cậu vừa ngoái cổ lại nói với theo: "Khi nào cô nói cho con biết nghe! Mai mốt con làm Công an đó!". Tôi phì cười, bắc loa miệng: "Ừ, mai mốt cô lên thăm, cô trả lời".

Chắc chắn tôi sẽ còn trở lại mảnh đất linh thiêng này, nơi có những tượng đài sừng sững. Trở lại để thắp nén hương tri ân cho mồ các anh dưới tầng sâu không lạnh lẽo. Trở lại để thấy mình lớn lên, để không quên nhiệm vụ xây dựng Tổ quốc của tuổi trẻ hôm nay mà các anh gửi gắm. Và trở lại vì nợ câu trả lời cho cậu bé mơ ước mai mốt làm Công an…

Mai Quỳnh
.
.