Phi công Võ Sĩ Giáp: Hy sinh để cứu các em nhỏ

Thứ Ba, 08/08/2006, 08:30

Quan sát phía dưới có một trường học, đang giờ ra chơi, các em học sinh nô đùa đông đúc, Võ Sĩ Giáp đã kéo cần lái, cố gắng đưa máy bay vượt ra khỏi trường học. Chiếc MiG-21 như một quả tên lửa khổng lồ sượt qua nóc trường học, lao xuống mảnh ruộng.

Võ Sĩ Giáp là một trong hàng trăm liệt sĩ phi công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc. Anh hy sinh ngày 8/11/1972 sau một trận không chiến. Nhưng những chi tiết về trận đánh này và sự dũng cảm của anh đã tránh tai họa cho hàng trăm con người thì không phải ai cũng tường tận. Tại nơi anh ngã xuống, người dân xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) đã dựng lên một văn bia tưởng nhớ người phi công quả cảm đã quên mình vì nghĩa lớn.

Niềm hy vọng của gia đình

Võ Sĩ Giáp sinh năm 1945, là con thứ hai trong một gia đình có 8 anh chị em ở xã Xuân Viên, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Từ khi còn ở nhà, anh đã là lao động chính. Lên cấp ba, đi học xa nhưng Giáp vẫn cố gắng giúp đỡ mẹ cha khi có thể. Học hết cấp ba, anh thi đỗ vào Trường đại học Sư phạm I. Vậy là anh học trò nghèo xứ Nghệ một mình khăn gói lên đường ra thủ đô học đại học.

Suốt những năm tháng sinh viên, Giáp không hề xin tiền gia đình mà tự làm thêm kiếm tiền ăn học. Anh còn gửi tiền về nuôi các em ở nhà. Dù vừa học vừa làm, anh vẫn là một học sinh xuất sắc của trường. Sau này những người bạn của anh kể lại, Giáp đã làm thêm đủ thứ việc, kể cả vác tre nứa thuê, để có tiền ăn học và nuôi em. Lần nào về nhà anh cũng động viên các em hãy cố gắng học giỏi, sau này anh sẽ đưa ra Hà Nội học.

Võ Sĩ Giáp có người yêu là chị Bùi Thị Thắm. Chị là bác sĩ, làm việc tại khoa Tai - mũi - họng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Theo bạn bè và những người thân của Võ Sĩ Giáp thì trong một lần đi cắt amiđan tại Bệnh viện 108, Võ Sĩ Giáp đã quen chị Thắm và hai người đã yêu nhau. Võ Sĩ Giáp rất yêu người con gái quê Hải Dương ấy. Anh đã kể về người yêu rất nhiều với gia đình mình.

Chị Võ Thị Oánh, người em thứ bảy của Võ Sĩ Giáp không thể quên một kỷ niệm của chị với người anh trai. Có lần, về thăm nhà, Giáp đã đùa cô em gái 5 tuổi, rủ ra Hà Nội chơi với người yêu của anh. Chị Oánh lúc đầu không chịu, nhưng rồi đã đồng ý. Thế là chiều hôm đó anh lên đường, cô em gái nhất định đòi đi theo. Không đành lòng nhìn em khóc, Giáp đã ở lại thêm một đêm để dỗ em, hôm sau lừa lúc em còn ngủ, anh mới dậy sớm lên đường.

Chị Võ Thị Ánh, người em thứ sáu của liệt sĩ phi công Võ Sĩ Giáp nghẹn ngào kể: Mỗi lần về nhà, các em của anh đều tíu tít hỏi chuyện, nào là anh làm phi công, anh bay trên trời như thế nào? Chị Ánh hỏi anh, anh ơi anh bay trên trời anh có nhìn thấy quê mình không? Giáp nói, anh bay trên trời cái gì anh cũng nhìn thấy. Thế anh có nhìn thấy bọn em không? Anh có thấy, các em làm gì anh đều thấy hết. Vậy nên mặc dù không ở nhà nhưng các em đi đâu, làm gì anh đều biết, anh thấy em đi chăn bò, thấy em đi cắt rau cho heo... vì thế các em phải ngoan, nghe lời bố mẹ, nếu không ngoan là anh biết đấy, anh sẽ không cho ra Hà Nội nữa đâu, không cho gặp chị Thắm nữa đâu. Rồi anh lại hỏi từng người em thích làm nghề gì? Chị Ánh bảo em thích làm giáo viên. Anh Giáp nói, ừ, em làm giáo viên cũng được, nếu không thì đi làm tiếp viên hàng không.

Năm 1965, đang học năm thứ ba Đại học Sư phạm I, Võ Sĩ Giáp trúng tuyển phi công. Anh đã từ giã mái trường lên đường nhập ngũ. Sau đó, Giáp được đi đào tạo tại Trung Quốc và về công tác tại Trung đoàn Không quân 923 vào năm 1968. Năm 1970, Võ Sĩ Giáp được điều về công tác tại Trung đoàn Không quân 921 - Trung đoàn không quân đầu tiên của Quân đội ta. Chàng phi công trẻ là niềm hy vọng, tự hào của cả gia đình và quê hương.

Quên mình vì nghĩa cả

Vào đầu những năm 70 của thế kỷ XX, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang ở giai đoạn ác liệt nhất thì mặt trận trên không cũng hết sức căng thẳng và phức tạp. Đế quốc Mỹ liên tục mở các cuộc tấn công bằng Không quân, Hải quân ra miền Bắc. Nhiều cuộc đọ sức trên không đã diễn ra quyết liệt. Bộ đội Không quân có nhiệm vụ đánh địch trên không để bảo vệ các mục tiêu mặt đất, ngăn chặn các cuộc không kích từ xa, bảo vệ và tạo điều kiện cho Lực lượng Phòng không làm nhiệm vụ.--PageBreak--

Đầu năm 1972, Quân chủng Phòng không - Không quân có chủ trương đưa máy bay MiG-19 của Trung đoàn Không quân tiêm kích 925 xuất trận dưới sự yểm trợ, thu hút địch của máy bay MiG-21 của Trung đoàn Không quân 921. Ngày 8-5, được lệnh của Sở chỉ huy Binh chủng, Trung đoàn 921 đã cho Biên đội 2 chiếc MiG -21 gồm phi công Phạm Phú Thái - Biên đội trưởng, chỉ huy trận đánh, phi công Võ Sĩ Giáp bay số 2 xuất kích làm nhiệm vụ thu hút hỏa lực không quân tiêm kích địch để Trung đoàn Không quân 925 đánh chặn, tiêu diệt khi chúng bay vào đánh phá Thủy điện Thác Bà.

Biên đội bay lên vùng trời Nghĩa Lộ, Tuyên Quang ở độ cao 7.000m, sớm bộc lộ mình để địch “phát hiện”. Quả nhiên, rất nhiều tiêm kích của địch đã hướng tầm quan sát về phía họ, bỏ xa các tốp ném bom. Kế hoạch đã được thực hiện thành công, Biên đội 4 chiếc MiG-19 của Trung đoàn 925 đã xuất kích đánh chặn và bắn rơi 2 máy bay ném bom F4 của địch khiến đội hình của chúng bị vỡ, các chiếc khác bỏ chạy tán loạn khỏi vùng trời Yên Bái không kịp thả bom.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Biên đội Thái - Giáp nhanh chóng thoát ly nhưng địch vẫn bám riết phía sau. Phi công Phạm Phú Thái đã về hạ cánh an toàn, còn máy bay của Võ Sĩ Giáp bị trúng tên lửa của địch. Sở Chỉ huy và Biên đội trưởng cho phép nhảy dù để bảo vệ tính mạng, nhưng nhìn xuống phía dưới là khu vực thành phố Việt Trì, có rất nhiều nhà máy xí nghiệp, khu dân cư đông đúc, nếu nhảy dù, để máy bay rơi sẽ mất an toàn cho mặt đất, Võ Sĩ Giáp đã quyết định điều khiển máy bay ra khỏi khu công nghiệp Việt Trì. Anh tiếp tục cố gắng lái chiếc máy bay bị thương về khu vực huyện Vĩnh Tường.

Khi máy bay hạ thấp độ cao, phía dưới là một cánh đồng. Sở chỉ huy tiếp tục yêu cầu nhảy dù, nhưng quan sát phía dưới có nhiều làng mạc, đặc biệt, Giáp phát hiện một trường học, đang giờ ra chơi, các em học sinh nô đùa đông đúc, thấy máy bay đến, các em đã chạy cả ra sân trường đứng xem. Lo lắng việc nhảy dù sẽ khiến cho máy bay rơi thẳng vào trường học, Võ Sĩ Giáp đã có một hành động khiến anh đã trở thành bất tử. Anh đã kéo cần lái, cố gắng đưa máy bay vượt ra khỏi trường học.

Chiếc MiG-21 như một quả tên lửa khổng lồ sượt qua nóc trường học, lao xuống mảnh ruộng ngay bên cạnh trường. Máy bay bị vỡ tung thành nhiều mảnh, Võ Sĩ Giáp bị thương nặng. Nhân dân địa phương đã kịp thời có mặt và cấp cứu cho anh. Khi tỉnh lại lần thứ hai, Võ Sĩ Giáp còn thều thào hỏi: “Các cháu học sinh có việc gì không?”. Ngay sau đó, Giáp được đưa về Bệnh viện Quân đội 108 chữa trị nhưng vì chấn thương quá nặng, 3 ngày sau (11/5/1972) anh đã hy sinh tại chính nơi người yêu mình làm việc khi vừa tròn 27 tuổi.

Cho em chùm khế ngọt này...

Võ Sĩ Giáp và chị Bùi Thị Thắm dự định cuối năm 1972 sẽ làm lễ cưới. Giữa năm đó anh về thăm nhà. Trong thời gian ở nhà, anh đã xin ở gia đình người bạn một đoạn rễ của cây khế ngọt trên đó có một mầm cây nhỏ về trồng nơi đầu hồi. Anh nói với mẹ và các em, con trồng cây khế này, khi nào mẹ và các em ăn quả thì lại nhớ đến con. Không ai nghĩ rằng đó cũng là lần cuối cùng anh về thăm người thân nơi chôn rau cắt rốn. Sau lần ấy, Võ Sĩ Giáp đã đi mãi mãi.

Chờ mãi không thấy tin tức gì của con, bố anh đã viết một bức thư gửi ra Quân chủng Phòng không - Không quân, ông nói rằng nếu con tôi còn sống thì đơn vị cũng thông báo, còn nếu đã mất thì cũng thông báo cho gia đình biết, đằng nào cũng một nỗi đau, các anh đừng giấu gia đình tôi làm gì. Mấy tháng sau, giấy báo tử được đưa về, bố anh đã lặng lẽ một mình nén nỗi đau, không cho mẹ anh biết. Cả nhà lặng lẽ u buồn. Nhưng rồi mẹ anh cũng biết.

Cuối năm đó, gia đình Võ Sĩ Giáp nhận được bức thư đẫm nước mắt của chị Thắm, người yêu anh Giáp. Chị nói với gia đình anh rằng, anh Giáp đã đi xa rồi, bố mẹ đừng chờ nữa, anh ấy không về nữa đâu. Lúc đó nỗi đau mới vỡ oà, bố mẹ anh đều ngất, cả nhà chìm trong nước mắt. Mấy chị em dúm dụm thì thầm gọi tên anh, không ai dám nói to. Chị Thắm cũng xin với gia đình rằng, bố mẹ hãy cho con được làm con của gia đình.--PageBreak--

Mấy chị em của anh Giáp khi đó đã khóc hết nước mắt, nghe anh kể về chị Thắm lâu nay, mặc dầu chưa một lần gặp chị nhưng các em đã coi chị như người thân nên nghe chị nói vậy thì mừng lắm. Dù anh mất nhưng cũng còn người chị, người mà anh rất mực yêu thương. Nhưng bố của họ bảo, các con không được mừng, anh đã mất rồi phải để cho chị đi lấy chồng, để chị tìm hạnh phúc mới, các con không được làm chị bận lòng. Mất anh, bố cũng buồn lắm, nhưng không vì thế mà để chị khổ. Dù anh chị có lấy nhau chăng nữa thì cũng không được giữ chị. Ông đã viết thư nói với người yêu của con trai mình như vậy.

Đến nay, cây khế do Võ Sĩ Giáp trồng cũng đã hơn ba mươi năm. Nó đã quá già, trong một trận bão cây khế mẹ đã bị đổ. Nhưng từ gốc của nó đã mọc lên mầm lộc mới, mầm lộc ấy giờ đây cũng đã thành cây to. Hàng năm, cây khế vẫn cho những chùm quả ngọt. Gia đình anh còn một người em trai nữa là Võ Sĩ Lý hy sinh tại nước Nga và cũng là liệt sĩ. Ngôi nhà xưa giờ chỉ còn người mẹ già và cô em dâu, vợ của liệt sĩ ấy sinh sống. Cây khế ngọt vẫn bên trái nhà, dù người trồng nó đã đi xa. Thật trùng lặp, mỗi năm vào ngày giỗ anh Giáp cũng là mùa quả ngọt. Vào ngày Võ Sĩ Giáp hy sinh, mẹ và các em vẫn đặt lên bàn thờ anh những trái khế của lòng thơm thảo.

Nằm giữa lòng dân

Ông Kim Văn Ty - năm 1972 làm Trạm phó Trạm Y tế xã Thượng Trưng - là người có mặt đầu tiên khi máy bay lao xuống ruộng, nay là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Thượng Trưng. Năm nay đã 64 tuổi nhưng ông vẫn nhớ rất rõ sự việc này.

Mẹ của liệt sĩ Võ Sĩ Giáp tại Bia Tưởng niệm.

Ông Ty cho biết: “Ngày ấy tôi đang trực tại trạm y tế xã thì nghe tiếng máy bay rít rất nặng, vội chạy ra xem thì thấy chiếc máy bay lao xuống cách trạm khoảng 500 mét. Tôi cùng một y tá chạy ra hiện trường, nhận thấy đây là máy bay ta nên đã nhanh chóng cứu phi công. Tôi dùng dao găm mang trong người cắt dây bảo hiểm để lôi anh ấy ra, tiêm cho anh một mũi hồi sức. Ngay sau đó bà con nhân dân cùng kéo tới đông đúc và đưa anh về trạm y tế cấp cứu.

Lứa học sinh học tại trường năm 1972 nay đều đã ở tuổi trên dưới bốn mươi, mỗi người giữ một cương vị khác nhau trong xã hội, có người thì đi xa, có người vẫn gắn bó với quê hương.

Chị Lê Thị Chuyện - một học sinh lớp ba ngày ấy nay là Trưởng ban Văn hóa xã hội của xã kể lại: Lúc đó chị đang ngồi trong lớp, nghe tiếng máy bay rú ngay trên đỉnh đầu, chạy ra thì đã thấy một mảnh máy bay rơi ngay cạnh lớp học. Đúng lúc đó thì bác Phạm Văn Thanh - làm việc trong Ban chấp hành Hội người cao tuổi xã đến và nói: "Nhân dân chúng tôi rất mong muốn Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng cho anh Giáp để tôn vinh chiến công của anh trong đó có hành động dũng cảm này”.

Năm 2006, 34 năm sau ngày Võ Sĩ Giáp hy sinh, được sự nhất trí của Bộ Văn hóa - Thông tin, UBND Tỉnh Vĩnh Phúc, huyện Vĩnh Tường và các cơ quan chức năng, Quân chủng Phòng không - Không quân cùng với nhân dân xã Thượng Trưng đã triển khai xây dựng công trình Bia tưởng niệm liệt sĩ, phi công Võ Sĩ Giáp tại nơi anh hy sinh.

Những người bạn thân của anh, những người bạn học cùng khóa đào tạo phi công với anh như Trung tướng, Anh hùng phi công Phạm Tuân, Trung tướng Hán Vĩnh Tưởng; Thiếu tướng Phương Minh Hòa; Thiếu tướng Phạm Phú Thái đều có mặt.

Phi công Phạm Phú Thái - người Biên đội trưởng chỉ huy trận đánh năm xưa nay là Phó Tư  lệnh thứ nhất, Quân chủng Phòng không - Không quân, cho biết: “Hành động của Võ Sĩ Giáp là một hành động quả cảm thể hiện sự dũng cảm quên mình của phi công Việt Nam, sẵn sàng nhận hy sinh về mình vì nhiệm vụ. Ngày ấy chúng tôi xác định mỗi lần xuất kích như một lần cảm tử, và hành động của Giáp đã chứng tỏ điều đó...”.

Trong lễ khánh thành Bia tưởng niệm, Quân chủng Phòng không - Không quân đã mời bà Lê Thị Tính, mẹ của liệt sĩ, năm nay đã 85 tuổi, từ Hà Tĩnh ra dự. 34 năm qua, đây là lần đầu tiên bà được tận mắt thấy nơi con trai mình đã hy sinh. Mắt bà rưng rưng, bàn tay gầy guộc lần từng hàng chữ trên bia đá mang tên Võ Sĩ Giáp. Trên sóng lúa rập rờn, bên trường học thân yêu, nơi có các em học sinh đang học tập, Bia tưởng niệm nổi lên như một điểm nhấn tô điểm cho bức tranh làng quê. Giữa cánh đồng Thượng Trưng hôm nay, chiến công anh đã được khắc ghi

Nguyễn Xuân Thủy
.
.