PC14 - Công an tỉnh Thanh Hóa: Bí quyết để giữ vững danh hiệu

Chủ Nhật, 10/05/2009, 09:30
Chính nhờ sự cố gắng vượt bậc nên PC14 - Công an tỉnh Thanh Hóa luôn là đơn vị dẫn đầu trong các phong trào thi đua của Công an tỉnh. Từ năm 1992 đến nay, PC14 liên tục đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng. Năm 2000, đơn vị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân…

Một ngày giữa tháng tư êm ả, tôi có dịp chuyện trò lâu với Thượng tá Lê Trọng Dinh, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC14), Công an tỉnh Thanh Hóa. Biết anh hơn chục năm về trước qua những vụ án đơn vị anh làm được ghi dấu ấn cho thành tích chung của Công an Thanh Hóa, nhưng lần nào gặp cũng vội, chưa đủ cạn chén trà anh lại ngượng nghịu nhìn đồng hồ bởi rất nhiều việc đang cần đồng chí Trưởng phòng phải giải quyết.

Còn lần này, tạm ngưng khỏi hồ sơ, tài liệu, án từ… anh trở về với con người thường nhật, sôi nổi và sâu lắng. Làm Trưởng phòng ở cái tỉnh đất rộng, người đông, thường xuyên có khoảng 3.000 đến 4.000 đối tượng hình sự hoạt động, để mọi việc xuôi chèo mát mái quả thật không dễ dàng. Chính vì vậy, người thủ lĩnh ở đơn vị mũi nhọn này, luôn phải vững tay chèo trong những tình huống khó khăn...    

…Cho đến tận bây giờ, nhiều người dân ở thành phố Thanh Hóa vẫn chưa quên được vụ đọ súng kinh hoàng trên các tuyến phố Lê Hoàn, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Mộng Tuân đêm 30/6/2008. Nhiều nhà dân lúc đó đã đóng cửa đi ngủ, chỉ lác đác vài quán ăn sáng đèn. Bỗng có tiếng xe máy gầm rú ầm ầm, rồi một loạt tiếng nổ lớn phát ra khiến người dân ở khu vực phố Lê Hoàn, trước cửa Trường THCS Trần Mai Ninh và khu vực cầu Sâng bàng hoàng thức giấc.

Sau trận hỗn chiến ấy, Phạm Đức Tuyên, 27 tuổi trú tại phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa thiệt mạng, 4 thanh niên khác bị thương nặng. Vụ án đã làm nhiều người dân trên địa bàn TP Thanh Hóa hoang mang, lo lắng. Nhiều người buổi tối không dám ra đường vì sợ những viên đạn "lạc" sẽ bay vào mình. Dư luận quần chúng nhân dân đòi hỏi các cơ quan chức năng phải nhanh chóng vào cuộc, truy tìm thủ phạm gây ra vụ án.

Xác định đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng, do các nhóm tội phạm lưu manh côn đồ sử dụng vũ khí nóng trả thù, uy hiếp nhau, lãnh đạo Công an tỉnh Thanh Hóa đã xác lập Chuyên án đặc biệt do Thiếu tướng Đồng Đại Lộc, Giám đốc Công an tỉnh trực tiếp chỉ huy; Đại tá Trịnh Xuyên, Phó giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT làm Trưởng ban; Thượng tá Lê Trọng Dinh làm Phó ban thường trực. PC14 được giao trách nhiệm chủ công trong việc phá án.

Khó khăn chồng chất bởi vụ án xảy ra vào ban đêm, không có nhân chứng, bản thân các bị hại không khai báo, thậm chí còn lẩn tránh Cơ quan công an. Phải bắt đầu từ đâu là câu hỏi lớn đặt ra với Ban Chuyên án. Bản thân các bị hại đã từng là những đối tượng hình sự, sợ "chạm mặt" công an. Chính vì vậy, việc đầu tiên là phải tìm cách động viên bị hại khai báo.

Để làm được việc này, các trinh sát gần như phải trở thành người nhà của các nạn nhân, hàng ngày đến viện chăm sóc, quan tâm, đưa đón họ. Anh em còn bỏ tiền túi để mua những vật dụng cho bị hại mỗi khi họ cần. Một tháng sau, từ lời khai của bị hại và các nguồn tin trinh sát, Ban Chuyên án đã có đủ chứng cứ để phá án, bắt 6 đối tượng trong băng nhóm tội phạm do tên Lê Khắc Cường (tức Cường Trưởng), 27 tuổi ở khu Đông Bắc Ga, phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa cầm đầu, thu 2 khẩu súng và nhiều hung khí như côn sắt, dao, kiếm, lê... cùng một số giấy tờ, tài liệu có liên quan.

Từ việc bắt được băng nhóm tội phạm này, các anh đã mở rộng điều tra thêm 10 vụ án, khởi tố, bắt tạm giam trên 20 đối tượng trong các băng nhóm tội phạm khác về các tội: giết người, cố ý gây thương tích... xóa bỏ nhiều băng nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức, sử dụng vũ khí nóng trên địa bàn TP Thanh Hóa.

Một thành tích nổi bật khác của đơn vị là công tác đấu tranh triệt xóa các ổ cờ bạc. Có một thời gian, các sới bạc và các thủ đoạn bảo kê cho cờ bạc ở Thanh Hóa hoạt động rất phức tạp. Các đối tượng thường họat động ở nhiều địa điểm hẻo lánh cách xa nhau. Bọn chúng sử dụng những phương tiện liên lạc hiện đại. Thậm chí, chúng theo dõi cả hoạt động của Cơ quan điều tra để đối phó. Khi có mâu thuẫn về tranh giành "sân chơi", khách hàng, chúng sẵn sàng dùng mã tấu, dao, kiếm để tổ chức tấn công, thanh toán lẫn nhau.

Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo PC14 thành lập Đội công tác đặc biệt, do Thượng tá Nguyễn Hoành Du, Phó trưởng phòng trực tiếp phụ trách. Theo đó, Đội đã dựng tất cả các ổ nhóm tội phạm cụ thể tới từng đối tượng đánh bạc, tổ chức đánh bạc, bảo kê, đối tượng làm "tín dụng" cho vay nặng lãi…

Để làm được chừng ấy công việc, suốt mấy tháng trời anh em không có thời gian nghỉ. Hôm nào cũng vậy, giờ làm việc của các anh bắt đầu từ 2-3h sáng, khi các sới bạc hoạt động và kết thúc vào nửa đêm hôm sau. Nhiều hôm, các anh phải tranh thủ ngủ "giữa giờ" tại bờ ruộng hoặc bụi cây.

Sau khi có đầy đủ tài liệu trong tay, đơn vị lần lượt bóc gỡ hơn 30 sới bạc, triệt phá hoàn toàn hoạt động cờ bạc có tổ chức trên địa bàn. Điển hình là việc triệt phá sới bạc liên tỉnh do Cao Duy Cương (Cương đầu to) cầm đầu.

Ổ nhóm này hoạt động trên một địa bàn rộng với khoảng 10 điểm khác nhau; mỗi ngày chúng chỉ sát phạt đúng hai giờ đồng hồ, sau đó giải tán rất nhanh. Trước khi đánh, tên cầm đầu điện thoại thông báo địa điểm, cách thức đi lại cho các con bạc và bố trí tới 6 chặng canh gác để đề phòng. Không chỉ thế, chúng còn bố trí một lực lượng chuyên theo dõi các hoạt động của Cơ quan điều tra.

Lần ấy, anh em trinh sát biết sới bạc tổ chức tại bãi bồi, thuộc khu sinh thái ở xã Quảng Cư, thị xã Sầm Sơn. Đây là một khu vực rất khó tiếp cận bởi bãi bồi nằm sát biển, rất dễ quan sát di biến động từ rất xa. Để vào được bãi chỉ có 1 phương tiện duy nhất là đi bằng thuyền.

Hôm phá án, các cán bộ, chiến sĩ của Đội công tác đặc biệt vẫn họp tại đơn vị như bình thường. Tuy nhiên, chỉ mấy phút sau, từng người được chỉ định thay quần áo theo yêu cầu rồi lên đường. Chỉ có 3 trong số 20 cán bộ, chiến sĩ của Đội được biết trước kế hoạch.

Đúng thời điểm định sẵn, một mũi trinh sát đã nhanh chóng bắt các đối tượng canh gác rồi bố trí lực lượng mai phục. Cùng lúc đó, từ phía biển, một chiếc thuyền đánh cá cũng nhanh chóng táp vào bờ. Các "ngư dân" từ thuyền lao lên, khống chế, bắt gọn các đối tượng.

Bị bất ngờ, các con bạc chống trả quyết liệt hòng bỏ trốn nhưng cuối cùng, 18 đối tượng cả nam lẫn nữ đã phải cho tay vào còng. Trận đánh ấy, đơn vị thu được 5 xe ôtô, xe máy, 16 điện thoại di động, gần 70 triệu đồng tiền mặt cùng nhiều dụng cụ dùng để đánh bạc như bát, đĩa, con xóc...

Thượng tá Lê Trọng Dinh nhỏ nhẹ: "Mỗi khi làm án, chúng tôi luôn có niềm tin rằng mình chắc chắn sẽ làm được. Niềm tin này đã giúp chúng tôi vượt qua mọi khó khăn để giành thắng lợi.

Đơn cử như việc khám phá vụ án Lê Khắc Cường dùng vũ khí quân dụng giết người, lúc đầu, đối diện với nhiều khó khăn, đối tượng cực kỳ lưu manh, có nhiều thủ đoạn để tạo chứng cứ ngoại phạm nên nhiều người cho rằng không thể điều tra ra. Nhưng thực tế chúng tôi đã phá án thành công.

Hoặc có những chuyên đề rất mới đối với anh em trong đơn vị như việc "đánh" các tổ chức hoạt động cờ bạc công nghệ cao. Đa số anh em trong đơn vị chưa hiểu sâu về máy tính. Chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư cho một số anh em đi nghiên cứu kỹ tin học trong lĩnh vực cá độ, tìm hiểu thủ đoạn của các đối tượng. Sau khi chuẩn bị kỹ lưỡng, chúng tôi mới "đánh".

Chuyên án đánh sập đường dây cá độ quốc tế do Phạm Thị Thắm (Thắm Cường) là một ví dụ. Đây là đường dây cờ bạc cực kỳ tinh vi, dữ liệu cá độ đều được các đối tượng lưu giữ ở máy tính riêng, được mã hóa để tránh bị phát hiện. Các đối tượng đều tổ chức nhận fax, chuyển bảng kê ở trên tầng 3-4 với thiết kế hệ thống cửa chắc chắn. Ngoài cửa gỗ thông thường, chúng còn có cửa kính thủy lực, cửa cuốn và hệ thống khóa hiện đại. Bên cạnh đó, các đối tượng còn trang bị hệ thống camera, có thể theo dõi bất cứ di biến động nào từ rất xa. Vậy mà khi ra quân, chúng tôi vẫn bắt gọn 3 đối tượng cầm đầu, thu gần 500 triệu đồng tiền mặt, hàng chục máy tính, máy fax, điện thoại và 45 bảng đề, tích kê bóng đá với số tiền lên tới gần 15 tỉ đồng".

Chính nhờ sự cố gắng vượt bậc nên PC14 - Công an tỉnh Thanh Hóa luôn là đơn vị dẫn đầu trong các phong trào thi đua của Công an tỉnh. Từ năm 1992 đến nay, PC14 liên tục đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng. Năm 2000, đơn vị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân…

Không thể kể hết những thành tích mà đơn vị đạt được, chỉ biết rằng đằng sau những bằng khen, giấy khen ấy đã chứa đựng biết bao công sức, trí tuệ, sự cực nhọc, hiểm nguy mà những người lính điều tra hình sự phải trải qua.

Cũng đã có lần tôi hỏi bí quyết đằng sau những chiến công, anh Dinh nói giản dị rằng: Cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị luôn đoàn kết một lòng là bí quyết lớn nhất, tiếp đó niềm tin là bí quyết thứ hai.

Nhìn Thượng tá Lê Trọng Dinh trầm ngâm trong ánh nắng chiều đầu hạ, tôi hiểu rằng, các anh đã phải hy sinh rất nhiều nỗi riêng tư. Nhà chỉ cách đơn vị có vài cây số nhưng nhiều khi mấy ngày chẳng về được lần nào. Phải chăng, đó cũng là bí quyết để làm nên chiến thắng?

Phương Thủy
.
.