Ông Bùi Đức Minh - một trong những cán bộ lãnh đạo đầu tiên của lực lượng Công an VN

Thứ Tư, 16/11/2005, 09:19

Trong "Hồi ký cách mạng" của mình, cụ Hoàng Quốc Việt, từng làm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, có nói về ông giáo Bùi Đức Minh, người có công lớn trong việc đưa nhiều cán bộ của Đảng ta sang Trung Quốc học tập rồi lại đưa về lãnh đạo phong trào cách mạng trong nước.

Dựa theo tiểu sử, ông tên thật là Bùi Văn Hách, tức Bùi Đức Minh, sinh năm 1900 tại thôn Hòa Loan, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Ông vốn dạy học nên mọi người thường gọi là ông giáo Hách. Ông lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, nhân dân ta phải chịu bao cảnh cơ cực lầm than, lại chịu ảnh hưởng các phong trào yêu nước của cụ Phan Bội Châu, cụ Phan Chu Trinh nên ông sớm có lòng yêu nước thương nòi, rồi đi theo Việt Nam Quốc dân đảng yêu nước của Nguyễn Thái Học chống thực dân Pháp từ những năm 1928-1930.

Thời gian ấy thực dân Pháp khủng bố gắt gao. Nhưng những chiến sĩ cách mạng vẫn nương tựa vào nhau để hoạt động. Ông quen chị Nguyễn Thị Thảo đang cùng cô Giang (vợ Nguyễn Thái Học), cô Bắc mở tiệm vàng ở phố Hàng Da để che mắt giặc, còn bên trong là chỗ hội họp bí mật của Đảng.

Sau khi Nguyễn Thái Học thất bại, cô Thảo cùng nhiều đồng chí đã bị bắt giam vì Pháp tình nghi. Nhưng do không có chứng cứ cụ thể nên địch buộc phải thả cô Thảo ra. Trước tình thế đó, ông giáo Minh đã đưa cô Thảo về Nho Quan sinh sống để tránh con mắt cú vọ của thực dân Pháp. Từ lâu, ông giáo Minh đã đem lòng yêu thương và cảm mến cô Thảo vì cô là một phụ nữ xinh đẹp lại dũng cảm trong đấu tranh cách mạng, hợp với tính cách của ông.

Hai ông bà hoạt động và sống hạnh phúc bên nhau chẳng được mấy lúc thì bọn Pháp đánh hơi thấy lại ráo riết lùng bắt ông. Trước tình hình đó, ông không thể ở lại. Theo yêu cầu của cách mạng, ông tạm lánh sang Vân Nam, Trung Quốc.

Lúc chia tay, ông giáo Minh dặn dò vợ:

- Chuyến này anh phải đi xa lắm, chẳng biết bao giờ về. Mình ở nhà phải lo liệu hết mọi việc. Đừng nên chờ đợi anh làm gì. Gặp được người tốt, mình cứ dựa vào người ta mà nuôi con và hoạt động cách mạng.

Sau đó, ông học Trường Võ bị Vân Nam, được giác ngộ lý tưởng Cộng sản. Rồi ông được cử về nước hoạt động. Ông gây cơ sở Đảng ở Nhà máy Sợi Nam Định, Sở Lục lộ Nam Định và nhiều vùng ở đó.

Năm 1937-1938, ông Minh tham gia Xứ ủy Bắc Kỳ phụ trách tỉnh Thái Bình. Đầu năm 1939, ông lại được cử đi hoạt động vùng Hòn Gai, Uông Bí trong phong trào công nhân, "ba cùng" với anh em thợ thuyền. Ông từng làm phu đường, thợ đội than. Ông luôn gần gũi công nhân nên đã tạo được những cơ sở Đảng vững mạnh.

Đảng tin cậy đã giao cho ông đặt đường dây liên lạc giao thông của Đảng từ Việt Nam sang Trung Quốc, và ngược lại. Ông từng đưa các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp... sang Côn Minh, Trung Quốc rồi đi gặp Bác Hồ vào năm 1939 và đưa nhiều đồng chí lãnh đạo khác từ Trung Quốc về nước hoặc từ trong nước sang Trung Quốc học tập. Những con đường bí mật đó phải đi qua sự kiểm soát ngặt nghèo của chính quyền Tưởng Giới Thạch, bọn thổ phỉ và mật thám Pháp. Nhưng nhờ có kinh nghiệm hóa trang rất tài giỏi, lại được nhân dân ủng hộ nên ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Tháng 1/1941, ông bị thực dân Pháp bắt. Biết ông là một nhân vật quan trọng, thực dân Pháp thi hành chính sách mua chuộc rất thâm độc. Không thể mua chuộc được bọn chúng đã tra tấn ông hết sức dã man, tàn bạo hòng moi mọi bí mật của tổ chức Đảng, nhưng với ý chí ngoan cường và lòng trung thành tuyệt đối, ông giáo Minh đã vượt qua mọi thử thách để bảo vệ con đường bí mật cùng các cơ sở của Đảng. Không có cách gì moi được bí mật ở ông, thực dân Pháp đành hậm hực đày ông lên Căng Bắc Mê.

Suốt mấy năm trời, bà Thảo cùng các con đã mất hẳn liên lạc với ông, bà nhớ lời ông dặn dò lúc chia tay nên đã làm bạn với một đồng chí cộng sản mới ra tù nhờ phong trào đấu tranh đòi thả tù chính trị của Mặt trận Dân chủ. Đó là ông Tưởng Dân Bảo, người sau này có công tổ chức đoàn tàu thuyền ra Côn Đảo kịp đưa hàng ngàn chiến sĩ cách mạng về đất liền tham gia lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong đó có đồng chí Lê Duẩn, Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh, Lê Văn Lương v.v...

Còn ông giáo Minh về sau cũng đã xây dựng gia đình với bà Nguyễn Thị Thiêm, con gái một chánh tổng yêu nước. Gia đình bà là cơ sở của đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt... Bà Thiêm tham gia cách mạng từ năm 1936, vào Đảng năm 1939 và bị Pháp bắt bỏ tù. Khi đó bà mới sinh con gái đầu lòng Bùi Minh Các. Các giống cha từ hình dáng tới tính tình, lớn lên cũng trung thực, thẳng thắn và cũng không kém phần hài hước.

Bà Thiêm mang con gái vào tù cùng bà Hoàng Thị Ái và bà Minh Thái (vợ ông Võ Nguyên Giáp, em bà Minh Khai). Ở trong tù khổ cực, bà Thiêm thiếu sữa cho con bú. Các khóc vì đói sữa. Thương cháu bé, bà Hoàng Thị Ái phải bế cháu bé cho bú vú không của mình. Lúc ấy chị em trong tù rất thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, nhường cơm sẻ áo cho nhau.

Khi hai mẹ con được ra tù vì không có chứng cứ gì, bà Thiêm lại liên hệ với Đảng. Đồng chí Trường Chinh dặn dò bà lên thăm ông giáo Minh và bí mật truyền đạt chỉ thị của Đảng phải tìm mọi cách vượt ngục cùng các đồng chí ra ngoài tiếp tục hoạt động vì phong trào đang rất cần cán bộ nòng cốt. Được chỉ thị của Đảng, ông Minh cùng 7 đồng chí đã vượt ngục. Ông được cử về công tác ở Hà Đông và nối lại đường dây liên lạc ra nước ngoài.--PageBreak--

Cách mạng Tháng Tám thành công, ông được cử công tác ở ngành Công an phụ trách chính trị và là người có công đầu tổ chức ngành An ninh cách mạng non trẻ của ta, phá tan những âm mưu đen tối của thù trong giặc ngoài. Công việc rất nhiều, lực lượng ta lại mỏng. Mỗi khi có việc hệ trọng cần cân nhắc cẩn thận, nét mặt ông biểu lộ sự tập trung cao độ vầng trán rộng với đôi mắt sáng trầm tư. Ông thường đi đi lại lại trong phòng, hai tay không ngừng đan vào nhau như đang suy tính về từng chi tiết nhỏ của cuộc đấu trí, đấu lực giữa ta và kẻ thù thâm độc xảo quyệt.

Như trong vụ án tại nhà số 7 Ôn Như Hầu, nay là Nguyễn Gia Thiều, và 80 Quán Thánh, bọn phản động đã bắt, giết hại nhiều cán bộ và nhân dân. Bọn chúng núp dưới danh nghĩa đại biểu của dân, có chân trong chính quyền mới. Vậy làm sao lật được bộ mặt phản động của chúng? Ông Minh đã góp phần chỉ đạo sát sao. Nhờ có nhiều kinh nghiệm hoạt động bí mật, thần tốc, công an ta đã lọt vào sào huyệt địch, khiến chúng không kịp trở tay. Ta đã tiến hành khám xét hang ổ của chúng.

Thực dân Pháp đã ủng hộ bọn phản động bằng cách đưa xe tăng đến uy hiếp hòng can thiệp. Bọn chúng đã câu kết với nhau âm mưu lật đổ chính quyền non trẻ của ta. Các chiến sĩ công an đã bắt được tài liệu mật của chúng: “Kế hoạch đảo chính Chính phủ Hồ Chí Minh” do Dương Tử Anh viết. Trong đó chúng dự định khi quân Pháp diễu hành nhân dịp 14/7/1946, bọn Quốc dân đảng ném lựu đạn để đổ lỗi cho ta không đủ sức giữ gìn an ninh trật tự chống lại quân Đồng minh và nhân đó Pháp sẽ bắt giữ các cán bộ lãnh đạo của chính quyền cách mạng. Chúng sẽ đảo chính lập chính phủ Quốc dân đảng Việt Nam. Tại nước Pháp, chúng sẽ bắt giữ Hồ Chủ tịch cùng phái đoàn Chính phủ ta đang sang họp ở bên đó.

Nhưng ngày 12/7/1946, công an ta tấn công chớp nhoáng, thu đủ hồ sơ tội ác của bọn phản động như dụng cụ tra tấn, máy in tiền giả, thuốc mê, lại còn đào được xác của 6 người bị chúng giết chôn ngay tại vườn. Ta đã thả những người bị chúng bắt giam trái phép chưa kịp thủ tiêu.

Nhờ phá tan âm mưu đen tối của giặc Pháp câu kết với bọn phản động Quốc dân đảng, bắt hàng trăm tên phản cách mạng, có những tên trùm như Phan Kích Nam, Nghiêm Kế Tổ, nên bọn chúng phải cúi đầu nhận tội.

Hà Nội trở lại yên bình, nhân dân làm ăn ổn định. Chính phủ và nhân dân ta rất hoan nghênh chiến công của ngành Công an, đã biểu lộ rõ sức mạnh và uy tín của chính quyền mới, nhân dân tin tưởng ở chế độ do Hồ Chủ tịch đứng đầu.

Khi biết bọn thực dân Pháp quyết tâm cướp nước ta một lần nữa, chúng liên tiếp gây sự ở khắp nơi như nổ súng vào doanh trại quân đội ta ở Hàng Bài, giết chết chiến sĩ Nguyễn Văn Ẩm khi đang làm nhiệm vụ, rồi khiêu khích ở Hải Phòng... Hồ Chủ tịch và các đồng chí lãnh đạo đã bí mật cử ông Minh và một số đồng chí khác lên ngay Việt Bắc chuẩn bị địa điểm Thủ đô kháng chiến cùng cơ sở vật chất khác như muối, gạo, giấy, nhà máy in, sản xuất vũ khí...

Cuộc kháng chiến bùng nổ, Lực lượng Công an xung phong Hà Nội đã chiến đấu hết sức dũng cảm để bảo vệ Sở. Là một cán bộ ngành Công an có nhiều kinh nghiệm, khi đó ông Minh được Đảng phân công làm Giám đốc Công an Liên khu 10 sau là Liên khu Việt Bắc. Ông có công đầu trong việc xây dựng ngành An ninh... Nhờ mật báo của một thanh niên tiến bộ Pháp cho Công an ta, anh tên là Anbe mà Chính phủ ta không bị chúng chụp gọn khi nhảy dù xuống Việt Bắc. Ông Minh đã xây dựng và củng cố các ty Công an còn rất non trẻ của ta ngày một trưởng thành.

Năm 1949, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập. Biên giới khai thông với Trung Quốc và phe xã hội chủ nghĩa. Ông Minh lại được Đảng cử sang công tác tại ngành Ngoại giao, thiết lập biện sự xứ ở Côn Minh để lập con đường huyết mạnh. Vì có kinh nghiệm hoạt động ở Trung Quốc nên ông hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên.

Trở về nước, ông lại được cử về ngành Công an. Ông cùng đồng đội lao vào công việc dẹp các thế lực phản động và bọn Quốc dân đảng.

Hòa bình lập lại, Bộ Công an có một Bộ trưởng, và bên dưới có 3 Cục trưởng. Ông giáo Minh khi ấy được cử làm Cục trưởng Cục Lao Cải, một cơ quan mới có trách nhiệm rất nặng nề. Vì khi ấy thực dân Pháp rút khỏi nước ta, chúng để lại cả bộ máy của chính quyền cũ. Ông giáo Minh nói với anh em rằng, ta phải làm sao thu phục được lòng người, cảm hóa họ đi theo chính quyền mới chứ không phải cứ đẩy họ vào tù là xong. Bởi vậy, đối với bộ phận lưu dung làm sao để họ yên tâm làm việc, cô lập những phần tử chống đối, phản động, gây rối. Ông nói: Có thể về nhận thức họ chưa hiểu biết như ta, nhưng về mặt con người ta phải tôn trọng nhân cách của họ. Vì vậy, họ nể ông, lắng nghe ông nói điều hay lẽ phải. Có thể khẳng định, công tác ông phụ trách trước Đảng, Chính phủ đã đạt được những thành tích khả quan.

Mấy chục năm trời hoạt động liên tục, say sưa quên mình, lại bị giặc bắt tra tấn dã man nên sức khỏe của ông bị giảm sút. Quan tâm đến ông, Nhà nước đã cử ông sang phụ trách Biện sự xứ ở Côn Minh để vừa chữa bệnh, vừa công tác. Ông làm việc đến hơi thở cuối cùng chưa kịp có ngày nghỉ ngơi trọn vẹn. Suốt cả cuộc đời, ông sống giản dị, mẫu mực; luôn gần gũi thương yêu anh em đồng chí. Ở Trung Quốc trong balô cá nhân, ông chỉ có một tấm áo khoác duy nhất bằng dạ. Nhưng có đồng chí thiếu thốn hơn, ông đã đem cho. Anh em được ông chỉ dẫn tận tình và thẳng thắn nên họ thường gọi ông là “già Minh”. Họ nói với nhau: Điều quý nhất ở ông chính là tình người với anh em, đồng chí, đồng bào.

Ông mất năm  1963. Lễ tang ông được anh em, bè bạn, đồng nghiệp tới viếng rất đông.

Ông Nguyễn Tài, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, một nhà hoạt động tình báo xuất sắc của Lực lượng  Công an, đã nói: "Nhờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà mình học tập về quân sự, và cụ giáo Minh là người đầu tiên dẫn dắt mình vào nghiệp vụ công an".

Ông có ba người con tham gia Lực lượng Công an là: Bùi Đức Lập, Bùi Minh Các và Bùi Đức Thắng. Các con ông đều là những cán bộ trung thực, gương mẫu, tài năng.

Ông được Đảng, Chính phủ truy tặng Huân chương Độc lập hạng Hai năm 1963

Nguyễn Sơn Liên
.
.