Nữ cảnh sát khu vực và những bài học gần dân

Thứ Ba, 24/10/2006, 14:00

Câu chuyện về hai nữ cảnh sát khu vực trẻ tuổi Nguyễn Thị Lan Anh và Phan Thị Thanh Vân mà chúng tôi kể trong bài viết này là hai điển hình tiên tiến được dân tin, dân yêu, đồng thời là mẫu hình của những người phụ nữ Việt Nam hiện đại “giỏi việc nước, đảm việc nhà”...

Làm cảnh sát khu vực ở bất cứ nơi đâu cũng đều phải đối diện với vô số loại vụ việc liên quan đến an ninh trật tự nên rất vất vả. Công việc ấy có vẻ như hợp với nam giới hơn, chính vì thế khó khăn lại thêm chồng chất khi cảnh sát khu vực là nữ giới, bởi ngoài công việc xã hội, họ còn đảm nhiệm thiên chức làm vợ, làm mẹ, làm dâu...

Thượng úy Nguyễn Thị Lan Anh: Gần dân là bài học nghiệp vụ đầu tiên!

Tốt nghiệp Đại học Cảnh sát năm 2001, Lan Anh về nhận công tác tại Công an phường Cẩm Đông (thị xã Cẩm Phả), bổ sung vào tổ Cảnh sát khu vực và chị được phân công phụ trách khu phố Hải Sơn I. Về nhận công tác chưa lâu, trên địa bàn Lan Anh phụ trách xảy ra vụ việc Đỗ Hoàng Cung (SN 1981) dùng dao đe dọa và cướp dây chuyền vàng của người dân đi đường rồi bỏ trốn khỏi địa phương.

Xác định đây là một thanh niên mới lớn, thích ăn chơi đua đòi cùng bạn bè nhưng chưa có tiền án, tiền sự nên Lan Anh đã tập trung vào công tác vận động bố mẹ Cung đưa con ra đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước. Hàng ngày, chị đều dành một thời gian nhất định để gặp gỡ, tiếp xúc với với gia đình. Chị cho biết: “Thời kỳ đầu, gia đình cứ thấy bóng mình là lẩn tránh hoặc tỏ thái độ không hợp tác, vì họ sợ con bị đi tù, phải chịu khổ. Kiên trì phân tích cho gia đình hiểu, nhưng cũng mất nửa năm sau, đến tháng 7/2002, bố mẹ Cung mới đưa con về đầu thú tại Công an phường”.

Thượng uý Nguyễn Thị Lan Anh và gia đình.

Cũng từ đó, Lan Anh nhận ra rằng, công việc của người cảnh sát khu vực không đơn thuần là công tác nắm tình hình, quản lý giáo dục đối tượng, mà phải hiểu và có tình cảm với họ. Tâm niệm với suy nghĩ ấy, trong gần 5 năm công tác tại địa bàn, chị đã cùng tổ dân phố và các đoàn thể cảm hóa, giáo dục được 15 thanh thiếu niên hư (trong số đó, có 7 thanh niên là do chị trực tiếp cảm hóa).

Để làm được điều này, Lan Anh phải bỏ nhiều công sức tìm hiểu tâm tính của từng em để tìm cách tiếp cận thích hợp, bởi vì đa số thanh thiếu niên hư đều “có tật giật mình”, cứ thấy bóng công an là tìm cách lảng tránh ngay. Những ngày đầu còn ngần ngại, về sau chị còn trở thành chỗ dựa về mặt tinh thần cho nhiều bậc cha mẹ, và cho chính các em tìm đến tâm sự. Có lẽ vì thế mà Phạm Đức Phương và Vũ Văn Cường là những thanh thiếu niên từng có quá khứ không tốt, sau nhiều lần tiếp xúc với chị đã tiến bộ rõ rệt.

Vào một buổi tối hồi cuối tháng 3/2003, hai em đã phát hiện và đuổi bắt kẻ giết người cướp xe ôm, được Công an phường Cẩm Đông tặng thưởng về thành tích “Dũng cảm tấn công tội phạm”. Nhờ những thực tiễn sinh động trong công tác mà trong cuộc thi “Cảnh sát khu vực giỏi, Công an phụ trách xã giỏi” năm 2002 do Công an tỉnh Quảng Ninh tổ chức, chị đã vinh dự giành giải nhất.

Không chỉ làm tốt công tác chuyên môn nghiệp vụ, Nguyễn Thị Lan Anh còn rất quan tâm tới đời sống của các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt như gia đình chị Nguyễn Thị Hồng và gia đình bác Chu Đức Nhân.

Gia đình chị Hồng không được “trong ấm ngoài êm” mà luôn xảy ra xô xát, cãi vã do chồng chị có tính ghen bóng gió mà lại nát rượu, cứ rượu vào là chửi mắng vợ con. Lan Anh đã chủ động gặp chồng chị Thanh để nói chuyện hơn thiệt và thuyết phục được anh ta viết bản cam kết cai rượu, xóa bỏ mọi mâu thuẫn để sống vui vẻ cùng vợ con. Chị Hồng thấy chồng thay đổi tâm tính đã rất vui, rất tích cực cung cấp những thông tin có liên quan đến tình hình an ninh trật tự.

Còn đối với gia đình bác Chu Đức Nhân với nỗi bất hạnh lớn là có 3 con trai thì hai đã chết vì nghiện ma túy, 1 con đang thụ án do phạm tội mua bán trái phép chất ma túy; ngoài người vợ bị liệt hai chân, bác còn phải nuôi thêm một cháu nội đang học lớp 7, tất cả chỉ trông chờ vào mấy đồng lương hưu ít ỏi. Sau nhiều đêm trăn trở, chị đã tham mưu cho các đoàn thể vận động quyên góp giúp đỡ gia đình bác Nhân và cũng là làm vơi đi nỗi mặc cảm của gia đình.

Không những thế, chị còn trực tiếp đến trường nơi cháu Chu Thị Trang học để xin miễn giảm học phí cho cháu và còn trích một phần lương của mình mua tặng cháu quần áo và đồ dùng học tập để cháu chuẩn bị bước vào năm học mới.

Mặc dù Thượng úy Nguyễn Thị Lan Anh đã chuyển công tác lên Đội CSĐT tội phạm về trật tự xã hội - Công an thị xã Cẩm Phả, nhưng với chị những ngày tháng làm cảnh sát khu vực dù vất vả, vẫn là những tháng ngày đáng nhớ. Chị cho rằng, gần dân là bài học nghiệp vụ đầu tiên đã cho chị những thành công trong công việc cũng như trong cuộc sống.--PageBreak--

Chị đã mang những tâm sự về những ngày tháng ấy đến cuộc giao lưu “Những điển hình tiên tiến được dân tin, dân yêu” tại Đài Truyền hình Việt Nam nhân kỷ niệm 61 năm ngày thành lập Công an nhân dân.

Thượng úy Phan Thị Thanh Vân: Được dân tin yêu, làm việc gì cũng dễ!

Phan Thị Thanh Vân sinh ra và lớn lên ở thành phố hoa phượng đỏ Hải Phòng xinh đẹp nhưng cũng nổi tiếng với những băng nhóm tội phạm, các loại tệ nạn xã hội phức tạp. Với mơ ước đóng góp một phần nhỏ bé vào sự bình yên cho nhân dân ở thành phố Cảng, chị theo học tốt nghiệp Trường đại học Cảnh sát rồi về làm trinh sát Đội CSĐT tội phạm về ma túy - Công an huyện Thủy Nguyên. Thời gian này chị đã cùng đồng đội bắt giữ nhiều vụ vận chuyển, tàng trữ, mua bán và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn huyện.

Đến đầu năm 2004, chị được chuyển về  làm cảnh sát khu vực phụ trách khu dân cư số 5, phường Lam Sơn (quận Lê Chân). Đây là địa bàn giáp ranh ngoại thành, giáp với chợ vật liệu và chợ rau đêm, dân cư lại chủ yếu là dân lao động nên việc chấp hành pháp luật của một bộ phận dân cư còn nhiều hạn chế.

Từ ngày về nhận công tác tại đây, chị đã chủ động nắm tình hình, rà soát để đưa vào diện cảm hóa giáo dục tại cộng đồng và lập hồ sơ đưa đi cai nghiện tám đối tượng. Đến nay, một số người đã có việc làm ổn định, không còn “ngựa quen đường cũ” nữa. Anh Trần Đức Thịnh là người nghiện ma túy nặng, vậy mà nghe theo lời thuyết phục của chị cùng sự giúp đỡ của các đoàn thể đã từ bỏ ma túy, đến nay anh đã tìm được việc làm có thu nhập phụ giúp gia đình. Ngoài ra, đã có lần các đối tượng trong diện quản lý cùng chị và các chiến sĩ công an phường bắt gọn đối tượng một vụ cướp và một vụ trộm cắp tài sản.

Quản lý nhân khẩu, hộ khẩu là một công việc thường xuyên, quan trọng của cảnh sát khu vực. Vì vậy, chị Thanh Vân luôn theo dõi sát sao, nắm chắc mọi di biến động về nhân khẩu, hộ khẩu trên địa bàn. Câu chuyện của gia đình chị Nguyễn Thị Thanh, từ khi sinh ra, lớn lên, lấy chồng rồi sinh con mà vẫn chưa đăng ký hộ khẩu và cũng không có bất kỳ một loại giấy tờ nào tùy thân là chuyện hi hữu.

Chị Thanh lại là chủ một gia đình có hoàn cảnh hết sức éo le: chồng là đối tượng hình sự đã chết vì nghiện ma túy, ngày ngày chị Thanh phải đạp xích lô để kiếm tiền nuôi mẹ già và 2 con nhỏ nên rất cực nhọc. Do không biết đọc, biết viết, nên chị Thanh đã nhiều lần nhờ bà con làm đơn xin đăng ký hộ khẩu nhưng vì hồ sơ chưa đầy đủ nên vẫn chưa được cấp sổ.

Biết chuyện, chị Thanh Vân đã không ngần ngại trực tiếp đi xác minh những nơi chị Thanh đã từng cư trú, lập hồ sơ và đề xuất với Công an thành phố giải quyết. Cầm cuốn sổ ghi tên mình và các con trên tay, chị Thanh và người mẹ già đã rơi nước mắt trước tấm lòng của người nữ cảnh sát khu vực tận tụy. Không những thế, chị Vân còn vận động bà con giúp đỡ chị Thanh mở được một cửa hàng bán tre nứa, chị Thanh không phải đi đạp xích lô nữa, cuộc sống cũng bớt phần cực nhọc, con cái được đến trường.

Với những việc làm thiết thực, đến nay, Thượng úy Phan Thị Thanh Vân đã 2 lần được Giám đốc Công an TP. Hải Phòng tặng giấy khen, được Bộ Công an và Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tặng bằng khen. Có một tin vui đến với chị, đó là đầu tháng 8 vừa qua, chị được lãnh đạo Công an quận Lê Chân tin tưởng giao cho chức vụ Phó trưởng Công an phường Lam Sơn.

Với cương vị mới, nhưng người dân vẫn luôn gặp Thanh Vân xuống địa bàn thăm hỏi bà con. Chị tâm sự: “Mình xuống làm cảnh sát khu vực khi con trai mình mới được 8 tháng tuổi, chồng lại đi công tác xa, kinh tế gia đình lúc ấy cũng eo hẹp nên gặp nhiều khó khăn. Mình nhận ra rằng, gần dân, sát dân, quan tâm đến tâm tư nguyện vọng của dân, để dân tin mình thì dân sẽ giúp mình hoàn thành nhiệm vụ, làm việc gì cũng dễ!”

Nguyệt Hà
.
.