Nơi hồi sinh những phận đời lầm lỡ

Thứ Sáu, 26/06/2015, 08:08
Chúng tôi đến Trại giam Thủ Đức đúng vào dịp kỉ niệm 125 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vừa tới sân khu trung tâm thì gặp Đại tá Trần Hữu Thông cùng các cán bộ chiến sĩ Trại giam Thủ Đức đang dâng hương tưởng nhớ đến vị lãnh tụ vĩ đại của toàn dân tộc. 

Khoác trên mình màu áo của người chiến sĩ quản giáo trại giam, hơn ai hết vị Giám thị tóc pha sương này đã cùng với những cán bộ, chiến sỹ của mình thuộc nằm lòng 6 điều dạy của Người để phấn đấu đưa đơn vị trưởng thành, vững mạnh, là một trong những lá cờ đầu trong lĩnh vực quản lý trại giam. 

40 năm non sông liền một dải là 40 năm người chiến sĩ Cảnh sát bảo vệ Trần Hữu Thông có mặt trong đoàn quân tiến vào Nam làm nhiệm vụ quản lý, giam giữ số ngụy quân, ngụy quyền tập trung cải tạo sau giải phóng. Khó có thể nói hết những gian truân, cực nhọc mà người lính trẻ Trần Hữu Thông đã cùng đồng đội của mình trải qua. Khó đong đếm được mồ hôi, sức lực đã đổ xuống đất này kể từ ngày giải phóng đến nay. Thiên nhiên khắc nghiệt đã đành, song lòng người cũng đầy bất trắc bởi ngày đó, khu vực này từng là các căn cứ của ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn, dân cư thuộc nhiều tôn giáo, dân tộc và thái độ chính trị khác nhau.

Đại tá Trần Hữu Thông.

Sau ngày giải phóng, phạm nhân bị giam giữ tại đây bao gồm các đối tượng vi phạm pháp luật của chế độ cũ lẫn chế độ mới, đặc biệt là tội phạm chính trị trong và ngoài nước. Vùng rừng lá Hàm Tân hồi đó còn là nơi bọn tàn quân ngoan cố, bọn Fulro hung hãn ẩn náu để móc nối với phạm nhân trong trại hòng tổ chức quấy phá, ám sát cán bộ.

*

Sau khoảng thời gian dài nỗ lực trên nhiều cương vị công tác, lập nhiều chiến công xuất sắc, năm 2006, Đại tá Trần Hữu Thông được bổ nhiệm làm Giám thị Trại giam Thủ Đức. "Vinh dự lớn - trách nhiệm cao" đã thúc giục ông không được hài lòng với những gì đã có. "Làm sao để những người phạm tội chấp hành án phạt tù ở các trại giam tiến bộ, hoàn lương qua lao động cải tạo, để khi trở về cộng đồng thật sự có ích cho gia đình và xã hội? Làm sao để họ hiểu rằng các cán bộ Trại đang tạo mọi cơ hội cho họ hướng thiện, hoàn lương, tạo cho họ được quyền học tập, vui chơi và nghỉ ngơi".

Những suy nghĩ ấy cứ luôn thường trực trong ông. Để rồi bằng sự am hiểu sâu sắc xã hội học và tội phạm học, một tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và trên hết là bản lĩnh của một đảng viên, một sĩ quan Công an thời đại mới, những ý tưởng đã được hiện thực hóa, mang lại nhiều hiệu quả đáng trân trọng trong công tác cải tạo và giam giữ phạm nhân.

Xuất phát từ suy nghĩ để giảm bớt thủ tục hành chính, tạo điều kiện tốt nhất cho thân nhân phạm nhân thăm gặp phạm nhân, Đại tá Trần Hữu Thông đã mạnh dạn xin ý kiến cấp trên cho mở văn phòng đại diện tại bến xe Miền Đông - TP Hồ Chí Minh. Gần 10 năm qua, những chuyến xe đưa đón gia đình phạm nhân từ bến xe Miền Đông đến trại thăm người thân đã trở thành cầu nối nghĩa tình giữa phạm nhân với gia đình, giữa gia đình phạm nhân với trại.

Đầu năm 2008, Giám thị Trần Hữu Thông cũng là người phát động xây dựng Quỹ Tấm lòng vàng khuyến khích sự chia sẻ của phạm nhân và cán bộ nhằm giúp đỡ những phạm nhân có hoàn cảnh khó khăn và bệnh tật, gia đình nghèo túng không có điều kiện thăm nuôi. Sau nhiều năm phát động, Quỹ Tấm lòng vàng đã huy động được 2 tỷ 600 triệu đồng để hỗ trợ cho gần 7.000 lượt phạm nhân ốm đau và phạm nhân không có người thăm nuôi. Tuy số tiền hỗ trợ không nhiều, song đã mang lại những bài học giá trị về tinh thần tương thân tương ái, để trong mỗi con người đã một thời lầm lỗi nhen lên ngọn lửa ấm áp của tình người, của khát vọng hoàn lương.

Cũng tại Trại giam Thủ Đức, chúng tôi còn được thăm thư viện của trại với hơn 6.000 đầu sách. Những cuốn sách đó đã trở thành nguồn vui, là kênh học tập gián tiếp đối với các phạm nhân. Đó là thành quả từ chủ trương hết sức nhân văn của Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp Bộ Công an, song đồng thời cũng chứa đựng tâm huyết và suy nghĩ "cần phải gieo vào suy nghĩ, tư tưởng của mỗi phạm nhân về khát vọng sống đúng nghĩa, cố gắng vươn lên sống tốt qua những gì đã được giáo dục, được đọc qua những trang sách" của Đại tá Trần Hữu Thông cùng Hội đồng giám thị nơi đây.

Kiên quyết đảm bảo an toàn trại trong mọi tình huống, không để xảy ra tình trạng phạm nhân chống phá, trốn trại có tổ chức; liên tục đổi mới nội dung, biện pháp giáo dục cải tạo phạm nhân, tạo nên môi trường giáo dục lành mạnh; chủ động sáng tạo các hình thức lao động sản xuất, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân… là những mục tiêu quan trọng mà Đại tá Trần Hữu Thông cùng tập thể cán bộ, chiến sĩ Trại giam Thủ Đức đã thực hiện thành công.

Qua mười năm, hơn 20 ngàn ha đất và rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao đã và đang được quản lý chăm sóc khá tốt. 8 phân trại với các khu giam giữ, khu lao động sản xuất được xây dựng khang trang, đảm bảo sinh hoạt hợp lý, an toàn và vệ sinh đã trở thành ngôi nhà chung cho các phạm nhân. Không còn những cơn sốt rét rừng triền miên, không còn những tháng ngày kham khổ, tìm khơi từng dòng nước nhỏ để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt. Hệ thống xử lý nước lọc và 14,5km đường ống dẫn nước trị giá 4 tỷ đồng đã tỏa khắp các phân trại, đến từng hộ gia đình cán bộ, chiến sĩ...

Hướng nghiệp cho phạm nhân.

Cũng trong khoảng thời gian đó, đã có hàng ngàn lượt phạm nhân được trở về đoàn tụ với gia đình. Trong số họ, nhiều người đã thực sự từ bỏ quá khứ để thành công, làm nhiều việc có ích cho cộng đồng xã hội. Hằng năm Trại giam Thủ Đức đều đặn tổ chức những buổi gặp gỡ với người đã mãn hạn tù trở về. Đây là một hoạt động sáng tạo và hiệu quả để gieo niềm hi vọng cho các phạm nhân trong trại về một tương lai tươi sáng đang chờ họ bên ngoài song sắt trại giam. Đây cũng là cơ hội để những người mãn hạn tù như anh Ngô Liên Hoàn ở Bình Thuận, anh Nguyễn Xuân Bàn ở Sơn La, chị Nguyễn Thị Thủy ở Trà Vinh, anh Hoàng Tú Mai ở Tây Ninh cùng rất nhiều người khác nữa được bày tỏ lòng tri ân với những cán bộ đã cảm hóa mình bằng hành động thiết thực là nhận các phạm nhân chuẩn bị mãn hạn tù vào làm ở chính những cơ sở kinh doanh do họ lập nên.  

Là người đứng đầu đơn vị, Đại tá Trần Hữu Thông rất tâm đắc với câu nói: "Hành động gương mẫu của người lãnh đạo chỉ huy là mệnh lệnh không lời đối với cán bộ, chiến sĩ". Anh luôn tự ý thức trau dồi năng lực và phẩm chất đạo đức để làm gương cho tập thể, tạo nên một phong trào học tập, nâng cao trình độ sôi nổi trong toàn đơn vị. Hơn 1.200 cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại Trại giam Thủ Đức đã luôn đoàn kết thi đua để xây dựng đơn vị nhiều năm liền giữ vững danh hiệu "Đảng bộ trong sạch vững mạnh" và "Đơn vị quyết thắng" trong lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp.

Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với các tổ chức như Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ… được tăng cường trên nguyên tắc đoàn kết thống nhất, nâng cao tinh thần dân chủ. Đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ được quan tâm chu đáo, giúp họ yên tâm công tác. Tất cả những yếu tố then chốt ấy đã góp phần đưa Trại giam Thủ Đức trở thành lá cờ đầu trong phong trào thi đua "Vì an ninh Tổ quốc và an toàn trong trại giam", được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ 2 năm 2009.

Cùng Đại tá Trần Hữu Thông đi thăm các phân trại, nhìn dáng người tầm thước của ông bước phăm phăm đi trên những vạt đồi đang khai hoang, phục hóa, chuẩn bị trở thành một khu sản xuất trồng rừng mới, tôi thầm nghĩ, bước chân của người lính làm công tác quản lý trại giam đã bước qua những nhọc nhằn sỏi đá, đã bước qua những vùng rừng thiêng nước độc với biết bao nguy cơ tiềm ẩn, thách thức con người năm xưa giờ đây vẫn không mệt mỏi trên con đường cải tạo những mảnh đời đã từng lầm lỗi. Những rừng lá tối trời giờ đây đã nhường chỗ cho bạt ngàn cao su, hồ tiêu. Cả khoảng đồi khô khát xưa kia chỉ mọc những loại cây cho trái độc, giờ đã xanh mướt các loại cây lương thực, bừng nở những đầm sen thơm ngát.

"Từ bùn lầy vẫn thơm thảo hương sen. Hay nhờ bùn lầy mà sen thơm thảo?"… Chúng tôi thầm nghĩ minh triết ấy liệu người phạm nhân đang hái hoa kia có hiểu. Còn đối với Đại tá Trần Hữu Thông, hơn ai hết, ông mong muốn mỗi phạm nhân đang thi hành án trong Trại giam Thủ Đức sẽ như những đóa sen kia, vươn lên từ bùn lầy để mang lại vẻ đẹp và hương hoa cho đời.

Phạm Vân Anh
.
.