Những người lính thầm lặng phía sau cuộc chiến chống giặc lửa

Thứ Ba, 27/12/2011, 08:00
Trong ký ức, mỗi người thợ máy của Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội không nhớ hết mình đã sửa chữa bao nhiêu phương tiện trong quá trình công tác. Những chiến công trên của các anh chỉ là một trong vô số những công việc lặng thầm mà Tổ thợ máy luôn sẵn sàng để thực thi nhiệm vụ...

Những người thợ khi nhắc đến lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH), người ta thường ngợi ca chiến công của những người lính chữa cháy khi lao vào vòng lửa, dập tắt đám cháy, bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân. Nhưng ít ai biết rằng, phía sau những chiến công đó có sự góp phần không nhỏ của những người thợ có "đôi bàn tay vàng" ngày đêm miệt mài với công việc lặng thầm, góp phần giữ bình yên cho cuộc sống nhân dân... Họ là những người thợ mang màu áo lính chữa cháy...

Gắn bó với công việc PCCC ngay từ những ngày đầu thành lập, Tổ thợ máy của Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội được xem là đơn vị gồm những người thợ có tiếng tăm nhất trong công tác sửa chữa trang thiết bị, phương tiện chữa cháy của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH khu vực phía Bắc. Hầu hết những người thợ máy đều được luyện nghề từ "lò" dạy ở các trường kỹ thuật chuyên nghiệp. Vẻn vẹn chỉ có 10 cán bộ, chiến sĩ nhưng hầu như trên địa bàn thành phố Hà Nội, nơi các đơn vị Cảnh sát PCCC đóng quân và các địa bàn lân cận, bất cứ nơi đâu khi các phương tiện phục vụ cho công tác PCCC gặp sự cố là có dấu chân của các anh.

Tuy tuổi đời rất trẻ và tuổi nghề chưa lâu nhưng dấu ấn thời gian như in hằn trên gương mặt những thợ máy bởi một thực tế không cân sức. Chỉ tính riêng phương tiện xe chữa cháy, Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội đã có hàng trăm xe, ngoài ra còn biết bao phương tiện chữa cháy khác. Nhiệm vụ chính của các anh là sửa chữa, bảo dưỡng, vận hành các phương tiện, trang thiết bị PCCC cho Sở. Nhưng bên cạnh đó, các anh còn tham gia nhiều nhiệm vụ khác như: thực hiện công tác CNCH, bảo vệ phương án… theo yêu cầu của đơn vị. Cường độ làm việc căng thẳng và nặng nhọc, bất cứ khi nào có lệnh là đi, không kể nhiệm vụ, thời gian và địa bàn… Chính vì đặc thù công việc như vậy nên hiện nay, tại các đơn vị Cảnh sát PCCC&CNCH địa phương, việc thành lập Tổ thợ máy như Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội là rất hiếm.

Một số cán bộ, chiến sĩ của tổ thợ máy - Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Hà Nội.

Thực tế đáng lo ngại là, phương tiện chữa cháy ngày càng được trang bị nhiều lên và hiện đại hơn, bên cạnh đó, những phương tiện cũ kỹ ngày càng xuống cấp trầm trọng, trong khi lực lượng thợ máy lại quá mỏng. Bên cạnh đó, việc trang bị phục vụ công tác chuyên môn cho những người thợ máy còn quá thô sơ. Trình độ chuyên môn của thợ máy còn nhiều hạn chế, trong khi thiết bị chữa cháy, đặc biệt là xe chữa cháy chủ yếu nhập từ nước ngoài như: Pháp, Đức, Áo, Hàn Quốc… đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao mới đáp ứng được yêu cầu. Đại úy Đỗ Hưng - Đội phó Đội quản lý phương tiện vật tư kỹ thuật - một thợ máy có tay nghề cao cho biết: Sửa máy móc đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn (thấp nhất là trung cấp kỹ thuật), sự kiên trì và tỉ mỉ, chịu khó học hỏi. Nếu không có sự kiên trì, tâm huyết, yêu nghề và óc sáng tạo, sự cầu tiến thì khó mà làm được việc này...

Với tinh thần đoàn kết, chia sẻ kinh nghiệm, tâm huyết với nghề, từ khi thành lập đến nay, Tổ thợ máy chưa "bó tay" trước một máy móc, phương tiện, thiết bị chữa cháy nào. Mỗi khi máy móc, thiết bị hư hỏng, anh em miệt mài tranh thủ cả giờ nghỉ trưa để sửa. Có những thiết bị phải mất cả tuần lễ mới sửa xong. Xe chữa cháy hiệu Ro Sen Bauer của Áo trị giá gần 5 tỷ đồng, qua thời gian sử dụng bị hỏng hệ thống phân phối điện, không thể hoạt động được. Đây là loại xe hiện đại, thiết bị kỹ thuật tinh vi, rất khó sửa chữa. Trong điều kiện đơn vị đang thiếu xe chữa cháy, Tổ thợ máy đã ngày đêm nghiên cứu, cuối cùng phát hiện xe bị hỏng rơ-le cung cấp điện dẫn đến hệ thống cung cấp nhiên liệu vận hành động cơ không hoạt động. Khi đã tìm ra nguyên nhân, các anh trực tiếp gọi điện gặp cán bộ Cục Cảnh sát PCCC&CNCH nhờ hướng dẫn kỹ thuật, sau đó, tự nghiên cứu tìm linh kiện thay thế giúp xe hoạt động bình thường, tiết kiệm cho đơn vị hàng chục triệu đồng. Sau một thời gian sử dụng, phát hiện máy bơm nước chữa cháy do Nhật Bản sản xuất thường xuyên bị hỏng bộ phận đề, bộ chế hòa khí và hệ thống điện điều khiển tự động, qua nghiên cứu, Tổ thợ máy đã tìm được linh kiện có sẵn trong nước để thay thế, hiệu quả tiết kiệm cao mà máy vẫn hoạt động tốt.

Nhiều lần, các anh trực tiếp xuống hiện trường để "bắt mạch" và "chữa bệnh" cho các phương tiện đang tham gia chữa cháy. Đồ nghề của những bác sĩ "trị bệnh" cho xe chủ yếu là cà lê, mỏ lết nhưng các anh đã "phẫu thuật" thành công và đưa "bệnh nhân" trở lại trạng thái hoạt động bình thường.

Năm 2010, xảy cháy tại Công ty TNHH Xuân An, Khu Công nghiệp Phú Thị, Hà Nội. 11h đêm, xe chữa cháy của Đội Cảnh sát PCCC Giảng Võ bị trục trặc không hút được nước, các anh tức tốc đến hiện trường "trị bệnh" cho xe. Vụ cháy ở Phùng Chí Kiên, Hoàng Quốc Việt, xe chữa cháy của Đội Cảnh sát PCCC Từ Liêm đang chữa cháy thì chết máy, Tổ thợ máy lại nhanh chóng có mặt tại hiện trường khắc phục hậu quả. Tết dương lịch năm 2011, xe ở Đội Bắc Thăng Long có sự cố, anh em lại nhanh chóng có mặt tại đơn vị này để sửa chữa, góp phần cùng đồng đội giữ bình yên cho nhân dân vui đón xuân.

Không chỉ áp dụng các biện pháp sửa chữa theo một công thức đã học trong trường đào tạo, Tổ thợ máy không ngừng trau dồi tri thức và đồng tâm hiệp lực rút ra những sáng kiến trong công tác chuyên môn. Vì thế, các anh không những nâng cao tay nghề mà còn rất sáng tạo trong sửa chữa, cải tiến các phương tiện chữa cháy. Xe Isuzu của Nhật sau khi chữa cháy chợ Đồng Xuân, thiết bị hộp số bị mòn, khớp nhựa không hoạt động. Tổ thợ máy sau nhiều ngày nghiên cứu đã chế tạo thành công khớp nhôm, kinh phí chỉ hết vài trăm nghìn mà xe vẫn hoạt động tốt, tiết kiệm được thời gian trong việc chờ mua thiết bị từ nước ngoài và kinh phí hàng chục triệu đồng cho đơn vị. Xe Mec Zigler của Đức, trục lệch tâm làm bằng nhựa trong quá trình sử dụng hút xăng dầu đã bị hỏng, các anh tự chế trục lệch tâm bằng thép thay thế và xe hoạt động tốt từ đó đến nay đã được 5 - 6 năm. Nếu không chế được thì phải mua thiết bị này từ Đức. Riêng khâu làm các thủ tục nhập thiết bị về nước đã tốn không ít thời gian chứ chưa nói đến kinh phí mua thiết bị, trong khi thực trạng công tác chữa cháy lại rất cần.

Loại phương tiện khó nhất hiện nay với Tổ thợ máy là xe thang vì cấu tạo xe phức tạp, rất khó sửa chữa. Nhưng các anh không quản ngại khó khăn, dành thời gian nghiên cứu sửa chữa các linh kiện, thiết bị thường bị sai, hỏng của xe thang cứu người, sắp xếp thời gian thường xuyên nghiên cứu nguyên lý hoạt động của các xe chữa cháy chuyên dụng mới để nhằm ứng phó kịp thời với những bất trắc có thể xảy ra trong quá trình chữa cháy.

Được sự tín nhiệm của nhiều địa phương, Tổ thợ máy còn tham gia hỗ trợ các đơn vị địa phương sửa chữa trang thiết bị PCCC. Xe Camiva của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an tỉnh Phú Thọ bị hỏng, họ "cầu cứu" Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, Cục giới thiệu tới Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội. Thế là Đại úy Đỗ Hưng và Trung tá Lê Xuân Hội lại "khăn gói, đồ nghề" lên đường. Đến nơi, phát hiện công tắc gài bơm của xe Camiva bị hỏng. Do có kinh nghiệm từ việc chế tạo công tắc gài bơm nên các anh đã hỗ trợ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Phú Thọ thay thế thành công và xe vẫn hoạt động an toàn.

Trong ký ức mỗi người thợ máy, họ không nhớ hết mình đã sửa chữa bao nhiêu phương tiện trong quá trình công tác. Những chiến công trên của các anh chỉ là một trong vô số những công việc lặng thầm mà Tổ thợ máy luôn sẵn sàng để thực thi nhiệm vụ. Trong thực tế, họ đã trải qua không ít trường hợp khẩn cấp như thế. Theo Trung tá Lê Ngọc Thanh - Phó trưởng Phòng Chính trị, Sở Cảnh sát PCCC - Công an Tp Hà Nội thì trung bình mỗi năm Tổ thợ máy phải sửa chữa khoảng 200 lượt phương tiện trang thiết bị chữa cháy bị hư hỏng. So với biên chế của tổ quy định theo tiêu chuẩn, mỗi cán bộ, chiến sĩ sẽ phụ trách từ 5 - 6 xe thì biên chế hiện nay còn thiếu rất nhiều, đặc biệt là sau khi thành lập Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội, số lượng phương tiện còn được bổ sung, trang bị thêm nhiều. Đây là một gánh nặng và áp lực không nhỏ đối với Tổ thợ máy.

Phương tiện, thiết bị, máy móc phục vụ công tác PCCC&CNCH không phải là cỗ máy hoạt động vĩnh viễn. Cùng với thời gian và sự vận hành, tất cả sẽ hao mòn, xuống cấp và rất cần đến bàn tay của những người thợ máy chuyên nghiệp. Một thực tế đặt ra là, trang thiết bị ngày càng hiện đại thì những người thợ máy cần thường xuyên cập nhật kiến thức chuyên môn, không ngừng học tập để nâng cao tay nghề. Việc đầu tư các trang thiết bị phục vụ cho công tác sửa chữa cũng rất cần thiết. Bên cạnh đó, thiết nghĩ cũng cần một chế độ, chính sách hợp lý để những người thợ máy có điều kiện tập trung trong công tác chuyên môn, nâng cao tay nghề, để những thiết bị PCCC luôn vận hành trơn tru. Điều đó đồng nghĩa với việc lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH sẽ chủ động hơn trong hoạt động nghiệp vụ của mình

Phạm Thị Thoan (Trường Đại học Phòng cháy - chữa cháy)
.
.