Những người lên trời phá án

Thứ Tư, 11/01/2012, 08:00
Lĩnh vực này ví như "lên trời phá án", bởi họ phải truy tìm trong không gian, đường truyền, tổng đài... những dấu vết, thông số về tội phạm dưới dạng tín hiệu số. Tìm ở... trên trời những căn cứ để vạch trần kẻ giấu mặt sau bàn phím đang là công việc thường ngày của họ.

Tội phạm thời @ với ngàn lẻ một "chiêu" tinh vi, quái đản mà bằng mắt thường, bằng cách thông thường, không thể chạm được vào chúng. Trận địa và đối thủ của những người lính hình sự phòng chống tội phạm công nghệ cao lúc này, là những "tin tặc" thông minh, với trình độ công nghệ không thể xem thường.

Kẻ giấu mặt

Những ngày giữa tháng 6/2011, cán bộ tại một số sứ quán Việt Nam ở nước ngoài nhận được một đoạn "chát" (trò chuyện) gửi từ "nick yahoo" của một cựu đồng nghiệp ở Trung Mỹ, đề nghị cho vay nóng ít tiền để lo công việc. Thấy lạ, nhiều người cẩn thận gọi điện cho chủ nick nên biết không có chuyện đó. Tuy nhiên, một ông nọ, vì ngày nào cũng chát với chủ nick, nên đã bỏ qua khâu kiểm tra, sốt sắng "scan" ảnh, hộ chiếu, thẻ tín dụng của mình, rồi gửi qua yahoo chat cho "bạn". Và thế là, tài khoản của ông tại một ngân hàng ở Việt Nam đã "tự động" thâm hụt đến vài trăm triệu. Đến lần chuyển tiền thứ 11, ngân hàng mới báo cho chủ tài khoản đề nghị xác nhận giao dịch, lúc này "khổ chủ" mới tá hỏa, hiểu ra đã có kẻ mạo danh bạn mình làm vụ lừa ngoạn mục này.

Cùng trong thời gian này, đơn trình báo bị lừa đảo qua "chat" từ khắp nơi tới tấp bay về Phòng Cảnh sát Hình sự (CSHS) Công an Tp Hà Nội. Chị Q… ở Quảng Ninh sụt sùi trình bày: "Người yêu em du học bên Trung Quốc, "chát" báo tin mẹ anh ấy đang cấp cứu ở bên đó, cần gấp tiền. Em làm sao khoanh tay đứng nhìn, đành vay giật bạn bè mà gửi giúp vào tài khoản của anh ấy trăm triệu. Mãi tới khi người yêu em về nước, em mới biết không có chuyện ấy. Vừa "chết" tiền, vừa bị mắng là ngốc. Giờ em biết xoay đâu ra cả trăm triệu để trả cho họ bây giờ!".

Tháng 4/2011, nhiều tay "nghiện" sim tứ quý, tam hoa, lộc phát.. đã vật vã vì số tiền đặt cọc mua sim đẹp giá "bèo" của một gã rao bán trên mạng đã "một đi không trở lại". Kẻ "giời ơi" ấy đã "nẫng" của họ không dưới ba trăm triệu đồng. Mất rồi nhưng chả biết kêu ai, vì internet là mạng toàn cầu. Về sau được bạn bè "mách", họ "đâm" đơn trình báo lên nhà số 7 Thiền Quang (trụ sở Phòng CSHS - Công an Tp Hà Nội), với hy vọng mong manh. 

Ngày 18/7/2011, một nam giới nói tiếng Trung, cùng một phụ nữ Việt Nam sánh vai đi vào một cửa hàng vàng bạc ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Sau một chặp "xì xồ", người khách ngoại ra hiệu mua vòng vàng, nhẫn kim cương, dây chuyền đá quý…với tổng giá trị ngót ba trăm triệu đồng. Khách rút thẻ tín dụng ra quẹt và được máy chấp nhận. Mua xong, hai vị khách "sộp" ung dung bước ra cửa rồi nhanh chóng mất dạng trong dòng người trên phố. Hôm sau, nhân viên mang hóa đơn ra ngân hàng để thanh toán, thì hỡi ơi, tài khoản thanh toán đã bị phong tỏa, vì thẻ đó là "Fake credit card" (thẻ tín dụng giả). Chủ cửa hàng méo mặt, chẳng hiểu chuyện gì đã xảy ra.

Cuối năm 2011, người đi máy bay rỉ tai, thì thào với nhau về một nguồn vé giá… cực "sốc", chưa bằng một phần giá vé của các hãng hàng không. Ai đời, giá vé tuyến bay Hà Nội - Tp HCM chỉ từ bảy trăm nghìn đến một triệu đồng. Nghe đâu loại vé này do nguồn "bên trong" hãng tuồn ra, nên rẻ. Hàng trăm vé máy bay giá rẻ đã được bán ra. Điều kỳ lạ là khách mua vé đi rất "thông dòng bén giọt", không gặp phải trắc trở gì. Một đồn mười, người ta kháo nhau rồi đổ xô đi tìm mua vé giá "sốc" cho chuyến bay của mình. Họ chỉ việc gọi điện khai họ tên của mình cho người bán vé. Ngay hôm sau là nhận được mã "code" (mã đặt chỗ) của mình trên chuyến bay, do người bán gửi qua tin nhắn điện thoại. Đến lúc bay, họ chỉ cần giơ giấy chứng minh nhân dân và xuất trình cho nhân viên "check in" xem tin nhắn có mã code là xong.

Còn nhớ, đầu năm 2010, sau khi thực hiện trót lọt vụ lừa đảo chiếm đoạt chiếc máy tính (laptop), hiệu: "Macbook Air HP 8530w" trị giá hơn hai chục triệu, một "hacker" (tin tặc) đã ngông cuồng "thả" trên mạng lời nhắn: "Catch me, if you can!" (Hãy bắt tao, nếu chúng mày có thể)!. Lời thách ấy, đương nhiên là dành cho những người lính trong một đội công tác còn rất non trẻ tại Phòng CSHS Công an Tp Hà Nội.

Lãnh đạo phòng Cảnh sát Hình sự Công an Tp Hà Nội dự giao ban , chỉ đạo án tại Đội phòng chống tội phạm công nghệ cao.

Cảnh sát IT vào trận

Trở lại với lời "thách đấu" nêu trên, giá như trước năm 2009, hẳn tên này đã có thể ung dung chiếm hưởng tài sản và nhấm nháp sự thú vị khi dám... thách Công an. Vì lúc đó, ở Hà Nội vẫn chưa ra đời một lực lượng chuyên trách quản "sân khấu" này. Nhưng thời điểm Trần Đức Thiện (21 tuổi, sinh viên Đại học FPT) buông lời "thách đấu" đã là tháng 1/2010, nghĩa là sau 8 tháng kể từ lúc Đội phòng chống tội phạm công nghệ cao (Đội 14) được thành lập. Thế nên, chỉ 3 ngày sau, Thiện "xộ khám", trong sự ngỡ ngàng của chính y. Lúc lên xe vào trại, Thiện lè lưỡi buông lại một câu: "Tưởng các chú chỉ biết đánh máy soạn thảo văn bản?".

Đất nước mở cửa hội nhập, tăng trưởng công nghệ, viễn thông, internet nhiều năm liền đứng hàng "top ten" trong khu vực, dịch vụ gia tăng phát triển như "nấm sau mưa", số người sử dụng dịch vụ không ngừng tăng. Bên cạnh đó, hoạt động thương mại điện tử phát triển mạnh với nhiều loại hình kinh doanh khác nhau... đã kéo theo hàng loạt các vấn đề xã hội phức tạp, trong đó có tội phạm sử dụng công nghệ cao. Thực tiễn ấy đòi hỏi phải có một lực lượng chuyên trách để đấu tranh với loại tội phạm mới này. Ngày 1/4/2009, Đội 14 thuộc Phòng CSHS Công an Tp Hà Nội chính thức được tung vào trận để đáp ứng những nhu cầu của cuộc chiến trên mặt trận mới.

Vạch mặt, chỉ tên

Chuyên án 445H ngay sau ngày thành lập đội, với gần hai mươi nghìn chứng chỉ giả được tịch thu, đã đặt viên đá tảng, tạo đà để những người lính trẻ Đội 14 xông xáo trong mặt trận mới. Năm 2011 đã khép lại với nhiều ổ nhóm đối tượng sử dụng công nghệ cao để hoạt động lừa đảo bị bắt giữ qua các chuyên án trinh sát.

Ngay khi nhận được tin một số cán bộ ngành ngoại giao bị "cướp nick" và bị chiếm đoạt tiền trong tài khoản cá nhân, Đội đã xác lập chuyên án bí số 191- P để tổ chức điều tra. Hành trình lần theo dòng tiền "chảy" đi từ tài khoản của bị hại, đã dẫn họ về Hải Phòng. Đến ngày 25/6/2011, hai tên Nguyễn Quý Phúc và Phùng Ngọc Tuấn - đều trú tại 162 Hàng Kênh, Lê Chân, Hải Phòng đã bị bắt với đầy đủ vật chứng. Qua thẩm vấn, mới thấy hết độ tinh quái, ranh mãnh của chúng.

Số là sau khi dùng phần mềm gián điệp "Keylog" chiếm "nick chat" của người khác, chúng mạo danh chủ nick để lừa các quan hệ của họ. Khi lấy được thông tin tài khoản, chúng không ra ngân hàng rút tiền vì sợ bị lộ, mà cố tình "zích zắc hóa" dòng tiền chiếm đoạt được, để xóa dấu vết. Đầu tiên, chúng mở một tài khoản thanh toán trực tuyến tại hệ thống thanh toán: "baokim.vn". Sau đó đặt lệnh chuyển tiền từ tài khoản của bị hại về tài khoản của mình, rồi yêu cầu hệ thống giúp mua "zingxu" (một loại tiền tệ sử dụng trong game online), để mua tiếp các vật dụng cho nhân vật trong "võ lâm truyền kỳ". Đến đây chúng mới tự mình rao bán vật dụng của game trên mạng với giá rẻ. Ai có nhu cầu sẽ gặp trực tiếp chúng để mua bán. Việc làm này nhằm che giấu kỹ thân phận, tránh việc tiếp xúc trực tiếp với ngân hàng dễ bị phát hiện.

Trong vụ "sim số đẹp", dù đã đi thật xa nhà để post (đăng) rao bán sim số đẹp trên mạng; dùng phần mềm giả giọng nói khi giao dịch với khách; đội mũ bảo hiểm, đeo khẩu trang, găng tay khi vào các cây ATM rút tiền đặt cọc…, nhưng Trần Xuân Chiển ở Lê Chân, Hải Phòng vẫn bị những bàn tay thép của "hình sự số 7" khóa chặt khi vừa ra khỏi nhà vào ngày 22/4/2011.

Có nhiều đêm hè vừa qua, Hà Nội mưa tầm tã, nhưng lính công nghệ vẫn bì bõm lặn lội, bám sát theo dấu những tên trong ổ nhóm lừa đảo bằng thẻ tín dụng giả. Và rồi một chuyên án trinh sát hoàn hảo đã khép lại, với hai nhóm đối tượng đã lần lượt sa lưới cùng tang vật trên tay. Để có câu trả lời về nguồn gốc những chiếc vé máy bay giá rẻ, lính công nghệ cao cùng đồng đội tại Cục C50 - Bộ Công an đã kỳ công truy xét. Đến ngày 8/12/2011 họ đã bắt giữ được Phạm Tiến Minh, một "cái lưỡi" quan trọng của vụ án. Để rồi một tuần sau, gần chục đối tượng trong ổ nhóm làm giả thẻ tín dụng để mua vé máy bay đã lần lượt vào "Hỏa Lò" để "nghỉ đông". Cơ quan điều tra đã phát hiện, thu giữ gần một nghìn phôi thẻ tín dụng giả, làm rõ "liên minh ma quỷ" giữa những tên tội phạm có trình độ, mánh khóe phải thừa nhận là rất khá này.

Một năm "trận mạc" của các anh lại qua đi. Giờ đây, "dòng sản phẩm mới" chống lại bọn tội phạm thời @ đã có địa chỉ để người dân trình báo và hy vọng

Đào Trung Hiếu (CA Tp Hà Nội) - VNCA Xuân Nhâm Thìn
.
.