Những người bảo vệ mục tiêu trên “cổng trời” Chóp Chài

Thứ Năm, 05/04/2018, 09:18
Với độ cao 363m so với mặt nước biển, Chóp Chài là ngọn núi khổng lồ nằm trên địa bàn TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên và là điểm cao "độc nhất vô nhị" ở vùng đất này, nên khi nói đến Cảnh sát cơ động (CSCĐ) thường trực xuyên suốt ngày đêm trên đỉnh núi, nhiều người ví von họ là lính "bảo vệ cổng trời", còn những cán bộ - chiến sĩ (CBCS) ra-đa là "lính biển lên núi đóng quân"...


1.Chân núi Chóp Chài vươn rộng đến địa phận hai xã Bình Kiến, Hòa Kiến và phường 9, TP Tuy Hòa nên nhìn từ xa, dáng núi như một tấm chài của lão ngư nào đó vừa ném xuống cánh đồng trải rộng màu xanh mướt mát giữa mùa vàng thơm cuối vụ.

Từ thời xa xưa, người dân Tuy Hòa dự báo tiết mưa to mỗi khi: "Chóp Chài đội mũ/ Mây phủ Đá Bia", còn bây giờ nhìn thấy đỉnh núi Chóp Chài "đội mũ" thì CBCS lực lượng vũ trang cùng nhân viên dân sự thường trực ở đó thêm nhiều nỗi lo khi mỗi ngày đêm có hàng chục trận sấm sét tái diễn, đe dọa sinh mệnh con người và thiết bị kỹ thuật, nên không ít người thường gọi Chóp Chài là… "Núi trời đánh". Do núi cao và rộng nên khi lên đến miền cao Vân Hòa hay ra tới đèo Quán Cau trên huyết mạch giao thông xuyên Việt ở khoảng cách hơn 20km, núi Chóp Chài vẫn hiện hữu trọn vẹn trong tầm mắt.

Giữa buổi sáng trong lành, vóc dáng Chóp Chài đang vươn vai rõ nét trước nắng gió mênh mang, chiếc xe ôtô của Phòng CSCĐ Công an tỉnh Phú Yên đưa tôi lên đỉnh Chóp Chài trên con đường nhựa uốn lượn quanh co vắt ngang lưng núi với gần chục vòng cua, trong đó có ba vòng cua "gấp khúc tay áo" và mấy con dốc ngược lên bầu trời. Được lên tới đỉnh, chúng tôi không chỉ có dịp chiêm ngưỡng bức tranh sơn thủy hữu tình mở rộng phía trước tầm mắt, mà còn được nghe nhiều chuyện bi hài.

Đứng bên vuông sân trước căn nhà nhỏ hẹp của Tiểu đội CSCĐ, Đại úy Lê Xuân Huyên, Phó Đại đội trưởng Đại đội CSCĐ của Phòng CSCĐ Công an Phú Yên chỉ tay về phía trụ tháp ăng ten bằng thép không gỉ có độ cao 75m, cho biết: "Đây là ăng ten truyền dẫn phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và Đài PT-TH Phú Yên (PTP).

Các chiến sĩ CSCĐ bên tháp ăng ten truyền dẫn phát sóng truyền hình trên đỉnh núi Chóp Chài.

Tháp ăng ten này hoạt động từ ngày 1-7-2014, thời điểm đó Tiểu đội CSCĐ của Công an Phú Yên chuyển từ núi Nhạn ở phường 1 lên đỉnh Chóp Chài để thực thi nhiệm vụ bảo vệ ANTT mục tiêu trọng điểm mới. Từ đó đến nay, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn vất vả và hiểm nguy, nhưng hàng chục lượt CBCS công an hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được phân công".

Có đi mới biết, có đến mới hiểu. Mặt bằng trên đỉnh núi hạn hẹp nhưng phải nhường chỗ cho tháp ăng ten truyền hình, tháp ăng ten thu - phát sóng di động (Base Transceiver Station - BTS), thiết bị kỹ thuật Ra-đa, nên ngoài căn nhà nhỏ hẹp của Tiểu đội CSCĐ Công an Phú Yên còn có Trạm Ra-đa 560 của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, Tiểu đội công binh của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên cùng với Trạm thu - phát sóng của Trung tâm kỹ thuật truyền dẫn phát sóng thuộc VTV, Đài phát sóng của Đài PT-TH Phú Yên và Trạm BTS của Viễn thông Phú Yên.

Do giới hạn diện tích khiêm tốn nên căn nhà của Tiểu đội CSCĐ chỉ có bếp nấu ăn mi-ni, chiếc bàn nhỏ làm việc và phòng ngủ là những chiếc giường ba tầng bằng khung sắt có tuổi đời gần 40 năm cùng với chiếc tivi do VTV trang bị đến nay đã quá già cỗi nên anh em công an đành phải góp tiền mua máy nghe nhạc bằng thẻ nhớ. Ngay cả chiếc xe máy công, sau hàng ngàn lần ngược xuôi dốc núi để mua thực phẩm, đến giờ đã xuống cấp ì ạch nên lắm lúc đang bò lên giữa lưng núi đành phải quay đầu xuống dốc để vào…tiệm gara!

Vẫn chiếc xe đó, vài lần vào tầm nửa đêm mưa gió, sương mù dày đặc, tiểu đội trưởng đã cầm lái bò chậm xuống dốc, đưa chiến sĩ lên cơn sốt cao co giật, viêm ruột…xuống Bệnh viện đa khoa Phú Yên cấp cứu.

Thượng úy, Tiểu đội trưởng CSCĐ Lê Văn Hải chia sẻ: "Nỗi khổ lớn nhất là tình trạng thiếu nước sinh hoạt tái diễn thường xuyên, nên yêu cầu tiết kiệm nước là một mệnh lệnh luôn được CBCS thực thi nghiêm túc. Khi nắng hạn kéo dài, nguồn nước dự trữ sau mỗi mùa mưa trong bồn chứa có dung tích hơn 8m3 hết sạch, mỗi ngày anh em trong tiểu đội luân phiên mang quần áo xuống chân núi để tắm rửa, giặt giũ trong nhà người dân.

Do không đủ nước sinh hoạt nên anh em muốn trồng rau cải thiện bữa ăn, trồng hoa để ngắm cũng đành bó tay. Nỗi lo lớn nhất từ khi đến mùa giông bão, sinh mệnh anh em như trong tầm tay của "Thiên lôi" bởi hàng chục trận sấm sét giáng xuống mỗi ngày đêm cùng với những trận cuồng phong bão tố".

Nói về công việc thường nhật, Thượng úy Hải cho biết: "Xuyên suốt ngày đêm, anh em trong tiểu đội chia ca khoác súng tuần tra. Dù ở chân núi đã có biển báo, nhưng nhiều người dân và du khách ở nơi khác vẫn ôm camera, máy ảnh lên đỉnh để ghi hình.

Với phương án tuần tra khép kín, mỗi năm tiểu đội phát hiện, ngăn chặn hàng chục trường hợp quay phim, chụp ảnh trong vùng cấm và người dân săn bắt thú rừng, chặt cây xanh trái phép bên triền núi. Gần đây nhất vào đầu tháng ba, Thượng úy, Phó tiểu đội trưởng Trần Việt Hải cùng đồng đội ngăn chặn một du khách nước ngoài ôm camera lên lưng núi. Sau mỗi lần phát hiện, tiểu đội lập biên bản vụ việc rồi chuyển giao cho công an xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật".

Thượng sĩ Ngô Văn Tú tâm sự: "Thú rừng sinh trưởng ở núi Chóp Chài không ít, nhưng chúng tôi nhận thức pháp luật nên không săn bắt. Khi thấy người dân bẫy được chồn, cheo, anh em vận động họ thả về rừng. Thuyết phục không được thì mới lập biên bản tạm giữ để chuyển giao cho công an địa phương".

Đại úy, Đại đội phó CSCĐ Lê Xuân Huyên cho biết thêm: "Mỗi CBCS được phân công bảo vệ mục tiêu này trong 2 năm, nhưng do yêu cầu nhiệm vụ nên hai Thượng úy, Tiểu đội trưởng Lê Văn Hải và Phó tiểu đội trưởng Trần Việt Hải đều "cắm núi" hơn 3 năm. Khó khăn, vất vả nhưng họ chưa hề ngỏ lời xin… "xuống núi", mà cùng đồng đội tiếp tục năng động, tích cực công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 14 năm qua Tiểu đội chưa hề để xảy ra một sự cố sai sót nào, mà đã bảo vệ an toàn tuyệt đối mục tiêu trọng điểm núi Chóp Chài".

2- Trở lại nỗi lo trong mùa giông bão và những câu chuyện "trời đánh" trên đỉnh Chóp Chài, Thượng úy, Tiểu đội trưởng Lê Văn Hải tâm sự: "Nằm ở độ cao 363m, trong khi những tháp ăng-ten, ra-đa ở đây đều là những thiết bị kim loại có khả năng "hút sét" nên đến mùa mưa giông, bão lũ, đỉnh núi Chóp Chài trở thành "cứ địa" của sét với trăm trận mỗi năm. Cũng may là những năm qua chỉ mới xảy ra thiệt hại về thiết bị kỹ thuật chứ chưa có người nào tử nạn do sét. Dẫu vậy, bất cứ một ai chứng kiến sấm sét ở đây đều phải hoảng sợ, thậm chí có người nghe thấy lần đầu đã phải… ướt quần".

Những đợt sấm sét bổ xuống từ trên cao, đánh ngang, xẻ dọc, nghe như bom nổ rung chuyển cả núi, âm lực dồn nén khiến nhiều tấm kính cửa sổ vỡ nát rơi xuống thềm nhà. Lên đây mới biết sét hòn, sét cục giội xuống ầm ào, có lúc nhìn lên ngọn tháp ăng-ten thấy khối lửa to bổ nhào xuống mặt đất".

Có lần giông sét nổi lên, kỹ sư Đặng Rõ đang trực tại Trạm thu - phát sóng Chóp Chài của Trung tâm kỹ thuật truyền dẫn phát sóng thuộc VTV chạy ra sân ngắt thiết bị điện đúng vào lúc ánh chớp trên bầu trời vụt sáng cùng với tiếng nổ như bom giội từ trên trụ ăng-ten, những khối lửa rơi xuống lả tả, anh Rõ luống cuống quỵ ngã xuống đất.

Còn kỹ sư Lê Ánh Dương cũng đã một phen hoảng vía trong một lần đi xe máy lên đỉnh núi Chóp Chài để kiểm tra, sửa chữa thiết bị hư hỏng. Khi anh đến lưng chừng núi thì điện thoại di động trong túi rung lên. Vừa mới dừng xe, lấy điện thoại ra để nghe thì một vệt sáng xé ngang bầu trời kèm theo tiếng sét giáng xuống. Hoảng loạn, kỹ sư Dương thả rơi điện thoại, đưa hai bàn tay áp lên mặt nóng ran, trong khi điện thoại nằm trên mặt đường nhựa đã… cháy khét, đến lúc đó anh mới biết mình vừa thoát chết.

Một lần khác mối dây tải điện bị đứt do thiên tai, nhóm công nhân Công ty điện lực Phú Yên tranh thủ khắc phục sự cố khi mưa vừa dứt. Vừa mới leo lên trụ hơn 1m thì một cú sét bất ngờ giội xuống khiến anh công nhân mặc trang phục da cam nằm bất động sau cú rơi xuống đất. Sau giấy phút hoảng hồn, đồng nghiệp bước tới kiểm tra thân thể anh không tìm thấy vết thương nào, nhưng đáy quần thì… ướt nhẹp!

Vui chuyện, Thượng úy, Phó tiểu đội trưởng Trần Việt Hải kể: "Hơn ba năm "bảo vệ cổng trời" tôi trực tiếp chứng kiến hơn 100 trận sét  đánh xuống núi Chóp Chài. Có ngày sét đánh tới mức "đinh tai, nhức óc", nhưng lâu dần thành quen. Nhiều cú sét không chỉ gây hư hỏng thiết bị truyền dẫn phát sóng truyền hình mà nhiều cây rừng bị chẻ toạc cháy khô, một vài tảng đá bên sườn núi nứt vỡ. Lúc rảnh rang, anh em công an, bộ đội và dân sự ở đây trao đổi kinh nghiệm phòng tránh sét theo hướng dẫn của các chuyên gia ở Viện Vật lý địa cầu thuộc Việt Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam. Dẫu vậy, anh em vẫn lo sốt vó mỗi khi "Thiên lôi" nổi giận".

Rời đỉnh Chóp Chài khi ánh chiều gieo ráng đỏ phía trời Tây, nghe tiếng chuông từ phía những ngôi chùa Bửu Lâm, Hòa Sơn, Khánh Sơn và Minh Sơn tọa lạc bên chân núi vọng lại, chúng tôi thầm mong những CBCS công an, bộ đội và nhân viên dân sự luôn yên bình khi đến mùa sấm sét, mong sao họ có đủ nguồn nước sinh hoạt khi nắng hạn kéo dài…

Phan Thế Hữu Toàn
.
.