Những hiệp sĩ bảo vệ môi trường

Thứ Năm, 28/05/2009, 10:30
Điểm lại một loạt vụ án xâm hại môi trường đã được Cục Cảnh sát Môi trường khám phá trong 2 năm qua, có thể nhận thấy tội phạm về môi trường ở nước ta đang diễn biến rất phức tạp và sự ra đời của lực lượng Cảnh sát Môi trường là hết sức cần thiết.

Khi đọc những trang hồ sơ về vụ Công ty Cổ phần đầu tư Cửu Long Vinashin mua thiết bị của hai nhà máy nhiệt điện cũ từ Hàn Quốc chở về cảng Cái Lân bị cán bộ chiến sĩ Cục Cảnh sát Môi trường bắt giữ, bất giác tôi liên tưởng đến bộ phim truyền hình dài tập khá hấp dẫn của Hàn Quốc mang tên "Chuyện tình Harvard" đã được phát trên VTV3.

Bộ phim bắt đầu bằng câu chuyện tình yêu tay ba của ba sinh viên Hàn Quốc: Một cô gái học ngành Y và hai chàng trai học ngành Luật tại trường đại học Harvard của Mỹ.

Khi trở về đất nước, một chàng luật sư và cô bác sĩ đã dốc toàn bộ tâm huyết và kiến thức đã được trang bị từ Mỹ về để giúp đỡ những người dân nghèo, bảo vệ một vùng đất của Hàn Quốc đang bị một công ty xuyên quốc gia gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Trong khi đó, dẫu là một luật sư xuất sắc, nhưng vì quyền lợi cá nhân mà chàng luật sư khác lại đi ngược lại quyền lợi của dân tộc mình, sử dụng kiến thức đã học tiếp tay cho những hành động gây xâm hại môi trường của công ty xuyên quốc gia đó. Kết quả là, những người vì quyền lợi quốc gia, vì nhân dân lao động, dẫu phải chịu bao cay đắng, thậm chí hiểm nguy... đã chiến thắng. Những kẻ chỉ chú ý đến lợi nhuận mà không chú ý đến việc bảo vệ môi trường, xâm hại đến sức khỏe của người dân đã bị xử lý thích đáng.

Ngoài "Chuyện tình Harvard" còn có khá nhiều phim Hàn Quốc cũng đề cập đến cuộc đấu tranh bảo vệ môi trường một cách quyết liệt. Tháng 4 vừa qua, khán giả Việt Nam được xem bộ phim Hàn Quốc khác mang tên "Cuộc sống tươi đẹp" mà chủ đề chính cũng là cuộc đấu tranh sinh tử để bảo vệ môi trường ở vùng đất ven biển bắt đầu công cuộc đô thị hóa... Xem phim nước người lại ngẫm đến chuyện bảo vệ môi trường của nước ta từ vụ việc nhập hai nhà máy nhiệt điện cũ.

...Công ty Cổ phần đầu tư Cửu Long Vinashin (gọi tắt là CT Cửu Long) có trụ sở tại thành phố Hải Phòng được Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Vinashin giao trách nhiệm là nhà thầu B (bao gồm tư vấn, lắp đặt, chuyển giao công nghệ) trong dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng với công suất 185 MW.

Dự án được UBND tỉnh Nam Định cho phép sử dụng 330.000 m2 đất tại Mỹ Lộc, Nam Định làm mặt bằng xây dựng. Theo hợp đồng ủy thác nhập khẩu, ngày 18/3/2006 ký với Công ty Cổ phần công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh, Công ty Cửu Long đã ký 2 hợp đồng với 2 công ty của Hàn Quốc để mua toàn bộ thiết bị của 2 nhà máy nhiệt điện cũ cũng có công suất 185 MW, với tổng giá trị 12,6 triệu đôla Mỹ, chuyển về Việt Nam.

Trước đó, Bộ Công nghiệp (cũ) và Bộ Công thương (cũ) đã có một loạt văn bản đánh giá hồ sơ dự án đầu tư thiết kế và cơ sở và yêu cầu đình chỉ việc thực hiện dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng. Dẫu dự án chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng không hiểu sao tại thời điểm ấy Sở Công nghiệp Nam Định vẫn có công văn đề nghị nhập khẩu thiết bị và đó cũng là lý do để CT Cửu Long nhập máy cũ về.

Trong số lô hàng thiết bị cũ bị gỡ ra từ nhà máy cũ nhập về cảng Cái Lân có những chiếc máy biến thế có chứa dầu PCB (Poly Chlorinated Biphenyles) là chất hữu cơ khó phân hủy, dễ khuếch tán, không thu hồi được, rất độc hại đối với môi trường và con người.

Việc nhập khẩu biến thế điện đã qua sử dụng có chứa chất thải nguy hiểm PCB là vi phạm các quy định tại mục 2 chương 8 Luật bảo vệ môi trường của Việt Nam, vi phạm công ước Basel về kiểm soát việc vận chuyển xuyên biên giới các chất độc hại, công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy.

Chưa hết, Cục Cảnh sát Môi trường còn chứng minh được rằng để đưa thiết bị cũ chứa chất thải nguy hại vào Việt Nam, CT Cửu Long còn có hành vi làm giả các văn bản của Bộ Thương mại (cũ) và Bộ Tài nguyên môi trường. Và đó là những lý do mà các cơ quan chức năng quyết định buộc CT Cửu Long phải tái xuất toàn bộ số máy biến thế cũ nói trên đồng thời phải chịu phạt 95 triệu đồng.

Lực lượng Cảnh sát môi trường Công an Quảng Nam truy quét khai thác lâm sản trái phép tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam.

Trao đổi với chúng tôi về vụ việc trên, Đại tá Nguyễn Xuân Lý - Cục trưởng Cục cảnh sát Bảo vệ môi trường cho biết thêm: Theo tài liệu điều tra của chúng tôi, những chiếc máy biến thế nói trên đã được sản xuất từ năm 1967, tức là đã qua hơn bốn mươi năm sử dụng. Thông thường với thiết bị cũ kỹ ấy, bên họ cũng phải thuê hàng triệu USD để gỡ bỏ, đồng thời phải tốn khá nhiều kinh phí để xử lý chất PCB độc hại. Vậy mà bên ta vẫn có người bỏ tiền tỉ để mua về và cho đến bây giờ đã qua hàng chục tháng trời bị bắt giữ, họ vẫn loay hoay không biết sẽ tái xuất những chiếc biến thế gỉ chứa chất độc hại kia đi đâu? Toàn bộ vật chứng vì thế cứ nằm chềnh ềnh trên cảng Cái Lân không biết đến bao giờ!

Mấy năm gần đây, dư luận và công luận liên tục dẫn ra những vụ nhập khẩu "kỳ lạ" kèm theo lời cảnh báo: Nếu không kịp thời ngăn chặn, Việt Nam có nguy cơ trở thành bãi rác của các nước công nghiệp phát triển. Loại rác thứ nhất là các loại thiết bị, máy móc và công nghệ lạc hậu tương tự như những chiếc biến thế cũ nát mà chúng tôi vừa đề cập. Loại rác thứ hai, hoàn toàn theo nghĩa đen là các chất phế thải, các loại phế liệu nhập về làm sạch kiếm lời.

Vụ nhập 13 container rác thải từ Hồng Công về cảng Hải Phòng, vụ nhập 7.000 tấn sắt thép phế liệu nhập khẩu trên đường vận chuyển từ cảng Hải Phòng vào TP HCM hay vụ tạm nhập tái xuất hàng vạn chiếc ác quy chì nhưng xúc xạc và đổ chất bẩn độc hại trên đất Việt Nam... là những trường hợp điển hình mà báo chí đã lên tiếng. Đồng thời lực lựợng Cảnh sát bảo vệ môi trường cũng tốn khá nhiều thời gian và công sức mới có thể ngăn chặn và xử lý một cách thấu tình đạt lý những vụ nhập rác thải độc hại này.

Theo Đại tá Nguyễn Xuân Lý, người ta ham buôn bán rác thải vì đó là những thương vụ mang lại siêu lợi nhuận. Nhưng nguyên nhân sâu xa của vấn đề này chính là vấn đề nhận thức về công tác bảo vệ môi trường của người dân nước ta. Đúng như nhận xét trên đây của đồng chí Cục trưởng, đã một thời gian dài chúng ta chưa coi trọng việc bảo vệ môi trường và sự phát triển bền vững nên các vụ vi phạm bảo vệ môi trường ngày càng nhiều và càng nghiêm trọng. Chỉ đến khi lực lượng Cảnh sát Môi trường ra đời với nhiệm vụ phát hiện, đấu tranh và xử lý những hành vi xâm hại môi trường, nhận thức về công tác bảo vệ môi trường mới bắt đầu có sự thay đổi.

Nhiều vụ việc xưa nay được coi là "chuyện thường ngày ở huyện" hoặc "có ô nhiễm cũng chẳng chết ai", nay được nhìn nhận dưới góc độ luật pháp, được lực lượng chuyên trách là Cảnh sát Môi trường điều tra khám phá đã trở thành những vụ án lớn, những vấn đề nóng bỏng khiến mọi người phải quan tâm.

Còn nhớ, hồi đầu năm 2007, dư luận và công luận vô cùng bức xúc đối với  các vụ mua bán chất thải tại một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội để tái chế thành đồ dùng sinh hoạt bị phanh phui. Đó chính là những "trận đánh mở màn" của lực lượng Cảnh sát Môi trường sau lễ ra mắt chính thức vào ngày 6/3/2007. "Những trận đánh" ấy mang ý nghĩa nhân đạo vì sức khỏe cộng đồng nên lập tức được các cấp, các ngành và đặc biệt là nhân dân đồng tình ủng hộ.

Từ ấy đến nay mới chỉ mới 2 năm hoạt động, thông qua các biện pháp nghiệp vụ, lại được sự giúp đỡ thông tin của nhân dân cả nước, lực lượng Cảnh sát Môi trường đã khám phá được hơn 1.500 vụ việc vi phạm về môi trường, trong đó có nhiều vụ nghiêm trọng, như vụ Công ty Vedan xả nước thải chưa xử lý ra sông Thị Vải; vụ Nhà máy bột ngọt Miwon xả nước thải làm ô nhiễm sông Hồng; vụ Công ty TNHH Sông Xanh ở Bà Rịa - Vũng Tàu chôn 5.000 tấn chất thải và cát nhiễm dầu gây ô nhiễm cả một vùng đất...

Điểm lại một loạt vụ án xâm hại môi trường đã được Cục Cảnh sát Môi trường khám phá trong 2 năm qua, có thể nhận thấy tội phạm về môi trường ở nước ta đang diễn biến rất phức tạp và sự ra đời của lực lượng Cảnh sát Môi trường là hết sức cần thiết.

Thực tế cho thấy, qua hơn hai năm hoạt động, binh chủng mới này của Tổng cục Cảnh sát không chỉ ngăn chặn được hàng trăm vụ xâm hại môi trường nghiêm trọng mà đã chủ động tham gia vào việc nâng cao nhận thức về sự phát triển kinh tế bền vững trong công cuộc công nghiệp hóa hiện nay. Đã có những địa phương từ chối những dự án hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ đôla chỉ vì vấn đề môi trường.

Năm ngoái, Công an tỉnh Nghệ An đã tham mưu cho lãnh đạo tỉnh này không phê duyệt dự án xây dựng nhà máy giấy trị giá gần 1 tỉ đôla Mỹ chỉ vì nhà đầu tư chọn địa điểm đặt nhà máy ở nơi đầu nguồn sông Lam. Tương tự như vậy, tại Đà Nẵng, lãnh đạo có thẩm quyền cũng từ chối một dự án sản xuất thép trị giá 1,2 tỉ USD  vì nhà đầu tư chưa đưa ra được các phương án bảo vệ môi trường hữu hiệu.

Mấy năm gần đây, các nhà làm phim truyền hình Việt Nam đã dày công xây dựng hàng trăm tập phim truyện ca ngợi chiến công của Lực lượng Cảnh sát nhân dân trong đó chiếm thời lượng nhiều nhất là hình ảnh của anh em cảnh sát phòng chống tội phạm hình sự, ma túy. Nhưng tôi tin rằng, nếu được tiếp xúc với những trang hồ sơ của anh em Cảnh sát Môi trường hoặc được nghe họ kể về những gian truân để đưa được một số vụ án xâm hại môi trường ra ánh sáng pháp luật, chắc hẳn các nhà làm phim cũng rất có hứng thú để xây dựng những bộ phim với những tình tiết hấp dẫn hơn cả phim Hàn Quốc. Bởi lẽ cuộc đấu tranh bảo vệ môi trường ở nước ta hiện nay đang diễn ra cam go hơn lúc nào hết.

Theo đó, việc đánh án vì một môi trường không ô nhiễm, vì sức khỏe hàng triệu người mà anh em Cục Cảnh sát Môi trường đã làm được trong hai năm qua, trong lòng dân, họ đã trở thành những hiệp sĩ bảo vệ môi trường theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng

Nguyễn Xuân Hải
.
.