Những ‘cánh én’ báo tin xuân

Thứ Ba, 24/03/2015, 09:09
Cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống 2012-2015" do Bộ Công an và Hội Nhà văn tổ chức đang trong quá trình "chạy nước rút". Lễ trao giải và tôn vinh các nhà văn Việt Nam, tôn vinh trang sách vàng CAND và văn hóa đọc sẽ diễn ra trong tháng 6/2015. Trong tháng 3 này, lần lượt 27 tác phẩm tham dự cuộc thi đã được NXB Công an Nhân dân - đơn vị thường trực cuộc thi - ấn hành.

27 đầu sách ra mắt độc giả lần này là những tác phẩm được lựa chọn từ hơn 70 tác phẩm tham dự cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống 2012-2015" của các tác giả trong và ngoài lực lượng công an.

Trong loạt sách được xuất bản này, có thể thấy các tác giả tham dự cuộc thi đã đề cập tới nhiều vấn đề nóng bỏng trong đời sống xã hội liên quan đến an ninh trật tự như ma túy, mại dâm, chống buôn lậu, chống khủng bố... Trong đó, các tác giả đã xây dựng hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân trên các lĩnh vực công tác hết sức đa dạng: cảnh sát hình sự, cảnh sát phòng chống ma túy, sự hi sinh thầm lặng của các chiến sĩ tình báo, cuộc đấu tranh của những chiến sĩ chống Fulro, cuộc sống chiến đấu của các chiến sĩ "cắm bản" cùng đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc...

Có thể kể tên một số tác phẩm tiêu biểu như: "Những kẻ bị giời hành" của tác giả Đặng Vương Hưng viết về những số phận người dưới đáy xã hội phải đối mặt với bao tệ nạn xã hội và tội phạm. Ở đó, những người chiến sĩ công an bằng lòng nhân ái đã cảm hóa và cứu vớt được nhiều số phận người khỏi sự sa ngã, tội lỗi; “Tiếng gọi quay về” của tác giả Khánh Minh viết về cuộc đời của một tên giang hồ khét tiếng tên Long đã từng gây nhiều tội lỗi. Nhờ tình thương của mẹ và đặc biệt là tình người của những chiến sĩ cảnh sát hình sự đã cảm hóa và thức tỉnh để Long quay về lối thiện;

Một số tác phẩm tham dự cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống 2012-2015" do Bộ Công an và Hội nhà văn tổ chức.

"Mặt trận không tiếng súng" của tác giả Thanh Hương viết về những cán bộ làm công tác quản giáo với những khó khăn, vất vả để giáo dục, cảm hóa phạm nhân, bên cạnh đó họ còn phải đối diện với chính mình trước những cám dỗ của đồng tiền; "Tướng bà" của tác giả Võ Bá Cường viết về đề tài đấu tranh chống Fulro dựa trên một câu chuyện có thật xảy ra ở huyện Ea Súp (Đắc Lắc) từ năm 1987 đến 2001 đã được tiểu thuyết hóa qua các sự kiện và cách xây dựng, khắc họa tính cách nhân vật "Tướng bà"...

Một trong những thế mạnh của dòng văn học viết về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" không thể không nhắc tới, đó là tiểu thuyết tư liệu vẫn được các tác giả khai thác triệt để. Tìm tòi, nghiên cứu, khám phá những bí mật trong cuộc đời hoạt động của các điệp viên, các tác giả đã hình thành nên những tác phẩm mang đậm dấu ấn: lão nhà văn Lương Sỹ Cầm với "Dấu chân trinh sát" viết về cuộc đời thăng trầm cùng những chiến công vang dội của đồng chí Nguyễn Văn Lệnh (biệt danh Tư Hổ) - chỉ huy phó Đội Trinh sát vũ trang B5, Ban An ninh T4;

Tác giả Phan Đức Nam với "Điệp viên đất Thủ" viết về cuộc đời hoạt động của điệp viên mang mật danh H44 Dương Ngọc Mai - một chiến sĩ tình báo xuất sắc trong kháng chiến chống ngoại xâm trên địa bàn Thủ Dầu Một; tác giả Diệp Hồng Phương với tập truyện ký khắc họa chân dung đồng chí Ngô Quang Hơn (tức Hai Hồng), nguyên Phó trưởng tiểu ban Bảo vệ chính trị, Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang...

Một số cây bút thế hệ 7X, 8X từng đoạt giải thưởng trong các cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" do Bộ Công an và Hội Nhà văn  phối hợp tổ chức trước đây như Nguyễn Đình Tú với "Cô mạc sầu", Chu Thanh Hương (Công an tỉnh Lạng Sơn) với "Bí ẩn Phụng Hoàng Sơn", Di Li với "Câu lạc bộ số 7"... Điều đó cho thấy, dòng văn học về đề tài này vẫn luôn có một sức hấp dẫn đáng kể đối với những người cầm bút trong và ngoài lực lượng Công an ở nhiều độ tuổi khác nhau.

Đại tá, nhà văn Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc - Tổng biên tập NXB Công an nhân dân:

Đã xuất hiện những tác phẩm mang tính dự báo

- Thưa Đại tá, nhà văn Nguyễn Hồng Thái, được biết ông vừa đảm nhận cương vị Giám đốc - Tổng biên tập NXB Công an nhân dân chưa lâu lại vừa đón nhận loạt tác phẩm đầu tiên của cuộc thi. Xin ông chia sẻ tâm trạng của mình với tư cách là tân Giám đốc NXB Công an nhân dân và với tư cách là một nhà văn từng có những thành công trong các sáng tác về hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân?

+ Tôi đảm nhiệm cương vị mới này đã được 5 tháng. Nhưng trước hết xin được khẳng định rằng có được thành quả như hôm nay với loạt 27 tác phẩm ra mắt bạn đọc là do có sự quan tâm của lãnh đạo Bộ, sự hỗ trợ của Hội Nhà văn và công lao của tập thể Ban giám đốc, lãnh đạo các phòng ban, biên tập viên... đã đồng hành cùng các nhà văn trong suốt thời gian từ lúc bắt đầu cuộc thi, tổ chức thành công, đã giao lưu, phục vụ các nhà văn hết lòng tại 2 trại sáng tác ở Quảng Ninh và Đà Lạt. Tôi chỉ góp phần thúc đẩy để cho các tác phẩm này ra đời nhanh hơn thôi, song tôi cũng hết sức vui mừng trước thành quả này. Tôi xin được gửi lời chúc mừng tới 27 tác giả có sách in trong đợt này.

Là người viết văn trưởng thành từ những trang viết về lực lượng công an nên tôi rất trân trọng các tác giả đã và đang có những tác phẩm viết về hình tượng người chiến sĩ công an. Khắc họa hình ảnh người chiến sĩ công an trong văn học quả là một công việc khó khăn, không chỉ đòi hỏi sự sáng tạo cần mẫn mà cần có cả tình cảm của các nhà văn dành cho lực lượng công an nữa. Vì thế tôi cũng coi đây một sự thôi thúc khiến tôi có thêm động lực để tiếp tục viết về đề tài này.

- Ông có thể đưa ra vài nhận định chung nhất về các tác phẩm vừa ra mắt không? Tác phẩm nào khiến ông có ấn tượng đặc biệt nhất?

+ Có thể nói, các nhân vật, hình tượng người chiến sĩ công an được xây dựng trong 27 tác phẩm xuất bản lần này rất đa dạng về công việc, tính cách, tâm lý, số phận nhưng lại hết sức gần gũi, đời thường. Họ luôn phải vươn lên trên sự khắc nghiệt của cuộc sống, của công việc bằng khả năng nghiệp vụ, bản lĩnh vững vàng nhưng lại luôn có một trái tim nhân hậu, ấm áp, có khả năng cảm hóa, thu phục "đối tượng" quay về con đường lương thiện. Điểm mới trong các tác phẩm dự thi năm nay đó là đã xuất hiện một số tác phẩm có tính cảnh báo. Tôi có "cảm tình" với một số tác phẩm, trong đó có "Câu lạc bộ số 7" của Di Li vì nó có tính dự báo, cảnh báo về một loại tội phạm mới, về cuộc đấu tranh mới của lực lượng cảnh sát với loại tội phạm có tính chất phi truyền thống, có tính chất biến thái của các giáo phái cực đoan đến từ nước ngoài.

- Sắp tới, NXB Công an nhân dân sẽ tổ chức trại viết lần thứ 3 tại Cửa Lò (Nghệ An) - nằm trong chương trình hoạt động của cuộc thi. Ông có dự định sẽ chia sẻ, đồng hành như thế nào với các nhà văn tham dự trại viết này?

+ Tôi sẽ cố gắng dành nhiều thời gian để có thể đồng hành tối đa với các nhà văn dự trại lần này. Ngoài phần "nghi lễ" như khai mạc, bế mạc trại, tôi sẽ cùng đi thực tế với các nhà văn đến các trại giam, tham gia giao lưu, trò chuyện, chia sẻ với các nhà văn những trải nghiệm của chính tôi trong nghề viết văn từ khi còn là một người lính. Tôi mong muốn chia sẻ với các nhà văn sự trăn trở của tôi với đề tài văn học về hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân mà tôi quan tâm theo đuổi lâu nay nhưng vẫn chưa thể hiện được, đó là cuộc đấu tranh với tội phạm ma túy, tội phạm khủng bố và một số tội phạm xuất hiện trong xã hội hiện đại như tội phạm công nghệ cao... Trong đó có nhiều loại tội phạm mới, tội phạm phi truyền thống mà đòi hỏi người chiến sĩ công an phải có trình độ tin học, ngoại ngữ, kinh tế, văn hóa... thì mới có thể chiến thắng được. Tôi hi vọng các tác giả trẻ, các nhà văn trẻ có thể tiếp cận được và đưa vào tác phẩm của mình công cuộc đấu tranh của lực lượng công an với loại tội phạm mới này, mang lại cho văn học về đề tài an ninh trật tự một luồng sinh khí mới.  bắt nhịp với đời sống hiện đại.

- Xin cảm ơn ông.

Nguyệt Hà
.
.