Kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Lực lượng An ninh nhân dân:

Nhớ lại một chặng đường

Thứ Tư, 02/08/2006, 08:30

Mùa xuân năm 1948, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đang diễn ra quyết liệt, tỉnh Lào Cai bị địch chiếm đóng hoàn toàn. Các cơ quan và hàng nghìn đồng bào tản cư tạm lui về huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Cuộc chiến đấu tại vùng giáp ranh hai tỉnh giữa ta và địch tại Xuân Kỳ và khu vực Phố Giàng - Bảo Yên thuộc tỉnh Yên Bái, Vi Thượng thuộc huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Tuyên cũ, diễn ra ác liệt.

Thực hiện Chỉ thị của Giám đốc Công an Khu 10 và của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai (lúc bấy giờ là Tỉnh bộ Việt Minh), Ty Công an Lào Cai nhanh chóng thành lập các đội điệp báo, biệt động bí mật luồn sâu vào vùng địch, làm nhiệm vụ chiến đấu. Ba đội điệp báo và biệt động do 3 đồng chí Lê Quân, Lê Vân, Thanh Thủy làm đội trưởng cùng số cán bộ chính trị của Tỉnh ủy Lào Cai cấp tốc lên đường.

Tiếp đó, đồng chí Trần Kỳ, Trưởng ty Công an Lào Cai lệnh cho chúng tôi tiếp tục lên đường, phối hợp chiến đấu với các đơn vị bạn. Lúc đó vào vùng địch rất nguy hiểm, cái chết chỉ cách gang tấc, thế mà ai nấy đều cảm thấy vinh dự, hồ hởi, phấn khởi như người  được trở về quê, nhiều đồng chí tình nguyện xung phong chưa được lên đường thì buồn lắm. Chúng tôi khẩn trương chuẩn bị hành trang. Cùng với vũ khí gồm tiểu liên, súng ngắn, lựu đạn, dao găm, mỗi người mang từ 5 đến 10kg gạo đựng trong ruột tượng bằng vải, 1kg muối đựng trong ống nứa và dăm bánh thuốc lào (muối và thuốc lào lúc bấy giờ đối với chúng tôi vô cùng quý giá, nó có thể đổi lấy lương thực, thực phẩm và còn là phương tiện phục vụ cho công tác dân vận và xây dựng cơ sở).

Tham gia trong đoàn có đồng chí Trần Kỳ, Trưởng ty Công an và một số đồng chí đội trưởng cùng anh em trong Đội Điệp báo và Biệt động đã từng chiến đấu ở vùng hậu địch như đồng chí Đoàn Đình Căn (tức Trần Thông), Nguyễn Quang Nhạn, Nguyễn Văn Đang (tức Việt Hưng)... một tổ giao liên  đặc biệt 4 đồng chí: Vũ Đức Lương, Nguyễn Bá Bình, Đỗ Viết Cung, Phạm Quang và tôi, tất cả có hơn 10 đồng chí.

Đội Điệp báo và biệt động dự Hội nghị tổng kết công tác điều tra và diệt tề trừ gian (cuối năm 1949).

Sáng 24/4/1948, chúng tôi xuất phát từ làng Sâng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái vào chặng đường rừng dài hơn 100 cây số, qua nhiều đồn bốt địch, mật thám, chỉ điểm, cài cắm dày đặc ở các làng bản cạnh đường. Sau hơn 3 ngày đêm, qua bao nguy hiểm, cơm vắt ngủ rừng, uống nước khe, nước suối, vượt qua bao núi cao, vực thẳm, qua các địa danh địch thường xuyên mai phục như: Bến Cóc, Ngòi Mác, Phố Ràng, Thèn Phàng, làng Bon, làng Mai, chúng tôi theo chân giao liên, tiến thẳng về Lào Cai.

Trưa ngày thứ tư, chúng tôi tới bờ sông Hồng, địa phận của huyện Bảo Thắng, Lào Cai. Về tới đất tỉnh mình, anh em phấn khởi, một số tháo balô, súng đạn và đồ dùng mang theo bỏ trên bờ, chạy xuống sông rửa tay chân. Thấy vậy, đồng chí Trần Kỳ Trưởng ty nghiêm nghị nhắc nhở: “... Đây là vùng địch kiểm soát, chúng ta phải thật cảnh giác và tổ chức cảnh giới nghiêm ngặt...”. Tất cả chúng tôi nai nịt gọn gàng, lần lượt qua sông Hồng, tới khu căn cứ Công an đặt tại Soi Cờ thuộc huyện Bảo Thắng cách thị xã trên 30 cây số. Tất cả đều an toàn.

Chưa hết mệt, ngay chiều hôm đó, chúng tôi và cả đồng chí Trưởng ty Công an, bắt tay ngay vào dựng lán trại để lấy nơi ở và làm việc. Trong lúc đang dựng lán trại thì nhận được tin: Cách đây 3 hôm tại thôn Soi Cờ cách lán chúng tôi khoảng vài trăm mét, quân địch đã tới càn quét, khủng bố, đốt phá trên 10 nhà dân. Dã man nhất là chúng đã bắn chết hơn 10 đồng bào ta, bắt 1 thanh niên nghi là cán bộ Việt Minh, trói anh treo lên cành cây xoan rồi xả súng trung liên và tiểu liên bắn chết. Số đồng bào nơi đây đều là người Kinh ở Ba Vì, Sơn Tây (nay là Hà Tây) lên sinh sống làm nghề nông và chài lưới, chúng tôi ai lấy đều xúc động nghẹn ngào trước sự mất mát của dân và căm thù quân giặc.

Chưa hết bàng hoàng, ngay ngày hôm sau, đồng chí Trưởng ty lại nhận được báo cáo: Trên đường công tác tới khu Soi Lần cách căn cứ Soi Cờ chúng tôi chừng 10km, đồng chí Lê Quân, Đội trưởng Đội Điệp báo đã bị địch mai phục bắn chết. Đau thương chồng chất đau thương, tất cả chúng tôi đều lặng đi, lòng quặn thắt, mắt đỏ rưng rưng. Ngay tối hôm đó, lễ  truy điệu đồng chí Lê Quân được tổ chức đơn giản nhưng trang nghiêm tại khu căn cứ Soi Cờ trong một chiếc lán mới dựng, không có ảnh chân dung mà chỉ có hàng chữ màu trắng: “Vô cùng thương tiếc đồng chí Nguyễn Văn Lạc tức Lê Quân” trên nền một chiếc chăn chiên màu xám của đồng đội và có quan tài tượng trưng, trên phủ Quốc kỳ... Đồng chí Trần Kỳ, Trưởng ty Công an xúc động đọc điếu văn vĩnh biệt đồng chí Lê Quân. Tất cả chúng tôi nước mắt ròng ròng, thắp hương và cúi đầu vĩnh biệt đồng chí.

Đồng chí Lê Quân là cán bộ Công an Lào Cai, 20 tuổi, đang độ tràn đầy sức sống, gan dạ, dũng cảm, yêu đời, cũng là đồng chí xung phong đầu tiên vào hậu địch. Tôi còn nhớ buổi liên hoan văn nghệ tiễn đồng chí lên đường vào vùng hậu địch, đồng chí đã say sưa hát bài "Cô lái đò". Nay đồng chí đã vĩnh viễn ra đi, để lại bao kỷ niệm và tiếc thương  trong lòng đồng đội và đồng bào Lào Cai.--PageBreak--

Sáng 1/5/1948, toàn thể cán bộ, chiến sĩ công an hoạt động trong vùng địch đã tập trung tại gốc đa Soi Cờ để kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động, trao phần thưởng và công bố lời khen của Nha Công an Trung ương và Giám đốc Công an Khu 10 đối với một số đồng chí, trong đó có đồng chí Lê Quân... Đồng chí Trưởng ty tiếp tục phổ biến tình hình và nhiệm vụ mới. Cũng ngay tại nơi đây đã phát động thi đua biến đau thương thành hành động cách mạng, quyết tâm trả thù cho đồng chí Lê Quân và đồng bào Soi Cờ.

Hơn 1.000 ngày thi đua, chiến đấu không mệt mỏi trên mặt trận thầm lặng trong vùng địch, các đội điệp báo, biệt động được sự chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc Công an Khu 10 và của Tỉnh ủy Lào Cai, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang địa phương, được nhân dân hết lòng giúp đỡ, đã xây dựng được nhiều cơ sở trong hàng ngũ ngụy quân, ngụy quyền và cả ngay trong hàng ngũ mật thám, chỉ điểm, đã nắm bắt được nhiều tin tức quan trọng phục vụ cho sự chỉ đạo của cấp trên. Anh em còn thực hiện và động viên quần chúng tiến hành nhiều hoạt động chính trị, quân sự cụ thể. Cờ đỏ sao vàng xuất hiện ngay trong thị xã, truyền đơn, khẩu hiệu được dán khắp nơi, lựu đạn nổ ngay đêm thứ 7 trong câu lạc bộ sĩ quan Pháp giữa lúc chúng đang rượu chè nhảy múa. Nhiều tên sĩ quan mật thám, phòng nhì không khỏi giật mình, bàng hoàng khi sờ vào túi áo của mình có lá thư cảnh cáo, răn đe Đội Biệt động Công an Lào Cai. Hàng chục tên mật thám chỉ điểm ác ôn, ngụy quân, ngụy quyền gian ác phải đền tội.

Vào đêm giao thừa của tết Nguyên đán năm 1949, giữa tiếng pháo và tiếng chuông nhà thờ ngân vang báo hiệu thời điểm "tống cựu, nghinh tân", Đội Biệt động do đồng chí Lê Vân, (tức Lê Văn Quý), Đội trưởng, đã táo bạo cải trang thành đội kiểm soát liên hiệp giữa lính da đen và lính bảo an, kiểm tra an ninh lưu động, đột nhập vào nhà tên Phó Lý Sáng, tay sai đắc lực của ngụy quyền kiêm chỉ điểm, phá nhiều cơ sở của ta và có nợ máu với nhân dân, tại thôn Pạc Tà, xã Nam Cường, gần sân bay Cốc Lếu, cách thị xã Lào Cai 3 cây số nổ súng, kết liễu đời hắn. Tiếp đó, đồng chí Lê Vân dẫn toàn đội tới nhà tên Lý Phúc, cũng là tay sai đắc lực cho địch như Phó Lý Sáng. Đẩy cửa vào không thấy Lý Phúc, quan sát trên bàn khói hương nghi ngút, với giọng ồm ồm, đồng chí Lê Vân quát bằng tiếng Pháp: “Lý Phúc đâu?”. Tên Phúc lóp ngóp từ gầm giường chui ra, đứng khúm núm. Nhận đúng là Lý Phúc, đồng chí Lê Vân đã  kết liễu đời hắn. Trên ngực hai tên tay sai có hai tờ cáo trạng.

Cuối năm 1949 sang đầu năm 1950, Lực lượng Biệt động và Điệp báo được tăng cường thành 6 đội với gần 100 đồng chí. Sức mạnh được nâng lên, lực lượng điệp báo và  biệt động trong vùng địch lúc này hoạt động rất mạnh và quyết liệt, bắt sống tên Mai Văn Chí, gián điệp Pháp, trợ lý của Nguyễn Tường Tam, cốt cán của bọn phản động Quốc dân đảng; diệt tên Tý Tỵ, Đội trưởng Hiến binh Quốc dân đảng gian ác khét tiếng, có nợ máu với nhân dân.

Đồng bào Lào Cai phấn khởi, hởi lòng hởi dạ, tin tưởng ngày thắng lợi đến gần, càng tích cực giúp đỡ bộ đội và công an. Kẻ địch hoang mang, lo sợ, co cụm lại, đối phó với ta. Bộ máy ngụy quyền tê liệt. Bọn mật thám Phòng Nhì chùn tay không dám hoạt động mạnh, thậm chí có tên đêm tối không dám ra ngoài. Câu lạc bộ sĩ quan Pháp tại thị xã Lào Cai đóng cửa. Trước sự hoang mang, dao động của địch, bộ đội ta tiếp tục mở chiến dịch Lê Hồng Phong, tấn công vào lực lượng địch chiếm đóng tỉnh Lào Cai. Các đội điệp báo và biệt động của công an cũng đẩy mạnh hoạt động phối hợp chiến đấu với bộ đội. Quân Pháp xâm lược phải tháo chạy khỏi Lào Cai lúc 0 giờ 30 phút ngày 1/1/1950. Tỉnh Lào Cai được hoàn toàn giải phóng.

Trong cuộc chiến đấu thầm lặng vùng địch trước ngày giải phóng tỉnh Lào Cai (1/1/1950), 7 đồng chí công an đã hy sinh (5 đồng chí điệp báo và biệt động, 2 đồng chí giao liên). Sự hy sinh thầm lặng của các anh đã để lại niềm khâm phục và thương tiếc trong lòng đồng đội và đồng bào các dân tộc toàn tỉnh.

Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Lực lượng An ninh nhân dân (12/7/1946 - 12/7/2006), nguyên là một chiến sĩ an ninh (nay đã gần tuổi 80), ôn lại chặng đường chiến đấu thầm lặng, gian nan, nguy hiểm trong lòng địch, của những người đồng chí, đồng đội, tôi vô cùng tự hào về các anh. Xin thắp nén nhang thơm tưởng nhớ các anh và những người dân trong tỉnh Lào Cai đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc trong những ngày đầu thành lập lực lượng

Phạm Ngọc Minh
.
.