Nhà xuất bản Công an nhân - kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang

Thứ Ba, 28/02/2012, 08:00
Ngày 10/ 2 vừa qua, tại trụ sở Bộ Công an, Nhà xuất bản Công an nhân dân đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm ngày thành lập và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất. Đây là niềm vinh dự của những người làm công tác xuất bản trong Lực lượng Công an suốt ba thập kỷ qua đã không ngừng phấn đấu để khẳng định vai trò quan trọng của mình trong đời sống tinh thần của người cán bộ, chiến sĩ Công an, cũng như bạn đọc cả nước.

Nhân dịp này, phóng viên Chuyên đề Văn nghệ Công an đã có cuộc trò chuyện với Đại tá, nhà văn Phùng Thiên Tân - Giám đốc Nhà xuất bản Công an nhân dân.

- Thưa Đại tá, nhà văn Phùng Thiên Tân, trước tiên xin ông đánh giá đôi nét về những thành tựu nổi bật của Nhà xuất bản Công an nhân dân (NXB CAND) kể từ ngày thành lập tới nay…

+ Cách đây hơn 30 năm, vào tháng 2/1981, NXB CAND được thành lập với nhiệm vụ xuất bản các loại sách và ấn phẩm văn hóa về đề tài bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, phục vụ công tác tuyên truyền trong và ngoài ngành, góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân và động viên phong trào bảo vệ An ninh Tổ quốc. Cho đến nay, chúng tôi đã xuất bản một khối lượng sách đồ sộ, gồm gần 5.000 đầu sách với hơn 16 triệu bản in và nhiều triệu ấn phẩm văn hóa cổ động, tuyên truyền khác. Các ấn phẩm của NXB CAND thực sự đã có đóng góp quan trọng, thiết thực vào đời sống tinh thần và nghiệp vụ của cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng Công an. Có được thành tích ấy là nhờ công lao đóng góp của nhiều thế hệ cán bộ biên tập, công nhân viên, cộng tác viên… trong từng thời kỳ khác nhau đã không ngừng vượt qua những khó khăn thử thách để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và ngành giao phó.

- Được biết, một trong những người đặt nền móng cho sự ra đời của NXB CAND là cố nhà văn Lê Tri Kỷ. Là một học trò của nhà văn Lê Tri Kỷ, nay lại đứng trong vị trí của một nhà quản lý xuất bản, ông nói gì về người thầy của mình cũng như những đóng góp của nhà văn Lê Tri Kỷ trong những ngày đầu thành lập NXB?

+ Nhà văn Lê Tri Kỷ là người rất nặng lòng với lực lượng Công an. Ông chính là người thầy đã dạy tôi viết văn. Tôi còn nhớ, khi có quyết định thành lập NXB CAND, nhà văn Lê Tri Kỷ vui sướng vô cùng. Ông bắt tay vào xây dựng một đội ngũ cán bộ biên tập viên tinh nhuệ. Ngay từ những ngày đầu tiên ông đã chọn lọc, tìm kiếm những người có tài mời về NXB và đào tạo họ trở thành những người làm nghề vững vàng. Nhà văn Lê Tri Kỷ là một nhà quản lý vừa có tâm, vừa có tài. Những đóng góp không mệt mỏi của ông đã tạo nên một nền tảng vững chắc cho NXB ở thời kỳ đầu tiên. Nhắc đến những người đã gắn bó và tạo nên những dấu ấn quan trọng trong công tác xuất bản Công an nhân dân, chúng ta không bao giờ quên những đóng góp của nhà văn Lê Tri Kỷ.

Thượng tướng Trần Đại Quang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất cho Nhà xuất bản Công an nhân dân.

- Trong một thời kỳ dài, với lợi thế về sách tư liệu, chính trị, các xuất bản phẩm của NXB CAND rất được các nhà lãnh đạo cũng như đông đảo bạn đọc trong và ngoài ngành quan tâm. Nhưng chuyển sang thời kỳ kinh tế thị trường, với sự cạnh tranh khốc liệt của các đơn vị làm sách tư nhân, hẳn NXB cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc?

+ Từ giai đoạn Đổi mới, chuyển đổi sang cơ chế quản lý tự hạch toán, công tác phát hành của NXB CAND gặp nhiều khó khăn hơn. Chúng tôi phải làm quen với cơ chế thị trường tự bán mua, tự khai thác nguyên liệu đầu vào, tự tìm kiếm đầu ra, trong tình hình vốn đầu tư lại hạn hẹp. Tuy nhiên, lợi thế của NXB CAND là sách tư liệu. Chúng tôi đã khai thác tốt "mỏ vàng" là những tư liệu lịch sử của ngành với nhiều câu chuyện, nhân vật lịch sử hấp dẫn. Có một thời kỳ, sách của NXB CAND có lượng phát hành rất cao. Nhưng tiếp sau đó là một giai đoạn vô cùng khốn khó, khi ngành xuất bản được xã hội hóa, bùng nổ các đơn vị làm sách tư nhân. Nhiều nhà xuất bản hoạt động cầm chừng, mỗi năm chỉ in vài ba cuốn, còn lại cấp giấy phép xuất bản cho tư nhân. NXB CAND cũng nằm trong những khó khăn chung đó, đòi hỏi mỗi cán bộ chiến sĩ, biên tập viên phải năng động hơn, sáng tạo hơn thì mới tồn tại được.

- Nhận nhiệm vụ Giám đốc NXB ở thời điểm khó khăn như vậy, ông đã có những "quyết sách" gì để đơn vị vẫn có thể đảm bảo tốt nhiệm vụ chính trị và đời sống của anh chị em cán bộ, chiến sĩ?

+ Tôi nghĩ, việc cạnh tranh với các đơn vị xuất bản tư nhân trên thị trường không dễ, vì mình không có đủ cán bộ giỏi cũng như điều kiện kinh tế. Trong khi, nhiệm vụ trọng tâm của NXB là phục vụ cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an. Bởi vậy,  tôi quyết định đơn vị sẽ bám sát mục tiêu này. Tôi đề ra kế hoạch xây dựng đội ngũ cộng tác viên và phát hành dựa trên lực lượng cán bộ phòng chính trị của các đơn vị trong toàn ngành. Chúng tôi lưu tâm cả hai loại sách là sách tri thức và sách giải trí, mời các học giả, các nhà trí thức trong và ngoài ngành và khối các trường, các trung đoàn độc lập tham gia biên soạn và cung cấp bản thảo. Cùng với đó, chúng tôi cũng phối hợp với Tổng cục 8 tiến hành tổ chức các cuộc thi viết cho phạm nhân trong các trại tạm giam và thu được hiệu quả rất tốt. Nhờ thế, uy tín của NXB và đời sống của anh em cán bộ, chiến sĩ được đảm bảo. Tôi cho rằng, định hướng của Ban giám đốc NXB những năm gần đây là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với tình hình thực tế. 

- Thưa ông, ngoài việc làm sách, NXB CAND còn là đơn vị chủ công trong việc xây dựng nền văn học về đề tài Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống. Vậy công tác xây dựng đội ngũ nhà văn Công an được NXB chú trọng như thế nào?

+ Nhiều năm qua, NXB CAND đã tham mưu lãnh đạo Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam phát động thường xuyên các cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống và gặt hái được nhiều tác phẩm, tiểu thuyết, truyện ký, truyện tư liệu có giá trị, phản ánh truyền thống hào hùng của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công an, góp phần xây dựng hình tượng người chiến sĩ Công an trong văn học nghệ thuật. Chúng tôi luôn chú trọng công tác phát hiện và bồi dưỡng các tài năng văn học bằng cách xuất bản, giới thiệu các tác phẩm của họ. Trong lịch sử, NXB CAND đã xây dựng được một đội ngũ các nhà văn, nhà thơ có tên tuổi như Ngôn Vĩnh, Văn Phan, Trần Diễn, Phan Quế, Trương Nam Hương, Đặng Vương Hưng, Nguyễn Thành Phong, Phạm Khải, Trần Thanh Hà…Sau này, do yêu cầu công tác, một số nhà văn đã chuyển sang công tác tại Báo CAND và một số đơn vị báo chí, xuất bản khác. Trong tình hình hiện nay, có hai đội ngũ biên tập viên mà NXB chúng tôi cần bồi dưỡng hoàn thiện, là các nhà văn Công an phục vụ mảng sách văn học và đội ngũ biên tập viên là các cử nhân giỏi về ngành Công an để phục vụ mảng sách về đề tài công an.

- Trong tương lai, NXB CAND sẽ xây dựng đội ngũ cán bộ biên tập viên trẻ như thế nào để họ tiếp tục kế thừa truyền thống vẻ vang của các bậc đàn anh đi trước?

+ Tôi nhớ khi còn là Giám đốc NXB, nhà văn Lê Tri Kỷ quan niệm rằng, biên tập viên chính là trái tim của NXB. Ông rất đề cao vai trò của biên tập viên trong tuyển chọn bản thảo. Tuy nhiên, theo tôi, trong thời đại hôm nay, biên tập viên giỏi là phải có được đầy đủ phẩm chất của một nhà chính trị, một nhà văn hóa, một nhà ngoại giao, một nhà kinh tế… Nghĩa là một biên tập viên phải giỏi về chuyên môn, năng động về thị trường. Với phương châm như vậy, nên NXB CAND thường xuyên luân chuyển cán bộ biên tập viên đến làm việc tại các phòng ban khác nhau trong đơn vị, để anh em hiểu biết tất cả các khâu trong xuất bản sách. Tất nhiên thời gian luân chuyển chỉ trong khoảng một năm thôi, nhưng là một năm quan trọng để sau này họ không xa lạ với bất cứ công việc gì trong lĩnh vực xuất bản. Ngoài ra, chúng tôi cũng tạo điều kiện tối đa cho các biên tập viên trong cơ quan được đi học để nâng cao trình độ tay nghề. Tôi hy vọng rằng, với những nỗ lực không ngừng của Ban giám đốc và toàn thể cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên NXB, chúng tôi sẽ kế thừa và phát huy tốt những thành quả mà đơn vị đã đạt được trong hơn 30 năm qua…

- Xin cảm ơn Đại tá, nhà văn Phùng Thiên Tân

Quỳnh Trang (thực hiện)
.
.