Người mang mật danh Tê Đơ

Thứ Hai, 25/09/2006, 11:30

Tê Đơ đọc theo tiếng Pháp: T.deux (T.2). Tê Đơ là ai, không quan trọng. Nhưng Tê Đơ là một con người đã sống như thế nào, điều đó mới thật sự có ý nghĩa với các thế hệ hôm nay khi ôn lại cuộc đời vị Thứ trưởng Bộ Công an này.

Tê Đơ là cái tên khi nghe đến, quân thù khiếp sợ; đồng chí, bạn bè ở Liên khu 5 khâm phục, thân yêu; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tin cậy quý mến; và cái tên ấy đã trở thành danh nhân lịch sử Việt Nam nổi tiếng. Tê Đơ là một thiếu niên sinh ra trong một gia đình lao động nghèo nhưng rất giàu nghĩa khí anh hùng cách mạng: Mẹ tham gia phong trào văn thân chống Pháp. Bốn anh em đều hoạt động bí mật cho Đảng, đều bị tù đầy, tra tấn dã man nhưng không ai khuất phục kẻ thù. Riêng Tê Đơ, năm 15 tuổi (1925) đã tham gia các hoạt động yêu nước ở quê hương.

Năm 1929, 19 tuổi, Tê Đơ vào tổ chức Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội. Ngày 17/1/1931, Tê Đơ được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, là Huyện ủy viên phụ trách Công hội đỏ và chỉ huy Đội xích vệ xã. Do tuyên truyền, cổ động nhân dân huyện nhà sôi nổi ủng hộ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, Tê Đơ bị thực dân Pháp bắt giam qua các nhà lao ở Quảng Ngãi và đày đi Buôn Ma Thuột, bị án tử hình sau giảm xuống tù chung thân.

Tại nhà lao Buôn Ma Thuột, Tê Đơ là người dám vung xẻng phang một đòn chí mạng vào vai tên cai ngục đang đánh đập tàn nhẫn đồng chí mình làm xâu, khiến nó vô cùng khiếp đảm, từ đó về sau chùn tay và hễ thấy Tê Đơ là vội lảng tránh đi nơi khác. Tê Đơ cũng là người đã lập kế hoạch cho đồng chí Nguyễn Chí Thanh và Lê Tất Đắc trốn khỏi nhà lao Buôn Ma Thuột. Về sau, khi phát hiện Tê Đơ là kẻ chủ trò, địch đã tra tấn, đánh đập anh một trận thập tử nhất sinh, nhưng khi tỉnh dậy vẫn bình thản nói với đồng chí: "Thà mình chết, đừng để cho Đảng bị thiệt hại".

Năm 1943, mãn hạn tù, địch đưa Tê Đơ về quản thúc ở căng an trí Ba Tơ, nhằm cô lập, cách ly người cộng sản với quần chúng nhân dân, giết dần giết mòn trong lao động khổ sai và bệnh tật. Tê Đơ nuôi vịt đồng để dễ bắt liên lạc với đồng chí. "Anh chăn vịt" này đã đem những điều tâm đắc học hỏi được ở các đồng chí Hồ Tùng Mậu, Bùi San, Lê Chưởng, Trương Quang Lệnh, Trần Mạnh Quỳ trong nhà lao Buôn Ma Thuột, truyền đạt lại cho đồng chí mình rằng:… Thời cơ lớn đã đến. Phát xít Đức, Ý, Nhật nhất định thất bại hoàn toàn. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chưa chết như địch tung tin vịt, đã trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Phải gấp rút xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, sâu rộng trong nhân dân và trong binh lính địch. Lập căn cứ địa và xây dựng lực lượng vũ trang. Khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa…

Cũng chính anh chăn vịt Tê Đơ này, ngày Nhật đảo chính Pháp 9/3/1945, theo sự phân công của Tỉnh ủy Quảng Ngãi lâm thời, đã trở thành người Chỉ huy trưởng làm nên thắng lợi lịch sử của cuộc khởi nghĩa Ba Tơ nổi tiếng. Anh trở thành người Đội trưởng chỉ huy Đội du kích anh hùng, làm nòng cốt cho nhân dân Quảng Ngãi vùng lên tổng khởi nghĩa vào ngày 14/8/1945 - một trong số ít địa phương cướp được chính quyền về tay nhân dân sớm nhất trong cả nước.

Năm 1950, được gọi ra chiến khu Việt Bắc để đi nước ngoài bồi dưỡng quân sự, Tê Đơ gặp lại anh Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐNDVN. Quá bất ngờ và mừng vui vô kể. Anh Thanh "chiêu đãi" Tê Đơ bát cháo cá và hỏi: "Còn nhớ ngày ở nhà lao Buôn Ma Thuột, số tù của anh là Đơ Min cách xâu cách to (Deuxmille quatrecents quatorze = 2414), sao lại gọi Tê Đơ?

Tê Đơ cười, thủng thẳng trả lời: "Tụi Nhật hãi hùng, truy lùng ráo riết Đội du kích Ba Tơ bọn tôi dữ lắm. Trước khi chuyển hướng về hoạt động ở đồng bằng, anh Nguyễn Chánh, Tư lệnh Quân khu 5 lúc bấy giờ quyết định mọi người phải dùng mật danh. Lấy số gốc là 200. Anh Chánh là 201, tôi là 202. Các anh em khác lấy số thứ tự tiếp theo. Tôi đề nghị tên tôi có chữ cái cuối cùng là T. Ghép T với số 2 thành Tê Đơ cho dễ gọi, dễ nhớ. Vậy là từ đó về sau các anh em, đồng bào và cả bọn địch đều gọi tôi là Tê Đơ…".

Tê Đơ đề nghị anh Thanh được phục vụ các chiến dịch để học hỏi thêm kinh nghiệm và sẽ đi học sau. Từ 1952 - 1959, Tê Đơ được bố trí làm Cục phó rồi Cục trưởng Cục Bảo vệ, Bí thư Đảng ủy Tổng cục Chính trị. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Tê Đơ được Đại tướng Võ Nguyên Giáp cử đi kiểm tra công tác chuẩn bị chiến trường ở phía Đông Bắc. Tê Đơ đã đến tận trận địa pháo binh, phát hiện sự nguy hiểm khi bố trí trận địa pháo dã chiến tại một địa bàn tương đối bằng phẳng.

Xin được trích lại hồi ức của Đại tướng: "Anh phát biểu bằng điện thoại… Anh là người duy nhất lúc đó đã đề nghị tôi xem xét lại kế hoạch đánh nhanh. Lúc bấy giờ là lúc toàn quân đang nô nức thực hiện quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ trong 2 đêm 3 ngày; sau này mới biết có cán bộ lo ngại, nhưng lúc đó không một ai nói lên ý nghĩ thật của mình vì ngại cho là dao động. Tôi đánh giá rất cao ý kiến của anh… đã cung cấp cho tôi căn cứ quan trọng để đề ra với Đảng ủy thay đổi phương châm tác chiến, rút quân ra, chuyển sang kế hoạch mới "Đánh chắc, tiến chắc". Tôi càng thấy rõ… anh có bản lĩnh vì nghĩa lớn nói lên sự thật, không chút ngần ngại…".

Tháng 8/1960, Tê Đơ được Bác Hồ và Trung ương cử giữ chức Thứ trưởng Bộ Công an. Tháng 4/1961, Tê Đơ được thăng cấp Thiếu tướng và được giao làm Tư lệnh kiêm Chính ủy một tổ chức an ninh mới ra đời, còn non trẻ: Lực lượng Công an nhân dân vũ trang. Trước trọng trách nặng nề, Tê Đơ càng ghi sâu những lời Bác thường dạy: "Làm cán bộ phải dĩ công vi thượng, cần, kiệm, liêm, chính. Đạo làm tướng phải nhân, nghĩa, dũng, trí, tín…".--PageBreak--

Tê Đơ luôn khiêm tốn, chân tình đoàn kết chặt chẽ trong lãnh đạo Bộ Công an, điềm tĩnh, dân chủ, chịu khó lắng nghe ý kiến cấp dưới; tìm hiểu rất kỹ con người và sự việc; kiên trì sự thật và chân lý. Nhờ đó, anh đã góp phần cùng Công an nhân dân luôn hoàn thành xuất sắc công tác an ninh nội địa và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ an toàn các cơ quan đầu não và những chuyến công tác quan trọng của lãnh đạo Đảng, Chính phủ. Tê Đơ đặc biệt tập trung sức xây dựng, củng cố vững mạnh hệ thống tổ chức an ninh biên giới, sông biển, hải đảo. Nhờ đó, bọn gián điệp, thám báo, biệt kích, người nhái… do giặc Mỹ tung vào miền Bắc, hầu như bị tóm cổ gần hết.

Tê Đơ còn chăm lo công tác an ninh cho miền Nam. Những năm 1963-1964, được trên chấp nhận, Tê Đơ cho tuyển chọn con em miền Nam vào Công an nhân dân vũ trang, mở trường đào tạo và chi viện hàng trăm chiến sỹ an ninh cho chiến trường miền Nam. Tê Đơ hết lòng yêu thương chiến sỹ, ngày đêm lo toan cho cuộc sống của chiến sỹ. Anh luôn nhắc đồng chí Bí thư riêng cố gắng sắp xếp 1/3 thời gian trong năm để đi công tác cơ sở, đặc biệt là đi những đơn vị, những địa bàn xa xôi, gian khó nhất.

Năm 1967, bất kể đạn bom, anh đi thăm các đồn biên phòng phía Tây, thăm đội nữ pháo binh Ngư Thủy, Quảng Bình, tặng quà và động viên chiến đấu. Mùa đông năm 1968, Tê Đơ đi hàng tháng liền trong tiết trời lạnh buốt; kiểm tra các đồn biên phòng suốt từ Lai Châu, Lào Cai đến Quảng Ninh. Đi đến đâu, anh cũng nhắc nhở chỉ huy đơn vị phải sắm đủ màn chống muỗi, chống sốt rét, làm nệm cỏ, tìm cách sưởi ấm, tăng gia sản xuất thêm. Anh kiểm tra từng chiếc biđông của cán bộ, chiến sỹ. Chiếc biđông nào có mùi rượu, anh gọi chỉ huy phê bình, nhắc nhở và giáo dục mọi người phải biết căm ghét những thói hư tật xấu, rượu chè, hút xách, nhũng nhiễu dân.

Anh đặc biệt lưu ý các đơn vị đoàn kết chặt chẽ với quân đội, kính trọng và tận tình đoàn kết giúp đỡ đồng bào các dân tộc miền núi. Có một lần lên Pha Long, Mường Khương, ngủ lại đêm ở đồn biên phòng, vách không kín, sương mù làm ướt màn chiến sỹ, Tê Đơ rất khổ tâm và day dứt. Trở về, anh động viên cán bộ, chiến sỹ ở cơ quan và các đơn vị hậu phương dồn hết trách nhiệm và tình thương tìm cách để cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho các đồn biên phòng.

Những gì vượt quá khả năng của Bộ Tư lệnh, Tê Đơ thân hành gặp các ban, ngành, Trung ương chăm lo chi viện cho biên giới, hải đảo thì người chiến sỹ mới thật sự yên tâm, phấn khởi xem "Đồn là nhà, biên giới là quê hương". Mùa hè năm 1973, dấu hiệu của căn bệnh ung thư đã rõ. Thế nhưng, Tê Đơ vẫn trực tiếp tháp tùng đồng chí Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Fidel Castro của Cuba đi thăm chiến trường Quảng Trị và đường Hồ Chí Minh. Trên đường về, Tê Đơ lại ghé thăm đơn vị nữ pháo binh Ngư Thủy, xem chị em sống ra sao, có đề đạt nguyện vọng gì... Ngày Tết, Tê Đơ luôn xuống đón giao thừa với anh chị em văn công. Tê Đơ còn là một con người sống rất giản dị, trong sáng, rất ít quan tâm đến các lợi ích vật chất cho cá nhân.

Tháng 4/1974, Tê Đơ được thăng cấp Trung tướng. Anh căn dặn anh em làm công tác chế độ, chính sách nhất thiết không được mua sắm, trang bị vật dụng gì thêm cho anh, cho dù không phải là những tiện nghi sang trọng và đắt tiền. Anh thường hóm hỉnh nói: "Đất nước độc lập, tự do là sướng lắm rồi! Ngày xưa, để chuẩn bị ăn Tết, mình gánh một gánh nồi đất đi khắp các chợ trong huyện và qua các huyện khác mà vẫn không bán được. Ăn Tết rất buồn".

Nhận được tin dữ, Bác Tôn Đức Thắng đến tận nhà thăm Tê Đơ. Bác hỏi Tê Đơ có dặn lại gì không? Nước mắt trào ra hai khóe, Tê Đơ trả lời: "Thưa Bác, tôi chưa làm được gì nhiều cho lực lượng Công an nhân dân vũ trang. Mong các đồng chí giúp đỡ để anh em trưởng thành vững mạnh. Tôi chỉ tiếc là chưa được về thăm bà con, đồng bào, đồng chí miền Nam!". 13h ngày 23/1/1975, trái tim giàu chất sử thi anh hùng và nhân hậu của Tê Đơ ngừng đập!

Tê Đơ tên thật là Phạm Kiệt. Trung tướng Phạm Kiệt, Thứ trưởng Bộ Công an, Tư lệnh kiêm Chính ủy Công an nhân dân vũ trang, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Khóa III và IV, một học trò xuất sắc của Bác Hồ, một vị tướng đã để lại huyền thoại của một con người tận trung với nước, chí hiếu với dân; một bài học lớn và đẹp đẽ vô ngần về đức tính cương trực dám nhìn thẳng vào sự thật, nói lên sự thật; vì đại nghĩa dân tộc, hạnh phúc của nhân dân, không một chút ngần ngại và dũng cảm nói lên sự thật, đương đầu với sự thật!

Hồ Ngọc Sơn
.
.