Người gieo mầm thiện

Thứ Ba, 13/01/2015, 08:00
Trong tủ sách nghiệp vụ và hồ sơ của những chiến sĩ Công an huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội có một cuốn sách đã ố vàng được xuất bản từ đầu những năm 1990. Cuốn sách mỏng, ghi lại những báo cáo kinh nghiệm, những bài viết của Công an cả nước về phong trào vận động đầu thú. Qua hơn 20 năm, những bài học về thu phục nhân tâm, khơi dậy bản thiện trong những tên tội phạm đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Nhưng ít người biết rằng, phong trào đầy tính nhân văn ấy xuất phát từ ý tưởng và tấm lòng của một người con sinh ra nơi núi Tản, sông Đà. 

Nhắc đến Đại tá Trần Sỹ Mỵ, người ta thường nhớ ngay đến vụ án Phạm Văn Bình, tức "Bình bò" nức tiếng những năm 80 của thế kỉ trước. Hồi đó, gã nổi tiếng là một tên tội phạm nguy hiểm và liều lĩnh có lệnh truy nã đặc biệt. Thậm chí các chiến sĩ cảnh sát còn được lệnh "tác xạ tự do" nếu trong quá trình truy bắt mà Bình manh động phản kháng. Trước sự truy lùng ráo riết của cơ quan chức năng, "Bình bò" mai danh ẩn tích, sống chui lủi bằng nghề móc túi trên những chuyến xe Bắc - Nam.

Nhưng mệnh lệnh "tác xạ tự do" ấy đã được thay thế bằng những biện pháp nhân văn và thấm đẫm tình người. Nhận thấy Bình đang yêu một cô gái ở Phú Xuyên, đại tá Mỵ đã cử trinh sát vào làm công tác tư tưởng, thuyết phục để gia đình cô vận đồng Phạm Văn Bình đầu thú. Tưởng như vụ án đã có thể khép lại. Thế nhưng, sau khi ra đầu thú được 3 ngày, trong một buổi hỏi cung, bất ngờ Bình xin Đại tá Trần Sỹ Mỵ được về 3 ngày ăn rằm để chia tay, tạm biệt gia đình người yêu. Ba ngày sau, Bình nhờ người yêu mang đến một lá thư, trong đó nói lời xin lỗi ông và hẹn sau một tháng sẽ quay về chịu tội. Đại tá Mỵ cảm thấy thực sự chao đảo trước các luồng dư luận ác cảm về việc ông "thả hồ về rừng", thậm chí ông cũng đã sẵn sàng đối mặt với tình huống bị xử lí kỉ luật.

Nhưng đốm lửa lương thiện trong con người Bình, cái đốm lửa le lói mà Đại tá Mỵ đã nhìn thấy ở trong Bình đã không cho phép Bình quay lưng với niềm tin của ông. Bình trở về và bước vào trại giam trong một tâm thế thanh thản. Năm 1995, do có thành tích cải tạo tốt, Bình được đặc xá tha tù trước thời hạn. Sau 20 năm, anh Phạm Văn Bình giờ là một chủ doanh nghiệp làm ăn khá phát đạt trên đất Phú Xuyên. Cuộc đời anh với những khúc quanh bất ngờ đã là một minh chứng cho thấy, tình yêu thương và niềm tin sẽ là điểm tựa quan trọng cho những người một thời lầm lỡ.

Đại tá Trần Sỹ Mỵ.

Vụ án "Bình bò" kết thúc, phong trào vận động đối tượng bỏ trốn ra đầu thú ở tỉnh Hà Sơn Bình (cũ) gây được tiếng vang lớn. Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) phát động phong trào trong toàn quốc và tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm ở TP Hồ Chí Minh, và Đại tá Mỵ được mời đi báo cáo điển hình. Vào năm 1996, 1997, Đại tá Mỵ còn chỉ đạo cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tây (cũ) "nâng cấp" phong trào với sáng kiến viết "Lá thư kêu gọi đầu thú", sau này trở thành một phong trào có sức lan tỏa rộng khắp cả nước.

Con người đã có những sáng kiến đầy nhân văn ấy sinh ra và lớn lên ở làng Cổ Đô nằm dưới chân ngọn núi Ba Vì, ngọn núi tổ của toàn bộ các mạch núi trời Nam, phía bên kia là dòng sông Đà cuộn chảy. Tuổi thơ lam lũ, lên 8 tuổi, bố mẹ lần lượt qua đời, ba anh em ông đã phải đi ở đợ cho người ta để có miếng cơm miếng cháo qua ngày. Những tưởng mất mát lớn lao ấy sẽ đánh gục ý chí và nghị lực của Trần Sỹ Mỵ, nhưng không, ông đã sống và đi qua thời cam khó ấy. Năm mười một tuổi, khi còn đang đi ở cho người ta, Trần Sỹ Mỵ được kết nạp vào Đoàn thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh và được cho đi học. Năm mười sáu tuổi, ông xin vào Hợp tác xã, vừa làm ruộng, vừa đi học, vừa nuôi em gái ăn học.

Đến năm 1965, Trần Sỹ Mỵ được cử vào học tại Trường C500 - Bộ Nội vụ rồi tiếp đó là Trường đào tạo của Sở Công an Hà Nội rồi về công tác tại Phòng Cảnh sát nhân dân, Công an tỉnh Lạng Sơn. Sau đó ít lâu, ông được thuyên chuyển về làm cán bộ trị an, Công an huyện Ba Vì, Hà Tây (cũ). Thời điểm đó là vào khoảng những năm 70, 71 của thế kỷ trước, một mình ông phải phụ trách cả hình sự lẫn giao thông trên một địa bàn rộng lớn và phức tạp của huyện. Thử thách thực sự đầu tiên trong "nghề" Công an đến với Đại tá Mỵ khi trên địa bàn do ông phụ trách có xảy ra vụ ba tù nhân trốn trại, trong đó có một tên tội phạm đặc biệt nguy hiểm tên là Đúc Thức Minh. Với quyết tâm phải truy bắt bằng được tên Minh về quy án, ông Mỵ phải bỏ ra nhiều công sức để lần theo dấu vết, hành tung của hắn và đã thành công. Đến tận khi tra tay vào còng, tên Minh vẫn không thể ngờ mình lại bị bắt nhanh và bởi một trinh sát hình sự còn trẻ như thế.

Được cấp trên tin tưởng, năm 1974, Trần Sỹ Mỵ được điều về phụ trách Đội trọng án hình sự, Công an tỉnh Hà Tây. Năm 1975, khi Hòa Bình và Hà Tây sáp nhập, ông lại được giao giữ chức vụ đội trưởng Đội trinh sát hình sự Công an tỉnh Hà Sơn Bình. Khi còn là đội trưởng đội chống cướp, Trần Sĩ Mỵ đã cùng anh em trong đội lập nhiều chiến công, bắt gọn những băng cướp liều lĩnh chuyên ẩn náu dọc các tuyến đường liên tỉnh. Thời gian đó, ở Phú Lão, Đồng Thung, Lạc Thủy - vùng tập trung chủ yếu bà con dân tộc Mường sinh sống có một vụ trọng án đã bắt được đối tượng, song sau 9 tháng biệt giam, tên này vẫn một mực kêu oan. Sau khi nghiên cứu kĩ hồ sơ, ông xuống tận địa bàn, mấy ngày ăn ngủ cùng anh em trinh sát để lần lại những chi tiết mà cơ quan điều tra đã vô tình bỏ qua. Ông nhận ra một số sơ hở cũng như các chi tiết vô lí trong thực nghiệm hiện trường, từ đó đưa ra giả định rằng rất có thể nhân chứng đã cho lời khai giả, hơn nữa, các đối tượng lại là người dân tộc nên khả năng thông cung là rất cao.

Sau đó, bằng biện pháp nghiệp vụ kết hợp với đòn tâm lí, hai bố con ông chủ tịch xã đã phải ra đầu thú trước cơ quan Công an vì đã tạo hiện trường giả, nhân chứng giả nhằm giúp cho con trai thoát tội. Vụ án kết thúc đã khiến cho bà con người Mường ở Lạc Thủy hết sức cảm phục và ngợi ca những chiến sĩ Công an tỉnh, từ đó thêm tin tưởng vào vai trò của các anh trong việc đảm bảo giữ gìn trật tự an ninh xóm bản. Vụ án chấn động xứ Mường này đã được đoàn kịch nói của tỉnh xin tài liệu để viết kịch bản, dựng thành vở diễn và đoạt Huy chương bạc Liên hoan sân khấu toàn quốc năm 1986.

Cái tên Trần Sĩ Mỵ còn được nhắc đến nhiều trong một vụ án đặc biệt nghiêm trọng khác liên quan đến công trình thủy điện Sông Đà. Cả công trình đang hối hả chạy đua bỗng chốc phải dừng hoạt động bởi sự cố mất điện do hệ thống các cột điện bút chì do Liên Xô cung cấp thời đó bỗng nhiên đổ liên hoàn, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng. Các cơ quan chức năng của Bộ Công an vào cuộc ráo riết, mọi hướng điều tra đều đang nghiêng theo giả thuyết là có kẻ xâm hại an ninh quốc gia nhằm mục đích chính trị. Tham dự các cuộc họp này, Trần Sĩ Mỵ chỉ lặng lẽ lắng nghe rồi cùng đồng đội trở lại hiện trường. Khi thấy các cột điện, các cột để dằng dây néo đều bị cắt đứt, ông nhận định đây chỉ là vụ án hình sự. Trong cuộc họp căng thẳng ngay sau đó, ông mạnh dạn đứng lên đề xuất phương án giải quyết và đảm bảo rằng trong ba ngày sẽ điều tra ra chân tướng. Đúng như dự đoán, ba ngày sau đã xác định được đối tượng là tên Vương Đình Thông - một Công an bị thải hồi, do túng quẫn đã nảy ra âm mưu cắt dây néo cột điện để bán sắt vụn. Vương Đình Thông phải cúi đầu nhận tội.

Đến năm 1988, đại tá Trần Sỹ Mỵ được đề bạt Phó Giám đốc kiêm Bí thư Đảng ủy Công an tỉnh Hà Sơn Bình. Năm 1991 tách tỉnh, ông lại về làm Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội). Công tác trong lực lượng Công an, lại nhiều năm phụ trách Đội điều tra trọng án hình sự nên chuyện hằng ngày, hằng giờ phải đối mặt với cơ man những lưu manh lọc lừa, những vô luân tàn độc trong thế giới tội phạm là điều không thể tránh khỏi, thế nhưng điều đáng khâm phục ở Trần Sỹ Mỵ là ông vẫn luôn giữ được cho mình cốt cách và góc nhìn đời hết sức nhân văn. Ông bảo, mỗi tên tội phạm chả khác nào đứa con gai ngạnh của Bà Mẹ cuộc đời. Có những lúc họ lầm đường lạc lối, điều quan trọng là mình phải mở cho họ một lối hoàn lương.

Lại nhớ lần đầu tiên gặp Đại tá Trần Sĩ Mỵ, tôi thực sự ấn tượng với một ông già hình dáng vững chãi, nét mặt quắc thước với đôi lông mày lá móc đã bạc gần hết dẫu trước đó, anh Chiến có cho tôi biết là ông đã trải qua 3 lần tai biến. Trong cuốn lí lịch cá nhân, Đại tá Trần Sỹ Mỵ từng viết về mình: "Trong cuộc sống sinh hoạt có tính nóng nảy. Đôi khi nói năng, nhất là khi đấu tranh, phê bình hay bốp chát thiếu tế nhị nghệ thuật, để bị mất lòng người khác khi chưa hiểu mình". Ông cũng bảo chính điều này đã làm cho bản thân ông đôi ba lần gặp trắc trở trong phân công công tác vì làm mất lòng cấp trên. Nhưng với tôi, tôi lại thấy đó chính là phẩm chất một người chính trực, nhiệt thành, ngay thẳng và tâm huyết, có tài gắn với "nghiệp" Công an.

Trong tâm trí của mình, Thiếu tướng Trần Thùy - nguyên Phó giám đốc Công an thành phố Hà Nội vẫn luôn lưu giữ những lần cùng Đại tá Trần Sỹ Mỵ phá án. Thiếu tướng Trần Thùy bảo rằng, quá trình làm việc cùng anh Mỵ đã giúp ông có thêm nhiều kiến thức trong quá trình phá án và đặc biệt là có sự nhạy cảm nghề nghiệp và lòng khoan dung, độ lượng. Quả đúng như vậy! Tôi đã có dịp chứng kiến phút giây gặp gỡ của Đại tá Trần Sỹ Mỵ cùng anh Phạm Văn Bình và anh Đoàn Văn Đức và thấy ánh mắt Đại tá Mỵ thật hiền khi các anh kể lại những ân nghĩa mà ông đã dành cho họ, giúp họ có được cuộc sống bình yên hôm nay.

Họ đã uốn lại những cành cong của đời mình, để vươn lên mạnh mẽ, trở thành loài cây hữu ích. Và điều không kém phần quan trọng là có những người đã gieo mầm…!

Phạm Vân Anh
.
.