Người “đạo diễn” điệp vụ GM5

Thứ Năm, 07/09/2006, 10:30

GM5 là điệp vụ đầu tiên được Phòng Phái khiển, Bộ Công an tiến hành đưa người vào trung tâm nội đô Sài Gòn. Điệp vụ này được thực hiện hoàn hảo đánh dấu một bước tiến trong hoạt động tình báo còn non trẻ của ta trong cuộc chiến cân não với Mỹ-ngụy ngay giữa lòng miền Nam.

Người giữ vai trò “đạo diễn” điệp vụ này là đồng chí Nguyễn Đình Bảy, bấy giờ được Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn cử làm Trưởng phòng Phái khiển.

Năm 1956, trước dã tâm của chính quyền Ngô Đình Diệm, Bộ Công an có chủ trương cho lập một đường dây chống chia cắt., lập Đội trinh sát đặc biệt có mật danh là C17. Với nhiệm vụ là giữ vững liên lạc giữa hai bờ Bắc – Nam sông Bến Hải. Tổ chức đưa người và thư từ qua lại phục vụ cho công tác đánh địch từ trong lòng địch.

Để đảm bảo yếu tố bí mật, C17 không hoạt động công khai, không có doanh trại như những đơn vị khác. Sinh hoạt, ăn ở chủ yếu dựa vào nhân dân trong vùng. Trong 2 năm 1956-1957, C17đã tổ chức đưa người vào Nam theo con đường vượt thượng nguồn sông Bến Hải vào địa bàn Cam Thủy, Cam Chính (huyện Cam Lộ) bám theo trục đường 9 về cách Đông Hà 5 Km, tiến hành cải trang rồi chuyển sang đi theo con đường công khai. Mọi giấy tờ tùy thân do chính quyền địch cấp đều được làm từ Hà Nội chuyển vào, đảm bào y như thật mà mắt thường không thể phân biệt được.

Các nữ chiến sỹ Công an chụp ảnh kỷ niệm trước ngày lên đường nhận nhiệm vụ.
Đầu năm 1958, đồng chí Nguyễn Đình Bảy bàn với đồng chí Lê Thanh Vân, cán bộ cùng phòng, tìm người có một vỏ bọc công khai để có thể hoạt động lâu dài trong lòng địch. Đúng lúc ấy, C17 vừa đón một phụ nữ Nam Bộ vượt tuyến ra Bắc tìm chồng. Biết được thông tin này, đồng chí Nguyễn Đình Bảy đã vào tận Vĩnh Linh để gặp mặt. Chị tên là Lục Thị Giỏi, tuổi áng chừng 30, đẹp một cách thời thượng nhưng đoan trang và dễ gần. Đây là người có thể thỏa mãn các điều kiện mà yêu cầu công tác đang cần.

Kiểm tra thêm về lý lịch, địa bàn cư trú và khả năng giao tiếp, tất cả đều đảm bảo. Đồng chí Nguyễn Đình Bảy tìm cách sử dụng chị vào công tác tình báo. Nhưng cái khó là đặt vấn đề thế nào cho chị Giỏi đồng ý. Việc đầu tiên là sắp xếp cho chị đi tìm chồng. Được tạo điều kiện tối đa nên chẳng mất nhiều thời gian chị Giỏi đã tìm gặp được người chồng đang công tác tại Bộ kiến trúc. Bấy giờ đồng chí Nguyễn Đình Bảy mới đặt thẳng vấn đề. Cả hai anh chị đều chấp nhận nhiệm vụ mới. Chị được học những kiến thức cơ bản về hoạt động tình báo như: cách tiếp xúc với các loại đối tượng, phương pháp thu thập và chuyển giao tin tức tình báo. Chị còn phải tập cả thể lực và rèn luyện ý chí. Kết thúc thời gian học, đích thân đồng chí Nguyễn Tài (bấy giờ là Vụ trưởng Vụ Bảo vệ chính trị) kiểm tra các khâu thực tập.

Mọi việc hoàn tất, lẽ ra có thể lên đường đúng với dự định thì chị Giỏi phát hiện mình đang mang thai. Kế hoạch bị trì hoãn, nhưng mọi người đều ủng hộ một đứa con ra đời, vì đây là ước nguyện của những đôi vợ chồng Bắc – Nam cách trở. Sau một thời gian có thể yên tâm để đứa bé ở lại miền Bắc với bố, chị Giỏi đến báo cáo với tổ chức, nhận nhiệm vụ.

Một chuyến ô tô được giành riêng để đưa chị từ Hà Nội vào Vĩnh Linh, chuẩn bị vượt sông Bến Hải. Cho đến lúc này việc qua lại giới tuyến không còn lơi lỏng như trước. Cùng với chiến dịch “tố Cộng”, “diệt Cộng” ở bờ Nam, địch tăng cường bố ráp và cấm ngặt mọi hoạt động qua lại giữa hai bờ Bến Hải. Tình thế hết sức khó khăn nhưng yêu cầu công tác là phải đảm bảo cho chị đặt chân đến Đông Hà trong trang phục của một phụ nữ đúng mốt thời thượng, khả ái và quyến rũ như vừa mới bước ra từ một biệt thự sang trọng nào đó ở cái thị xã đông đúc này. Có như thế mới dễ dàng qua mặt được đám lính tráng để đi tiếp vào Sài Gòn. Nhưng việc trước hết phải lo là vốn để sau khi vào đến Sài Gòn chị có thể mở ngay một cửa hiệu buôn bán nhằm che mắt địch. Có người nghĩ đến tiền, cũng có người nghĩ đến vàng. Tiền miền Nam và vàng không phải là không mua được, nhưng nếu mang với số lượng lớn thì bất tiện đủ đường: địch có thể khám xét và nghi ngờ hoặc chắc gì không gặp kẻ xấu phát hiện cướp mất. Cuối cùng cũng tìm ra phương án.

Khi mọi điều xong xuôi, kế hoạch vượt sông được tiến hành. Đồng chí Nguyễn Đình Bảy đã đến dặn dò, đưa tiễn và đặt mật danh cho chị Giỏi là GM5. Sau phút chia tay nghẹn ngào rưng rưng, GM5 quay gót đặt những bước đi đầy thử thách và thật có ý nghĩa của đời mình. Cũng như những lần đi trước, đoàn người hộ tống hôm ấy gồm 3 nhóm. Nhóm đi đầu gồm những trinh sát thông thạo địa bàn có nhiệm vụ dò mở lối và cảnh giác phát hiện địch từ xa. Nhóm thứ hai gồm những người khỏe mạnh thay nhau cáng chị Giỏi và tìm chỗ nghỉ dọc đường đi. Nhóm này vừa có nhiệm vụ đảm bảo an toàn hành trình, vừa đảm bảo sức khỏe và dung mạo khi chị Giỏi đặt chân đến Đông Hà. Nhóm thứ ba có nhiệm vụ khóa đường và đề phòng khi nhóm đi đầu gặp địch phát tín hiệu thì kịp thời mở đường chuyển hướng đi.

Chia tay chị Giỏi nhưng đồng chí Nguyễn Đình Bảy chưa vội trở ra Hà Nội mà nán lại có ý để đợi tin nhanh hơn. Một ngày rồi hai ngày trôi qua trong phấp phỏng lo âu. Đến ngày thứ ba, khi con chim bồ câu từ hướng Đông Hà bay ra mang theo dòng tin: “Khách đã đến địa điểm an toàn, chuẩn bị đi tiếp” đồng chí Bảy mới thở phào nhẹ nhõm: GM5 đã bắt đầu công khai nhập cuộc. Nửa tháng sau điện của trên báo về cho biết GM5 đến Sài Gòn đã nối được với hai đầu mối của ta ở đó và bắt đầu hoạt động.

Vậy là tình cờ một người phụ nữ đi tìm chồng đã trở thành cơ sở của ta trong lòng địch. Bước ngoặt này của chị gắn với những kỷ niệm buồn vui nghề nghiệp của đồng chí Nguyễn Đình Bảy gần 50 năm về trước

Nguyễn Hùng
.
.