Người con của buôn làng Tây Nguyên

Thứ Tư, 10/06/2015, 08:00
Tài năng, nhiệt huyết, yêu nghề, một lòng gắn bó với buôn làng, dân bản, đó là ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về chàng trinh sát an ninh Bùi Ngọc Đông, Đội phó Đội 1, Phòng An ninh dân tộc, Công an tỉnh Gia Lai. Gần chục năm lăn lộn với nghề, Thượng uý Bùi Ngọc Đông đã để lại trong lòng đồng nghiệp, những người dân bản nơi anh phụ trách hình ảnh đẹp về một trinh sát an ninh luôn làm tốt công tác nắm tình hình, vận động, cảm hóa đối tượng phản động.

Có lẽ, ai đã từng nghe bài hát "Ơi con suối La La" của nhạc sĩ Huy Thục hẳn không thể nào quên nhân vật anh hùng được nhạc sĩ nhắc đến trong bài hát. Đó là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Bùi Ngọc Đủ, người cha đáng kính của Thượng uý Bùi Ngọc Đông. Chính ông là người có ảnh hưởng lớn nhất tới con đường binh nghiệp của Thượng uý Bùi Ngọc Đông và là người đã hướng anh trở thành một trinh sát an ninh một lòng gắn bó với buôn làng, dân bản, chống lại mọi âm mưu lôi kéo, dụ dỗ đồng bào dân tộc của các thế lực phản động.

Sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo ở Quảng Lộc (Quảng Xương, Thanh Hóa), tháng 2/1959, anh hùng Bùi Ngọc Đủ tham gia thanh niên xung phong. Năm 1961, ông nhập ngũ đi B và được biên chế vào Sư đoàn 324. Suốt từ năm 1966 đến 1975, ông cùng đồng đội tham gia 134 trận đánh trên các chiến trường Quảng Trị, Bình Phước, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, lập nhiều chiến công, được tặng thưởng nhiều huân, huy chương.

Thượng uý Bùi Ngọc Đông.

Trận đánh đêm 28/2/1967 tại đồi Không Tên, thuộc làng Chanh, xã Tân Kim, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) thực sự là trận đánh lịch sử, làm nên tên tuổi anh hùng Bùi Ngọc Đủ. Khi ấy tiểu đội 10 người do Trung sĩ Bùi Ngọc Đủ là Tiểu đội trưởng được giao nhiệm vụ bảo vệ kho đạn phục vụ quân ta đánh vào căn cứ 241, trận địa pháo lớn nhất của địch ở Quảng Trị. Trận đánh diễn ra từ 7h sáng đến 17h, trong một thế trận không cân sức, địch đổ bộ lên trận địa nhằm tiêu diệt kho vũ khí của ta.

Với tinh thần quyết chiến, tiểu đội của ông đã dũng cảm đánh lui 15 đợt tiến công của 200 lính Mỹ và tiêu diệt hơn 100 tên. Chiến thắng của tiểu đội Bùi Ngọc Đủ đã góp phần quan trọng để Trung đoàn 84 lập nên nhiều chiến công hiển hách. Kỳ tích "1 thắng 20" của tiểu đội Bùi Ngọc Đủ ngay sau đó được nhạc sĩ Huy Thục sáng tác bài hát "Ơi con suối La La" nhằm ca ngợi chiến công của tiểu đội, đồng thời cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của bộ đội ta trên khắp các mặt trận.

Ơi con suối La La!
Nước trong xanh hiền hoà
Chảy quanh đồi không tên
Nay đồi đã mang tên Tiểu đội anh hùng Bùi Ngọc Đủ

Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, theo tiếng gọi của Đảng, anh hùng Bùi Ngọc Đủ vào huyện Mang Yang (Gia Lai) công tác và tại đây, ông được giao giữ nhiều chức vụ quan trọng. Nhưng cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc nhớ đến ông nhiều là ở cương vị Bí thư các xã Ayun, K'Dang, Kon Dơng, những nơi mà vào những năm 80 của thế kỷ 20, tình hình Tây Nguyên nói chung, Mang Yang nói riêng là điểm nóng, tổ chức phản động Fulro tổ chức nhiều hoạt động chống phá chính quyền cách mạng. Ông đã cùng tập thể lãnh đạo nhân dân đánh 17 trận, xóa sổ tổ chức phản động, đem lại sự bình yên cho các buôn làng.

Những năm tháng gắn bó với đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên, thấu hiểu những khó khăn, vất vả mà bà con phải đối mặt, trong khi nhiều đối tượng phản động ra sức chống phá, lôi kéo, dụ dỗ, nên anh hùng Bùi Ngọc Đủ đã truyền cho cậu con trai niềm yêu nghề. Mong muốn Bùi Ngọc Đông sẽ tiếp bước mình trên con đường binh nghiệp nên ông đã hướng anh thi vào Đại học An ninh nhân dân phía Nam. Sau khi ra trường, Thượng uý Bùi Ngọc Đông được phân công về địa bàn các huyện phía Nam của tỉnh Gia Lai. Anh đã trực tiếp tham gia nhiều cuộc truy bắt các đối tượng Fulro lẩn trốn trên địa bàn Krông Pa, vận động kêu gọi người dân từ bỏ "Tin lành Degar", xoá bỏ nhiều khung chính quyền ngầm "Tin lành Degar" trên địa bàn huyện, góp phần làm thất bại âm mưu phục hồi tổ chức của các đối tượng Fulro lưu vong.

Tháng 2/2012, các đối tượng Fulro lợi dụng "tà đạo Hà Mòn" hoạt động mạnh trên địa bàn huyện Đak Đoa và Mang Yang. Thượng uý Bùi Ngọc Đông được lãnh đạo đơn vị tin tưởng giao nhiệm vụ trinh sát tại hai địa bàn để nắm rõ hoạt động, đường đi nước bước của các đối tượng phản động làm cơ sở để triệt phá. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, anh cùng  đồng đội đã nhanh chóng xác định được nơi trú ẩn của các đối tượng phản động. Ngay sau đó là những chuyến hành quân đầy gian nan, nguy hiểm, chỉ có triền miên lương khô, mì gói và muỗi vắt bám theo để truy bắt các đối tượng. Có những khi băng rừng lội suối đến nơi các đối tượng đã lẩn trốn, chỉ còn chút tro tàn sót lại. Nhưng cũng có những đợt hành quân truy kích, anh cùng các đồng đội tóm gọn các nhóm đối tượng, thu hồi tài liệu, vũ khí, điện thoại chúng dùng để liên lạc, nhận chỉ đạo của các đối tượng Fulro lưu vong. Khó khăn không lời nào kể xiết, nhưng anh và đồng đội luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Để làm tốt công tác trinh sát an ninh, Thượng uý Bùi Ngọc Đông luôn tâm niệm, phải kiên trì bám làng bám bản, cùng ăn, cùng ở với bà con thì mới cảm hoá được họ, dần dần bà con sẽ hợp tác với các cán bộ an ninh. Điều đó không chỉ giúp bà con tránh xa sự lôi kéo, dụ dỗ của các thế lực phản động mà còn là nguồn cơ sở tin cậy giúp các trinh sát an ninh làm tốt công tác vận động những người lầm lỗi trở về.

Thượng uý Bùi Ngọc Đông về với buôn làng. 

Với anh Lũ ở làng Kdung 1, xã Hà Ra, Mang Yang, Thượng uý Bùi Ngọc Đông như một ân nhân. Năm 2008, anh Lũ mê muội tin theo "tà đạo Hà Mòn" và sống chui lủi, khổ cực ròng rã hàng tháng trời trong rừng sâu. Trong khi đó ở nhà, vợ Lũ và 8 đứa con nhỏ sống cực khổ, lay lắt, không ai chăm sóc, hỏi han, ruộng rẫy bỏ hoang không có người làm. Thương cảm cho hoàn cảnh gia đình của Lũ, Thượng uý Bùi Ngọc Đông và các đồng đội thường xuyên thăm hỏi, giúp đỡ gia đình Lũ, đồng thời vận động người thân thuyết phục Lũ ra đầu thú. Cảm động trước tình cảm của các trinh sát, Lũ cùng hai người khác đã về làng trình diện và quyết tâm làm lại cuộc đời.

Nhờ tình cảm chân thành, cởi mở, tận tình giúp đỡ bà con các buôn làng, Thượng uý Bùi Ngọc Đông nhận được nhiều tình cảm yêu mến của bà con đồng bào dân tộc. Với người dân làng Kdung 1 thì cán bộ Bùi Ngọc Đông như một người con trong gia đình. Thấu hiểu bản chất xấu xa của những kẻ phản động, thường xuyên lôi kéo dụ dỗ người dân làm việc xấu, lại thương cán bộ Đông chịu thương, chịu khó, vất vả với bà con buôn làng, ông Uốt, một người dân trong làng luôn sát cánh cùng anh vận động, giúp đỡ bà con đoạn tuyệt với "tà đạo Hà Mòn". Đến nay, ông Uốt cùng Thượng uý Bùi Ngọc Đông đã vận động được 15 trường hợp ở làng Kdung 1. Đó là thành công, hạnh phúc lớn nhất mà bất kì một trinh sát an ninh dân tộc nào cũng mong muốn đạt được, bởi nó là con đường ngắn nhất, an toàn nhất khi đưa những người lầm lỗi trở về.

Thượng uý Bùi Ngọc Đông tâm sự, người dân dù nghèo khổ, thiếu hiểu biết nên dễ tin theo luận điệu bịa đặt của "tà đạo Hà Mòn". Chỉ cần gần gũi với họ, giáo dục, cảm hoá họ bằng tình cảm chân thành nhất sẽ giúp họ tránh xa được những cạm bẫy của các đối tượng phản động. Có lẽ vì tâm niệm ấy mà dù đã lập gia đình và có con nhỏ nhưng Thượng uý Bùi Ngọc Đông vẫn thường xuyên vắng nhà, ngày đêm bám làng, bám dân để kịp thời ngăn chặn cái ác, cái xấu do bọn phản động Fulro tiêm nhiễm, gieo rắc cho bà con nơi đây. Có lẽ giờ đây cha anh rất tự hào về cậu con trai đang tiếp nối truyền thống gia đình, tiếp tục theo bước chân ông lặng thầm bảo vệ bình yên cho mảnh đất quê hương thứ hai này.

Ngọc Trâm
.
.