Kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2015)

Người cảnh vệ mười năm bên Bác

Thứ Ba, 26/05/2015, 08:15
Nguyễn Ngọc Châu sinh năm 1936, trong một gia đình nông dân nghèo ở huyện Diễn Châu, Nghệ An. Mồ côi cha lúc 13 tuổi, là con trai đầu nên thuở thiếu thời, Châu đã phải lầm lụi trong cảnh mò cua, bắt ốc, giúp mẹ đi chợ kiếm tiền tiêu. 16 tuổi, ông trở thành đội trưởng đội thiếu niên khăn quàng đỏ...

Mặc dầu đã nhiều lần đến với CLB bóng bàn của ông Nguyễn Ngọc Châu để giao lưu với đám bạn bè, tôi không mấy để ý đến vị chủ nhà tuổi tác đã cao, dáng người nhỏ nhắn luôn ra mở cửa với nụ cười hồn hậu. Cho đến một chiều cuối năm 2014, tôi bắt gặp ông Châu xúng xính trong bộ quân phục chỉnh tề, đi giày đen, ngực áo đeo đầy huân huy chương với bộ mặt đỏ au, phấn kích. Vị Trung tá già cho hay mình vừa đi dự một cuộc gặp gỡ của lãnh đạo thành phố nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Tôi lân la bắt chuyện và được biết ông đã từng có 35 năm gắn bó trong quân ngũ, và điều đặc biệt hơn là có 10 năm được làm cảnh vệ sống bên cạnh Bác Hồ.

Từ “Cu Con” liên lạc đến người lính cảnh vệ

Nguyễn Ngọc Châu sinh năm 1936, trong một gia đình nông dân nghèo ở huyện Diễn Châu, Nghệ An. Mồ côi cha lúc 13 tuổi, là con trai đầu nên thuở thiếu thời, Châu đã phải lầm lụi trong cảnh mò cua, bắt ốc, giúp mẹ đi chợ kiếm tiền tiêu. 16 tuổi, ông trở thành đội trưởng đội thiếu niên khăn quàng đỏ.

Hồi ấy, trong làng Bình Sơn có Trung đoàn Ký Con về đóng quân an dưỡng. Hình ảnh của các anh bộ đội oai phong lẫm liệt được dân quý trọng tin yêu đã làm cho đám trai trẻ trong làng, trong đó có ông nuôi thầm ước vọng được trở thành người lính. Đầu năm 1953, nhân có đợt tuyển quân, Nguyễn Ngọc Châu lúc ấy mới có 17 tuổi đã tình nguyện xung phong đi khám tuyển. Sợ không đủ cân, ông đã lén buộc đá vào chỗ kín trong người. Gian lận thế rồi mà vẫn còn thiếu mất mấy lạng nên bị Ban tuyển quân từ chối. Ông phải khóc lóc, nằn nì mãi, họ mới chấp thuận ghi vào danh sách.

Ông Nguyễn Ngọc Châu và tấm hình kỷ niệm với đồng đội năm xưa.

Ông sung sướng chia tay gia đình cùng với đám tân binh lên đường nhập ngũ. Sau gần 2 tháng huấn luyện ở Yên Thành, Trung đoàn 44 của ông hành quân bằng đường bộ ra Thanh Hóa, Ninh Bình, Sơn La, Lai Châu. Lúc này, các sư đoàn tổ chức về lấy quân bổ sung cho Mặt trận Điện Biên Phủ, ông Châu được điều về Đại đội 1, Trung đoàn 165, Sư đoàn 312 (Quyết Thắng). Tuy vóc người nhỏ nhắn (anh em hay gọi thân mật là "thằng Cu Con") nhưng nhờ tháo vát, nhanh nhẹn nên ông Châu được chọn làm liên lạc cho Đại đội trưởng Lê Kim. 

Sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập đơn vị bảo vệ Trung ương Đảng. Ông Châu được chọn vào Trung đoàn 600. Khoảng tháng 8 năm 1954, tại thôn Vai Cày, xã Văn Lũng (Đại Từ, Thái Nguyên), các chiến sĩ trong đơn vị của Trung đoàn 600 được gặp Bác trước lúc nhận lệnh về tiếp quản Thủ đô.

Hôm đó, tại một bãi đất rộng, Bác Hồ trong bộ quần áo thường giản dị đã chuyện trò thân mật với cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn. Bác căn dặn: "Bác cháu ta từng gian khổ trong kháng chiến đã quen, nay về Hà Nội địch chiếm đóng lâu năm, đầy rẫy cảnh sống xa hoa, trụy lạc nên dễ nảy sinh tư tưởng thèm muốn hưởng thụ. Vì vậy, Bác dặn các chú phải vững vàng, đừng sa ngã trước viên đạn bọc đường".

Ông Châu được chọn vào Tiểu đội 2, cùng với Tiểu đội 1 thuộc Trung đội 1 làm nhiệm vụ trực tiếp bảo vệ Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Bác và đơn vị lúc đó đang phải tạm đóng quân ở Nhà thương Đồn Thủy (Bệnh viện 108 ở Hà Nội bây giờ). Chiến sĩ bảo vệ và Bác cùng ở một chỗ. Không có giường, chiến sĩ phải trải chiếu nằm dưới đất, nhưng ai cũng cảm thấy hạnh phúc vì được gần bên Bác.

Tháng 12/1954, Bác chuyển về Phủ Toàn quyền Đông Dương, ở trong căn phòng cách đội cảnh vệ chỉ độ dăm bảy mét. Ban đêm, những người lính cảnh vệ có nhiệm vụ đứng gác trước cửa nhà. Đó là căn nhà ngói cấp 4. Bác ở trong căn nhà ấy mà không chịu ở trong nhà chính của Phủ Toàn quyền.

Năm 1958, Chính phủ làm nhà sàn bằng gỗ Bác mới chịu lên đó ở. Đối với Nguyễn Ngọc Châu cũng như các đồng đội của ông thì được bảo vệ Bác Hồ, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước vừa là nhiệm vụ, vừa là vinh dự nên họ rất lấy làm tự hào. 10 năm bên Bác, bảo vệ cho sự bình an của Người đã để lại trong lòng người lính cảnh vệ năm xưa những ký ức khó quên.

"Tiên học lễ, hậu học văn"

Một buổi sáng của những ngày đầu về Thủ đô, ông Châu và đồng chí Minh quê ở Yên Thành đang tưới rau thì bỗng nghe có tiếng động lạ ở bờ ao. Theo phản xạ nghề nghiệp, hai người lặng lẽ quan sát và ngạc nhiên khi thấy Bác Hồ đang bơi thuyền giữa ao. Khi qua chỗ hai người, Bác đột ngột dừng lại và lên tiếng: "Tại sao hai chú thấy Bác mà không chào?". Hai người lính trẻ đứng sững như trời trồng.

Khi đã trấn tĩnh, ông Châu đứng nghiêm, giơ tay chào và thưa với Bác: "Chúng cháu thật có lỗi vì mải xem Bác bơi thuyền mà quên mất, mong Bác tha thứ!". Bác ôn tồn nói: "Hai chú về cơ quan làm việc phải có lễ phép, tiên học lễ, hậu học văn". Trước lúc chèo thuyền đi, Bác còn quay đầu lại dặn: "Hai chú làm tiếp đi, không một lúc nữa nắng to, su hào chết hết đấy". Theo ông Châu, từ đó trở đi, nhớ lại câu chuyện này, ông chẳng bao giờ quên lời chào khi tiếp xúc với mọi người.

Một lần khác. Buổi tối, anh em trong cơ quan Phủ Chủ tịch được nghỉ xem phim, tập trung ngồi ngay hàng, thẳng lối. Khi thấy Bác ra bãi xem phim, tất cả mọi người đứng dậy vỗ tay chào đón Bác. Bác giơ tay vẫy ra hiệu cho tất cả ngồi xuống. Một lúc sau thì Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng ra xem phim với Bác và mọi người. Khi chương trình phim chuẩn bị bắt đầu, đột nhiên Bác đứng dậy nói: "Bác muốn hỏi các cô, các chú, tại sao khi Bác ra thì các cô, các chú đứng dậy chào, mà khi chú Đồng là Thủ tướng Chính phủ có mặt thì các cô, các chú không đứng lên chào?''. Nhờ một đêm được xem phim cùng Bác mà cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ có được thêm một bài học quý về thái độ ứng xử.

Cẩn thận kẻo đổ bia

Đầu năm 1958, ông Châu được anh em trong đại đội tín nhiệm thay mặt viết thư chúc tết Bác Hồ và được cử đi đón tết cùng Bác. Trong buổi tiệc, mọi người ưu tiên người lính trẻ ngồi lên phía đầu, gần đối diện với Bác và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Bắt đầu buổi lễ, Bác đứng dậy nói: "Năm qua, Bác cháu ta ở chiến khu về Hà Nội tiếp quản, các cô, các chú đã làm được nhiều việc tốt. Hôm nay đầu xuân năm mới, Bác tổ chức đón xuân và chúc sức khỏe các cô, các chú; mong các cô, các chú làm việc tốt hơn nữa".

Mọi người vỗ tay hồi lâu. Bác nâng ly mời tất cả cùng vui tết. Khi Bác đến gần, do quá hồi hộp, ông Châu lóng ngóng làm cốc bia sóng sánh suýt đổ ra ngoài. Thấy vậy, Bác bảo: "Cháu cẩn thận kẻo đổ bia". Đến khi mọi người ngồi vào bàn tiệc, ông Châu vẫn chưa lấy lại được tinh thần nên vẫn cứ ngồi im. Thấy vậy, Bác gắp một miếng thịt gà để vào bát người lính cảnh vệ trẻ rồi nói: "Chú ăn đi!". Ông Châu xúc động, ứa nước mắt.

Bác Hồ rất tiết kiệm, làm gì cũng cứ đắn đo lo nghĩ cho dân, cho nước. Một lần, Bác lên nghỉ mát ở Bất Bạt (Sơn Tây), khi đi Bác đi xe ôtô nhưng lúc về các đồng chí ở Bộ Quốc phòng biết chuyện đã cho máy bay lên đón Bác về. Bác không đồng ý và bảo: "Các chú đưa máy bay lên thì các chú tự đưa về, Bác không đi. Trong lúc dân ta còn đói khổ, phải chi viện cho miền Nam mà các chú lại lãng phí như vậy".

Bác Hồ còn là một người tôn trọng kỷ luật. Một đêm, trong phiên đứng gác dưới sàn, ông Châu thấy Bác làm việc quá khuya bèn nhẹ nhàng lên cầu thang đến phòng làm việc, khẽ thưa: "Thưa Bác! Khuya rồi, mời Bác đi nghỉ ạ!". Bác hỏi lại: "Mấy giờ rồi chú?". "Thưa Bác, hơn 11 giờ rồi ạ!". Bác liền chấp hành nghiêm chỉnh, sắp xếp giấy tờ, sổ sách gọn gàng rồi đi nghỉ.

Đi học và xuất ngoại

Năm 1964, Bác Hồ nhắc với thư ký riêng Vũ Kỳ: "Tại sao các chú cảnh vệ cứ mãi đeo lon trung sĩ, thượng sĩ. Chú bảo với chỉ huy Đại đội bố trí cho các chú được đi học trong các trường quân đội". Nghe lời Bác, sau đó có một số cảnh vệ được cử đi học, ông Châu cũng nằm trong diện được bố trí vào học trường sơ cấp chính trị quân đội. Kể từ đây, sau hơn 10 năm bên Bác, ông bắt đầu một cuộc hành trình mới, bắt đầu với cái chức Chính trị viên phó Đồn 59 - Công an vũ trang nhân dân Rào Vàng (Thanh Chương), làm mãi cái chức trợ lý tuyên huấn, thi đua… cho đến năm 1979 thì qua biên giới phía Nam làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia tới 9 năm với chức vụ cao nhất là Trung đoàn phó chính trị Trung đoàn 10 (690), Trưởng phòng chuyên gia vận động quần chúng khu vực 4. Năm 1989, với quân hàm Trung tá, ông ra quân, khoác ba lô về ở với người vợ sau là bà Tâm, cán bộ Thư viện tỉnh tại ngôi nhà nhỏ thuộc tổ 4, phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh và sống vui vẻ, hạnh phúc và bình an những năm tháng cuối đời.

Tháng 5 năm 2015

Phan Trung Hiếu
.
.