Người cảnh sát giao thông có duyên đánh án

Thứ Năm, 24/12/2015, 12:24
Đại tá Trần Luân - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an thành phố Nam Định  đến với nghề công an khá muộn. Từng đi bộ đội, sau đó chuyển công tác về công an tỉnh Hà Nam Ninh, mãi đến năm 1983, khi đã 26 tuổi, ông mới nhập học hệ chính quy của Đại học Cảnh sát nhân dân ở Suối Hai (Ba Vì - Hà Tây cũ).  Xác định cho mình một động cơ học tập nghiêm túc, ngay khi ra trường, ông được điều động về nhận công tác tại Công an TP Nam Định - nơi đã nổ phát súng mở màn cho chiến dịch 135 lịch sử.

Hơn mười năm lăn lộn, trực tiếp chiến đấu trên mặt trận đấu tranh phòng chống tội phạm, ông lần lượt trải qua nhiều đơn vị, nhiều lĩnh vực, nhiều vị trí công tác khác nhau. Từ người lính mới vào nghề cho đến khi được đề bạt làm chỉ huy, thời gian đã cho ông nhiều bài học kinh nghiệm quý giá. Những vụ án được coi là tiêu điểm một thời như vi phạm quy định về quản lý đất đai gây hậu quả nghiêm trọng ở xã Nam Vân (ngoại thành Nam Định); các ổ nhóm trộm cắp xe máy hoành hành, hình thành đường dây khép kín mà chân rết tiêu thụ của nó phủ dài các tỉnh miền Nam, Tây Nguyên…; bao vụ trọng án giết người, cướp của; những boong-ke ma túy rải khắp các địa bàn nhà ga, chợ Cửa Trường, khu năm tầng Trần Đăng Ninh…, đối tượng công khai chống đối lực lượng chức năng và trở thành nỗi khiếp sợ của bao người dân thành Nam lương thiện.

Đại tá Trần Luân (ngoài cùng bên trái) vinh dự được gặp mặt Đại tướng, Bộ trưởng Trần Đại Quang trong chuyến Bộ trưởng tới thăm và chỉ đạo công tác ở đơn vị.

Kiên quyết đi vào các vụ án kinh tế, lấy lại lòng tin trong nhân dân; từng bước gỡ bỏ những ung nhọt làm lây lan, gieo rắc cái chết trắng; lần ra đường dây tiêu thụ, triệt phá các ổ nhóm trộm cắp trên địa bàn, có vụ thu hồi tới hơn năm mươi xe máy tang vật do cùng một ổ nhóm gây ra. Tất cả các vụ trọng án đều được tập trung làm rõ, bắt giữ đối tượng chỉ trong một thời gian ngắn, qua đó trấn an dư luận, điển hình như nhanh chóng xác định hung thủ trong vụ giết lái xe ôm cướp tài sản. Dã man hơn, sau khi gây án, kẻ thủ ác còn dùng lốp xe quấn quanh người nạn nhân rồi đốt xác phi tang. Người dân kinh hoàng, hoang mang cho tới khi tận mắt chứng kiến hắn sa lưới pháp luật…

Tất cả những vụ việc đó, Đại tá Trần Luân - trên cương vị Phó Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Nam Định ở thời điểm bấy giờ - đều trực tiếp cùng anh em lăn lộn ở hiện trường, trăn trở với công tác khám nghiệm, thu thập tất cả thông tin có liên quan. Từ việc giải quyết những trọng án, ông rút ra một kinh nghiệm để đời, ấy là càng có thông tin sớm, tới hiện trường nhanh thì tỷ lệ khám phá án thành công càng cao. Càng trì hoãn, thời gian trôi qua lâu, nguy cơ "án thối" càng lớn. Đặc biệt, phán đoán, nhận định ban đầu càng chính xác, phù hợp bao nhiêu thì những vất vả, nguy hiểm của anh em đánh án càng được giảm thiểu bấy nhiêu. Đó là tiêu chí quan trọng đánh giá tài năng, khiếu làm nghề của điều tra viên, cũng là bài học kinh nghiệm hết sức thấm thía sau mỗi vụ án.

Sau hơn mười năm làm lãnh đạo Công an thành phố, năm 2008, ông đến nhận công tác tại Phòng Cảnh sát Giao thông đường thủy. Dường như chất hình sự đã ngấm vào tận máu thịt nên ở đơn vị mới này, dù nhiệm vụ chính là đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho tuyến đường thủy nội địa, ông vẫn chỉ đạo cán bộ và trực tiếp tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm trên sông nước, vận động tự thú thành công đối tượng truy nã nguy hiểm, phát hiện không ít vụ buôn bán, vận chuyển khoáng sản trái phép, tịch thu sung công quỹ, thu hồi cho nhà nước hàng chục tỷ đồng.

Điểm lại nhiều vụ án, sự phối hợp kịp thời của cảnh sát giao thông đã giúp các lực lượng khác phá án thành công. Từ bắt giữ những tên tội phạm hình sự, ma túy cho đến các đối tượng vi phạm về kinh tế, môi trường…, tất cả đều có sự hiệp đồng phối hợp của những chiến sĩ mang trên mình màu áo vàng sắc nắng.

Trong báo cáo thành tích, đề nghị khen thưởng của các đơn vị nghiệp vụ đôi khi xuất hiện cả những cái tên đến từ lực lượng Cảnh sát Giao thông. Nói về điều này, Đại tá Trần Luân không ngần ngại khẳng định, đó đều là công sức, thành tích của anh em, còn ông chỉ là người cùng tập thể lãnh đạo làm công tác định hướng, chịu trách nhiệm cho từng việc làm của cán bộ chiến sỹ trong đơn vị và vui cùng anh em mỗi khi lập được chiến công.

Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Nam Định luôn bám sát nhiệm vụ được giao, sẵn sàng hỗ trợ các lực lượng trong công tác phòng, chống tội phạm.

Nói về các vụ án, ông nhớ cặn kẽ tới từng chi tiết nhỏ, từng manh mối đã giúp anh cùng đồng đội lần ra dấu vết kẻ phạm tội. Trong ký ức của ông, có một khoảng dành cho số đối tượng anh từng vận động tự thú thành công. Ông và đồng đội đã phơi bày tội ác của chúng trước ánh sáng công lý, và rồi đến ngày trả nợ pháp luật, cũng chính ông và các đồng đội lại là người tiễn chúng ra tận pháp trường.

Cái cảm giác ấy thực rất khó gọi tên. Nó không chỉ là sự trăn trở đằng sau mỗi vụ án mà còn là phần cảm xúc rất thật, rất người, đau thay nỗi đau của đồng loại, xót xa cho những số phận lỡ lầm đường lạc lối, cho dù kẻ đó từng là một sát nhân máu lạnh giết người không ghê tay.

Mỗi lần nhớ về những vụ án đã qua, đau đáu trong ông không chỉ là khối cảm xúc khó gọi tên mà còn là hình ảnh của những đồng chí, đồng đội đã cùng ông trải qua bao khó khăn, nguy hiểm. Mối quan hệ của ông không đơn thuần chỉ là lãnh đạo với chiến sỹ, tình cảm giữa họ cũng không còn là tình đồng chí thông thường. Thay vào đó là sự gắn bó, sẻ chia, trên dưới một lòng làm nên thắng lợi của những chuyên án lớn.

"Thành công không thể đến từ một cá nhân, dù có là lãnh đạo và tài giỏi đến đâu. Thành công chỉ đến khi hội tụ đủ những điều kiện cần thiết, trong đó không thể thiếu yếu tố "lòng người". Có anh em đồng chí đồng đội mới có một Trần Luân của ngày hôm nay" - Vị Đại tá không ngại trải lòng.

Ba mươi hai năm trong ngành, trong đó có đến hai phần ba thời gian công tác tại Công an TP Nam Định. Đó là nơi ông đã cống hiến cả tuổi trẻ, là nơi rèn giũa ông từ một lính mới thành người lãnh đạo đứng mũi chịu sào, là nơi ông đã sống và chiến đấu với biết bao tâm huyết và sức lực, để rồi khi rời đây đi nhận nhiệm vụ ở đơn vị mới, ông đã thực sự bản lĩnh và không ngại đương đầu với bất kỳ khó khăn nào trên con đường vươn tới thành công. Thế nên thật dễ hiểu khi ông chia sẻ, dù đã giữ chức vụ cao hơn, nhưng ông vẫn mong muốn được nhớ tới với vai trò Phó trưởng Công an TP Nam Định, trực tiếp phụ trách công tác đấu tranh phòng chống tội phạm…

Những tấm bằng khen, giấy khen, những huân chương, huy hiệu là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và của ngành trước những đóng góp của Đại tá Trần Luân và đồng đội trong sự nghiệp giữ gìn an ninh trật tự, vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Song vinh dự nào, phút giây huy hoàng nào rồi cũng qua đi, cái còn tồn tại lâu dài lại chính là sự trân trọng, quý mến đến từ anh em đồng đội và tấm lòng tri ân của những người ông từng đưa tay kéo về nẻo thiện.

Bao nhiêu năm ông công tác trong ngành là bấy nhiêu năm vợ ông sống trong hồi hộp trước mỗi nhiệm vụ nguy hiểm mà chồng đảm nhiệm. Lo lắng từ khi chồng bước chân ra khỏi nhà đến khi ông an toàn trở về, vậy mà những âu lo đó chị đều giữ kín trong lòng. Để chồng yên tâm công tác, mình chị vun vén chăm lo cho cả gia đình, nuôi dạy hai con khôn lớn trưởng thành. Các con ngoan, học giỏi, đặc biệt cô con gái út liên tục nhận ba suất học bổng du học nước ngoài chính là niềm tự hào của gia đình. Đại tá Trần Luân chia sẻ, trong cuộc đời mỗi người, dù công danh sự nghiệp thành đạt đến đâu nhưng nguồn cội, gốc rễ của hạnh phúc vẫn là gia đình, và thành công lớn nhất của cha mẹ, suy cho cùng vẫn là các con.

Chỉ vài tháng nữa, ông sẽ hoàn thành nhiệm vụ của một cán bộ công an. Trở về với vai trò người chồng, người cha trong gia đình, cùng chia sẻ những trách nhiệm lâu nay vợ ông vẫn âm thầm gánh vác, nghĩ về những gì đã làm và đang cố gắng hoàn thiện nốt, ông gói gọn trong hai chữ "thanh thản". Thiết nghĩ, con người ta chỉ thanh thản khi giữ được cho mình tâm sáng, lòng trong. Chiến thắng được chính mình cũng là thành công lớn trong cuộc đời mỗi con người.

Ngọc Thương
.
.