Người anh hùng mở đường máu ra Cồn Cỏ

Thứ Bảy, 24/12/2005, 07:33

Ngày ấy, từ Cửa Tùng đến đảo Cồn Cỏ hơn 18 hải lý luôn nằm trong tầm kiểm soát gắt gao của địch. Mọi liên lạc giữa đất liền và đảo chỉ diễn ra về đêm. Những chiếc thuyền buồm không la bàn, định vị, chỉ một chút sơ suất là nằm lại vĩnh viễn giữa biển khơi, nhưng với tài mưu trí - dũng cảm, ông đã chỉ huy vận tải nhiều chuyến hàng và bộ đội vào ra Cồn Cỏ an toàn.

Ông là Lê Văn Ban, 73 tuổi, ở làng Tùng Luật, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị. Khi biết tin mình được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, suốt đêm ông đã khóc vì niềm vui sướng...

Tuổi thơ lận đận        

Năm 1939, khi vừa tròn 7 tuổi, tai họa đầu tiên giáng xuống gia đình ông là người bố bị tử nạn ở cửa biển Tư Hiền trong lúc theo bạn thuyền đánh cá. Cha mất, chưa đầy một tháng sau người mẹ đổ bệnh. Hai mẹ con dắt díu nhau đi ăn xin khắp nơi, nhưng cũng chỉ vài tháng thì mẹ nằm liệt giường. Từ đó, sáng nào cậu bé Ban cũng phải thức dậy từ lúc tinh mơ đi quanh làng xin về cho mẹ một bát cơm rồi mới vác bị đi ăn xin. Ăn xin nuôi mẹ được 4 năm thì bà cụ qua đời.

Xong đám tang người mẹ hôm trước, hôm sau, cậu bé Ban nhờ một người bà con đưa qua bên kia bờ Nam sông Bến Hải vào những nhà giàu có xin ở đầy tớ cho người ta. "Từ 3h sáng, tui phải thức dậy lùa đàn trâu bò ra đồng, đến 9h đêm mới cho về. Đóng cửa chuồng là phải rút rơm cho đầy để trâu bò gặm mới được ngồi vào mâm cơm nhưng cũng không có khi mô được no, ăn xong lại phải xay lúa đến 11h đêm mới được đi ngủ và chỗ ngủ của tui là trên cái giường tre kê ở cửa chuồng lợn...", ông Ban nhớ lại. Công việc của ông được chủ nhà "lập trình" thành một "phần mềm" hoàn hảo, nếu trục trặc ở khâu nào thì coi như no đòn khâu ấy.

Ở được 5 năm, không chịu nổi sự bóc lột dã man, một hôm ông liều mạng nói thẳng với chủ nhà: "Tui mần đầy tớ 5 năm rồi, chừ cho tui mấy thúng lúa (một thúng 12kg) để tui về”. Sau một hồi mắng chửi, họ cho 2 thúng, tui vác về nhà bà ngoại xin ở để tìm việc khác. Sáng sớm, ông xuống bến xin bà con ngư dân lên thuyền tập đi biển làm nghề đánh cá.

Cuộc sống cứ thế trôi qua cho đến khi Hiệp định Geneve ký kết - sông Bến Hải trở thành ranh giới hai miền chia cắt nước non. Lúc này Lê Văn Ban quay trở về ngôi nhà cũ của mình bên bờ sông để cùng anh trai làm nghề chèo thuyền đưa hàng vạn đồng bào, cán bộ cách mạng vượt tuyến ra Bắc vào Nam.     

Hành trình ra Cồn Cỏ

Sau 10 năm tham gia cách mạng làm người đưa đò ở bến đò B. Tùng Luật, vào đầu năm 1965, ông Lê Văn Ban được điều động vào đội thuyền vận tải lương thực, vũ khí, bộ đội... từ Cửa Tùng ra Cồn Cỏ và ngược lại. Tuyến đường chỉ 18 hải lý nhưng để vượt qua không hề đơn giản vì tàu chiến của địch án ngữ con đường ra, các đồn bốt bờ Nam sông có thể quan sát cả khu vực. Vì thế, đội thuyền buồm (lúc này chưa có thuyền máy) và những thuyền viên, thuyền trưởng phải được chọn lựa kỹ càng mà tiêu chuẩn quan trọng nhất là dũng cảm, dày dặn kinh nghiệm trên vùng biển này.

Nhận lệnh cấp trên vào giữa tháng 4/1965, chuyến hải hành đầu tiên gồm 5 chiếc (tải trọng 5 tấn/chiếc) nhổ neo rời bến Cửa Tùng lúc nửa đêm căng buồm tiến ra đảo - chuyến đi ấy được an toàn giữa vòng vây của địch. Nhưng chuyến thứ hai, khi ông Ban phải ở lại đất liền tập kết hàng hóa chuẩn bị cho chuyến thứ 3 với qui mô lớn hơn thì đồng đội của ông nhận lệnh ra đảo. Khi cách bờ khoảng 15 hải lý, thuyền bất ngờ lọt vào ổ phục kích của địch và vĩnh viễn ở lại giữa biển khơi. Rút kinh nghiệm, từ chuyến thứ 3 đến thứ 5, ông chỉ huy vận chuyển hàng hóa, vũ khí và bộ đội ra vào một cách an toàn cho đến chuyến thứ 6 thì sự kiện "chạm súng" xảy ra.

Đêm ấy, vào cuối tháng 5/1965, ông chỉ huy 12 chiếc thuyền vận chuyển bộ đội công binh, đoàn văn công, nhà văn và vũ khí, lương thực ra phục vụ đảo an toàn. Trên đường tiến về đất liền, khi cách đảo Cồn Cỏ khoảng 9 hải lý bất ngờ lọt vào ổ phục kích của địch. Ông Ban hạ lệnh quyết chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Giao chiến nổ ra ác liệt chừng 3 tiếng đồng hồ, bất ngờ mưa lớn, sóng gió nổi lên, địch rút lui. Đội thuyền chỉ còn 2 chiếc do ông chỉ huy bị mất phương hướng trôi dạt ra khơi xa. Mãi đến 8h sáng hôm sau mới nhìn thấy đảo Cồn Cỏ về phía Tây Bắc. Lúc này ông biết mình đang nằm trong vùng biển của địch ở Hải Lăng. Ông hạ lệnh kéo buồm chạy vào bờ trong tư thế sẵn sàng quyết tử. “Rất may, chúng tôi vào được vùng an toàn", ông Ban nhớ lại. Vào vùng biển bãi ngang này được 5 ngày thì liên lạc được với đơn vị ở Cửa Tùng. Đoạn đường từ Hải Lăng ra Cửa Tùng - Vĩnh Linh chỉ dài 30km theo dọc bờ biển, nhưng ông Ban cùng đồng đội phải mất 25 ngày lội ngược lên rừng, qua đất Lào mới trở về được đơn vị của mình (Đại đội C22, thuộc Trung đoàn E270 - Vĩnh Linh).

Mở "đường máu" trên biển

Đặt chân về nhà hôm trước thì hôm sau ông được cấp trên triệu tập một cuộc họp khẩn cấp phải tìm mọi cách tiếp cận đảo để "mở đường máu". Bởi một tháng qua đất liền không thể tiếp tế cho đảo, đặc biệt đoàn văn công, nhà văn, thương bệnh binh trên đảo không thể vào lại đất liền. Nhiều chiến thuật đưa ra với phương châm lấy yếu thắng mạnh, cuối cùng ông chọn cách đi vào ban trưa, rồi thay đổi qui luật đi lại để đánh lạc hướng địch, làm cho địch không tài nào phục kích được. Một thời gian sau, ông được cấp trên điều động về làm Xã đội phó Vĩnh Giang để chỉ huy dân quân, du kích quyết tâm bám đất, giữ làng chặn bước tiến của địch "lấp sông Bến Hải".

Với những chiến công vang dội ấy, vào ngày 1/1/1967, ông Lê Văn Ban được mời ra Hà Nội dự Đại hội thi đua và được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. "Suốt đêm ấy tui không sao ngủ được, mừng mà khóc đến khô nước mắt".

Ngồi trò chuyện với chúng tôi, chốc chốc ông lại đưa khăn lên lau nước mắt. Ông nói rằng, sống đến hôm nay đã trải qua quá nhiều gian khổ. Nhiều đồng chí, đồng đội mãi mãi nằm lại biển khơi không trở về để nhìn thấy hòa bình trên quê hương... Thỉnh thoảng, ông được mời đến các buổi sinh hoạt của đoàn, hội kể chuyện truyền thống, giáo dục cháu con về gương hy sinh của cha anh đi trước để soi rọi vào đó mà xây dựng quê hương bên dòng sông Bến Hải huyền thoại...

Hữu Hà
.
.