Người anh hùng miền biên ải

Thứ Ba, 27/11/2012, 08:00
Tôi rong ruổi cùng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND) - Đại tá Triệu Văn Điện trong suốt hành trình làm phim và đó cũng là quãng thời gian để tôi may mắn được hiểu hơn về anh...

Sinh năm 1959 ở huyện Bình Gia, một huyện xa xôi nhất tỉnh Lạng Sơn, chàng trai người Nùng Triệu Văn Điện sau khi tốt nghiệp Trường Công an Cao - Lạng được điều về công tác và chiến đấu tại Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động. Ngày ấy, để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, bằng sự linh hoạt, mưu trí, cùng sức trẻ và tinh thần dũng cảm, xả thân vì đồng đội, đồng chí Triệu Văn Điện đã mở đường vượt vòng vây, cõng một đồng đội là thương binh nặng, dìu một đồng chí khác trong 4 ngày đêm liên tục vượt hơn chục cây số đường rừng về tuyến sau an toàn.

Sau những trận chiến với nhiều thành tích đáng ghi nhận, Triệu Văn Điện đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhì, tiếp đó, ngày 13 tháng 8 năm 1980, anh đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu AHLLVTND.

Tôi đã may mắn được chứng kiến cuộc gặp gỡ giữa người Anh hùng tuổi đôi mươi khi xưa và anh Hoàng Văn Thực, hiện là Chủ tịch xã Hồng Thái, huyện Bình Gia - một trong những chiến sĩ đã từng sát cánh chiến đấu với Đại tá Triệu Văn Điện và cũng chính là người thương binh được đưa về tuyến sau trong đạn lửa. Đại tá Triệu Văn Điện hay tin cụ thân sinh ra anh Thực qua đời nên anh đến thăm hỏi, chia buồn. Đồng đội là bạn hữu, bạn hữu là tình thân. Sau nén tâm nhang thành kính với người đã khuất, các anh ôn lại chuyện xưa. Một chi tiết xúc động khiến tác giả bài viết hiểu hơn về sự hy sinh của những người chiến sĩ trên tuyến đầu của Tổ quốc trong thời khắc sinh tử cam go, hiểu hơn về người anh hùng miền ải Bắc. Khi chiến sĩ Triệu Văn Điện cõng, dìu đồng đội từ Hồng Phong qua Khánh Khê, sau ra đến Văn Quan thì trên người các anh chỉ còn chiếc quần cộc; bởi quần áo đã xé để băng bó vết thương. Các anh đã ôm nhau khóc. Chính đồng chí Đào Đình Bảng - Trưởng Ty Công an Lạng Sơn khi ấy cũng không cầm được nước mắt trước những người lính của mình. Kỷ niệm xưa cũ ôn lại để làm ấm lòng nhau…

Năm 1988, đồng chí Triệu Văn Điện gia nhập Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lạng Sơn. Mỗi câu chuyện đánh án của Đại tá Triệu Văn Điện khi xưa đều là những pha hành động nghẹt thở mà ở đó, dấu ấn của người anh hùng miền biên ải đầy oai dũng hiện rõ bởi sự gan dạ, quả cảm. Trong thời kỳ đấu tranh với các loại tội phạm hình sự những năm 1990, anh như một cánh tay đắc lực của người lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp Nông Văn Định, như một "Thiên Lôi" luôn đảm nhiệm, xử lý những tình huống đặc biệt nguy hiểm.

Anh hùng LLVTND - Đại tá Triệu Văn Điện (người đứng) trong cuộc họp giao ban của phòng Cảnh sát Truy nã tội phạm - Công an tỉnh Lạng Sơn.

Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Lạng Sơn đang có những bước phát triển nhanh về kinh tế - xã hội, kéo theo nhiều loại tội phạm phức tạp, gây nhức nhối trên địa bàn. Đặc biệt là những toán cướp nguy hiểm, chuyên sử dụng vũ khí, cực kỳ manh động, sẵn sàng xuống tay hạ sát những người dân vô tội. Những tên tội phạm ấy đã gây ra bao nỗi kinh hoàng trong nhân dân bởi những vụ án thương tâm. Đó là vụ toán cướp do Trần Quốc Yên cầm đầu đã cướp và hạ sát một gia đình 4 người ngay trong đêm giao thừa. Với trách nhiệm là Đội trưởng, được phân công trực tiếp chỉ huy tác chiến với nhiệm vụ phải nhổ tận gốc toán cướp "khát máu" do Trần Quốc Yên cầm đầu, Đại tá Triệu Văn Điện khi ấy đã rất kỳ công để dựng lên sơ đồ chiến thuật, lên phương án tác chiến, qua đó lập kế hoạch tiêu diệt chúng một cách chi tiết. Sau một thời gian kỳ công theo dõi băng cướp Trần Quốc Yên tại ngã tư đường rẽ đi Đồng Đăng, toàn bộ băng cướp đã rơi vào trận địa mai phục được giăng sẵn do Đội trưởng Triệu Văn Điện chỉ huy. Với bản tính côn đồ, say máu, những tên cướp quyết liệt bắn trả lực lượng truy bắt. Tuy nhiên, với các phương án đã được vạch ra tỉ mỉ, với sự quả cảm, mưu trí, Đội trưởng Triệu Văn Điện cùng các chiến sĩ của mình đã bảo toàn được lực lượng và việc vô hiệu hóa chúng cũng được thực hiện một cách triệt để. Với sự quyết liệt, không khoan nhượng trước cái ác, kết quả, sau nhiều giờ đấu súng cam go, tên Trần Quốc Yên cùng 5-6 tên cướp trong băng nhóm đã bị tiêu diệt gọn.

Chuyên án triệt phá băng cướp nguy hiểm do Hoàng Văn Chung cầm đầu cũng là một trong nhiều chiến công xuất sắc của lực lượng hình sự lúc bấy giờ mà Đại tá Triệu Văn Điện khi đó đang là Phó trưởng phòng đã được lãnh đạo công an tỉnh giao trực tiếp đánh án. Ổ nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu xã hội đen với thủ đoạn cướp của, giết người hết sức manh động, được trang bị vũ khí nóng và sẵn sàng nhả đạn khi có sự uy hiếp. Trong một thời gian dài, ổ nhóm tội phạm này hoạt động trắng trợn trên quốc lộ 1B. Chúng ôm AK đi cướp xe dọc quốc lộ 1B, tại dốc Quýt, Đồng Đăng... rồi lẩn trốn vào rừng sâu núi thẳm. Chúng sẵn sàng ra tay sát  hại người dân vô tội khi không đạt được mục đích cướp của. Manh động hơn, chúng đã giết hại một cán bộ công an. Chung được liệt vào danh sách những đối tượng khi cần có thể "tiêu diệt tại chỗ".

Hoàng Văn Chung từng có thời gian công tác trong lực lượng vũ trang nên hắn khá thành thạo về việc sử dụng súng đạn, lại có vóc người to khỏe, nhanh nhẹn và rất tàn bạo. Đó thực sự là một thách thức đối với lực lượng Cảnh sát hình sự Lạng Sơn. Đánh giá được mức độ nguy hiểm của đối tượng cũng như trọng trách phải hạ gục được kẻ coi thường pháp luật này, đồng chí Triệu Văn Điện đã chỉ huy các mũi trinh sát kiên trì mai phục, lần tìm dấu vết tội phạm với mục tiêu cao nhất là bảo toàn lực lượng. Chính anh trong thời gian đó đã cùng các trinh sát bám địa bàn, lăn lộn nay nương ngô, mai ruộng khoai... mật phục theo dõi đối tượng để căn cứ vào tình hình thực tế, lựa chọn phương án tác chiến phù hợp. Nhờ vậy, sau 6 tháng kiên trì triển khai việc truy bắt, tên Chung đã lọt vòng vây, bị khống chế hoàn toàn và phải cúi đầu khuất phục. Đồng bọn của hắn cũng bị tóm gọn. Phía ta bảo toàn được lực lượng chiến đấu, thu giữ nhiều súng, đạn và các loại hung khí, góp phần lập lại bình yên cho xứ Lạng.

Từ Phòng Cảnh sát hình sự, Đại tá Triệu Văn Điện được chuyển qua giữ cương vị lãnh đạo Phòng Cảnh sát bảo vệ - cơ động. Hiện anh là Trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Lạng Sơn. Trong quá trình thực hiện chức trách mới, nhiệm vụ mới, cũng đã có nhiều kỷ niệm lưu dấu ấn trong tâm khảm Đại tá Triệu Văn Điện:

Đối tượng Tạ Văn Giai ở thôn Pò Lào, xã Hoàng Văn Thụ, Văn Lãng, Lạng Sơn phạm tội trộm cắp tài sản, sau đó phá buồng giam bỏ trốn. Giai lẩn trốn ngoài biên giới khiến việc truy bắt đối tượng gặp nhiều khăn. Biết Giai còn nặng tình với gia đình khi cha đã mất, chỉ còn mẹ già và người chị gái, Đại tá Triệu Văn Điện đã đến tận gia đình Giai kiên trì thuyết phục. Uy tín của cái tên Triệu Văn Điện cùng nét chân chất, mộc mạc còn nguyên của vị Đại tá công an, những chia sẻ thấu lí đạt tình của anh đã lay động lòng người mẹ, người chị gái của Giai. Những lời khuyên nhủ chân tình anh nhờ chuyển đến Giai đã thôi thúc Giai quyết định trở về đầu thú. Ngày trở về gia đình sau 10 năm xa cách, Giai gặp vị Đại tá Công an đã vận động mình ra đầu thú ngay tại sân nhà. Vị Đại tá đưa điếu thuốc cho Giai để Giai xóa đi những mặc cảm và thấy ấm lòng trong sớm mùa đông buốt lạnh. Trước người mẹ, người chị gái của Giai đang nước mắt lưng tròng, Đại tá Triệu Văn Điện nói gia đình làm bữa cơm để Giai được ăn cùng mẹ cho ấm cúng vì mẹ con xa nhau quá lâu. Câu chuyện ấy khi tôi đến ghi hình tại gia đình Tạ Văn Giai vẫn được gia đình Giai kể lại trong niềm xúc động.

Câu chuyện trên cũng xin được coi như khúc vĩ thanh về người con của miền ải Bắc, của vùng đất đã ghi dấu những thời khắc lịch sử trọng đại trong vạn sự biến thiên, dâu bể, đã tạc vào thời gian những ải Chi Lăng, những thành nhà Mạc, những Pháo đài Đồng Đăng...; vùng đất đã tạo nên những con người khí phách hiên ngang mà mộc mạc như chính núi rừng của miền biên ải ấy.

Xứ Lạng, tháng 10/2012

Ngô Phương Hạnh (Trung tâm Phát thanh, truyền hình, Điện ảnh CAND)
.
.