Ngàn dặm đường tầm nã

Thứ Sáu, 13/02/2015, 08:00
15-20 năm sau ngày gây án, những kẻ đào tẩu tưởng chừng không ai còn nhớ đến chúng. Và nếu có nhớ, thì cũng không thể biết chúng còn sống hay đã chết. Vì chừng ấy năm trốn tránh pháp luật, là quãng thời gian chúng sống dưới một lý lịch khác. Thậm chí là dưới một ngoại hình, giới tính khác. Lẽ dĩ nhiên, chúng liên tục di chuyển và cắt bỏ mọi liên hệ cũ có thể trở thành manh mối để lần tìm ra mình. Bởi vậy, phía sau mỗi biên bản bắt, là cả một câu chuyện dài đượm mồ hôi, sương gió, vui buồn của những người lính trên ngàn dặm đường tầm nã tội phạm. 

Gian nan nghề đi "săn"

Hồ sơ truy nã nghi can Phạm Văn Chăng đã ố vàng bởi thời gian. Trên nền giấy cũ, những dòng chữ được viết bằng bút mực cách đây 18 năm đã hiện ra trước mắt tôi, như chứng tích về sự kiên trì, bền bỉ trong cuộc săn lùng tội phạm xuyên thế kỷ. Đầu năm 1997, sau khi giết người tại xã Cư Huê, huyện E Ka, tỉnh Đắk Lắk, Chăng biến mất khỏi vùng kinh tế mới. Một thời gian sau, bố mẹ y cũng rời khỏi vùng đất này và chuyển đi đâu không rõ. Không có bất kỳ một thông tin nào về họ, ngoài chi tiết Chăng là người miền Bắc, đâu như mạn Tứ Kỳ, Hải Dương, nhưng đã theo gia đình vào Tây Nguyên làm ăn từ lâu.

Gần 20 năm trôi qua, bao cuộc lên đường truy lùng tên sát nhân đều đã trở về tay không. Không có manh mối nào để "bấu víu", bụi thời gian đã phủ dày hồ sơ truy nã tên tội phạm đặc biệt nguy hiểm này.

Chơi với "dân" truy nã đã lâu, nên tôi khá hiểu. Làm nghề tìm người, tố chất quan trọng đầu tiên cần có, đó là sự tỷ mỷ, không bỏ sót bất kỳ một thông tin nào đã lọt vào tai về đối tượng cần tìm. Tiếp đến là năng lực linh cảm, óc phán đoán, nhận định nhạy bén. Nhưng, cái quyết định thành công trong những cuộc tầm nã tưởng chừng như vô vọng, vẫn phải là lòng kiên trì. Và chỉ có thể kiên trì, nếu có một tình yêu nghề đủ lớn. Làm bất cứ nghề gì, lòng đam mê với công việc luôn là yếu tố khởi phát của sự thành công. Và tôi đã gặp những trinh sát say nghề đến quên mình ở Phòng PC52 - Công an tỉnh Đắk Lắk.

Người đã đặt dấu chấm hết cho hành trình đào tẩu xuyên thế kỷ của Phạm Văn Chăng, là Thiếu tá Nguyễn Xuân Dương - (Phó đội trưởng Đội 2), người có 7 năm liền là Chiến sỹ Thi đua của đơn vị này.

Hỏi cung bị can Phạm Văn Chăng sau 18 năm trốn truy nã.

Thiếu tá Dương kể: "Tôi theo vụ tên Chăng từ khi vẫn là trinh sát của Phòng Cảnh sát Hình sự Đắk Lắk. Vì thông tin về y quá mờ nhạt, nên bao nhiêu lần truy lùng đều "tay trắng về không". Với những đối tượng gây trọng án rồi trốn sâu, trốn kỹ thế này, năm nào chúng tôi cũng rà duyệt lại hồ sơ vài lần. Hễ phát hiện manh mối nào lại "khăn gói quả mướp" lên đường.

Không thể nói cho hết công sức, vất vả của anh em trong suốt quãng thời gian ấy. Một lần xác minh tại nơi Chăng gây án, chúng tôi được tin tại một xã miệt vườn của tỉnh Long An, có một nam thanh niên người Bắc đang thuê đất nuôi vịt một mình giữa cánh đồng. Anh ta có ý không muốn tiếp xúc với người trong làng. Về tuổi tác, đặc điểm ngoại hình có nhiều điểm tương đồng với Chăng. Nghi ngờ đây là đối tượng, chúng tôi đã cầm theo ảnh của anh trai Chăng (vì Chăng chưa làm giấy CMND và anh em chúng khá giống nhau) rồi lặn lội xuống Long An. Đến nơi, người dân xem ảnh và nói khá giống với người thanh niên đã thuê ruộng chăn vịt. Nhưng cách đây 4 năm, anh ta đã trả ruộng và bỏ đi đâu không rõ. Không nản, chúng tôi tìm người đã cho thuê ruộng, thì được biết nam thanh niên đó đã chuyển xuống Bạc Liêu làm nghề nuôi tôm.

Chúng tôi tức tốc xuống Bạc Liêu. Ban đầu đã mừng húm, vì tại vùng bãi bồi ven biển thuộc ấp Biển Đông A, xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu có tới hơn 2 nghìn hộ nuôi tôm là dân Hải Dương di cư. Mất nhiều tuần bí mật rà soát, cuối cùng cũng tìm được người thanh niên đã thuê đất chăn vịt tại Long An. Nhưng đó là Vũ Văn Xuyên, chứ không phải đối tượng chúng tôi cần tìm, cũng chẳng liên quan gì đến vụ án".

Thất bại trong chuyến săn lùng ấy không làm Thiếu tá Dương và đồng đội nản lòng. Họ đùa nhau: "Cơm không ăn, gạo còn đấy!" và tính toán cách khác. Tìm trực tiếp không được thì đi "đường vòng", bằng mọi cách phải tìm cho ra gia đình y. Nếu tìm được, sẽ là bước đột phá quan trọng, mở ra cánh cửa để lần ra nơi tên tội phạm đang ẩn náu.

Nhận định hướng di chuyển của gia đình Chăng sau khi rời Đắk Lắk sẽ vào sâu trong Nam, đến những vùng có nhiều đồng hương Hải Dương sinh sống, tổ công tác lại lên đường. Lần này, được sự phối hợp của các đơn vị Cảnh sát quản lý hành chính ở nhiều tỉnh phía Nam, cuối cùng họ đã lần ra địa chỉ chỗ ở của bố mẹ Chăng tại xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai. Bước tiến dài trong hành trình truy bắt tên sát nhân đã bắt đầu.

Để đối tượng đang ẩn sâu trong bóng tối tự bộc lộ, chiêu "rung chà cá nhảy" đã được thực hiện hết sức tinh tế. Khi thư kêu gọi đầu thú được gửi đến bố mẹ Chăng theo đường bưu điện, lập tức gây ra phản ứng dây chuyền, biểu hiện qua những dấu hiệu bất thường về sinh hoạt, quan hệ, giao dịch…của gia đình y. Những triệu chứng "lâm sàng" đó cho phép xác định Chăng còn sống, và họ vẫn giữ liên lạc với tên này.

Phân tích các quan hệ của gia đình Chăng tại nơi ở mới, Thiếu tá Dương phát hiện có một phụ nữ thường lui tới. Mất nhiều tuần bí mật tiếp cận, tổ công tác xác định chị ta có 2 con, nhà ở xã Xuân Thiện, huyện Thống Nhất, Đồng Nai. Chính quyền địa phương cho biết đó là dân tạm trú trên địa bàn, không có đăng ký hộ khẩu. Trong nhà chỉ có 3 mẹ con, nhưng thỉnh thoảng có một người đàn ông đến vào buổi tối, sáng ra lại đi ngay. Thêm nhiều "động tác" nữa, Thiếu tá Dương được biết người đàn ông đó là chồng của người đàn bà này. Hiện anh ta đang làm thợ mộc ở thị trấn Lạc Tánh, huyện Tánh Linh, Bình Thuận.

 "Chi tiết người chồng làm nghề mộc, khiến tôi linh cảm đó chính là Chăng, vì trước đây ở Đắk Lắk, y kiếm sống bằng nghề này. Lập tức tôi cùng một trinh sát lên đường đi Bình Thuận. Đến huyện Tánh Linh, trong vai khách đi đặt hàng mộc, hai anh em ghé qua thăm quan các xưởng đồ gỗ ở đây. Khi đến xưởng nhà ông Bảo, thấy trong sân có người thợ đang hì hục đục chạm, cưa cắt. Chúng tôi nhận ra Chăng ngay, dù sau gần 20 năm y đã thay đổi nhiều. Ngay lập tức y bị quật sấp mặt xuống đất và khóa gọn" - Thiếu tá Dương nhớ lại.

Đãi cát tìm vàng

Tại Phòng PC52 - Công an tỉnh Đắk Lắk, chúng tôi đã gặp những người lính bình dị, da sạm đen vì sương gió trên hành trình rong ruổi vào Nam ra Bắc tầm nã tội phạm. Nghe Trung tá Nguyễn Đức Thái - (Đội phó Đội 3) kể chuyện về cuộc săn lùng tên Nguyễn Thắng Lợi bị truy nã về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" suốt 24 năm ròng rã, mới thấy sự kỳ công như "đãi cát tìm vàng" của họ.

"Trong suốt quãng thời gian bỏ trốn, Lợi đã tạo vỏ bọc chân tu, thường xuyên đi rao giảng kinh pháp ở các thiền viện. Bởi vậy, khi đối tượng xuất hiện ngay trước mắt, tôi không khỏi băn khoăn sợ nhầm. Vì so với ảnh truy nã, người này quá già, lại dưới bộ dạng tu sĩ" - Trung tá Thái cho biết.

Mới đây, hành trình 15 năm trốn truy nã của tên Trần Trúc Phương cũng đã khép lại, bởi những nỗ lực không mệt mỏi của Trung tá Thái và đồng đội. Phương là tay "siêu" lừa xin việc, chạy dự án… Y đã gây án tại nhiều tỉnh như Bà Rịa Vũng Tàu, Khánh Hòa, Quảng Bình, Đắk Lắk, Đắk Nông …Tổng số tiền chiếm đoạt được lên đến hàng tỷ đồng.

Lệnh truy nã đầu tiên đối với Phương vào năm 1999. Đã có bao nhiêu cuộc ra quân săn lùng Phương của Công an các tỉnh, song anh em đều trở về tay không, bởi y quá xảo quyệt. Thủ đoạn của Phương là cứ 2-3 ngày thay đổi chỗ ở một lần. Y có 3 vợ, với mỗi người y dùng một tên khác nhau, biến nhà họ thành những nơi tá túc trong suốt hành trình lẩn tránh pháp luật. Đến ngày 17/7/2014 thì Phương đã sa lưới tại nơi y không thể ngờ tới. 

Trong những cuộc săn lùng triền miên, qua ngày qua tháng, có những trận đánh khốc liệt khi tội phạm điên cuồng chống trả Cảnh sát để thoát thân. Thiếu tá Dương nhớ mãi trận đánh bắt tên cướp Quách Chí Điền. Năm 1997 Điền cùng đồng bọn xách súng AK đi cướp tài sản ở xã Eo, huyện E Ka, Đắk Lắk. Khi bị chống trả, y đã lạnh lùng xả súng bắn chết một người và làm một ngươi khác bị thương, rồi bỏ trốn khỏi địa phương. Trong suốt 17 năm lẩn trốn, y thay tên đổi họ, nay đây mai đó, làm đủ thứ nghề để kiếm sống. Cuối cùng y vào rừng Lâm Đồng làm thợ sơn tràng.

Sau nhiều tháng theo dõi, phát hiện Điền tá túc tại nhà một người quen. Ngay trong đêm, Thiếu tá Dương cùng đồng đội tức tốc lên đường. Khi tiếp cận Điền, các anh bị bất ngờ vì y quá khỏe và hung hãn, dám "bật" lại để chạy thoát thân. Phải vất vả lắm mới túm lại được thì Điền hô hoán để dân làng ùa ra cản trở, đánh tháo, buộc các trinh sát phải nổ súng thị uy. Chưa hết, khi dẫn giải đi qua đầm lầy, Điền lao thẳng xuống khiến anh em phải nhào theo giữ lại. Cuộc vật lộn dưới bùn sau 30 phút mới vác được Điền lên bờ, vừa lúc lực lượng chi viện có mặt để giúp 2 trinh sát đưa tên giết người trở về trại giam.

Đào Trung Hiếu
.
.