Nắm xôi của Bác

Thứ Hai, 25/09/2006, 11:30

Vừa khoác túi lên vai, tôi đã thấy đồng chí cần vụ của Bác đưa cho tôi gói xôi và chỉ con ngựa đã thắng sẵn yên cương, bảo tôi: “Bác bảo nắm xôi cho đồng chí ăn đường, còn ngựa thì cứ để lại bên Nha Công an, sẽ có giao thông đưa về”.

Cuối tháng 9/1949, từ làng Tử Dương, ven bờ sông Đáy, tôi được điều lên công tác tại Việt Bắc. Tôi đến Nha Công an Trung ương trình diện với anh Lê (đ/c Lê Giản), Tổng giám đốc Nha, và được phân công về  Vụ Chính trị do anh Nguyễn Văn Ngọc làm chủ nhiệm.

 Là một thanh niên còn ít tuổi đời, đang sống trong môi trường dân cư đông đúc, nay công tác ở Nha Công an Trung ương chỉ có dăm ba cán bộ lớn tuổi, nên ngoài thời gian làm việc, buổi trưa tôi không ngủ, chỉ lang thang vào rừng tìm săn gà gô. Buổi chiều ăn cơm xong, đợi trời tối là lên sàn nứa nằm nghỉ vì đèn đóm tù mù. Gần một năm trời công tác ở Nha Công an Trung ương, tôi có khá nhiều kỷ niệm sâu sắc, nhưng đáng nhớ nhất vẫn là lần tôi được gặp Bác Hồ.

Trước khi được điều trở lại Công an Hà Nội, tôi xin phép được sang thăm anh ruột tôi là Lê Khởi Nghĩa, thư ký riêng cho anh Tô (Bí danh của Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, vì trong khói lửa chiến tranh chưa biết dịp nào anh em mới gặp được nhau.

Buổi sớm hôm sau, ăn sáng xong, tôi lên đường sang Bộ Nội vụ. Ở đây, tôi nhờ chị Trinh gọi điện dây nói sang chỗ anh tôi nói là tôi sẽ sang thăm anh vào buổi chiều. Được tin này, anh tôi mừng lắm vì gần một năm, tuy biết tôi công tác ở Nha Công an Trung ương, nhưng anh em chưa lần nào được gặp nhau. Từ Bộ Nội vụ sang chỗ anh Tô chỉ hơn 10 cây số, tôi sang đến chỗ anh thì chiều đã muộn. Anh đưa tôi lên chào anh Tô và anh Tô bảo tôi: “Lát nữa đến bữa ăn, chúng ta sẽ nói chuyện”.

Đến bữa cơm chiều, anh Nghĩa bảo tôi: “Chốc nữa chú ăn cơm với anh Tô, để anh Tô còn hỏi chuyện chú. Bọn anh ăn trước”.

Tôi ngồi ăn cơm với anh Tô bên chiếc bàn ghép bằng nứa, đặt ngay dưới tán mấy cây cổ thụ, cành lá um tùm. Trong bữa ăn, anh Tô hỏi tôi nhiều chuyện, và đặc biệt anh hỏi về chuyện quân Pháp bao vây cơ quan tôi đóng ở làng Bồ  Nâu, thuộc Thanh Oai, Hà Đông, làm sao tôi thoát ra được.

Tôi báo cáo lại để anh rõ về vụ việc và tình hình chúng tôi đã ra thoát được cả mà không cán bộ nào sa vào tay giặc. Báo chí của địch trong nội thành lại loan tin Quận trưởng Công an quận 5 Hà Nội là Lê Tuấn đã mất tích. Nhân chuyện đó, lãnh đạo Ty Công an Hà Nội đã để cho  tôi “mất tích” luôn và báo Nhân Dân của Liên khu Ba cũng đăng tin coi như xác nhận sự thật; và tôi đổi tên là Phạm Hồng Việt để tiếp tục công tác điệp báo ở phía nam Hà Nội.

Nghe xong chuyện, anh Tô hỏi tôi về tình hình khi vượt qua đường số 6 nguy hiểm như thế nào? Tôi đã  báo cáo lại mọi tình hình. Anh Tô chăm chú nghe rồi hỏi tôi trước khi trở về công tác ở Hà Nội có nguyện vọng gì? Tôi liền đáp:

- Thưa anh, em chỉ mong được gặp Bác Hồ. Lần Bác đến thăm lớp học Tổng phản công ở Trường Công an vì đông người quá nên em phải nhường các đồng chí ở địa phương nên chưa được ngồi gần Bác.

Anh Tô trầm ngâm một lúc rồi gọi anh tôi đến bảo: “Đồng chí Nghĩa báo cáo sang xin ý kiến của Bác ra sao?”.

Anh tôi về chỗ làm việc quay máy điện thoại báo cáo ý kiến của anh Tô. Một lúc sau, anh Tô hỏi:

- Bên Bác có ý kiến gì không?

- Thưa đồng chí! Tôi đã báo cáo việc này cho đồng chí thư ký của Bác để xin ý kiến. Và khi được tin em tôi là cán bộ của Công an Hà Nội lên công tác trên Việt Bắc và nay lại sắp trở về địa bàn Hà Nội thì Bác đã đồng ý cho gặp và hẹn tối nay em tôi sẽ theo giao thông sang chỗ Bác ở.

- Thế thì được rồi. Đồng chí Tuấn chờ đi cùng với giao thông bên này sang chỗ Bác. Nếu muộn thì cứ ngủ lại bên ấy, sáng mai về đây cũng được.

Tối đến, tôi theo đồng chí giao thông sang chỗ Bác ở, gặp ngay đồng chí Vũ Kỳ mà tôi đã có thời gian bắt liên lạc ở phủ Thuận Thành, Bắc Ninh để cùng hoạt động cách mạng. Nhưng mới liên lạc được vài ba lần thì đồng chí Kỳ bị Pháp bắt. Bây giờ gặp lại nhau mừng vui khôn tả.--PageBreak--

Đồng chí Kỳ hỏi thăm anh thứ ba của tôi là Phạm Bộ Doanh, cán sự Thành ủy bị Pháp bắt từ tháng 11/1942, kết án 20 năm tù, đày ra Côn Đảo, bây giờ ra sao? Hai chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau một lúc thì được Bác cho gọi tôi đến gặp.

Tôi hồi hộp quá và khi bước chân vào cửa nhà Bác, tôi đã chào rất to: “Thưa Bác ạ!”.

Bác chỉ cho tôi ngồi xuống ghế đối diện với Bác và hỏi ngay:

- Cháu là cán bộ của Công an Hà Nội lên Việt Bắc công tác được lâu chưa?

- Thưa Bác! Cháu lên Nha Công an Trung ương đã được  gần một năm rồi ạ, nay lại được trở về Hà Nội công tác...

Bác biết tôi là em ruột anh Lê Khởi Nghĩa, thư ký riêng của anh Tô nên Bác hỏi rất nhiều chuyện như việc nhân dân ở vùng tự do tăng gia sản xuất ra sao để tham gia kháng chiến? Nhân dân hồi cư về nội thành sinh sống thế nào? v.v...

Bác còn quan tâm hỏi tôi khi vượt đường số 6 có gặp nguy hiểm gì không? Tôi lần lượt trả lời các câu hỏi của Bác. Lúc tôi kể đến chuyện mỗi lần quân Pháp đi càn quét ở các làng ven nội thành, chúng thường cho bọn trẻ con Tây cầm súng đi trước, bắn vang trời và luôn miệng chửi Việt Minh, Bác bỗng ngắt lời tôi, hỏi: “Cháu nói là giặc Pháp cho cả trẻ con Tây ra trận à?”.

- Thưa Bác, vâng ạ!

- Cháu có nhìn thấy rõ bọn trẻ con Tây đi đánh trận thật không?

Tôi báo cáo với Bác về trận Pháp tấn công ra làng Cự Đà hồi đầu năm 1947, chúng đã cho số trẻ con Tây cầm súng đi trước.

Bác trầm ngâm, nói:

- Cháu phải viết báo cáo kỹ về việc này rồi gửi cho Chính phủ...

Tôi chưa biết thưa với Bác thế nào thì Bác đã hỏi tiếp:

- Những trẻ con Pháp là con loại người nào?

- Thưa Bác! Chắc là con của những  tên Pháp ở Hà Nội bị ta bắt được trong những ngày đầu kháng chiến, hoặc con số tây, đầm bị bắt sống ở rạp chiếu bóng Majestic (Tháng Tám) khi chúng đi xem đêm 19/12/1946.

Bác chậm rãi nói:

- Như vậy là, bọn đế quốc Pháp đã đào tạo những trẻ em vô tội trở thành những tên giết người hung hãn ngay từ lúc còn nhỏ tuổi.

Bác trầm ngâm một lúc, ánh mắt đượm buồn, nhìn ra ngoài rừng. Hai Bác cháu cùng im lặng.

Tôi xin phép Bác ra về để ngày mai trở lại Hà Nội. Bác ân cần dặn tôi:

- Cháu cố gắng công tác nhé. Đi đường phải giữ gìn sức khỏe đấy!

Đêm ấy tôi nằm chung giường với anh Vũ Kỳ, nhưng thao thức mãi không ngủ được vì nghĩ tới lúc phải xa Bác, xa anh Tô và anh ruột tôi, xa núi rừng Việt Bắc hùng vĩ...

Chim từ quy vừa dứt tiếng gọi nhau vang vọng khắp núi rừng, tôi đã trở dậy để chuẩn bị lên đường về Nha Công an Trung ương. Rừng Việt Bắc còn chìm trong sương mù mờ mịt. Tôi định lên chào Bác để ra về thì anh Vũ Kỳ đã ngăn lại và bảo: “Đồng chí không phải lên chào Bác đâu. Đêm hôm qua, Bác làm việc khuya, để Bác ngủ chút nữa”.

Vừa khoác túi lên vai, tôi đã thấy đồng chí cần vụ của Bác đưa cho tôi gói xôi và chỉ con ngựa đã thắng sẵn yên cương, bảo tôi: “Bác bảo nắm xôi cho đồng chí ăn đường, còn ngựa thì cứ để lại bên Nha Công an, sẽ có giao thông đưa về”.

Tôi đỡ lấy gói xôi trong tay đồng chí cần vụ của Bác cảm động nhìn về phía ngôi nhà nhỏ, đơn sơ của Bác, thầm nghĩ: “Thưa Bác, suốt đời cháu ghi nhớ lòng thương yêu của Bác đối với cháu, đối với nhân dân...”.

Đến bây giờ, tuy tuổi đã ngoài 80, thuộc loại người “xưa nay hiếm”, nhưng mỗi khi ăn hạt xôi dẻo thơm, tôi lại nhớ đến nắm xôi của Bác, nhớ từng lá cây giềng dại gói xôi, mùi thơm xôi nếp  ngày ấy...

Lê Tuấn
.
.