Sơ kết 10 năm “Quỹ bảo trợ học sinh dân tộc thiểu số, học sinh nghèo” của Báo Công an nhân dân:

Mười năm tiếp bước đến trường

Thứ Sáu, 16/12/2016, 09:34
Những đôi mắt lấp lánh niềm vui, những tiếng cười trong trẻo, bàn tay sung sướng ve vuốt món quà là chiếc xe đạp mới tinh, là tập vở, quần áo, bút thước... Với các em học sinh nghèo, nhất là ở vùng sâu vùng xa, ở bản làng heo hút, chiếc xe đạp, bộ đồng phục tinh tươm... đôi khi là ước ao quá xa vời. Có em thỏ thẻ, hôm lên nhận xe đạp tại Lễ sơ kết 10 năm “Quỹ bảo trợ học sinh dân tộc thiểu số, học sinh nghèo”, con cứ nghĩ mình đang nằm mơ. Như món quà mà bà tiên trong truyện cổ khẽ gõ đũa thần...


Mới đó mà “Quỹ bảo trợ học sinh dân tộc thiểu số, học sinh nghèo” của Báo CAND đã trải qua chặng đường 10 năm. 10 năm, hơn 14 tỷ đồng, hàng trăm chuyến đi không quản ngại mưa gió, hàng ngàn học sinh có hoàn cảnh khó khăn được Quỹ hỗ trợ học bổng, dụng cụ học tập, phương tiện đi lại. 10 năm, một khoảng thời gian không quá dài nhưng đã nâng bước biết bao mảnh đời bất hạnh, góp phần ươm mầm xanh tri thức cho bao thế hệ học sinh. Với các em, niềm vui và ý nghĩa mà Quỹ đem đến thì không thể nào đo đếm được.

Ôn lại những ngày đầu thành lập, Đại tá Trần Kim Thẩm, Phó Tổng biên tập Báo CAND, Phó Chủ tịch Quỹ không khỏi bồi hồi. Vào cuối năm 2006, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị Trương Hòa Bình, lúc đó là Ủy viên Trung ương Đảng, Thiếu tướng, Thứ trưởng Bộ Công an về việc vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đóng góp chăm lo cho học sinh nghèo, nhất là học sinh dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa, Báo CAND đã tiến hành các bước chuẩn bị để thành lập “Quỹ bảo trợ học sinh dân tộc thiểu số, học sinh nghèo”.

Đại tá Trần Kim Thẩm, Phó Tổng biên tập Báo CAND, Phó Chủ tịch Quỹ, tặng hoa tri ân các nhà hảo tâm có nhiều đóng góp cho Quỹ trong suốt 10 năm qua. (ảnh: Minh Đức)

Ngày 10-3-2007, Quỹ chính thức ra mắt và đi vào hoạt động. Quỹ do Báo CAND quản lý, đồng chí Tổng biên tập Báo CAND làm Chủ tịch. Đồng chí Trương Hòa Bình và đồng chí Ksor Phước (nguyên Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội) là Chủ tịch danh dự.

Thiếu tướng Phạm Văn Miên, Tổng biên tập Báo CAND, Chủ tịch Quỹ cho biết, từ khi ra đời đến nay, Quỹ đã thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của đồng chí Trương Hòa Bình, là nhịp cầu tin cậy, kết nối những tấm lòng nhân ái đến với học sinh nghèo trên cả nước. Trong đó, phải kể đến sự đồng hành bền bỉ quý báu của các tấm lòng vàng như: ông Lâm Tấn Lợi, Giám đốc Công ty Sản xuất Duy Lợi; anh Võ Văn Chương, anh Trần Ngọc Thuận, Tập đoàn Cao su Việt Nam, anh Nguyễn Bá Dương, Tập đoàn Ô tô Trường Hải…  Quỹ duy trì hoạt động đều hàng năm, tập trung nhiều nhất vào thời điểm khai giảng năm học mới và bế giảng năm học.

Hơn 14 tỷ đồng đã quy thành những phần quà thiết thực. Đó là học bổng, dụng cụ học tập (máy tính, tập vở, quần áo, bút, cặp…), xe đạp... Nhờ đó, nhiều em đã vượt lên khó khăn để học tập tốt hơn, trở về đóng góp cho nơi chôn nhau cắt rốn.

Có mặt tại buổi lễ sơ kết, nhìn những thế hệ đàn em nhỏ thó, đen nhẻm vì thiếu ăn, chỉ có nụ cười và ánh mắt thông minh là sáng bừng lần lượt bước lên nhận quà, Sa Fi Na – nữ bác sĩ người Chăm của Phòng y tế Quận 8 - cảm nhận rõ cảm xúc lâng lâng, háo hức ngày nào ùa về. Cách đây vài năm thôi, cô cũng run run bước lên bục nhận quà như tụi nhỏ bây giờ.

“Hồi trước nhà em nghèo lắm. Ba mẹ em tần tảo sớm hôm mà không đủ ăn. Gia đình khốn khó nên em suýt phải bỏ học đại học Y khoa để đi làm thêm phụ giúp ba mẹ. Một hôm bác Kim Sô, Giáo cả thánh đường Hồi giáo phường 1, quận 8 đến nhà cho biết có suất học bổng của Báo CAND dành cho cháu. Đêm trước ngày đi nhận học bổng, em không chợp mắt được vì quá háo hức, mừng vui không tả xiết. Càng mừng vui hơn khi em được chính bác Trương Hòa Bình trao học bổng” – Sa Fi Nad nhớ lại.

Nhắc đến Quỹ, em coi đó là nơi đầu tiên chắp cánh, truyền cho em nghị lực biến ước mơ tưởng như xa xôi thành hiện thực, để trở thành một cán bộ mẫu mực, hết lòng vì công việc như hôm nay. Cũng nhờ sự giúp đỡ của Quỹ, em Thạch Thị Thảo (dân tộc Khmer ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh) mới quyết tâm thi đậu vào trường Cao đẳng Sư phạm dù trước đó Thảo đã có ý định nghỉ học vì gia cảnh quá khốn khó. Nay Thảo đã trở thành cô giáo ở quê nhà. Nhận tháng lương đầu tiên, Thảo rối rít gọi điện khoe ngay với Báo. Lời cảm ơn, ân nghĩa sao nói hết...

Đối với em Trần Minh Huy, dân tộc Khmer, học sinh lớp 8/5, Trường THCS An Quảng Hữu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, chiếc xe đạp nhận tại buổi lễ sơ kết Quỹ ngày 11-12 là chiếc xe đạp thứ hai của cậu bé. Chiếc xe đạp thứ nhất được một nhà hảo tâm cho, em đi đã tróc sơn, mòn vẹt mấy năm nay.

Nhận được chiếc xe đạp mới tinh này, Huy vui lắm. Thấy em dắt xe đi bộ từ tốn, lâu lâu lại xoa xoa chiếc xe chứ không ngồi lên đạp thử như các bạn khác, có người hỏi thì Huy ghé tai hồn nhiên: “Con giữ nó đừng bị trầy rồi đem về nhà cất kỹ để lên lớp 10 mới lấy ra chạy. Còn năm nay với năm lớp 9, con ráng chạy xe cũ cũng được”.

Huy mồ côi cha mẹ từ hồi còn đỏ hỏn. Em ở với ông bà ngoại nay đã hơn 60 tuổi vì ông bà nội không còn ai. Ông ngoại đi chăn vịt còn bà ngoại bán hàng rong trước cổng trường. Vất vả rau cháo qua ngày mà nuôi giấc mơ con chữ cho Huy. Biết ông bà tuổi cao sức yếu, Huy ráng học thiệt giỏi dù ngoài giờ học cậu bé vẫn phụ giúp ông bà. Tám năm liền, em đều đạt học sinh tiên tiến.

Là người sáng lập và đồng hành cùng Quỹ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình không khỏi vui mừng khi nhìn thấy các em học sinh mà Quỹ hỗ trợ luôn cố gắng học tập tốt hoặc đã trưởng thành, cập bến ước mơ.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trao học bổng cho học viên dân tộc thiểu số, hiếu học, vượt khó của Trường Văn hóa 2, Bộ Công an.

Đồng chí tâm sự: “Khi cùng Báo CAND và các doanh nghiệp trao quà cho các em, tôi thấy trong mắt các em, các cháu lấp lánh niềm vui. Tôi đã nhiều lần phát biểu với các cháu rằng làng quê mình còn nghèo, gia đình các cháu còn khó khăn, đường đến trường của các cháu hôm nay còn chông chênh, vất vả. Vì vậy, các cháu cần phải cố gắng học tập. Chỉ có học tập tốt, có kiến thức sâu rộng thì mới mong mai này đổi đời. Các cháu có trí tuệ mới có thể giúp quê hương mình thoát nghèo, làng xóm mình sung túc. Hôm nay các cô chú trao cho các cháu chiếc xe để giúp các cháu rút ngắn đoạn đường đến trường, tiếp thêm niềm tin cho các cháu. Tôi được biết có cháu nhận được xe đạp đã hết sức giữ gìn để dùng được lâu. Khi được xét tặng xe đạp lần hai, có em đã tự nguyện nhường cho bạn khác. Tinh thần đó thật đáng quý”.

Dù bộn bề công việc nhưng đồng chí Trương Hòa Bình vẫn dành sự quan tâm đặc biệt, đôn đốc và chỉ đạo sâu sát hoạt động của Quỹ. Thậm chí đích thân ông vận động kinh phí, không quản ngại đường sá đến tận cơ sở trao quà cho các em. 

Đầu năm học 2016 – 2017, đồng chí đã cùng lãnh đạo Báo CAND và các nhà hảo tâm của Quỹ về với các em học sinh nghèo, hiếu học là con em của đồng bào dân tộc các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Long An, TP Hồ Chí Minh.

Sâu xa, đồng chí vẫn mang nặng ưu tư khi biết rằng cuộc sống của nhiều em học sinh còn gặp vô vàn khó khăn, con đường đến trường còn lắm gian nan; nhiều bậc cha mẹ phải lam lũ, nhịn ăn nhịn mặc mới có tiền cho con đi học; nhiều thầy cô giáo hy sinh tuổi trẻ, vật chất nơi phồn hoa để gieo chữ ở bản làng heo hút. Đồng chí mong muốn các doanh nghiệp, nhà hảo tâm quan tâm hơn đến học sinh vùng sâu, vùng xa, các tỉnh miền núi, vùng thiên tai, bão lũ. Quan tâm không phải chỉ bằng những món quà tặng hay học bổng hôm nay mà xa hơn có thể là những hướng dẫn khởi nghiệp, là công ăn việc làm sau này khi các em ra trường.

Bởi như ở vùng Trà Cú, Trà Vinh, rất nhiều bạn cùng trang lứa có cảnh ngộ khó khăn như Huy bỏ học, sớm lăn lộn với đời. Còn Huy, em ước lớn lên làm chú Công an bắt cướp. Giấc mơ giản dị ấy chỉ trở thành hiện thực khi em còn được cắp sách đến trường. Mà con đường ấy hun hút xa, mờ nhòa dáng hình cậu bé mồ côi nhỏ xíu, loắt choắt như trẻ lên 10 trên chiếc xe đạp cũ kỹ...

Phan Thi Uyên
.
.