Mối tình huyền thoại bên dòng Bến Hải

Thứ Năm, 14/09/2006, 14:00

Biết tin ông Châu trở thành công an vũ trang đóng ngay trên bờ Bắc cầu Hiền Lương, bà Dĩnh hàng ngày đem quần áo ra sông Bến Hải giặt, hoặc mò cua bắt ốc, cố tìm chỗ nào gần cầu nhất để mong sao nhìn thấy chồng.

Hơn 20 năm đất nước bị phân chia làm hai miền Nam - Bắc, cây cầu Hiền Lương và dòng sông Bến Hải đã chứng kiến biết bao cảnh đau thương. Nhưng trong hoàn cảnh đó ở nơi đây cũng đã nảy nở những mối tình huyền thoại gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mà nhiều thế hệ mai sau biết đến vẫn vô cùng xúc động.

Cuộc chạy đua chiều cao

Ngày ấy, lá cờ đỏ sao vàng trên bờ Bắc cầu Hiền Lương trở thành biểu tượng của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, là niềm tin của người dân bờ Nam đang phải sống dưới chế độ vô cùng hà khắc của Mỹ - ngụy. Chính vì vậy, việc bảo đảm cho lá cờ tươi thắm suốt ngày đêm tung bay trong gió đã trở thành “cuộc chiến” cũng diễn ra hết sức căng thẳng.

Theo lời ông Nguyễn Đức Lãng, người suốt 14 năm gắn bó với lá cờ thiêng liêng ấy, cột cờ Hiền Lương ban đầu được các chiến sĩ công an vũ trang bờ Bắc dựng bằng một thân cây phi lao cao chừng 12 m, treo lá cờ Tổ quốc khổ rộng 3,2 x 4,8 m. Lần đầu tiên ngọn cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh tung bay trong nắng ban mai, đồng bào hai bờ sông Bến Hải đổ ra rất đông, mọi người sung sướng hoan hô, xúc động đến trào rơi nước mắt, bởi họ đã chờ đợi thời khắc này lâu lắm rồi!

Cảnh tượng đó gây ấn tượng mạnh đến nỗi ông Nguyễn Anh Thạc, người Đồn trưởng công an Hiền Lương thời ấy nay đã ở tuổi 75, khi kể chuyện với các nhà báo vẫn phải thốt lên rằng: “Cả đời này, tui không bao giờ quên được giây phút nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong nắng sớm nơi giới tuyến”. Từ đấy, đồng bào bờ Nam sông Bến Hải hàng ngày dõi sang ngọn cờ Tổ quốc nơi bờ Bắc với tất cả niềm tin yêu vào Trung ương Đảng và Chính Phủ, với lòng khát vọng nhanh chóng quét sạch giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước, đón Bác Hồ vào thăm.

Bọn cảnh sát ngụy ở bờ Nam thấy vậy rất tức tối, chúng cho dựng cột cờ cao 15 m treo lá cờ ba sọc. Đồng bào ta, nhất là ở bờ Nam, không thể chịu để cờ Tổ quốc ở vị trí thấp hơn lá cờ của ngụy quyền. Các chiến sĩ công an vũ trang liền cử người lên rừng Trường Sơn tìm cây về dựng cột cờ cao 18 m.

Thế là đã lặng lẽ diễn ra cuộc “Chạy đua chiều cao” giữa đôi bờ Hiền Lương. Bọn ngụy cho dựng cột cờ cao 25 m, thì chỉ mấy ngày sau bên bờ Bắc cột cờ bằng thân cây đã được thay bằng cột cờ thép cao 34 m. Thấy thế, Mỹ - ngụy tức tối liền cho dựng cột cờ cao 35 m.

Trong hoàn cảnh ấy mọi người đều thấy rằng ngọn cờ bên cầu Hiền Lương đã trở thành biểu tượng vô cùng thiêng liêng trong cuộc “chiến đấu không tiếng súng”. Chính vì vậy Khu uỷ Vĩnh Linh đã đề nghị Chính phủ cho xây dựng một cột cờ bằng thép cao 40 m, lá cờ treo trên đó cỡ lớn 8 x 12 m. Trên đỉnh cột cờ gắn ngôi sao vàng năm cánh và chùm đèn công suất lớn, để ngay trong đêm đen đồng bào đôi bờ Bến Hải vẫn có thể hướng tới như “chòm sao Bắc Đẩu”.

Ông Lãng cho biết ngày ấy chưa có vải khổ lớn, ta thường nhập của Liên Xô và Trung Quốc, chỉ có vải khổ 0,80 m nên phải dùng tới 122 mét vải đỏ và 12 m vải vàng để may được một lá cờ như vậy. May những lá cờ như thế phải tính toán rất kỹ, trước hết phải nối các khổ vải bằng nhiều đường chỉ theo hình bình hành, như vậy cờ bay phần phật trong gió mới đỡ rách đường chỉ. Nếu máy may tốt và trong những điều kiện bình thường, thì chắc rằng không có gì đáng nói.

Song ngày ấy ông phải làm việc trong tình hình bom đạn luôn luôn rình rập, thậm chí nhiều khi phải ngồi may trong hầm rất chật chội, nóng bức và chỉ có một chiếc máy Liên Xô đời cũ, nên không ít khó khăn. Ban đầu còn chưa có kinh nghiệm, ông phải may 4-5 ngày mới xong một lá cờ, nhưng về sau đã nhanh hơn, chỉ cần 2 – 2,5 ngày.--PageBreak--

Cờ treo cao gió lộng mau rách và chóng bạc màu, thậm chí có ngày gió bão phải dùng tới 2 lá cờ. Bởi thế trung bình mỗi tháng ông Lãng phải may 10-12 lá cờ lớn. Năm 1967 máy bay Mỹ đánh sập cột cờ thép, các chiến sĩ công an vũ trang bờ Bắc đành quay lại dùng tre, cây dương làm cột cờ.

13 năm nhìn bóng chồng qua dòng Bến Hải

Câu chuyện tình tưởng như huyền thoại của ông Trần Ngọc Châu và bà Nguyễn Thị Dĩnh đã lui vào dĩ vãng hàng nửa thế kỷ, song đến nay người dân ở hai bên bờ Bến Hải vẫn nhớ rất rõ. Theo lời ông Châu kể, ông thầm yêu trộm nhớ bà Dĩnh từ lúc 17-18 tuổi. Hai người hò hẹn đến ngày kháng chiến thành công sẽ tổ chức cưới.

Chờ mãi, đợi mãi thấy lâu quá. Đàn ông đã vậy, phụ nữ có thì, muộn quá rồi sinh đẻ ra răng! Thế là họ quyết định cứ cưới, cho dù cái việc thiêng liêng nhất của đời người có phải đơn sơ và phải tìm mọi cách che mắt giặc. Nhưng thật trớ trêu, ngay cả đến ước nguyện tối thiểu là cô dâu chú rể được cùng bên nhau bái lạy gia tiên cũng không thể thực hiện...

Mỗi lần nhắc tới kỷ niệm ngày cưới, giọng ông Châu cứ như nghẹn lại. Ông kể: Hôm ấy tui vượt dòng Bến Hải lúc 5h sáng một cách an toàn. Về nhà trước là thăm mẹ, thăm em và cưới vợ. Hoàn cảnh trong lòng địch không thể rước dâu, khách khứa linh đình, đành phải giả làm như nhà có giỗ. Tui vừa bước vào nhà, còn chưa kịp uống ngụm nước thì đã thấy bọn mật thám kéo tới đầu ngõ, ngó nghiêng. May sao, tui nhanh chân kịp leo lên rầm thượng, nên chúng không phát hiện. Mấy người nhà gái đưa dâu tới, theo đúng dự định, cũng ăn mặc như đám giỗ, chẳng có vẻ gì là ngày vui.

Khi ấy trên bàn thờ lại đang hương khói nghi ngút, cũng chỉ có mấy đĩa xôi, trái cây và bình rượu, nên đã che được mắt địch. Nằm trên rầm thượng lòng tui như lửa đốt, chỉ mong chúng mau cút xéo. Từ trên rầm thượng qua một cái lỗ nhỏ nhìn xuống thấy thương vợ tui quá. Cô dâu đơn độc quì lạy trước bàn thờ mà nước mắt đầm đìa. Bỗng dưng tất cả đều oà khóc theo. Đám cưới mà thật sự như đám giỗ!

Còn tui nằm miết trên đó, định bụng tối đến xuống gặp vợ. Vợ tui cũng chần chừ có vẻ như muốn nán lại, nhưng bọn mật thám còn đang “chờ” đầu ngõ, nên không có cách nào khác, đành chào mẹ và gia đình nhà chồng ra về với nỗi buồn tê tái, xé ruột xé gan. Đêm hôm đó tui cũng phải lắng nghe mãi, rồi mới vượt được dòng Bến Hải trở ra bờ Bắc.

Biết tin ông Châu trở thành công an vũ trang đóng ngay trên bờ Bắc cầu Hiền Lương, bà Dĩnh hàng ngày đem quần áo ra sông Bến Hải giặt, hoặc mò cua bắt ốc, cố tìm chỗ nào gần cầu nhất để mong sao nhìn thấy chồng. Nhưng qua con sông rộng năm bảy mươi mét, sao có thể thấy rõ mặt chồng! Nhưng cũng chỉ trong giây lát, rồi lại phải chia ly, ai đi lo công việc của người nấy. Đến năm 1968, nghĩa là 15 năm sau ngày cưới thì chúng tôi mới có con, đứa đầu trai, sau em nó là gái. Giờ thì cháu nội cháu ngoại cả rồi. Thấy các cháu tung tăng cắp sách tới trường, nhiều lúc nhớ lại thời mình thơ ấu, tự nhiên nước mắt tui cứ trào ra, nước mắt của niềm vui và hạnh phúc!

Ngô Lưu
.
.