Mãi mãi ước mơ xanh

Thứ Hai, 18/08/2014, 08:00
Chiến tranh đã qua đi, đất nước hòa bình. Nhưng những đau thương và mất mát mà chiến tranh để lại thì không gì bù đắp được. Trong những ngày tháng bảy này, nhắc về chiến tranh, hẳn trong chúng ta không ai không cảm thấy nghẹn ngào, nhất là khi chúng ta hôm nay bước đi trên con đường hòa bình rộng thênh thang thì các anh, các chị phải nằm xuống, có người lại chịu thương tật cho đến cuối đời...

Mãi mãi ước mơ xanh

Đón chúng tôi trong căn nhà trên đường Hàm Nghi của TP Đông Hà (tỉnh Quảng Trị), người thương binh hạng 4, Đại tá, Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Trị  Phạm Xuân Mượn nở một nụ cười rất tươi. Trời Quảng Trị hôm nay trong xanh và mát mẻ. Đó là một trong những ngày hiếm hoi của mảnh đất gió lào, cát trắng cùng với cái nắng gắt gao hoành hành từ tháng 3 cho đến cuối tháng 7 dương lịch mới chịu ngơi. Không gian yên bình bởi tiếng chim hót ngoài sân và những mầm cau tươi non mới bắt đầu quẩy lá búp.

Chúng tôi thực sự ngạc nhiên, vì ban đầu chúng tôi chỉ muốn tìm một người chiến sĩ CAND trưởng thành từ cuộc chiến tranh để viết bài trong dịp lễ. Chúng tôi đã không biết trước được về truyền thống cách mạng rất vẻ vang của gia đình ông. Đưa mắt nhìn một lượt xung quanh ngôi nhà của Đại tá Phạm Xuân Mượn, chúng tôi lặng người đi trong những bức ảnh cũ kỹ từ hồi chiến tranh và những tấm bằng Tổ quốc ghi công giữ đôi mắt tôi ở lại.

Trong ngôi nhà này, chiến tranh vẫn còn nằm lại, ở dạng thức của những hoài niệm nghẹn ngào trong câu chuyện của người thương binh ấy: "Tôi là con thứ mười trong gia đình có mười người con. Đây là anh trai trưởng của tôi - anh Phạm Cao, Đại đội trưởng và là 1 trong 8 dũng sĩ Phường Sắn, là người sống sót duy nhất trong trận đánh năm 1964 gây một tiếng vang lớn trên chiến trường Trị Thiên và cả nước".

- Vào đầu năm 1964 - Đại tá Phạm Xuân Mượn kể -  Chiến sự trên địa bàn huyện Hải Lăng diễn ra hết sức căng thẳng và ác liệt. Trước tình hình đó, Huyện ủy Hải Lăng đã có chủ trương tổ chức một cuộc mít tinh ngay trong lòng địch để vạch mặt tội ác kẻ thù và kêu gọi nhân dân đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc. Cuộc mít tinh được tổ chức vào ngày 6/7/1964 tại xóm Phường Sắn, thôn Phú Long, xã Hải Phú (Hải Lăng, Quảng Trị). Để cho cuộc mít tinh gây một tiếng vang lớn trong cả tỉnh, phía ta đã chủ động bố trí một tiểu đội bộ binh gồm những tay súng giỏi và dũng cảm nhằm đề phòng kẻ thù phá hoại và đàn áp. Sáng ngày 6/7/1964 khi biết cách mạng tổ chức mít tinh và có hàng trăm người dân đến dự, bọn địch đã điều ngay một tiểu đoàn lính Cộng hòa, một đại đội bảo an, một trung đội dân vệ có xe thiết giáp yểm trợ tấn công. Cuộc chiến bắt đầu xảy ra vào 8h sáng. 8 dũng sĩ Phường Sắn chặn đánh ngay từ phía trước nên loạt đạn đầu tiên đã tiêu diệt 18 tên địch. Địch điều thêm quân có xe thiết giáp yểm trợ để xiết chặt vòng vây hòng bắt sống các chiến sĩ.

Đại tá Phạm Xuân Mượn và con gái Phạm Thanh Tâm.

Trước tình thế không có vũ khí chống tăng, các chiến sĩ quyết định mở đường máu, nhưng bốn bề bị bao vây và họ đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Trận đánh diễn ra gần một ngày, ta đã tiêu diệt và làm bị thương 64 tên địch. Phía ta hy sinh 7 chiến sĩ và có một trường hợp duy nhất còn sống là anh trai tôi - Phạm Cao. Đến năm 1968, trong một trận chiến đấu khác, anh đã anh dũng hy sinh…

Đại tá Phạm Xuân Mượn vừa nói vừa mân mê tấm hình người anh trai. Không gian như ngưng lại và câu chuyện ùa về, trong đôi mắt của người thương binh ấy ánh lên niềm tự hào của một người con sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng: "Ngày đó, những anh chị lớn lên đều đi theo kháng chiến. Gia đình tôi có năm người thoát ly theo cách mạng và bốn trong số đó đã hy sinh...".

Nói rồi, ông lặng im trầm mặc nhìn một lượt những tấm bằng Tổ quốc ghi công treo trên tường: Đây tên liệt sĩ Phạm Cao, hy sinh năm 1966; kia tên liệt sĩ Phạm Thị Tiết, hy sinh năm 1965. Và đây nữa, những cái tên liệt sĩ kéo dài: Phạm Thọ, Phạm Dỏ - hai liệt sĩ này đã hy sinh khi chưa có gia đình, chưa biết về tình yêu đôi lứa. Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Văn Thị Thùy đã phải bao lần chịu nỗi đau cắt ruột khi những người con lần lượt theo nhau ra trận và mãi không trở về!

Đại tá Phạm Xuân Mượn rầu rầu: "Những ngày đó nhìn dáng mạ ngồi trông các anh chị, nhìn bước chân mạ khấp khởi khi có tiếng động ngoài hiên nhà là con tim tôi tứa máu. Lúc đó gia đình chúng tôi đang ở Phú Hưng thuộc Hải Phú (Hải Lăng - Quảng Trị). Ngày nắng cũng như đêm mưa, mạ ngồi chờ, chờ mãi. Và những tấm giấy báo tử trên tay nối đuôi nhau về nhà. Nhớ lại chuyện đó, tôi rất thương mạ. Có mấy câu thơ của Nguyễn Cảnh Bình mà tôi nhớ mãi, đó là nỗi đau của mạ tôi: Người ta nói hết chiến tranh/ Sao con đi tự ngày xanh chưa về?/ Dây diều con thả bờ đê/ Mục trong tay mẹ... con về đi con".

Noi gương truyền thống gia đình, Đại tá Phạm Xuân Mượn tham gia hoạt động cách mạng từ khi còn rất trẻ. Năm 1972, ở tuổi 17, ông gia nhập Đội Du kích xã Hải Phú và là một trong những người cốt cán của lực lượng Công an xã Hải Phú lúc bấy giờ. "Quảng Trị lúc bấy giờ là một chảo lửa bởi những đòn phản công của địch và sự kháng cự của ta trong trận mùa hè đỏ lửa năm 1972. Trước tình hình đó, cấp trên giao nhiệm vụ cho tôi đưa nhân dân ra sơ tán ở Gio Linh. Trên quãng đường hơn 20km ấy, địch đã thả bom B52 và tôi bị thương trong trận đó. Mình đau, dân đau. Dân đau thì mình cũng đau. Nhớ lại những ngày đó quả thật yêu thương vô bờ bến".

Nói về chiến tranh và những mất mát thì không nơi đâu hơn mảnh đất và con người Quảng Trị. Nơi đây có đến 72 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó 2 nghĩa trang quốc gia (Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 và nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn) và đi quanh thôn xóm, làng mạc ở Quảng Trị, chúng tôi đều bắt gặp ở mỗi xã, phường, thị trấn đều có ít nhất một nghĩa trang liệt sĩ. Quảng Trị là mảnh đất của những mất mát hy sinh và là nơi hun đúc những con người thép với những tinh thần thép.

Đưa chúng tôi đến bên cầu Thạch Hãn, con sông nơi nằm lại của hàng ngàn chiến sĩ ta trong chiến tranh ngày ấy, Đại tá Phạm Xuân Mượn trò chuyện trong bồi hồi: "Thạch Hãn cũng có thể xem là một nghĩa trang liệt sĩ. Hàng ngàn chiến sĩ chúng ta đã nằm xuống ở đây. Vào dịp 27-7, mọi người thường đến bến sông để thả hoa, rước đèn trong khói hương bay và sống mũi cay vì nước mắt".

Vâng, đã gần bốn mươi năm kể từ ngày chiến tranh kết thúc nhưng sự kết nối yêu thương vẫn còn tiếp diễn với những người đã nằm xuống vì quê hương đất nước. Chúng tôi gọi đó là "Ước mơ xanh", vì nó là tình yêu, là niềm tin mãi mãi trường tồn. Nó thể hiện trên màu áo của Đại tá Công an Phạm Xuân Mượn và cô con gái của ông - hiện công tác tại Công an TP Đông Hà. Người thương binh ấy năm nay đã gần sáu mươi tuổi, ông sắp sửa về hưu. Gần trọn đời người, ông vẫn có một ước mong, rằng con cái ông luôn giữ được cái Tâm trong sáng với nghề, nhất là đối với lực lượng Công an thì việc đó cần hơn gấp bội.

Trò chuyện với Đại tá Phạm Xuân Mượn, chúng tôi cảm nhận được sự chăm lo cho lớp trẻ từ con người này. Lính tráng của ông giờ đều đã trưởng thành, có người giữ vị trí cao trong lực lượng CAND. Hai người con của ông, một công tác trong ngành Điện lực, một là chiến sĩ Công an. Vợ ông - một người đàn bà đặc biệt: Không chỉ là người bạn đời tâm đầu ý hợp, bà còn là giáo viên ôn luyện cho ông tiếp bước trên con đường học vấn trong thời chiến tranh đầy khốc liệt. Mỗi năm cứ đến Ngày Nhà giáo Việt Nam, Đại tá Phạm Xuân Mượn lại ôm hoa tặng người vợ yêu quý của mình.

Ông nói với chúng tôi nhiều về "tấm lòng". Con người sống mà không có "tấm lòng" coi như bỏ đi rồi. Lớp trẻ ngày nay được tiếp cận với nhiều thứ tiên tiến, học hành giỏi giang, thuận lợi đủ đường. Nhưng cái khó khăn cũng không kém, đấy là cơ chế thị trường đầy những cám dỗ. Và chuyện giữ cho được "tấm lòng" mới thực sự đáng quý. Tôi nhớ, hôm ấy, ông đã nói với con gái ông và cả với chúng tôi bằng tấm lòng của một người Cộng sản, với những công lao đã được ghi nhận: 1 Huân chương Vì sự nghiệp Bảo vệ Tổ quốc hạng ba; 2 Huân chương Chiến công hạng nhất và nhiều bằng khen, giấy khen, danh hiệu Chiến sĩ Thi đua…

Ông không muốn nhắc điều này trên mặt giấy, nhưng chúng tôi trộm ghi lên đây với lòng tôn kính một con người trọn cả đức và tài để lớp cán bộ thế hệ sau noi gương học tập. Con người ấy trước khi giữ chức vụ Chánh Văn phòng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh còn giữ những chức vụ cốt cán khi còn rất trẻ: Năm 34 tuổi là Phó phòng Điều tra Công an tỉnh; 35 tuổi là Trưởng Công an huyện Hải Lăng. Đại tá  Phạm Xuân Mượn vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1973, khi ông vừa tròn 18 tuổi. Đó là điều đáng tự hào đối với một người thương binh mang trong mình vết thương của chiến tranh nhưng vẫn vượt lên để hoàn thành tốt nhiệm vụ của người chiến sĩ CAND.

"Màu xanh đó - Đại tá Phạm Xuân Mượn rung rung đôi vạt áo của mình nói trong đôi mắt chấp chới niềm vui và nụ cười thân thiện - đó là màu yên bình!". Chúng tôi thì gọi đó là màu của "ước mơ xanh", ước mơ cho cuộc sống mãi bình yên

Hoàng Hải Lâm
.
.