“Mai Chí Thọ - Tướng con dân”

Thứ Hai, 19/09/2005, 08:20
Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải - một “chuyên gia” về mảng ký sự nhân vật, khi viết: “Mai Chí Thọ - Tướng con dân” hẳn đã rất cân nhắc và tâm đắc. Quả thật, cụm từ: “Tướng con dân” dùng cho Mai Chí Thọ thật đắt mà cũng thật bình thường như chính con người ông vậy.

Đại tướng Mai Chí Thọ tên thật là Phan Văn Đống, sinh năm 1922 tại Nam Định. Cuộc đời cách mạng của ông đã trải qua rất nhiều công tác, nắm giữ nhiều chức vụ, kể cả những chức vụ quan trọng; nhưng ông luôn giữ phong thái, cốt cách của mình: là người Bắc nhưng lại “như một người Nam Bộ”- giản dị, thẳng thắn, dễ gần, dễ giải quyết được các vấn đề dù khó khăn, nan giải; còn nói ông không ngừng “mới lạ” thì cũng là điều dễ hiểu bởi Đại tướng luôn là con người của suy nghĩ - hành động, luôn đặt vấn đề - giải quyết vấn đề. Ông là một con người của thời đại!

Không giấu giếm, Đại tướng Mai Chí Thọ từng cho biết việc ông trở thành công an chẳng khác nào như một cô gái bị “ép duyên”. Năm 1948, lần đầu tiên được giao trọng trách trong ngành Công an - lúc bấy giờ là Quốc gia tự vệ cuộc, ông đã thẳng thừng từ chối, bởi: “Khi tôi bị bắt, lính kín Pháp đã tra tấn tôi và các anh em khác rất dã man, tôi không làm nghề này được”. Một lý do quả thật giản dị, nhưng ông vẫn bám vào đấy như giữ “bản chất” của mình.

Khi được cấp trên quyết định, thì ông chấp nhận, nhưng: “…Tôi chỉ yêu cầu được phụ trách trinh sát, lấy tin và vẫn né tránh công tác điều tra lấy cung tội phạm”. Cái “độc đáo”, tính nhân bản của Mai Chí Thọ thể hiện ở đấy chăng? Tuy nhiên, dần dà ông cũng ý thức được công việc và nhiệm vụ thiêng liêng của ngành Công an. Đặc biệt, sau khi đồng chí Lê Bình - Giám đốc Quốc gia tự vệ cuộc hy sinh - ông nhận nhiệm vụ lên thay; xúc động trước sự hy sinh của Lê Bình, ông bắt đầu những bài học đầu tiên trong ngành Công an.

Làm công an là vì nhân dân, để bảo vệ nhân dân. Đấy là nói một cách đơn giản, dễ hiểu. Còn nếu nâng lên thành triết lý thì làm công an là để xây dựng cuộc sống đẹp hơn với những con người đẹp hơn, lương thiện hơn. Bởi nhận thức được vấn đề, mở rộng tâm thức của một người yêu nước, hiểu biết; cho nên sau này khi gặp những câu hỏi “cắc cớ” như: “Tôi thấy con người ông đôn hậu, sao ông lại làm công an?”, thì vị Đại tướng không giận, trái lại vui vẻ trả lời: “Công an thực hiện đúng đường lối Công an nhân dân thì chắc chắn chúng tôi được Đức Phật nhận là đệ tử của người, mặc dù hằng ngày chưa biết tụng kinh niệm Phật”.

Năm 1986, đồng chí Mai Chí Thọ được Nhà nước giao trọng trách là Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) - trở thành vị Bộ trưởng Bộ Công an đầu tiên mang quân hàm Đại tướng. Vẫn đi theo con đường Công an nhân dân, Đại tướng luôn khẳng định: “Đường lối của chúng ta là đường lối Công an nhân dân”. Và, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội 6-1990, Đại tướng Mai Chí Thọ đã viết nên một tài liệu đổi mới ngành Công an một cách toàn diện, sâu sắc: “Chuyên môn của chúng ta là chuyên môn Công an nhân dân, lấy dân làm gốc, dựa vào dân và phục vụ nhân dân vô điều kiện, từ đó mà giác ngộ nhân dân, vận động nhân dân tham gia đấu tranh chống phản cách mạng và tội phạm khác, giữ gìn an ninh, trật tự. Đó là lý tưởng và hành động cách mạng của chúng ta”.

“Mai Chí Thọ - Tướng con dân” có thể nói là một cuốn sách sinh động, chặt chẽ, thể hiện qua giọng văn giản dị, chân thực của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải. Cuộc đời của một vị Đại tướng luôn “Vì dân phục vụ” hiện ra thật rõ nét, từ những ngày ấu thơ, đến lúc vào Nam; từ những quan hệ với gia đình, với đồng chí; từ những năm tháng hoạt động sôi nổi nhất đến ngày về hưu. Cuốn sách này còn mở ra một “kênh” khác, đó là “kênh” những người khác nhận định, tâm sự về con người và những hoạt động cách mạng của Đại tướng. Bằng những cái nhìn khách quan, chân xác ấy, chân dung Mai Chí Thọ trở nên đầy đặn hơn, thực hơn và đột nhiên tạo nên một sức “quyến rũ” đặc biệt.

Trong thực tế, Mai Chí Thọ cũng là một con người có khả năng “quyến rũ” mọi người bởi tác phong lịch lãm, thân thiện, ăn nói có duyên và quan tâm nhiều vấn đề sâu sắc. Thậm chí có thể nói, ông là con người của từng chi tiết, một con người luôn sống hết mình với mọi người. Ông là một chính khách nhưng cũng là người bình thường. Một con người bình thường thấu hiểu, đã làm nên một chính khách với những ấn tượng sâu sắc, không cần tô vẽ.

Nói như nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải thì: “Có lẽ từ trong máu xương, đau khổ, gắn bó với dân tộc xứ sở nên mỗi người Cộng sản như ông Mai Chí Thọ đều đã là những chính khách từ lâu. Chỉ có điều những chính khách này không complê, cavát và đăng đàn nơi trịnh trọng. Họ làm chính khách trong mọi hành vi giản dị nhất của đời họ!…”

Trần Vệ Giang
.
.