Má Lớn ở Hương Thuỷ

Thứ Ba, 25/10/2005, 08:44

Gió liên hồi đập vào bức vách. Khung ảnh lay động. Tôi có cảm giác anh Phương đang mỉm cười, đôi môi mấp máy lời trìu mến, an ủi  má. Phải, làm sao má biết được đó là ngày vĩnh viễn chia ly, khi má đã từng dứt ruột gửi anh cho một người bà con xa, lo cho anh ăn học, để má bắt đầu bước vào một cuộc chiến không tiếng súng nhưng đầy đắng cay, nghiệt ngã.

- Giặc ưng đánh mình, mình phải đánh lại nó, có chi mô mà lạ. Nhưng có những chuyện sâu kín, mạ nuốt vào trong, cho mãi đến giờ mới kể cho các con nghe, đó là chuyện … thằng Phương của mạ…

Má Lớn nghẹn ngào nhìn lên bức di ảnh. Người con trai trong bức ảnh trạc hai mươi, gương mặt chữ điền, vầng trán cao, thanh tú. Gương mặt anh phảng phất giống má Lớn. Một người con trai đẹp, ngời lên vẻ thông minh, phúc hậu. Má Lớn như đang trò chuyện với anh:

“Hôm ra đi, con xin mạ 15 đồng. Mạ chết đứng. Thương con đứt ruột, nhưng trong bị gậy ăn mày của mạ trống trơn…

Con xin tiền để làm gì? -  Mạ hỏi. Con không nói, ôm chặt mạ rồi lao đi. Mạ đâu biết vậy là bữa đó con bỏ học, từ giã mạ nhập bộ đội. Phương ơi, bây giờ mỗi lần nhớ đến, mạ lại thương con đứt ruột. Mỗi khi cầm những đồng tiền liệt sĩ của con là lòng mạ quặn đau…”.

Gió liên hồi đập vào bức vách. Khung ảnh lay động. Tôi có cảm giác anh Phương đang mỉm cười, đôi môi mấp máy lời trìu mến, an ủi  má. Phải, làm sao má biết được đó là ngày vĩnh viễn chia ly, khi má đã từng dứt ruột gửi anh cho một người bà con xa, lo cho anh ăn học, để má bắt đầu bước vào một cuộc chiến không tiếng súng nhưng đầy đắng cay, nghiệt ngã. Đã có lúc má không còn là một con người nữa, bị đọa đày như một con vật đói khát, rách rưới, lang thang…

- Con ơi, mạ cũng là người. Mạ cũng khao khát được sống yên ổn bên chồng con dưới mái nhà hạnh phúc. Nhưng nào có được yên. Chiến tranh, giặc giã, thôn xóm điêu tàn. Chồng hy sinh. Mạ góa chồng sớm, chỉ được mụn con trai, mạ yêu nó hơn bất cứ thứ gì trên đời. Mạ làm quân báo cho Công an huyện Hương Thủy. Biết làm sao đây khi lưới địch dày đặc, binh lính của kẻ thù giăng mắc khắp nơi, được trang bị đầy đủ súng đạn. Mạ nhận nhiệm vụ quá khó khăn: liên lạc, thu thập tin tức… Mạ nghĩ ra: Chỉ có làm mụ điên mới có điều kiện đi đứng lang thang, xông vào mọi ngõ ngách. Thế là mạ giả điên…

Từ dạo ấy, đất Cố đô Huế có một người đàn bà điên. Bộ quần áo của bà rách bươm, trăm mảnh vá. Người bà hôi hám nồng nặc, khiến mọi người phải tránh bà từ xa. Có những lúc bà cởi trần, phô bộ ngực nhăn nhúm chảy xệ. Người điên lang thang rách rưới. Có người thương tình cho bà dăm ba đồng bạc. Bà nhận lấy cất vào bị gậy với sự ngớ ngẩn, hờ hững của người không biết đến giá trị và sức mạnh của đồng tiền. Người đàn bà điên khi xuất hiện trước đồn Mang Cá, lúc ở chợ Đông Ba, lúc trước Phu Văn Lâu…

Có lúc bà biến mất giữa những con đường vắng lặng hun hút, lúc giữa nghĩa địa nhập nhoạng ánh hoàng hôn. Bóng đổ dài, liêu xiêu của bà thật cô đơn, lẻ loi. Bà đi qua những đồn bót, những xóm làng, những ngôi nhà, miệng hát vu vơ, lúc cười lên sằng sặc, lúc òa khóc nức nở. Những giọt nước mắt giả điên ấy nào ai biết được có cả máu tim bà…

Nhờ được lang thang, tự do, bà nghe được nhiều chuyện, thuộc lòng từng ngõ ngách. Cố đô Huế trở nên quen thuộc với bà từng bức tường rêu,  con đường, từng hàng cây, từng góc chợ, từng đồn bót… Người điên nào có biết gì, không ai cảnh giác bà. Dưới manh áo vá quàng xiêng, chằng đụp, hôi hám là những cuộn tài liệu. Bà thản nhiên đi qua dưới sự kiểm soát gắt gao của kẻ thù…

Một tên địch nghi ngờ bắt bà về đồn. “Có đói không?” - Hắn hỏi, rồi đưa cho bà ổ bánh mì và hộp phômai. Bà cầm lấy, hờ hững. Bà ngửi ngửi miếng phômai, vẻ khó chịu. Mắt bà chợt sáng rực khi trông thấy đống phân chó. Bà lao tới bốc từng cục phân trây trét quanh người. Và không một chút tỏ ra ngần ngại, ghê tởm, bà bỏ vào miệng nhai lấy nhai để, nuốt “ngon lành”…

Tên chỉ huy nôn thốc nôn tháo. Hắn xua tay ra hiệu cho thuộc hạ tống cổ người đàn bà điên hôi thúi nồng nặc ra khỏi cửa…

Những năm kháng Pháp, bà đã từng là một thành viên trong đội quân cảm tử. Bà đã gặp gỡ và yêu thương một người đàn ông. Hai người có với nhau một đứa con trai. Rồi chồng hy sinh, bà thui thủi nuôi con. Nỗi đau không quật ngã  được bà. Bà lại đứng lên, bước tiếp con đường của chồng. Bà đâu hay trong lúc giả điên, anh Phương đã bỏ học xin vào đội biệt động. Bất chợt một ngày bà hay tin con trai hy sinh. Anh được bà con chôn ở một nghĩa địa dưới tầm kiểm soát của kẻ thù.--PageBreak--

Người đàn bà điên năm ấy bây giờ ngồi trước mặt tôi, trong ngôi nhà tình nghĩa của xã Thủy Phương, huyện Hương Thủy với lời kể chuyện khúc chiết, gãy gọn. Bà xem những năm tháng gian khổ, bị tù đày tra tấn là chuyện đương nhiên trong chiến tranh, mà người dấn thân phải đánh đổi, chịu đựng. Nhưng tôi biết có một điều thầm kín bà không muốn gợi đến. Đó là nỗi cô đơn.

Trong những ngày rong ruổi trên những nẻo đường đầy chông gai, giá lạnh, “người đàn bà điên” đã từng mơ về một ngày hòa bình, bà sẽ được trở về quê hương, dựng lại ngôi nhà, sẽ cưới vợ cho con trai, sẽ được ẵm bồng cháu nội. Giấc mơ ấy đã từng đốt cháy lòng bà trong những năm tháng sống bụi bờ, lang thang, rách rưới…

Một mái nhà ấm cúng, mẹ con đoàn tụ? Thì giờ đây, ngôi nhà đã được dựng lên, bà đã trở về với cuộc sống bình thường nhưng vĩnh viễn mất đi tiếng gọi “Mạ ơi!” thiêng liêng, trìu mến. Tiếng gọi ngân vang từ lồng ngực mỗi bà mẹ. Tiếng gọi ấy cứ văng vẳng bên tai bà, trở về trong những giấc chiêm bao. Bị ảnh hưởng những ngón đòn tra tấn, đôi chân bà rất yếu. Bà phải tựa trên hai cây gậy, lưng bà còng sát đất. Bà chống gậy bước đi, giữa ngôi nhà, quanh quẩn mấy gốc chanh ngoài vườn. Bà dừng lại trước di ảnh của anh Phương. Chợt bà khóc nấc lên:

- Mạ không điên, sao con không về với mạ nữa? Phương ơi, Mạ đã để dành cho con 15 đồng trên bàn thờ, con về mà lấy để đi chơi  với bạn bè!

Đôi tay bà bám chặt trên hai cây gậy, nỗi đau trĩu nặng khiến đôi chân bà không còn đủ sức đỡ nổi. Một cuộc đời có quá nhiều mất mát. Có ngẫu nhiên không, khi tên của bà là Nguyễn Thị Lớn. Người dân xã Thụy Phương quen gọi bà là má Lớn. Tôi thấy bà thật lớn lao khi hình dung ra cảnh bà mẹ đứng trước mộ con, mắt ráo hoảnh. Mọi ngôn từ đều trở nên vô nghĩa, khi sức nặng thời gian và nỗi cô đơn mất mát đè nặng lên tấm lưng còng của má, khi đôi chân của má đã trở nên bất lực, thời gian mỗi ngày thêm chồng chất…

Cuối tháng 4/2005, sau khi ra Hà Nội dự Đại hội Nhà văn lần thứ VII, tôi quyết định ghé lại Huế đi tìm hình bóng 11 cô gái sông Hương đã làm nên kỳ tích mùa xuân năm 1968. Và sau đó tôi rẽ vào xã Thủy Phương thăm má Nguyễn Thị Lớn. Tôi ngỡ ngàng trước ngõ tre dẫn vào nhà má, vẫn là tre nhưng làng ngoại thành Huế này ngày nay đã khác xưa nhiều. Tôi giật mình, nghe đau nhói lòng, không nghĩ mới đó mà đã 12 năm

Trại Sáng tác văn học - Vũng Tàu, 9/2005
.
.