Lý Phương Đức, nữ chiến sĩ giao liên của Bác Hồ

Thứ Sáu, 26/01/2007, 10:15

Với bộ đồng phục nữ sinh trung học, tóc cắt ngắn, nói thạo tiếng Quảng Đông, một ít tiếng Anh, thường lui vào hiệu báo này, quán sách kia nên người dân vẫn tưởng rằng đấy là  “một cô gái nhà giàu lười học”. Không ai biết rằng, đó là một nữ chiến sĩ giao thông đang “nắm giữ” nhiều đầu mối quan trọng.

Gốc là họ Nguyễn, nhưng khi Lý Phương Đức cùng những người khác như:  Lý Thúc Thông,  Lý Phương Thuận, Lý Tự Trọng, Lý Thúc Tự, Lý Thúc Chắt được đồng chí Lý Thụy cử cán bộ tới Xiêm (Thái Lan ngày nay) đưa họ sang Quảng Châu học từ năm 1925  đều được mang họ Lý. Lý là họ của Lý Thụy (tên mật của đồng chí Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu) và Lý cũng là họ của Lý Ninh, tức Lênin, theo cách phát âm và viết của Trung Quốc (TQ).

Đến Quảng Châu, các em thiếu niên này tuổi 14, 15, 16 đã được gặp đồng chí Lý Thụy, còn có tên công khai là đồng chí Vương (Bác Hồ). Bác đã thu xếp nơi ăn nghỉ cho các em. Ít ngày sau, Bác liên hệ với các đồng chí ở Quảng Châu đưa cả nhóm vào học tại Trường Trung Sơn đại học, lớp dành cho các em thiếu nhi vừa học vừa rèn luyện, trong thực tế để đào tạo cán bộ tương lai cho cách mạng.

"Lý Phương Đức là bạn học của tôi ở Trường tiểu học Trung Sơn. Hàng ngày, bà làm việc rất tích cực, nhiệt tình và cương nghị, có tinh thần ái hữu giai cấp cao". (Diệp Tài Anh, em gái Nguyên soái Diệp Kiếm Anh - nguyên Bộ trưởng Quốc phòng nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa)

Tháng 5/1926, Lý Phương Đức cùng một số bạn khác được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cộng sản TQ. Vừa học tập, Lý Phương Đức vừa được Bác giao nhiệm vụ làm giao thông. Không kể ngày đêm, hễ có việc là  Lý Phương Đức chuyển nhận thư từ, báo chí từ Bác, từ Hội Thanh niên Cách mạng đến cơ quan của Đảng bộ tỉnh Quảng Đông, đến văn phòng của cố vấn Bôrôđin, đại diện Chính phủ Liên Xô bên cạnh Chính phủ cách mạng Tôn Trung Sơn, và nhiều địa chỉ khác. Lý Phương Đức còn tham gia phân phát truyền đơn, treo cờ, dán biểu ngữ, tham dự míttinh, tuần hành thị uy trong không khí sôi sục của Quảng Châu. Bấy giờ Quảng Châu được coi như là thủ đô cách mạng của châu Á, Lý Phương Đức còn được cử đi lao động tại xưởng sản xuất đèn pin, xưởng đóng giày cao su để vận động tổ chức công nhân.

Tháng 1/1927, Lý Phương Đức được Bác giới thiệu vào Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCS TQ), tỉnh Đảng bộ Quảng Đông, phân bộ Quảng Châu. Trách nhiệm (đi giao thông) của Lý Phương Đức nặng nề thêm với những đầu mối, địa chỉ mới của ĐCS TQ.

Với bộ đồng phục nữ sinh trung học, tóc cắt ngắn, nói thạo tiếng Quảng Đông, một ít tiếng Anh, thường lui vào hiệu báo này, quán sách kia nên người dân vẫn tưởng rằng đấy là  “một cô gái nhà giàu lười học”. Và kẻ xấu cũng không hề nghĩ rằng, đó là một nữ chiến sĩ giao thông đang “nắm giữ” nhiều đầu mối quan trọng.

Công việc của Chính phủ Tôn Trung Sơn và của Hội  Thanh niên Cách mạng Việt Nam (TNCMVN) đang diễn ra thuận lợi thì đầu năm 1927, Tổng thống Trung Hoa dân quốc Tôn Trung Sơn từ trần tại Bắc Kinh. Tháng 4/1927, em rể Tôn Trung Sơn là Tưởng Giới Thạch, người đã được Tôn Trung Sơn tin dùng, cử sang Liên Xô, đã trở mặt, phản bội đường lối của Tôn Trung Sơn, khủng bố cách mạng, giành quyền lực vào tay mình. Nhiều cán bộ, học viên Trường Quân sự Hoàng Phố, hội viên của Hội TNCMVN bị bắt giam, sau đó nhờ chạy vạy, và giấu được tang vật, tung tích nên mới được trả tự do.

Cuối năm 1927, công nhân và binh sĩ  cách mạng Quảng Châu khởi nghĩa. Cùng với nhiều cán bộ, hội viên thanh niên khác, Lý Phương Đức đã nhiệt tình tham gia cuộc khởi nghĩa, sát cánh cùng quần chúng cách mạng Quảng Châu chiến đấu chống lại bọn phản động Quốc dân đảng, Tưởng Giới Thạch. Do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan, cuộc khởi nghĩa  Quảng Châu bị dìm trong biển máu. Nhiều cơ sở Đảng, cơ sở giao thông bị tan vỡ.

Đầu năm 1928, lớp huấn luyện chính trị mở tiếp, phải chuyển xuống Hồng Công. Bác đã rời Quảng Châu từ giữa năm 1927. Lớp chính trị cuối cùng này do Lê Hồng Sơn phụ trách, giảng dạy theo chương trình của Bác và  kết thúc tại Hồng Công vào giữa năm 1928.--PageBreak--

Tại Hồng Công, Hội TNCMVN, phân tán sinh hoạt ở ba địa điểm đề phòng bất trắc. Hội tiếp tục giao nhiệm vụ giao thông cho Lý Phương Đức. Tuyến đường giao thông tại đây khó khăn nhiều hơn ở Quảng Châu. Lý Phương Đức đảm nhiệm một mạng lưới  cơ sở khá rộng ở Hồng Công, Dầu Mã Địa, Cửu Long... và các địa điểm bí mật của Hội TNCMVN của Cơ quan Quốc tế Cộng sản tại TQ. Là người cách mạng Việt Nam, hội viên Hội TNCMVN, nhưng là đảng viên ĐCS TQ nên cùng một lúc, Lý Phương Đức làm giao thông cho ĐCS TQ và Hội TNCMVN, tiền thân của ĐCS VN, nên đã được coi như  “lưỡng Đảng giao thông viên”. Trong mấy năm làm giao thông, nhận nhiệm vụ từ đồng chí Lý Thụy, Hội TNCMVN, ĐCS TQ, Lý Phương Đức đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Cuối năm 1929, đầu năm 1930, Bác từ Xiêm trở lại Trung Quốc nghe báo cáo công lao của Lý Phương Đức, Bác biểu dương cô chiến sĩ giao thông đã làm tốt công việc. Sau đó, Bác chuyển nhiệm vụ giao thông của Lý Phương Đức cho cô Duy, tức Nguyễn Thị Minh Khai, rồi điều động Lý Phương Đức đến Thượng Hải làm công tác vận động binh lính Việt Nam đang đóng quân ở đây. Thỉnh thoảng, Bác có đến Thượng Hải để Lý Phương Đức báo cáo công việc và chỉ thị cho Lý Phương Đức những nhiệm vụ tiếp theo. Đầu năm 1931, Bác đi cùng với đồng chí Trần Phú đến Thượng Hải, gặp Lý Phương Đức kiểm tra công tác. Đây là lần cuối cùng Lý Phương Đức gặp Bác...

Tháng 5/1931, do bị một tên tay sai chỉ điểm, Lý Phương Đức, rồi sau đó là một số cán bộ khác như Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Ngọc Danh... bị bắt. Tháng 6, Bác bị Cảnh sát Anh bắt, giam tại nhà tù Victoria, Hồng Công.

Kẻ địch biết “cô Đức” khá rõ, nhưng chúng không khai thác được gì. Hơn một tháng bị đánh đập, tra tấn chết đi, sống lại, Lý Phương Đức đinh ninh trong dạ lời dặn của Bác, không hề để lộ cho kẻ thù biết bất cứ đầu mối giao thông, cơ sở cách mạng, người liên hệ công tác nào...

Thực dân Pháp ở Đông Dương được tin Lý Phương Đức bị bắt đã “gửi tiền thưởng” cho Cảnh sát Thượng Hải, chuyển “cô Đức” về giam tại Hỏa Lò, Hà Nội. Tại đây, “cô Đức” tiếp tục bị tra tấn nhưng chính quyền thực dân Pháp cũng không có thêm được tin tức gì mới. Bị bệnh nặng trong tù, Lý Phương Đức được đưa vào “nhà thương làm phúc” chữa trị một thời gian dài, thuốc men chẳng có, ăn uống đói khát.

Sau 3 năm tại nhà giam của thực dân Pháp, dù đã dùng đủ mọi cực hình tra tấn, chúng không thể lay chuyển được ý chí cách mạng của Lý Phương Đức, nên đến năm 1934, Tòa án chính quyền Pháp ở Đông Dương phải tuyên bố “cô Đức” trắng án, bị trục xuất khỏi Đông Dương và chỉ được cư trú tại Hồng Công, Ma Cao, Quảng Châu.

Trở về Quảng Châu, mất liên lạc với tổ chức, Lý Phương Đức vẫn được các bạn học cũ là bác sĩ hết lòng cứu chữa, giúp đỡ. Sức khỏe Lý Phương Đức dần dần hồi phục. Để tự kiếm sống, Lý Phương Đức đi Ma Cao dạy học ở Trường Nam Phương, ít lâu sau lại chuyển đến Hồng Công dạy học ở “Trí Dục nữ hiệu” (Trường Trí Dục nữ).

Sau khi lập gia đình với Đặng Nguyên Thanh (Đặng Nguyên Hùng), một cán bộ cách mạng, Lý Phương Đức đã chuyển đến Trùng Khánh.

Năm 1945, sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh, gia đình Lý Phương Đức trở lại Quảng Châu, tìm kiếm các mối liên lạc với Đảng với cách mạng. Năm 1949, Lý Phương Đức được Đảng bộ địa phương ĐCS TQ giao nhiệm vụ vận động quần chúng đón tiếp Giải phóng quân nhân dân TQ.

Từ năm 1949 cho đến năm 1976, ở Quảng Châu, Lý Phương Đức vừa dạy học để có thời gian phụ trách Khu tưởng niệm Tôn Trung Sơn, vừa tham gia công tác Việt kiều.

Năm 1976, Lý Phương Đức được về Đất Mẹ Việt Nam.

Theo bản “tự thuật” của Lý Phương Đức ngày 2/9/1977 gửi các cơ quan có trách nhiệm, Lý Phương Đức cho biết “tên khai sinh là Nguyễn Thị Đức, sinh ngày 5/1/1909 tại làng Vặt Pà, tỉnh Na Khôn, Xiêm, quê cha ở Hương Khê, Hà Tĩnh”.

Năm 1986, trong tâm trạng thư thái, toại nguyện là công dân nước Việt đã được “mở mày mở mặt với năm châu bốn biển” như lời Bác nói, toại nguyện đã làm đúng lời Bác Hồ dạy, xứng đáng là một chiến sĩ giao thông đầu tiên của Bác Hồ, của Cách mạng Việt Nam, cô giao thông Lý Phương Đức năm nào đã thanh thản ra đi theo Bác

Đỗ Công Định (theo tài liệu của Viện Hồ Chí Minh)
.
.