Khát vọng từ lòng đá

Thứ Ba, 25/12/2012, 08:00

"Quê hương tôi Đồng Văn đá núi/ Núi đá gần rồi núi đá xa/ Dân quê tôi quanh năm vất vả/ Sống trong đá chết vùi trong đá" - Đó là thơ của người miền... đá. Còn những người đàn bà Mông khi ru con giữa hoàng hôn chập chùng treo đầu đá thì hát rằng:"Núm ruột hồng vượt lên đá, nở hoa. Con yêu hãy lớn khôn, trở thành chàng trai Mông tài giỏi...". Hầu Mí Dình thuộc câu thơ ấy từ thuở lọt lòng, anh hiểu cái khó mà bao thế hệ người Mông đã phải vượt qua trong công cuộc chinh phục thiên nhiên để bám trụ trên mảnh đất quê hương...

Chúng tôi lên với Đồng Văn trong một ngày đầu đông sương mù lan tỏa. Hòa trong màu xanh của lá rừng buổi sớm mai là màu quân hàm lấp lánh của tổ tuần tra biên giới gồm những chiến sĩ Công an trẻ thuộc Công an huyện Yên Minh (Công an tỉnh Hà Giang) và cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Bạch Đích. Trong đội ngũ tuần tra chúng tôi gặp hôm ấy, có Đại úy Hầu Mí Dình - Phó đội trưởng Đội Xây dựng phong trào và phụ trách xã về an ninh trật tự, Công an huyện Yên Minh. Người trai Mông ấy sinh ra và lớn lên ở vùng đất Phú Lũng, huyện Yên Minh. Quê hương anh được xem là kỳ quan do thiên nhiên ban tặng, nhưng trong suy nghĩ của người con miền đất này, chính vì núi quá cao, vực quá sâu mà cái đói mãi theo chân, cái nghèo luôn quẩn gối. Và Dình ấp ủ cho mình một khát vọng: Khát vọng được trở thành một người có ích, được mang lại nhiều điều tốt đẹp hơn cho quê hương.

Đại úy Hầu Mí Dình (bên phải) trao đổi công việc cùng đồng đội.

Dình xác định rằng: "Muốn góp phần công sức nhỏ bé để xây dựng thôn bản mình thoát khỏi đói nghèo, hủ tục thì phải đi học…". Vậy là khi đã 16 tuổi, Dình tự nguyện làm hồ sơ xin được đi học lớp bổ túc văn hoá đầu tiên do huyện Yên Minh tổ chức (năm 1992). Trong bốn năm, từ 1992 đến 1996, vượt qua mọi mặc cảm của bản thân, khắc phục mọi định kiến đè nặng như đá núi về tuổi tác, Dình đã quyết tâm học, học và học. Và rồi từ một chàng trai Mông không có nổi một chữ cái cất trong quẩy tấu, Dình đã lần lượt hoàn thiện các chương trình học từ lớp 1 đến lớp 9. Niềm vui, niềm tự hào đã vỡ oà khi Dình cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, cũng là lúc anh được Công an huyện Yên Minh tạm tuyển vào phục vụ cho lực lượng Công an nhân dân.

Khi đã mang trên mình bộ quân phục, Hầu Mí Dình đã nỗ lực không ngừng để xứng đáng với niềm tin mà lãnh đạo, đồng đội và nhân dân đã đặt vào mình. Anh tình nguyện nhận nhiệm vụ tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Giữa bộn bề công việc, người chiến sĩ trẻ ấy vẫn miệt mài ôn luyện văn hóa để có thể tiếp tục học nâng cao trình độ, nhằm đóng góp nhiều hơn cho quê hương. Sau một thời gian công tác, Dình được tổ chức cử đi học để hoàn thiện chương trình phổ thông tại trường Văn hóa 1, và bậc đại học tại Học viện An ninh nhân dân.

Năm 2000, cô gái Mông tài đảm có tên là Cháng Thị Mỷ đã đem cái nhớ, cái thương đặt vào tim của người Công an trẻ. Họ cùng nhau tạo dựng tổ ấm, cùng nhau sẻ chia bao ấm lạnh giữa chốn biên thuỳ. Càng yêu nhau, họ càng động viên nhau phấn đấu. Có những tháng ngày, Hầu Mí Dình theo học tại Học viện An ninh thì vợ anh cũng đưa con về học lớp đào tạo cán bộ phụ nữ. Nơi ở của các thành viên trong gia đình nhỏ bé ấy cách nhau chưa đầy 3 cây số, nhưng chỉ đến ngày chủ nhật, vợ chồng, con cái mới được gặp nhau. Đằng đẵng suốt bốn năm, giờ đây, khi Dình đã là chỉ huy Đội Xây dựng phong trào và phụ trách xã về an ninh trật tự của Công an huyện Yên Minh, thì chị cũng thật vững vàng trên cương vị Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện.

Hơn ai hết, Dình hiểu quê hương biên giới của anh vốn: "Đất chẳng ba bước bằng. Trời chẳng ba ngày nắng". Người dân đói khổ đã nhiều. Đã vậy, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Bọn tội phạm lợi dụng triệt để yếu tố địa hình biên giới, nhiều đường mòn lối tắt, sự sơ hở của một bộ phận quần chúng để thực hiện hành vi giết người, chiếm đoạt trẻ em, bắt cóc phụ nữ và ăn trộm gia súc đưa qua biên giới. Dình cũng như nhiều chiến sĩ Công an dân tộc Mông khác đều xác định cho mình một con đường duy nhất, quyết tâm xây dựng thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn do mình quản lí, nhất là tại nơi địa đầu Tổ quốc. Bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, các anh luôn có mặt kịp thời tại hiện trường, trong mọi cuộc đấu tranh trấn áp các loại tội phạm ma tuý, buôn bán phụ nữ, bắt cóc trẻ em và bài trừ mê tín dị đoan, tà đạo.

Phút thảnh thơi hiếm hoi của vợ chồng Hầu Mí Dình.

Từ cuối năm 2007 đến nay, Công an huyện Yên Minh đã điều tra, làm rõ và chuyển cơ quan điều tra khởi tố 47 vụ án với 74 bị can; xử phạt vi phạm hành chính 213 vụ và đưa ra kiểm điểm, cảm hoá giáo dục tại cộng đồng dân cư đối với 36 đối tượng. Nhờ đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội các xã thuộc địa bàn huyện Yên Minh vẫn luôn được giữ vững, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và xây dựng nông thôn mới tại địa phương, giúp người dân yên tâm làm ăn sinh sống, nuôi dạy con cái trên mảnh đất cha ông để lại, không bỏ bản, bỏ ruộng mà đi làm ăn xa như trước nữa. Cũng chính vì luôn gần dân như vậy nên khi các đối tượng xấu lén lút xâm nhập địa bàn, vận động người Mông ở Yên Minh về xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên để tụ tập, gây sức ép với chính quyền đòi thành lập "Vương quốc Mông", Công an Yên Minh đã sớm phát hiện và ngay lập tức bám địa bàn, vận động nhân dân không nghe lời và tiếp tay cho kẻ xấu.

Mỗi lần Hầu Mí Dình về thăm nhà ở xã Phú Lũng, là mỗi lần sân nhà anh tràn ngập tiếng nói tiếng cười của bà con dân bản đến hỏi thăm. Hôm nay cũng không ngoại lệ, chỉ có điều ba vị khách đặc biệt ôm theo những sản vật mộc mạc của núi rừng biên giới đến tặng anh là một ông bố trẻ cùng hai cậu con trai "trứng gà trứng vịt". Cách đây bốn năm, nhờ có Hầu Mí Dình cùng những chiến sĩ Công an quả cảm của huyện Yên Minh mà hai cậu bé này đã được giải cứu trước khi những kẻ thủ ác kịp đưa các em bán sang bên kia biên giới. Anh Thào Nảo Pao đã nhắc lại giây phút được nhận lại hai đứa con trai với niềm cảm kích sâu sắc. Nhìn hai đứa trẻ đang lớn lên khỏe mạnh, hứa hẹn sẽ trở thành những chủ nhân xứng đáng của vùng đất biên cương Phú Lũng, chúng tôi hiểu thêm được biết bao điều về tình quân dân nơi đây.

Trọn mười lăm năm đứng trong hàng ngũ những người lính luôn sẵn sàng "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ", Đại úy Hầu Mí Dình đã vinh dự được nhận Huy chương Chiến sĩ vẻ vang, năm năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở… Một ngày hè năm 2012, anh đã vinh dự được chọn là một trong hai đại diện của Công an tỉnh Hà Giang tham dự Lễ tuyên dương những tấm gương tiêu biểu của lực lượng Cảnh sát nhân dân. Mười lăm năm là một con số khiêm tốn so với qúa trình 50 năm xây dựng và trưởng thành của lực lượng Cảnh sát nhân dân, nhưng những gì mà người trai Mông lành lẽ, thẳng ngay như cây sa mộc trên đá ấy đã làm được cho quê hương và dân tộc mình thật đáng ghi nhận. 

Dình bảo, những năm tháng lăn lộn cùng công việc đã giúp anh nhận ra một điều rằng, bà con các dân tộc nơi đây cũng giống như đá núi, họ chất phác, thật thà và thoạt ngỡ khô khan như… ruộng hạn. Nhưng nếu biết tìm đúng mạch thì đá sẽ cho nước, còn người dân sẽ mở lòng với Bộ đội, Công an, sẵn sàng chấp hành mọi chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước để đời sống trong mỗi bản làng thêm no ấm. Và, anh quyết tâm đi tiếp khai mở thêm những dòng nước mới trên cao nguyên rộng lớn này

Phạm Vân Anh
.
.