Kế hoạch Phụng Hoàng - kỳ 6

Thứ Hai, 14/08/2006, 14:00
Tôi thầm cảm ơn khúc nhạc đêm xuân ấy, dẫu tình cờ nhưng đã gợi cho tôi một câu hỏi cũng rất tình cờ để đi tới nhận xét mang tính cảnh giác nghiệp vụ của một cán bộ hoạt động bí mật, tránh được thiệt hại khôn lường cho đơn vị...

5. Khúc nhạc đêm xuân

Mấy ngày tết, anh em đơn vị mệt nhoài, ngày vẫn lo xây dựng, củng cố căn cứ dự bị, đêm phân công canh gác. Bộ phận kỹ thuật phải duy trì các phiên liên lạc với cấp trên. Riêng tôi, theo yêu cầu của cán bộ địa phương, Cụm trưởng Bảy Vĩnh giao cho việc gặp gỡ, cảm hóa một số anh em sĩ quan là người An Phước về thăm quê trong đợt tết, trong đó có cả người ở xã khác nhưng đã từng là cơ sở binh vận của địa phương xây dựng trong hàng ngũ địch nhưng lại bị đứt liên lạc từ nhiều năm nay. Đó là Chín Cận, một thanh niên nhanh nhẹn, hoạt bát, thuộc diện bảnh trai, lại có duyên trong tiếp xúc. Cận trạc tuổi tôi nhưng nói năng, xưng hô rất lễ phép, một điều thưa anh Ba, hai điều thưa anh Ba... thằng em xin được thưa chuyện. (Tên thường gọi ở chiến trường của tôi là Thái Dương, do tổ chức đặt cho, và sau này bước vào nghề văn chương cũng ký tên dưới tác phẩm của mình như vậy. Theo thứ bậc trong gia đình thì tôi thứ hai, nhưng theo cách gọi Nam Bộ lại là thứ ba, vì người con đầu lòng đã là thứ hai rồi). Dường như cái số, cái tướng của tôi dễ đánh lừa cái nhìn của khách quan nên đồng đội cùng trang lứa, hầu hết những người đã từng công tác với nhau, tôi luôn được tôn lên là bậc anh. Kể cả mấy chị, mấy anh lớn hơn tôi cả 4, 5 tuổi cũng anh anh, em em ngọt xớt. Khi biết mình nhỏ tuổi hơn, nói thật với họ nhưng chẳng thấy ai chịu sửa.

Tôi cùng hai trinh sát địa bàn tiếp Chín Cận tại một trạm nhỏ của đơn vị ở ven đồng, chỗ giáp ranh giữa ấp 1 và ấp 2. Lán trạm cũng được xây dựng bằng cái công thức chung: tranh tre, lá dừa nước và cột cây để giăng võng. Cận tới rất đúng hẹn. 17 giờ đã có mặt tại quán Bà Bảy ở ven đồng và chỉ mấy phút sau trinh sát đi đón đã đưa về tới trạm. Sau màn xã giao, tôi vào đề luôn:

- Hôm nay vẫn còn không khí ngày tết. Ta “lai rai” với nhau kết hợp có gì trao đổi luôn - Mà ngủ lại với anh em ở đây được không anh Chín?...
- Được quá đi chứ! Anh Ba!... Mờ... Mờ nghỉ tại đây?
- Căn cứ hơi xa. Vả lại vô căn cứ chẳng may tụi nó càn bất tử là kẹt cho anh - Cận nhìn tôi, khẽ lắc lắc cái đầu:
- Trời! Sao anh Ba phải lo bao đồng nhiều thứ vậy. Thằng em này có ngán gì càn quét. Lâu lắm chẳng được sống gần anh em mình. Sống lủi thủi âm thầm bao năm buồn thấy mồ!...
- Vậy thì lần sau. Lần sau “nếm mùi căn cứ” với tụi này.

Bộ đội giải phóng liên hoan văn nghệ cùng đồng bào vùng giáp ranh với địch.

Tuy mới gặp nhau nhưng cuộc “giao lưu” hôm ấy chủ và khách rất thật lòng. Bốn người trong cái đêm xuân ấy đã dứt điểm nhẹ nhàng hai lít đế Lương Hòa chính hiệu. Lai rai được mấy ly, Cận tâm sự:
- Hồi còn ở xã, thằng em này cũng “chì” (gan dạ) lắm. Đánh trận nào thắng trận đó. Sau này không may bị bắt quân dịch - vô Bảo an đóng quân mãi bên trên lộ 6. Mấy chú móc nối làm cơ sở. Sau Mậu Thân chuyển thành lính chủ lực, lính sư đoàn nên đứt liên lạc. Chờ hoài chẳng thấy ai móc nối lại. Anh Ba coi, nếu được thì tính cho thằng em này đi. Chín làm lính truyền tin nên nhiều tin tức hay lắm. Hay mà đành bỏ đó, thật uổng!...

Tỏ sự thông cảm với Cận, tôi lựa lời động viên. Song cũng phải khéo léo cố tránh “cái nghiệp” của đơn vị mình:
- Uổng thật! Để tôi về báo cáo lại mấy anh lãnh đạo xem sao. Chủ yếu bên quân sự tỉnh, chớ tụi này khác ngành, khác nghề chắc không hợp...
- Ấy là Chín đề đạt nguyện vọng vậy để anh Ba tính giùm. Miễn sao cho thằng em này được tiếp tục phục vụ cách mạng. Bây giờ... - Cận hạ thấp giọng, nghiêng về phía tôi, nói nhỏ - Bây giờ có một việc rất hay, rất quan trọng, phải tính toán liền, nếu không thì hỏng việc... - Cận xòe bàn tay trái bấm bấm mấy đốt, miệng nhẩm đếm rồi tiếp - Cách đây hơn 10 ngày, đơn vị của Chín mở trận càn bên Cai Lậy, đụng quân ta, hai bên quần nhau cả tiếng đồng hồ. Tức nhiên cả hai đều thiệt hại, chết bộn, nhưng bên ta thắng đậm hơn. Chỉ huy tụi này ra lệnh tạm rút lui, chờ quân tiếp viện sẽ trở lại cứu thương binh, tử sĩ. Thời cơ hiếm có, Chín vội thu chiếc PRC25 của tên lính truyền tin bị đạn bắn trúng đầu, tiện thể vơ luôn 3 khẩu Ép tay (AR15) của mấy tên tử nạn quanh đó, dùng vải mưa bọc lại giấu trong lùm cỏ rậm bên bờ kinh...

Nghe Cận nói tới chiếc máy PRC25, mắt tôi sáng lên. Thật là “buồn ngủ gặp chiếu manh”. Đơn vị đã mong ước từ lâu, tính sao để có được một chiếc máy. Có nó là bám trụ ngon lành. Cứ gọi là “ông chấp chúng mày”. Cứ mở máy theo dõi liên tục, tụi nó càn quét, hành quân tới đâu đều biết trước. Mình biết, báo cho các cơ quan, đơn vị biết mà tránh mặt chúng. Biết hướng đi của địch không phải chỉ tránh để đảm bảo an toàn mà còn chủ động tấn công ngăn chặn, tiêu hao sinh lực địch. Cứ mang mìn ra mà gài mà chặn thì đảm bảo các cuộc càn quét của chúng đều “đi lành về què”.--PageBreak--

Nỗi mừng thầm chẳng được bao lâu, tôi sốt ruột hỏi Cận:
- Vậy chú còn nhớ chỗ giấu không? Làm sao mà lấy được?
- Nhớ chứ! Mới hơn tuần nay, quên sao được. Nếu đơn vị cần thì tính chuyện đi lấy.
- Cần quá đi chứ! Còn nếu gì nữa. Có điều lấy bằng cách nào, chú tính hộ coi.
- Lấy thì không khó. Cái khó là làm sao đưa về trót lọt. Bây giờ... Chín tính như vầy (như thế này), anh Ba coi có được không: chọn 1 cán bộ hợp pháp thật nhanh nhẹn, tháo vát, có kinh nghiệm ứng phó trên đường đi. Tới một điểm hẹn bên Mỹ Tho, Chín sẽ dùng xe Honda chở người đó tới gần khu vực giấu máy. Chỉ chính xác địa điểm, rồi cán bộ đó kiếm một gia đình gần nhất ở nhờ, chờ tổ trinh sát đi theo đường giao liên sang Cai Lậy sẽ móc ráp gặp nhau. Đêm xuống, tổ trinh sát tới điểm cất giấu lấy hàng thế là ngon. Để chắc ăn, nên cử 2 người đi đường hợp pháp để còn có người trở về báo địa đểm cụ thể.

- Được! Được!... Tính vậy là có lý đó - Tôi tỏ sự tán dương - Mai tôi về sẽ báo cáo gấp với lãnh đạo. Có gì tối mai ta gặp nhau bàn cụ thể hơn. Và bây giờ ta đi ngủ - ngủ võng đó. Liệu có nằm võng được không?
- Bộ anh Ba nghĩ Chín là cây kiểng phải hôn (phải không)? Ngủ võng, ngủ hầm được ráo.

Vừa nằm lên võng, đung đưa mấy nhịp, bỗng Cận reo lên: Hay! Bản này hay lắm! Anh Ba vặn “ladô” (radio) lớn hơn chút - Đúng lúc Đài Phát thanh Giải phóng đang phát bài “Chiếc khăn tay” với giọng nữ ca sĩ mượt mà tha thiết vang vọng trong rừng dừa.
- Chú Chín coi bộ “máu” văn nghệ nhỉ?
- Khỏi phải nói. Văn nghệ “một cây” đó anh Ba! Hồi chưa đi lính, Chín thuộc nhiều bài của ta lắm. Lâu ngày không ca nên quên ráo trọi. Chỉ nhớ toàn bài bên kia.
- Bên nào thì bên. Cứ thử mấy bản coi.

Được khích lệ, Cận đung đưa cánh võng và “trổ tài” với hàng loạt bài ca không đầu, không cuối: “Em ơi nếu mộng không thành thì sao... Non cao đất rộng biết đâu mà tìm...”; "Con đường xưa em đi... thời gian có phai mờ... đá mòn kia vẫn ghi..."; "Nhà em.... có hoa vàng trước ngõ, tường thật là cao có dây leo kín rào. Nhà anh cuối con đường ngoại ô, vách thưa đèn dầu thắp gió lùa vào từng đêm... Xót xa tôi đành trắng tay hoài sách vở nợ chưa dứt nên lận đận truân chuyên... Ván kia... bây giờ đóng thuyền rồi, có còn gì đâu nữa, thôi đành hẹn trong mơ...

Cứ như thế, từ tân nhạc rồi nhảy cả sang vọng cổ, tân cổ giao duyên với toàn những bài đầy nỗi thất tình buồn đến não ruột. Nhưng thực lòng mà nói hắn có cái giọng hay, rất mùi - quả là “văn nghệ một cây”. Tới bản thứ mấy rồi chẳng biết, đợi dứt câu, tôi xen vào khen:
- Hay! Quả là giọng ca vàng. Văn công cũng phải kiềng chú Chín. Mà này! Trong các loại nghệ thuật, Chín mê nhất loại nào?
- Mê cả, nhưng “năm bờ oăn” (số 1) vẫn là xếch sixô.
 - Chú cũng được coi thứ đó?
- Chớ sao? Bộ anh Ba chưa coi hả? Uổng! Thiệt uổng!...

Chín Cận chồm dậy như vớ được tri ân, tri kỷ để có dịp giãi bày tâm sự về sự từng trải của mình.
- Anh Ba biết hôn! Lính quận, lính tỉnh cũng toàn “đồ vét đĩa”. Có những thứ phải lên lính sư đoàn mới được thưởng ngoạn. Tỉ như cái món xếch sixô,... vài tháng thượng cấp lại “bổ túc” cho cặp mắt đàn em một pha ngoáy ngực ngoáy mông của mấy ả “vũ đoàn” được rước từ Sài Gòn về. Chỉ 15 phút đồng hồ mà “cạcxê” tới 40 ngàn lận... trong khi một chiếc “Hôngđa” của “Nhực Bổn” chánh hiệu chỉ có 36 ngàn... - Dừng giây phút rồi Cận hạ thấp giọng, nhoài sang phía võng của tôi thì thầm:
- Nói vậy chớ... tiền nào của đó, ông anh ơi! Có nhiều khi chỉ một phút đánh đổi cả đời... hí hí... Ban đầu tụi nó chỉ bận đồ nhỏ thôi - tức là coọcxê, xơlíp đó... cha... bắp vế đứa nào như đứa nấy, trắng phau, thon thon trông thiệt đã con mắt. Chưa đâu, phải tới màn chót. Màn chót mới ly kỳ. Không hiểu tụi nó mần kiểu chi, cả 4 đứa nghiêng người cười duyên một cái, bỗng dưng... mọi thứ tuột hết trơn hết trọi. Cha!... Thiệt đã... Thiệt đã anh Ba ơi! Ha ha!... Ha ha ha!...

Chín Cận cười ngất. Sặc sụa, mãn nguyện,... Trận cười kết thúc buổi gặp gỡ, trả lại yên tĩnh cho rừng dừa giữa đêm xuân huyền ảo. Chỉ mấy phút sau đã nghe Cận ngáy khò khò. Còn tôi, trằn trọc mãi vẫn không tài nào chợp được mắt. Chiếc máy PRC25 cứ như chấp chới trước mắt. Rồi lời bộc bạch đến ngây thơ của Cận cộng với giọng cười sặc sụa, mãn nguyện của anh ta cứ day dứt trong tôi. “Một con người khó hiểu, rất nhiều phi lý ở anh ta - Một cơ sở cách mạng hoạt động bí mật trong hàng ngũ địch mà mê những nhạc phẩm buồn thiu, não nề, ủ dột của chế độ Sài Gòn; say mê thoát y vũ đến bệnh hoạn, man dại... Biết đâu chính từ những thứ này mà đơn vị cũ đã nhận ra bản chất của Cận mà tự “cắt cầu”...--PageBreak--

Sáng hôm sau, trước lúc chia tay, tôi hẹn sau khi xin được ý kiến lãnh đạo sẽ thông báo tới Cận với thời gian sớm nhất. Tôi chạy như bay về căn cứ. Thực ra từ trạm về cứ chưa đầy cây số nhưng phải “làm phép” với anh ta vậy. Tôi thuật lại chuyện trên với Cụm trưởng Lê Văn Vĩnh - vị chỉ huy lão luyện này đã từng đi hợp pháp vào Sài Gòn nhiều chuyến rất dày kinh nghiệm về nhìn nhận, đánh giá đối phương, đã hoàn toàn nhất trí với nhận xét của tôi. Anh còn nói: “Cần phải thông báo ngay cho binh vận huyện để cảnh giác’.

Nhưng tiếc thay, chưa đầy một tuần sau đó, chúng tôi nghe tin có một đơn vị nào đó đóng quân ở Châu Thành Tây cử cán bộ hợp pháp đi xác định địa điểm giấu “chiến lợi phẩm” ở Cai Lậy. Nhưng mới tới Mỹ Tho đã bị bắt. Thật hú vía! Tôi thầm cảm ơn khúc nhạc đêm xuân ấy, dẫu tình cờ nhưng đã gợi cho tôi một câu hỏi cũng rất tình cờ để đi tới nhận xét mang tính cảnh giác nghiệp vụ của một cán bộ hoạt động bí mật, tránh được thiệt hại khôn lường cho đơn vị, cho chủ trương bám trụ, giữ đất ở địa phương và làm thất bại mưu đồ thâm hiểm của tổ chức Phụng Hoàng “đánh vào lực lượng hỗ trợ hạ tầng cơ sở của địa bàn An Phước”.

6. “Thiên nga tái xuất”

Cái im lặng ở chiến trường không bom đạn, không biệt kích, thám báo, không càn quét, nhiều khi không đồng nghĩa với sự yên ổn, an toàn. Sự không bình thường ấy có khi lại chôn giấu một trắc ẩn khôn lường. An Phước có những thời điểm như thế. Chỉ còn 2 bót địch cắm sâu trong vùng giải phóng thì đều bị du kích bao vây, cô lập. Bà con đã trở về miệt vườn đông hơn, thoải mái hơn. Những chân ruộng bỏ hoang hóa nhiều năm cập theo vườn và đã cày cấy trở lại. Nhiều gia đình đã tự động bỏ khu gom trở về làm lán, dựng nhà cập theo ven đồng. Những ngày lễ, tết, bà con, nhất là những thanh thiếu niên đã vào cả khu vực căn cứ (trừ căn cứ bí mật) vui liên hoan với anh em du kích và những đơn vị bám trụ như H67 chúng tôi. Nhiều đêm còn vượt sông Ba Lai sang tận Phước Thạnh xem cánh Bảy Hoàng (văn công tỉnh) biểu diễn.

Cán bộ H67 nghiên cứu phương án chống càn của địch.

Trước tình hình đó, chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương và an ninh huyện tổ chức những đêm giao lưu và biểu diễn văn nghệ “cây nhà lá vườn” kết hợp tuyên truyền, chủ trương, chính sách của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam; về âm mưu chống phá cách mạng của địch, cảnh cáo, răn đe một số đối tượng tay sai của địch hoạt động do thám, gián điệp, gây khó khăn cho sinh hoạt của bà con. Cuộc gặp mặt hôm ấy tổ chức ngay tại “lán hội trường” do đơn vị chúng tôi phối hợp với địa phương, xây dựng ở khu vực ven đồng ấp 1 vì được thông báo trước nên bà con đi rất đông. Nhiều người từ thị xã và bên Mỹ Tho sang thăm người thân cũng nô nức tới dự. Sắp tới giờ khai mạc, chúng tôi nhận được thông báo đặc biệt, khẩn cấp của an ninh huyện với nội dung tóm tắt như sau: “Bị thất bại về quân sự ở nhiều nơi, kẻ địch sẽ thực hiện âm mưu hết sức nguy hiểm đối với chúng ta trước khi triển khai “chiến dịch cắm cờ giành đất”. Chúng đã phái nhiều toán “Thiên nga” xâm nhập vào vùng giải phóng, tạo điều kiện tiếp xúc các cơ quan, đơn vị, nơi tụ tập số đông quần chúng, để đầu độc bằng thuốc, làm tổn hại, suy yếu lực lượng cách mạng...”.

Thông tin quá đột xuất, bất ngờ nhưng không thể hoãn lại cuộc gặp gỡ. Nếu hoãn lại sẽ mất uy tín với bà con vì không thể thông báo công khai tin bí mật trên. Một cuộc hội ý khẩn cấp giữa lãnh đạo địa phương và đại diện các đơn vị đã đi tới thống nhất: mọi sinh hoạt vẫn bình thường, tăng cường lực lượng bảo vệ khu vực chuẩn bị nước cho bà con uống. Nếu xảy ra đầu độc, mục tiêu quan trọng là nguồn nước. Nhiệm vụ này do đơn vị chúng tôi đảm nhiệm. Mỗi cán bộ trinh sát trực tiếp đem bình nước rót mời bà con. Du kích xã tăng cường công tác tuần tra, cảnh giới xung quanh khu vực “hội trường”. Tất cả các nội dung bà con đều chăm chú lắng nghe. Tới tiết mục văn nghệ, tuy là “cây nhà lá vườn” nhưng rất phong phú, có tân nhạc, dân ca, cổ nhạc, rồi tân cổ giao duyên; và đặc biệt hơn nữa là có cả tiết mục múa trống do các “nghệ sĩ vườn” của “đoàn nghiên cứu địa hình” trình diễn. Vì vậy mà cuộc giao lưu kéo dài cho tới khuya hôm ấy mới kết thúc, và không xảy ra sự cố gì. Mấy ngày sau, một nguồn tin cơ sở bí mật báo cáo: “Có hai “lính Thiên nga” trà trộn được vào “hội trường” với nhiệm vụ bỏ thuốc độc vào nước uống. Nhưng do công tác bảo vệ quá chặt cộng với không khí cách mạng bừng bừng như thế nên đã thức tỉnh bọn này. Chúng lừa cấp trên của chúng rằng, bị bệnh nên không thể tiếp cận mục tiêu...”.

(còn nữa)

.
.