Kế hoạch Phụng Hoàng - kỳ 5

Thứ Năm, 10/08/2006, 09:00

Để thực hiện mưu đồ trên ở địa bàn trọng điểm An Phước, kẻ địch tiến hành phân chia giai đoạn hoạt động cụ thể. Có những hoạt động tương tác lẫn nhau, có những chủ trương chung của cả chiến trường, đồng thời lại có những yêu cầu cụ thể riêng đối với khu vực.

3. "Chiến dịch khai quang"

Sau trận chống càn lịch sử ấy, cùng với truyền thống giữ đất, giữ dân của nhiều năm trước đó, An Phước đã trở thành tiêu điểm về kinh nghiệm chống càn, chống gom dân của Châu Thành Đông. Bởi vậy, rất nhiều đơn vị thuộc tỉnh, huyện đã về xây dựng căn cứ bám trụ ở đây.

Đối với kẻ địch thì An Phước trở thành cái gai trong mắt chúng. Cay cú đấy, căm giận đấy nhưng rồi vẫn phải lơ đi, “ngậm bồ hòn làm ngọt”, không dại gì lai vãng đến đây để rồi rước vạ vào thân”. Tuy vậy, cũng không thể làm ngơ mãi được. Trung tâm chỉ huy tình báo hành quân Trúc Giang có sự hỗ trợ của Ủy ban Phụng Hoàng Kiến Hòa phái nhiều “chuyên gia” về nghiên cứu địa bàn này.

Một nhận định mang tầm “chiến lược” là: “Sở dĩ phong trào ở An Phước mạnh, du kích An Phước mạnh do có yếu tố chủ quan tự nó. Song chắc chắn có ảnh hưởng quan trọng từ yếu tố khách quan, đó là chỗ dựa từ những đơn vị Cộng quân cấp trên mà điển hình là đơn vị thuộc cánh Bảy Vĩnh, có tên là Đoàn nghiên cứu địa hình. Phải tính lại phương pháp tác chiến, một mặt tiếp tục uy hiếp tinh thần dân chúng, đánh vào chỗ dựa về kinh tế của Cộng quân, triệt tiêu nguồn cung cấp lương thực thực phẩm, thuốc men... mặt khác, phải đánh vào chỗ dựa tinh thần của bọn du kích. Đó là những thế lực “ngoại bang” có sức mạnh về quân số, võ khí trang bị, có uy tín và kinh nghiệm trong hoạt động kích động dân chúng... Đối với số này thì phải tìm cách tiêu hao, tiêu diệt tiến tới “đẩy đuổi” chúng khỏi địa bàn An Phước...”.

Để thực hiện mưu đồ trên ở địa bàn trọng điểm An Phước, kẻ địch tiến hành phân chia giai đoạn hoạt động cụ thể. Có những hoạt động tương tác lẫn nhau, có những chủ trương chung của cả chiến trường, đồng thời lại có những yêu cầu cụ thể riêng đối với khu vực.

Đòn mang tính phục thù nhằm vào An Phước, đó là mở màn cho “chiến dịch khai quang”. Đây là chủ trương chung của toàn chiến trường, nó đã được áp dụng từ thời “Chiến tranh Cục bộ” của Mỹ, nhằm “triệt phá nơi trú ẩn của Việt Cộng”. Bởi vậy, nhiều cánh rừng miền Đông Nam Bộ kéo dài tới Khu 6, Khu 5 đã trụi lá, trơ cành do phải hứng chịu hàng triệu lít chất độc hóa học của địch rải xuống. Đối với đồng bằng sông Cửu Long, do đặc thù địa lý, “Chiến dịch khai quang” phải thực hiện theo phương pháp thủ công, không thể “chơi bài hiện đại” được - Đó là sử dụng sức người trực tiếp: phát, chặt, cưa, đánh mìn...

Bởi là địa bàn “mở màn, khai trương, thí điểm”... nên được ưu tiên nhiều mặt, kể cả thời gian và lực lượng. “Lính Phụng Hoàng” quận xếp ngồi “chiếu dưới”, loanh quanh cảnh giới vòng ngoài. “Chiếu trên” (trực tiếp thực hiện khai quang) thuộc “lính Phụng Hoàng” tỉnh và vùng chiến thuật.

Cụ thể như sau: Tỉnh giao cho Tiểu đoàn bảo an mang số hiệu “401” và vùng chiến thuật trưng dụng Tiểu đoàn Bảo an mang số hiệu “405” của tỉnh Gò Công sang phối hợp thực hiện. Nhiệm vụ tưởng đơn giản, dễ ăn, nhàn nhã và tránh được chết chóc nơi chiến địa. Ai dè lại đầy rẫy khó khăn. Trước hết là bị quần chúng phản ứng, đấu tranh, ngăn cản, kể cả số gia đình thuộc diện “thân với chính quyền”. Vì, đó là hành động phá hoại sản xuất, phá hoại tài sản của dân. Dân miệt vườn, sống chủ yếu nhờ thu hoạch vườn tược, cây trái. Nay bị “quốc gia” phá hoại thì chỉ còn cách “treo niêu”. Đụng vào miếng cơm manh áo của người ta đâu phải chuyện đùa. Bởi những thứ đó chính là mồ hôi, nước mắt; là những kỷ niệm mang dấu ấn thời gian mà ông cha người ta để lại.

Ông già Tư ở ấp 2 ngẩn ngơ trước khu vườn với những hàng cam quýt sai trĩu quả, những cây bưởi, cây xoài hơn 10 năm tuổi rồi tới khu vườn dừa đang mùa thu hoạch mà trong đó có những cây dừa lão gắn bó với bao kỷ niệm tuổi thơ ông. Ông Tư cầm con dao bầu, phanh áo ngực, dang hai tay chặn tụi lính và gào lên: “Mấy người là quân phá hoại, quân tàn ác!... Bay muốn chặt cây thì chặt luôn cái thân già này đi!...”.

Cùng với sự phản ứng, chống đối của quần chúng là phản kích của lực lượng du kích. Chỉ bằng mìn tự tạo thôi mà ngày mở màn “chiến dịch” đã có gần chục tên lính chết và bị thương. Bởi thế quân ta mới lạc quan nhận xét: “Đánh tụi lính khai quang dễ ợt. Ngon hơn tụi lính càn”.

“Chiến dịch khai quang” được triển khai trong phạm vi toàn xã. Thực hiện trước ở ấp 1 và ấp 2. Theo phương án “răng bừa”. Từ ven đồng, vạch một đường thẳng ra sông Ba Lai, cứ như thế mà “bừa”. Chiều ngang mỗi vệt bừa khoảng 50m, để lại vệt cây cũng chừng đó rồi bừa tiếp. Những vết cây xanh còn lại trở thành nơi trú ẩn của Việt Cộng. Và như thế sẽ không khó khăn gì trong việc phát hiện, oanh tạc, bao vây tiêu diệt.--PageBreak--

Những ngày đó tưởng như An Phước là một công trường. Tiếng chặt cây chan chát; tiếng cưa máy, cưa tay; tiếng cây đổ; tiếng mìn nổ ình ình (cả mìn phá cây của địch và mìn chống khai quang của ta). Chiến dịch được hoàn thành trong 2 tháng. Nhân cơ hội này, Chi khu Trúc Giang cắm thân 2 bót trên trục lộ Ông Kế (một ở ven đồng và bót thứ hai sâu trong rừng dừa, cuối lộ Ông Kế tại khu vực Cầu Đình). Hình thành tuyến bót này với mưu đồ của địch là “chia cắt xã An Phước, khống chế hoạt động của du kích xã, đồng thời tác động tâm lý khiến các đơn vị xưa nay bám trụ ở đây phải tính ngay bài chuồn” để tránh cái ngày phải âm thầm nuốt hận...”.

Tính toán của địch thì bài bản, ngon lành vậy, nhưng thực tế lại không phải vậy. Hầu như chẳng đơn vị nào chịu di chuyển, tất cả đều một lòng bám trụ, bởi sau khi “bọn lính phá hoại” (hồi đó chúng tôi thường gọi “lực lượng khai quang” của địch là vậy) đi rồi mà nhiều tháng sau không có một sắc lính nào càn vào địa bàn An Phước. Với 2 bót mới thì quả là cả lũ mang “số ruồi”. Cuộc sống còn khốn nạn hơn cả bọn tù. Suốt ngày thắc thỏm lo sợ, chờ đợi... Lo sợ bị du kích tấn công, bắn tỉa, đợi chờ hậu cần tiếp viện một tháng 2 lần. Những chuyến tiếp tế suôn sẻ thì đảm bảo định suất, tiêu chuẩn. Đợt nào bị du kích đánh chặn, bọn nhát gan “bỏ của chạy lấy người” thì cứ gọi là “treo niêu”, chưa nói tới cái ngột ngạt, oi nồng, tù túng... trong cái “vùng tử địa” tăm tiếng một thời...

Xây dựng hội trường tổ chức đám cưới thời chiến tranh ở An Phước.

Thế là An Phước lại trở về với không khí tạm gọi là thanh bình. Hầu hết các gia đình bỏ khu gom dân của địch trở về ven vườn sinh sống. Năm đó chúng tôi tổ chức ăn tết thật đông vui. Dựng một cái lán thật to để cùng cán bộ địa phương tiếp đón bà con về dự. Với chúng tôi, niềm vui được nhân đôi bởi chỉ ít ngày sau đó cái lán “hội trường” lại trở thành phòng cưới của Trần Văn Chót, cán bộ trinh sát của đơn vị với Chín Thêm (con gái của má nuôi tôi - má Đồng Thị Khoái, bà mẹ Việt Nam Anh hùng, có 4 người con là lãnh đạo du kích xã đều hy sinh tại quê nhà). Vật liệu xây dựng hội trường chủ yếu bằng tre, lợp lá dừa nước. Vách cũng làm bằng lá dừa nước, có cổng chào hẳn hoi. Cổng chào được kết bằng lá cây đủng đỉnh (lá móc). Bàn ghế “đặc chủng” một loại tre. Tôi may mắn được thay mặt gia đình, đơn vị làm chủ hôn cho đám cưới và kiêm luôn “họa sĩ vườn”. Viết một loạt khẩu hiệu mà ta vẫn thường gặp ở những đám cưới “đời sống mới” ở miền Bắc: Vui duyên mới không quên nhiệm vụ; Giồng Trôm An Phước đâu xa/ Bắc cầu thiên lý hái hoa cho gần... Cắt cả một đôi chim câu bằng giấy trắng.

4. Vùng “biệt lập”

Đánh giá về góc độ an ninh, thời điểm này An Phước trở thành địa bàn “dễ thở” hơn các nơi khác trong huyện Châu Thành Đông. Nếu so sánh chung toàn tỉnh thì hình như huyện này có phần thuận lợi hơn một số huyện khác. Bởi thế, đơn vị chúng tôi bỗng dưng trở thành “trạm đón tiếp” cán bộ thuộc hệ thống J22 từ “R” bổ sung cho các cụm ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long và ngược lại. Trong số đó có cả những trường hợp là cán bộ của địa phương gửi, nhờ giúp đỡ trong khi đường giao liên chưa thông suốt. Thời điểm đó, con đường về “R” phải vượt qua bao nhiêu “cửa ải” - từ Châu Thành Đông qua Châu Thành Tây chỉ cách nhau con lộ số 6 mà có khi cả tuần lễ không qua nổi. Địch thường xuyên phục kích cặp theo 2 bên đường nhằm thực hiện mưu đồ tạo thành những vùng “biệt lập - nội bất xuất, ngoại bất nhập”; "cửa ải" thứ 2, đó là khu vực “đầu cầu” chuẩn bị vượt sông Tiền thuộc địa phận xã Phú Đức, Phú Túc, Châu Thành Tây.

Thời chúng tôi về Bến Tre, địch có phần lơi lỏng việc tuần tra kiểm soát trên sông Tiền. Từ Cai Lậy, Tiền Giang về Phú Đức thường đi hợp pháp ban ngày. Trang phục sơvin. Vũ khí, trang thiết bị để trong khoang, ngụy trang lại - xuồng máy Coler 7 hoặc Coler 10 (7 hoặc 10 mã lực) hòa vào dòng thuyền của bà con đi chợ về, lách vào khoảng giữa 2 tàu chiến của địch án ngữ giữa sông, chỉ năm, bảy phút là vượt sông an toàn. Còn thời điểm này đã khác xa xưa. Cái phương án vượt sông hợp pháp giữa ban ngày coi như “xóa sổ” bởi địch tăng thêm tàu án ngữ. Ngoài ra, còn bổ sung thêm hệ thống “Hô bo” (tàu tuần tiễu) nhằm kiểm soát tất cả xuồng ghe qua lại. Vì vậy, mọi chuyến vượt sông đều thực hiện vào ban đêm theo hình thức “cổ điển” - bơi bằng dầm.--PageBreak--

Cái khó khăn không phải là chuyện dùng xuồng gắn máy hay bơi tay, mà ngặt nghèo ở chỗ khó tiếp cận được bờ sông, bởi lưới biệt kích, thám báo thường xuyên giăng kín, có khi chờ đợi tới chục ngày, nửa tháng để rồi phải âm thầm quay lại; cửa ải tiếp theo, đó là con đường vượt Đồng Tháp Mười - mênh mông trời, mây, cỏ, nước. Đêm, chống xuồng mỏi rã chân tay. Ngày, dỡ cỏ lên ngụy trang xuồng và người, chờ trời tối lại hành quân tiếp. Sơ ý để máy bay địch phát hiện là có khi cả đoàn “vẫy chào từ biệt thế gian”. Cảnh trong phim "Cánh đồng hoang" đã thể hiện phần nào điều đó...

Thế đấy! Có một thời chiến trường đồng bằng Nam Bộ gian nan, ngặt nghèo và rơi vào thế bị cô lập như vậy. Thực ra hiện tượng đó nằm trong “Lộ trình Việt Nam hóa chiến tranh” và “Kế  hoạch Phụng Hoàng” của địch mà “linh hồn” của nó là “ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam và từ cấp trên cho hạ tầng cơ sở của Việt Cộng” tạo sự “biệt lập” trên từng khu vực. Vì vậy mà tất cả các đường giao liên của ta đều bị phong tỏa. Việc bổ sung quân số, vũ khí, trang thiết bị hết sức khó khăn. Nhiều nơi phải “tự cung, tự cấp” để bám trụ hoạt động. Đối với đơn vị chúng tôi hồi đó, dẫu bám trụ ở địa bàn “biệt lập” nhưng lại nằm trong khu vực “có uy lực” nên các sắc lính ngụy ở địa phương đều né tránh; cán bộ, chiến sĩ đã qua thử thách của cuộc chiến nên chẳng ngại gì trước chủ trương “tự cung, tự cấp”.

Chú rể Trần Chót (cán bộ H67) đeo hoa tai cho cô dâu trong ngày cưới.

Việc bổ sung vũ khí, cứ theo phương châm “lấy súng địch đánh địch”, đồng thời phối hợp với “công trường huyện” (đơn vị công binh huyện) tìm bom, pháo lép, cưa lấy thuốc tự tạo thành mìn, lựu đạn; về lương thực, chẳng khó  khăn gì - toàn “tứ đại đồng quê” nên cứ mượn ruộng hoang của bà con địa phương cấy lúa, trồng ngô là khỏe; về thực phẩm, có khi còn thuận lợi hơn, lập ban đời sống, huy động anh em chắn đăng, đóng đáy ngay trên dòng sông Ba Lai. Mỗi đêm 2 lần đổ đáy, tép bạc hàng rổ đầy, tươi roi rói, ăn “mệt nghỉ”. Vì vậy mà việc đón tiếp “khách quý” tạm trú ở đơn vị dăm bữa, nửa tháng chỉ là “chuyện vặt”. Thậm chí có khách trụ lại hàng tháng cũng không sao. Đó là trường hợp một nữ chiến sĩ an ninh của thị xã Bến Tre do đích danh anh Ba Cầu lúc đó là Tỉnh ủy viên kiêm Bí thư Thị ủy gửi và nhờ đưa giúp về Miền dự hội nghị. Cô gái chừng mười tám, mười chín tuổi, tầm thước, tóc cắt ngang vai, có nét cười thiệt duyên, nói năng dịu dàng... Mấy chú lĩnh trẻ nhà ta cứ mắt la mày liếc, xầm xì: “Hoa khôi! Hoa khôi miệt vườn các cậu ơi!...”. Có cậu ra vẻ “sành điệu” tỏ ra tỏ tường cả lai lịch cô gái lại nhỏ to tiết lộ: “Nữ sinh Trường Bồ Đề đó. Con một ông “cốp” của tỉnh, gởi cô em về Miền học bác sĩ...”. Cho tới hôm Cụm trưởng Bảy Vĩnh triệu tập tổ trinh sát, giao nhiệm vụ, các chú lính ta cứ há hốc miệng, tròn vo đôi mắt... Có chú tưởng như muốn té xỉu - “Đây là đồng chí Minh Hiền, biệt động thành, thuộc Lực lượng Công an Bến Tre, người đã từng làm khiếp vía đám sĩ quan Mỹ - ngụy ở thị xã mấy năm nay. Đồng chí Minh Hiền được cấp trên triệu tập về dự Hội nghị Chiến sĩ thi đua toàn quốc tại Thủ đô Hà Nội. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng. Tỉnh tin tưởng, gởi gắm đơn vị nên ta phải đảm bảo tuyệt đối an toàn. Đồng chí Minh Hiền đã bám trụ cùng chúng ta gần một tháng rồi. Nếu xảy ra càn quét, yêu cầu các đồng chí đưa Minh Hiền tạm lánh về căn cứ dự bị...”.

Quy định thời gian Minh Hiền cần có mặt ở căn cứ Miền đã tới gần mà đường giao liên vẫn bế tắc. Cuối cùng, Cụm trưởng Bảy Vĩnh đi tới quyết định đưa Hiền đi bằng đường hợp pháp. Anh giao nhiệm vụ cho một nữ giao thông viên lớn tuổi từng đi hợp pháp nhiều lần tuyến Sài Gòn - Bến Tre, đưa Minh Hiền đi với vỏ bọc “Hai mẹ con lên thăm bà con trên thành phố”, rồi từ Sài Gòn đi Tây Ninh và bàn giao cho một gia đình cơ sở ở vùng ven. Sau giải phóng miền Nam, tôi nghe tin Minh Hiền được Nhà nước tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và về công tác tại Công an TP HCM. Gần đây, được biết “cô bé” năm nào ấy là sĩ quan cấp Thượng tá giữ cương vị Phó Công an ở một quận của thành phố. Tác giả mượn thể bài viết này qua Báo ANTG nhắn tới Minh Hiền rằng: Nếu có thể, hãy tìm tới địa chỉ số 298/3 Trần Phú, phường  8, quận 5, TP HCM thăm lại “đồng đội cũ”. Đó là địa chỉ gia đình “chú Bảy” - vị Anh hùng của Lực lượng Tình báo, người đã có trách nhiệm rất lớn đảm bảo an toàn cho chuyến đi của Minh Hiền năm ấy. Với anh Bảy Vĩnh, đồng chí cụm trưởng thân kính của tôi, xin anh hãy thứ lỗi cho việc làm này bởi đã “tiết lộ” địa chỉ của anh trên báo chí. Âu đó cũng là tấm lòng, tình cảm của những người “nối nhịp tình xưa, nghĩa cũ” để cùng nhau sống lại cái không khí hào hùng sống động một thời ở quê dừa yêu quý.

(còn nữa)

.
.