Kế hoạch Phụng Hoàng - kỳ 4

Thứ Hai, 03/07/2006, 15:15

Để đảm bảo cho “Kế hoạch Phụng Hoàng” hoàn thành “sứ mệnh lịch sử” của nó, các nhà chiến lược của chế độ Sài Gòn đã dày công nghiên cứu, bổ sung thêm nhiều “phụ gia”, “vẽ” ra nhiều biện pháp, chiến dịch... nhằm thu thập tình hình, kiểm tra tin tức của mật báo viên và các thành phần “hội viên” thuộc hệ thống Tổ chức Phụng Hoàng cấp quận. Điển hình trong số đó là “Chiến dịch Thiên Nga”.

(Tiếp theo kỳ trước)

Thiên nga gãy cánh

Đội quân tóc dài gồm toàn những thiếu nữ có nhan sắc, mà hồi đó chúng tôi  gọi là “đội quân mắt xanh mỏ đỏ”. Số này được tuyển chọn rất kỹ, rồi được đưa đi huấn luyện ở trường thám báo, tất nhiên ngón nghề này phải được ngụy trang để giữ bí mật. Ngoài những bài cơ bản về nghiệp vụ thám báo về câu chuyện ngụy trang tới địa bàn hoạt động, về phương pháp moi hỏi, tập hợp tin tức... họ còn được huấn luyện sâu về tâm lý học để thực hiện “mỹ nhân kế”, tiếp cận đối phương tự nhiên, thuận lợi, kể từ cái liếc mắt đưa tình cho tới những lời tâm sự thỏ thẻ ngọt ngào như mía nướng. Bởi vậy, không ít trường hợp “các chú lính ta” đã bị bọn này “hớp hồn”, chẳng cần khảo cũng xưng hết bí mật của đơn vị mình... Rồi cũng bâng khuâng, nhung nhớ, đợi chờ... Họ tiếp cận địa bàn với nhiều vỏ bọc khác nhau, thông qua mối quan hệ bạn bè là những “nam thanh nữ tú” ở địa phương và mối quan hệ thân tộc với các gia đình ở “miệt vườn yên ả” về quê nghỉ hè, dự đám cưới, đám giỗ, cùng bạn bè thưởng ngoạn trăng thanh, gió mát trên sông nước, nghe tiếng hát của rừng dừa trong đêm vắng... để xả bớt cái bức bối nơi phố thị phồn hoa mà ngột ngạt...” - Bởi vậy, trong những đoàn bà con trở về vườn xưa thu hoạch cây trái đã thấp thoáng những tà áo màu lạ lẫm, những mái tóc phi dê, và thoang thoảng cả mùi nước hoa thị thành chính hiệu.

Do có sự thông báo của Ban An ninh huyện về những dấu hiệu không bình thường xuất hiện trên địa bàn nên chúng tôi đã cảnh giác cho anh em trong đơn vị: “Giảm bớt quan hệ tiếp xúc để đánh lạc hướng tai mắt của địch; việc mua lương thực, thực phẩm sẽ phải đi đường vòng từ các xã phía bên kia sông Ba Lai (Phước Thạnh và Hữu Định), không mua trực tiếp ở cửa ngõ An Phước, coi như đơn vị đã chuyển địa bàn. An Phước chỉ còn lực lượng cơ sở và du kích xã. Cố nhiên việc này phải tuyệt đối giữ bí mật. Các nhà "kinh điển" tình báo, an ninh chẳng đã từng khuyên: "Một điều bí mật đến mấy nếu để cho người thứ hai biết được, người đó là đàn ông thì đã mất 50% tính cơ mật; và, nếu người đó là đàn bà thì coi như mất hết". Thế đấy! "Cẩn tắc vô áy náy!...". Lính ta thời đó "oai" lắm, các má, các chị, các em quý mến lắm, thương lắm! Mới chân ướt chân ráo về đồng bằng mà đã khối mối tình nảy nở. Tránh sao được những cuộc chia tay ngậm ngùi lưu luyến. Biết đâu, mấy "cô dâu tương lai ấy" lại chẳng có người là bạn bè của đám "thiên nga" kia (?!). Thời chinh chiến cái việc đi và ở, rồi ở nhưng bỗng chốc lại đi, ra đi không một lời giã biệt trở thành chuyện thường tình. Có trách cứ nhau cũng chẳng ngại gì...

Để giải đáp tâm tư của một số cán bộ địa phương rằng “tưởng đoàn nghiên cứu địa hình” về bám trụ với mình, ai dè khi "có dấu hiệu căng thẳng họ lại bỏ đi”. Chúng tôi rất hiểu và đồng cảm với những suy nghĩ đó, bởi du kích địa phương bám trụ chống càn chủ yếu bằng vũ khí thô sơ, mìn tự tạo, súng carbin, súng trường bá đỏ, dường như duy nhất có thêm hai khẩu AR15 thu được trong mấy trận chống càn. Còn chúng tôi, tuy không thể so với đơn vị chủ lực, nhưng với du kích địa phương là rất “oai”, trinh sát đều được trang bị tiểu liên AK, thủ pháo, mìn định hướng chính hiệu của Mỹ; oai hơn nữa, có cả B40. Tất nhiên loại “đặc chủng” này khi về địa bàn, chúng tôi phải ngụy trang để người ngoài hiểu rằng, đó là cuộn giấy dùng để vẽ bản đồ. Cuộc họp với lãnh đạo và du kích xã, đơn vị đã phải khẳng định danh dự rằng, “chúng tôi hứa sẽ cùng các đồng chí bám trụ chiến đấu đến cùng, sẵn sàng sống chết với mảnh đất này. Kẻ thù của chúng ta rất quỷ quyệt, nham hiểm nên vừa qua chúng tôi phải đánh lạc hướng vậy. Rất mong các đồng chí thông cảm”.

Sự đời không phải suôn sẻ trôi đi theo ý tưởng của con người. Cũng chỉ vì cái "Kế hoạch Phụng Hoàng" chết tiệt ấy mà địa bàn Bến Tre cứ “nóng” dần lên, pháo bắn nhiều hơn, bom giội nhiều hơn (có cả B-52), càn quét, biệt kích, thám báo nhiều hơn... và cuối cùng tung ra cái “ngón đòn” xưa cũ nhưng rất thâm độc đó là: tiếp tục cưỡng bức đồng bào vào khu gom dân (thay tên gọi ấp chiến lược) dọc theo lộ đá để dễ quản lý nhằm cô lập du kích, lực lượng bám trụ và hạ tầng cơ sở địa phương, thực hiện thủ đoạn “tách cá khỏi nước” nhằm xóa đi cái ý nghĩa thiêng liêng về “tình quân dân như cá với nước”.--PageBreak--

Và, việc phải đến, đã đến - tháng 8-1970 địch mở trận càn với quy mô lớn vào An Phước có pháo binh, không tạc yểm trợ ở mức cao nhất. Lực lượng bao gồm: 1 tiểu đoàn bộ binh hành quân từ Chi khu Trúc Giang xuống, 1 tiểu đoàn trực thăng vận đổ bộ xuống cánh đồng An Phước và 1 tiểu đoàn đổ bộ bằng tàu chở quân từ phía sông Ba Lai. Với tinh thần: Phá tan hết căn cứ của chi bộ và các đơn vị cơ sở Việt Cộng, tiêu diệt và bắt sống bằng được du kích xã. Vì theo tin tức của Trung tâm Hành quân quận nắm được, có sự phối kiểm của Ủy ban Phụng Hoàng tỉnh và tin tức từ mạng lưới “Thiên Nga” thì các đơn vị bám trụ đã “cao chạy xa bay”. Du kích An Phước chỉ có hơn 10 tay súng. Chỉ cần mở cuộc hành quân với quy mô lớn là “xóa sổ”.

An Phước có 5 ấp. Nói là tấn công vào An Phước nhưng chỉ tập trung vào ấp 1 và ấp 2. Vì theo báo cáo của các thành phần “hội viên” thì căn cứ của du kích tập trung chính ở ấp 1. Trận càn vào An Phước có ý nghĩa “mở màn” cho một giai đoạn, đồng thời còn có ý nghĩa răn đe, dằn mặt các địa bàn khác, xóa tan dư luận âm ỷ một thời: “An Phước là vùng tử địa, liều mạng vô đó không chết thì cũng đổ máu, thương vong...”.

Một trận càn của lính nguỵ vào vùng căn cứ của ta ở đồng bằng Nam Bộ. 

Theo phân công tại cuộc họp “liên cơ”: Du kích An Phước phòng ngự tại địa bàn ấp 1, cánh anh Bảy Vĩnh (tức H67 của chúng tôi) phòng ngự tại ấp 2. Trước khi di chuyển khỏi căn cứ chính ở ấp 1, chúng tôi ngụy trang lại toàn bộ, xóa dấu vết như là một căn cứ đã di chuyển từ lâu rồi nhanh chóng về củng cố lại căn cứ dự bị tại khu vực Cầu Đình thuộc ấp 2, nằm gần bờ sông Ba Lai. Đó là một vị trí ém quân hết sức bất ngờ. Theo giác quan quân sự thì không khi nào một cuộc càn quét thông thường địch lại vạch hướng hành quân qua đó, bởi phải qua quá nhiều mương, rạch, và nếu bị đối phương bọc hậu phản công, đánh sập Cầu Đình thì không còn lối thoát. Bố phòng của đơn vị hôm đó được chuẩn bị hết sức chu đáo. Mìn được gài dày đặc thành 3 lớp. Vòng ngoài, cách căn cứ khoảng 100m, vòng giữa cách 50m và vòng trong cùng khoảng 30m. Nếu địch vào gần hơn sẽ dùng lựu đạn và thủ pháo. Để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ chính trị quan trọng của đơn vị nên cố gắng tránh đụng độ với địch. Nếu hướng hành quân của chúng đúng vào căn cứ đơn vị thì kiên quyết bám trụ chiến đấu. Giữ bí mật hỏa lực. Chủ yếu sử dụng trái nổ. Khi sử dụng súng phải có sự chỉ đạo của cụm trưởng Lê Văn Vĩnh.

Trận càn hôm ấy  trái với quy luật. Từ 5 giờ sáng các công sự phòng ngự đã triển khai xong. Căng thẳng, chờ đợi, tới 11 giờ mới nghe có tiếng mìn và súng nổ như bắp rang phía bìa đồng ấp 1. Cả đơn vị thở phào nhẹ nhõm, phán đoán “chắc đụng độ với du kích, luần quần ở ấp 1 rồi bọn này sẽ rút”. Khoảng gần 12 giờ, có tiếng pháo “đề pa” ở phía căn cứ Bến Tranh gần thị xã và căn cứ Bình Đức bên Mỹ Tho. Trận pháo cấp tập kéo dài khoảng 15 phút, coi như đó là pháo hiệu mở màn cho trận càn vào ấp 2 - pháo vừa dứt là 3 chiếc F105 thi nhau dội bom xuống khu vực Cầu Đình. Mũi quân thứ hai bằng chiến thuật trực thăng vận đổ bộ xuống ven đồng ấp 2, cặp theo lộ Ông Kế tiến ra phía bờ sông. Mũi thứ ba theo đường thủy đổ bộ lên Bến Đình rồi tất cả rơi vào im lặng. Cái im lặng nặng nề bên công sự trực chiến như kéo thời gian dài lê thê.

Khoảng 3 giờ chiều, 2 tiếng mìn nổ kế tiếp nhau ở khu vực hàng rào mìn phòng ngự ngoài cùng phía trước công sự phòng ngự của tôi. Tiếng mìn tiếp theo phía Bến Đình - hướng phòng ngự do anh Bảy Vĩnh chỉ huy. Địch phản ứng điên cuồng, đạn từ các phía như vãi trấu bay chíu chíu, lá cây rơi lả tả, khói súng mịt mù, xen vào những tiếng kêu thất thanh của tụi lính. Khoảng 1 giờ sau mìn nổ ở tuyến phòng ngự thứ 2. Lại tiếng kêu,  tiếng rên la của tụi lính, lại súng nổ điên cuồng và rồi lại rơi vào im lặng. Ấy vậy mà vẫn chưa có một tiếng AK nào của ta.

Khoảng hơn 5 giờ,  mặt trời đã chìm dần phía bên kia dòng Ba Lai, bỗng một tiếng nổ làm rung chuyển cả khu vực căn cứ  phát ra từ hướng Bến Đình, tôi biết ngay đó là tiếng nổ của trái mìn 7 kg do cánh Hai Hoàng công binh huyện tặng kèm theo là ba loạt AK. Cùng lúc đó, tiếng súng AK nối tiếp nổ ròn tại khu vực công sự phòng ngự phía tây do Năm Tuyến chỉ huy. Tôi nhủ thầm: “Đã có lệnh khai hỏa bằng AK rồi". Tôi dán mắt bao quát toàn bộ góc phòng ngự của tổ mình phụ trách, bỗng phát hiện nhiều tốp lính lóp ngóp bò trên bờ mương vào phía công sự phòng ngự của tổ. Tốp đầu đã trườn qua điểm đặt trái mìn Claymo, tôi liếc qua phía Tiến “trợ thủ số 1” của tổ, ra lệnh bấm “con cóc” điện. Tiến nhăn mặt, khẽ lắc đầu rồi làm ám hiệu dây điện bị đứt. Tôi rút trái “da láng” (lựu đạn Mã Lai) ném thẳng vào khu vực tụi lính đang bò lóp ngóp. Trái rơi nghe tiếng “bịch” rất rõ mà chờ tới hai, ba giây sau không có tiếng nổ. Bất ngờ, một tia sáng lóe lên phía trước cách công sự chừng 4m, tiếp theo là một tiếng nổ chát chúa, khói, đất mịt mù. Nghe đau nhói bên má phải, tôi vội lấy tay vuốt má, máu nhuộm đỏ mấy đầu ngón tay, mới hay vừa bị một viên bi từ trái lựu đạn của địch gim vào.--PageBreak--

Tôi cúi xuống hầm lấy khẩu B40 trong lúc râm ran phía trước tiếng hô của tụi lính: “Xung phong!.. Xung pho... ong!...”. Hô vậy nhưng tất cả đều nằm chết dí tại  chỗ. Tôi giương súng ngắm thẳng vào một gốc dừa nơi lố nhố nhiều cái mũ sắt. Vừa lúc bọn lính nhổm dậy, đồng thanh: “Xung... pho...ong...”. Tôi nghiến răng, bóp cò - ùng... oàng... - tiếng nổ vang động cả rừng dừa. Cây dừa gãy gục. Khói mịt mù bao phủ khắp mấy mương vườn. Oàng... oàng... hai tiếng nổ kế tiếp ở khu vực phòng tuyến thứ 2. Tôi đoán là bọn lính hoảng loạn, bỏ chạy vấp phải mìn của ta. Không một tiếng súng phản ứng. Trận địa chìm trong im lặng. Lâu lắm mới nghe tiếng vọng lại từ xa: “Chủ lực!... Đụng bọn chủ lực rồi...”.

Phải tới gần nửa tiếng đồng hồ sau mới nghe tiếng súng lẹt đẹt xa dần về phía ven đồng. Tiến băng tạm vết thương cho tôi vừa lúc anh Bảy Vĩnh và các tổ trưởng cùng tới. Một cuộc hội ý chớp nhoáng. Anh Bảy nhận xét: “Cha con nó lãnh đủ rồi. Giờ chắc kéo nhau về bám trụ ven đồng chờ sớm mai vô lấy thây. Giờ ta về căn cứ ấp 1, tôi đã cử tổ trinh sát mở đường rồi. Cứ cập theo lộ bờ sông mà tiến. Giả dụ có sự bất ngờ thì  vượt sông sang căn cứ dự bị “C” bên Phước Thạnh”.

Cuộc hành quân của lính nguỵ bằng chiến thuật "trực thăng vận".

Đúng như dự đoán. Sáng hôm sau địch hành quân sớm gọi là “mở đường máu” vào thu dọn chiến trường. Chúng lo sợ và đề phòng, nên vừa đi vừa mò mẫm dò mìn, vừa nổ súng thị uy. Quãng đường chưa đầy nửa cây số mà mất cả tiếng đồng hồ. Thực ra với truyền thống nhân đạo, ai nỡ ngăn cản cái việc làm mang tính “nghĩa tử” ấy làm gì. Theo bàn tán của quần chúng và báo cáo của cơ sở bí mật trong trận này địch chết và bị thương trên 40 tên. Chỉ huy sở trận càn đặt giữa khu gom dân trên lộ đá. Bọn chỉ huy tức giận chửi đổng: “Khốn nạn! Khốn nạn!... Bọn tai điếc, mắt đui! Bọn Thiên Nga gãy cánh!... Chúng ta bị tụi này gạt. Phải trị tội! Phải trị tội!...”.

Chiều hôm đó, sau khi bọn lính càn rút hết, đám trinh sát chúng tôi nhanh chóng trở về trận địa cũ, cẩn thận gỡ hết số mìn còn sót lại nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn cho bà con khi trở về vườn cũ. Trong khi đó, ở khu gom dân, nhiều gia đình hối hả chạy về khu vực ven đồng ấp 1 để tìm gặp người thân. Mọi người mừng rơi nước mắt khi biết anh em trong căn cứ đều an toàn. Chỉ có một trường hợp bị thương nhẹ. Vậy mà mấy hôm sau quá nhiều bà con thăm hỏi, gửi quà. Những đường, sữa, bánh kẹo chất đầy cả một chiếc bòng. Vì vậy, trong đơn vị có anh em đùa vui: "Mong anh Ba Dương vài tháng lại bị thương nhẹ một lần"...

An Phước lại trở về với những tháng ngày  yên tĩnh. Bà con tiếp tục đấu tranh dời khu gom để trở về vườn xưa đất cũ. Du kích xã, cán bộ cơ sở cùng các đơn vị đóng quân trên địa bàn An Phước cùng nhau hỗ trợ bà con dựng lán, dựng nhà, thu hoạch cây trái. Tết năm đó, một cái tết tươi vui  đầm ấm thắm đượm tình quân dân cá nước

.
.