Hoàng thân Xu-pha-nu-vông và tình cảm với Bác Hồ

Chủ Nhật, 13/02/2005, 08:56
Hoàng thân Xu-pha-nu-vông ghi nhớ buổi gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh vào mùa thu năm 1945. Câu nói của Bác “cách mạng Lào đang cần những người tri thức như Hoàng thân” đã có ảnh hưởng rất lớn đến bước đường đi theo cách mạng của Hoàng thân.

Năm 11 tuổi, Hoàng thân Xu-pha-nu-vông được Hoàng tộc gửi sang Việt Nam và học tại trường Anbe Xarô  ở Hà Nội và năm 22 tuổi (tức 1931) lại được Hoàng tộc gửi sang học kỹ sư giao thông tại Pháp. Năm 1937 với tấm bằng kỹ sư cầu đường Hoàng thân xin về Việt Nam và làm việc tại Sở Công chính Trung kỳ có trụ sở tại Nha Trang.

Lý do xin về Việt Nam sau này được Hoàng thân kể lại với những người thân là xuất phát từ lòng ngưỡng mộ đối với Nguyễn Ái Quốc, người thanh niên Việt Nam yêu nước, nuôi chí lớn giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức của chủ nghĩa đế quốc mà những ngày ở Pa-ri, Hoàng thân vẫn chưa được gặp. Những ngày sống và làm việc ở Nha Trang, Hoàng thân đã gặp và kết duyên với  nữ sinh Nguyễn Thị Kỳ Nam học tại trường Đồng Khánh (Huế). Từ đó, người con gái Huế này mang tên Lào là Viêng Khăm.

Hoàng thân Xu-pha-nu-vông sinh tháng 7/1909 là một trong những nhà lãnh đạo được nhân dân các bộ tộc Lào yêu mến, kính trọng và đánh gía cao về những đóng góp to lớn trong cuộc đấu tranh cho một nước Lào hoa bình, độc lập, dân chủ, thống nhất và thịnh vượng với cương vị là Chủ tịch Mặt trân Lào ít-xa-la trước kia rồi Mặt trận Lào yêu nước, Chủ tịch nước và Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tối cao Lào sau này.

Mối tình của Hoàng thân với cô nữ sinh nhan sắc Nguyễn Thị Kỳ Nam đã gắn chặt người kỹ sư trẻ tuổi Xu-pha-nu-vông với đất nước Việt . Tên tuổi  của kỹ sư cầu đường Xu-pha-nu-vông đã gắn liền với nhiều công trình lớn của miền Trung Việt Nam như đập và hồ chứa nước Bái Thượng,  Đa Nhim, Đô Luơng, các cầu đường bộ và đường sắt vượt sông Loan, sông Sêrêpốc...

Cách mạng Tháng 8 thành công, Hoàng thân đang tham gia thi công cầu Yên Xuân (Nghệ An) thì người anh trai là Hoàng thân Phết-xa-rạt gọi điện yêu cầu ông về Lào ngay để tham gia Chính phủ cách mạng. Tin vui đến qúa bất ngờ làm Hoàng thân bối rối.

Cùng lúc đó, Hoàng thân lại  được Chính phủ Cụ Hồ đề nghị đi cùng Bộ trưởng Lê Văn Hiến ra Hà Nội làm việc. Ra Hà Nội, Hoàng thân đã vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh vào những ngày tháng 9 lịch sử. Cuộc gặp tuy diễn ra rất nhanh do Bác bận công việc của những ngày mới dành chính quyền, nhưng đã để lại trong lòng Hoàng thân những kỷ niệm không bao giờ phai mờ.

Bác Hồ và Hoàng thân Xu-pha-nu-vông ở Việt Bắc năm 1951.

Bác Hồ ân cần thăm hỏi sức khỏe Hoàng thân, cám ơn Hoàng thân về những đóng góp đối với Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng rồi khuyên Hoàng thân sớm thu xếp về Lào để tham gia lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của các bộ tộc Lào.

Một tháng sau, nhận được báo cáo Hoàng thân xin phép về Lào, Bác đã yêu cầu cử  một đơn vị quân tình nguyện hộ tống Hoàng thân với chỉ thị bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Trong cuộc đời  hoạt động cách mạng của mình sau này, Hoàng thân có may mắn được sang Việt Nam nhiều lần... Dù bận trăm công ngàn việc, nhưng khi được tin Hoàng thân đến Hà Nội Bác Hồ vẫn dành thời gian đón Hoàng thân đến tiếp kiến hoặc Bác trục tiếp đến thăm Hoàng thân và gia đình.

Các cuộc gặp giữa Bác và Hoàng thân thường không kéo dài, nhưng đều để lại trong lòng Hoàng thân những kỷ niệm đẹp và tất cả như tiếp thêm sức mạnh cho Hoàng thân trong những chặng đường cách mạng tiếp  theo.

Những năm cuối đời Hoàng thân thường kể tỷ mỷ cho con cháu nghe về những kỷ niệm mà Hoàng thân vẫn lưu giữ trong từng cuộc gặp Bác Hồ như cuộc gặp vào giữa năm 1961 khi Hoàng thân cùng Hoàng thân Xu-văn-na-phu-ma dẫn đầu đoàn đại biểu Chính phủ Vương quốc Lào thăm chính thức Việt Nam; cuộc gặp đầu năm 1962 Hoàng thân sang nghỉ theo lời mời của Chính phủ Việt Nam; cuộc gặp đầu năm 1965 khi Hoàng thân với tư cách là Phó Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Lào kiêm Chủ tịch Mặt trận Lào yêu nước đi dự kỷ niệm lần thứ 10 Hội nghị Băng -đung ghé qua Hà Nội và lần gặp  vào giữa năm 1967 khi Bác đến chúc mừng lần thứ 60 ngày sinh của Hoàng thân.

Đồng chí Vũ Kỳ (thư ký của Bác) kể lại rằng Bác luôn dành những tình cảm đặc biệt  cho những người bạn Lào nói chung và Hoàng thân Xu-pha-nu-ông nói riêng. Bác hỏi thăm sức khỏe Hoàng thân  ngay từ ngày đầu đến Hà Nội, Bác quan tâm đến chương trình làm việc và cả vấn đề ăn, ở,đi lại của Hoàng thân.--PageBreak--

Bác luôn nhắc nhở cán bộ giúp việc cho Bác “phải hết sức chu đáo và chân tình đối với các bạn Lào. Mình có thể thiếu, nhưng không được để các bạn thiếu”. Có lần gia đình sang nghỉ theo lời mời của Nhà nước ta, Hoàng thân vì bận công việc không đi cùng được, Bác vẫn đến thăm bà Viêng Khăm, các cháu và Bác còn chụp ảnh lưu niệm với mọi người trong gia đình.

Thể theo nguyện vọng của gia đình, Bác đã đặt tên Việt Nam cho tất cả 10 người con của Hoàng thân là Quang, Minh, Trung, Thành, Chính, Đại, Thắng, Chí, Long, Hồng Hà (nữ), và Hữu Nghị (nữ).

Hoàng thân không ngờ lần Bác đến chúc mừng sinh nhật lần thứ 60  của mình lại là lần gặp Bác cuối cùng. Hôm đó, Bác đến tận nơi nghỉ của Hoàng thân ở phố Lý Nam Đế mà không báo trước. Bác tặng hoa và ôm hôn Hoàng thân rất lâu. Bác chúc mừng ngày sinh nhật của Hoàng thân, hỏi thăm sức khỏe bà Viêng Khăm và mọi người trong gia đình. Bác nhắc tên những ngừơi con của Hoàng thân do Bác đặt tên mà hôm nay không có mặt và hỏi kỹ tình hình học tập, công tác của họ.

Trong câu chuyện thân tình và cởi mở  giữa Bác và Hoàng thân, Bác tỏ ra không vui khi biết cách mạng Lào đang trải qua những khó khăn và thử thách, song Bác khẳng định: cách mạng Lào, cách mạng Việt Nam nhất định sẽ đi đến thắng lợi cuối cùng. Cả hai dân tộc Việt - Lào đều có  chung niềm tin vào ngày thắng lợi đó.

Hoàng thân Xu-pha-nu-vông qua đời năm 1995. Lúc sinh thời, Hoàng thân luôn lấy tấm gương suốt đời tận tụy, hy sinh vì dân, vì nước và đức tính giản dị của Bác để giáo dục con cái. Hoàng thân luôn coi những tình cảm đặc biệt mà Bác đã dành cho gia đình là những ân huệ lớn và không có thể so sánh được với tất cả những    qúy gía nhất ở trên đời này. Những bức ảnh mà Hoàng thân và gia đình có vinh dự được chụp chung với Bác đều được cất giữ cẩn thận trong những phong bì bằng giấy  cứng và ngoài đề giòng chữ nắn nót ”Papa Hồ" (cha Hồ), coi đó là những báu vật của gia đình.

Từ ngày Bác đi xa cho đến năm Hoàng thân  qua đời, mặc dù công việc  bộn  bề,nhưng chưa năm nào Hoàng thân quên ngày sinh của Bác. Ngày đó, bao giờ trên bàn thờ Bác cũng có  hoa tươi tỏa hương thơm ngào ngạt. Ngày đó, cũng là dịp nhắc nhở Hoàng thân và gia đình nhớ về những kỷ niệm  đẹp với Bác Hồ, lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam và cũng là lãnh tụ vĩ đại của nhân dân các bộ tộc Lào

Nguyễn Tử Nên và Trần Duy Tân
.
.