Cục Phòng chống tội phạm ma túy (Bộ đội Biên phòng):

Gian nan đánh án vùng biên

Thứ Năm, 02/04/2009, 14:00
Trong dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP), Đài Truyền hình Việt Nam đã phát sóng 3 tập phim nói về những người lính biên phòng trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy. Và, một trong những nhân vật chính xuyên suốt 3 tập phim ấn tượng đó là Thiếu tướng Nguyễn Sinh Xô - Cục trưởng Cục phòng chống ma túy (Bộ đội Biên phòng), người đã chỉ huy đội quân non trẻ của mình phá hơn 3.000 chuyên án, bắt gần 5.000 đối tượng chỉ trong vòng 4 năm từ ngày thành lập.

Một buổi sáng mùa xuân hiếm hoi khi Thiếu tướng không phải đi công tác biên giới, chúng tôi đã gặp ông để hiểu hơn những câu chuyện đằng sau chiến công lừng lẫy ấy...

Chưa khi nào cuộc chiến đấu chống tội phạm ma túy lại trở nên dai dẳng và khốc liệt như hiện nay. Mặc dù hàng năm, Lực lượng Công an nói chung và đơn vị chuyên trách là Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) đã phá hàng ngàn vụ án, xóa bỏ hàng vạn tụ điểm tiêu thụ và sử dụng chất ma túy, triệt phá hàng trăm đường dây buôn bán ma túy nhưng số lượng tội phạm này vẫn chưa giảm. Thậm chí, vụ sau to hơn vụ trước.

Và nguyên nhân được xác định, hầu hết số ma túy thẩm lậu vào nước ta là từ một số khu vực biên giới. Đặc biệt là những vùng rừng sâu, núi cao hiểm trở. Đó cũng là lý do để ngày 28/1/2005, Cục Phòng chống tội phạm ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng (BĐBP) được thành lập, với nhiệm vụ chặn đứng các nguồn ma túy vào nội địa từ phên dậu của Tổ quốc.

Nhớ lại chuyên án đầu tiên mở màn cho cuộc chiến cam go này, Thiếu tướng Nguyễn Sinh Xô tâm sự: Lần ra quân đầu tiên nên rất bỡ ngỡ từ người chỉ huy cao nhất tới anh em trinh sát. Dù chuyên án thành công nhưng đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác tấn công loại tội phạm nguy hiểm và xảo quyệt này.

...Qua công tác nắm tình hình, được biết đối tượng Nguyễn Văn Ngụ quê ở huyện Đô Lương, Nghệ An cầm đầu một nhóm người sẽ vận chuyển một khối lượng ma túy lớn từ bên kia biên giới qua cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Tĩnh) về Việt Nam. Vào khoảng 8h tối, khối lượng ma túy này sẽ được một toán người giao cho Ngụ tại một lán nhỏ ven rừng.

Ban chuyên án đã tổ chức cho các tổ trinh sát mật phục chờ Ngụ. Khi thấy Ngụ đeo một chiếc túi căng phồng từ trong lán đi ra, anh em trinh sát quyết định khống chế. Nhưng khi khám người Ngụ, trinh sát chỉ thấy có cơm nắm, một lượng tiền khoảng hơn 200 nghìn USD và khẩu súng K54 đã lên nòng. Tuyệt nhiên không thấy ma túy.

Thì ra, Ngụ đã ranh mãnh chưa nhận ma túy ở điểm hẹn thứ nhất. Không chỉ có vậy, ngay khi bị anh em trinh sát bắt giữ, Ngụ đã la toáng: "Tôi mang tiền đi mua đồng đen chứ không phải đi buôn ma túy" để báo động cho những tên trong nhóm tẩu thoát.

Trong giây lát, Thiếu tướng Nguyễn Sinh Xô quyết định phải bắt Ngụ khẩn cấp theo tội danh vận chuyển ngoại tệ qua biên giới. Đồng thời, ông chỉ đạo anh em Biên phòng phối hợp với Công an Nghệ An khẩn cấp khám nhà Ngụ tại Đô Lương. Đúng như dự tính, anh em trinh sát phát hiện trong nhà Ngụ có 1,5 bánh hêrôin và tên Ngụ đã thêm một tội danh: Tàng trữ ma túy. Chuyên án đã chuyển từ bại thành thắng một cách ngoạn mục.

Tuy nhiên, cũng từ chuyên án này, nhiều tình huống ngoài dự kiến đã xảy ra, trở thành những bài học khắc cốt ghi tâm với anh em biên phòng lần đầu đánh án. Bài học về việc khảo sát địa bàn kỹ lưỡng, về cách để các đối tượng không thông cung, về việc phối hợp với các lực lượng chức năng tại địa bàn đánh án... Những bài học ấy đã được Thiếu tướng tổng kết thành những bài báo "trinh sát kể chuyện" khá sinh động đăng trên báo Biên phòng như là một cách sẻ chia kinh nghiệm hữu hiệu.

Không chỉ có vậy, chúng tôi còn được đọc bài báo ông viết động viên chiến sĩ, kể về 15 ngày phối hợp với CA Thanh Hóa phá án ma túy ở Na Mèo, bắt 10 đối tượng, thu 1.700 viên ma túy tổng hợp; 7 bánh hêrôin, 1 súng săn và nhiều tang vật khác. Tôi nghĩ, đó cũng là cách chỉ huy khá độc đáo của một vị tướng từng là sinh viên Khoa Văn Đại học Tổng hợp và sau đó là của Học viện An ninh nhân dân.

Khi được hỏi về những kinh nghiệm quý báu mà đội quân non trẻ của ông rút ra qua 4 năm hoạt động, Thiếu tướng Nguyễn Sinh Xô chia sẻ: Lực lượng Phòng chống  tội phạm ma túy (PCTPMT) BĐBP luôn xác định: sức ép ma túy ở vùng biên rất lớn, trong khi lực lượng chuyên trách còn mỏng. Nếu có căng quân ra ngăn chặn thì ma túy vẫn dễ dàng thẩm lậu được vào nội địa. Chỉ có thể nâng cao hợp tác quốc tế mới có thể khống chế được dòng chảy này.

Có một quy luật là tội phạm thường vận chuyển ma túy từ vùng Tam Giác Vàng, qua địa phận Lào về Việt Nam nên việc hợp tác với Lực lượng PCTPMT ở nước bạn Lào là rất quan trọng. Rất may là khá nhiều chiến sĩ Biên phòng Việt Nam biết tiếng của bạn Lào và ngược lại nhiều CBCS Công an nước bạn cũng biết tiếng Việt là điều kiện thuận lợi để hai bên có thể thường xuyên trao đổi thông tin và kinh nghiệm đấu tranh với bọn tội phạm. --PageBreak--

Hơn nữa, hai nước Việt - Lào có tình hữu nghị đặc biệt nên các anh bỏ qua được một số quy tắc không đáng có về mặt ngoại giao để phối hợp công tác. Anh em biên phòng sang Lào làm nhiệm vụ được các bạn cho mượn từ quần áo, giày dép tới nơi ăn chốn ở để đạt được hiệu quả cao nhất. Ngược lại, BĐBP Việt Nam cũng chia sẻ với các bạn Lào từ vũ khí, lương thực tới kinh nghiệm truy bắt tội phạm...

Chuyên án đầu tiên sau ngày Cục PCTPMT - BĐBP Việt Nam ký với Cục Điều tra tội phạm ma túy Bộ An ninh Lào Quy chế phối hợp mang mật danh 208VL thắng lợi, đánh sập đường dây buôn bán ma túy, khối lượng lớn bắt 6 đối tượng, thu gần 5 vạn viên ma túy tổng hợp, 0,2 kg thuốc phiện đã củng cố niềm tin vào thắng lợi sau này. Thực vậy, từ năm 2007 đến nay, Cục PCTPMT - BĐBP Việt Nam đã phối hợp với Lực lượng Công an Lào phá thành công 10 chuyên án trên phạm vi 5 tỉnh, thu được hơn 70 bánh hêrôin và nhiều phương tiện của bọn buôn bán cái chết trắng.

Còn một kinh nghiệm nữa làm nên thành công của các chiến sĩ BĐBP, đó là việc phối kết hợp với Lực lượng PCTPMT của Bộ Công an. Tiêu biểu cho sự kết hợp ấy là Chuyên án 407C được phá tại địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Sau khi phát hiện có một đường dây buôn bán ma túy lớn với khoảng 5 đối tượng từ nước ngoài vào Việt Nam tiêu thụ, Ban chuyên án quyết định tung một đồng chí trinh sát giàu kinh nghiệm của C17 (Bộ Công an) và một của Cục PCTPMT - BĐBP lọt vào đường dây này. Khi nắm được chắc chắn thời gian địa điểm bọn buôn lậu ma túy tiến hành giao hàng như trinh sát đã báo về, Ban chuyên án đã có kế hoạch đón bắt.

Đúng ngày giờ quy định, chúng đến điểm hẹn bằng 2 xe ôtô bán tải, một xe có vũ khí và ma túy được cất giấu dưới gầm. Để dẫn chúng lọt vào ổ phục kích sẵn của ta, lợi dụng lúc giao hàng, lái xe (cũng là một trinh sát) bất ngờ cho xe quay lại để xe kia đuổi theo. Biết bị lộ, các đối tượng ngồi xe sau đuổi theo và liên tục bắn súng vào xe do trinh sát của ta lái nhằm uy hiếp. Sau đó chúng bỏ xe, chạy trốn vào rừng. Nhưng mẻ lưới đã giăng ra khiến bọn tội phạm khó bề tẩu thoát. Bốn đối tượng đã bị bắt tại chỗ cùng với 19 bánh hêrôin bị thu giữ.

Như Thiếu tướng Nguyễn Sinh Xô tâm sự, đằng sau mỗi chuyên án đều có những câu chuyện đáng nhớ về con người, số phận. Đó thực sự là một trận tuyến khốc liệt mà mỗi người lính phải là một chiến sĩ quả cảm. Bọn tội phạm ma túy thường xuyên mang vũ khí nóng và sẵn sàng chống trả khi bị dồn tới bước đường cùng. Nhiều chiến sĩ biên phòng đã đổ máu trong khi làm nhiệm vụ.

Gần đây, 2 chiến sĩ biên phòng đồn 425 Điện Biên trong lúc truy đuổi đối tượng đã bị chúng chống trả quyết liệt gây trọng thương. Một chiến sĩ biên phòng tỉnh Quảng Ninh bị đối tượng nhiễm HIV đe dọa. Đồng chí đã phải đẩy hắn xuống sông rồi nhảy theo, vật lộn với đối tượng, thu giữ bằng được 24 bánh hêrôin. Còn chuyện đối tượng buôn ma túy đe dọa, khủng bố, nhắn tin gọi điện thì như... cơm bữa.

Không đe dọa hay uy hiếp được, chúng sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền để hối lộ, mua lấy sự im lặng. Thực tế, đời sống nhiều chiến sĩ biên phòng còn khó khăn nhưng anh em chiến sĩ luôn xác định ma túy là kẻ thù số một để vượt qua sức cám dỗ của những viên đạn bọc đường.

Lăn lộn nhiều với các chuyên án ma túy, điều mà Thiếu tướng Nguyễn Sinh Xô đau lòng và cũng là mối trăn trở của anh em BĐBP là trong một số đường dây vận chuyển ma túy, thường có sự tham gia của một số cư dân biên giới. Do đời sống kinh tế khó khăn, hiểu biết còn hạn chế nên khi bị bọn buôn ma túy dụ dỗ, trả tiền công cao, họ đã tham gia.

Để hạn chế tình trạng này, các chiến sĩ biên phòng ngoài việc tuyên truyền vận động còn giúp dân tăng gia sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, để họ tránh xa ma túy và phối hợp với Lực lượng BĐBP tố cáo hoặc phối hợp vây bắt bọn chúng. Ông cho rằng cuộc chiến đấu chống ma túy vẫn tiếp diễn và điều quan trọng là sẽ phải xây dựng thế trận lòng dân.

Ngay khi chúng tôi đang ngồi trò chuyện cùng ông thì được tin BĐBP Thanh Hóa phối hợp Công an huyện Hủa Phăn (Lào) phá thành công một chuyên án ma túy lớn thu giữ 39 bánh hêrôin, 25.800 viên ma túy tổng hợp, 4 ô tô và 2 súng quân dụng. Chúng tôi nhận thấy niềm vui ánh trên gương mặt ông, bởi thêm một thành công có nghĩa là đội quân còn ít tuổi nghề của mình đang ngày một trưởng thành

Thảo Duyên
.
.