Anh hùng lao động Trần Chí Thành:

Gánh trứng đi trên một sợi dây

Thứ Hai, 21/03/2005, 07:08
Những tháng năm dằng dặc cắt chia, đất thép Vĩnh Linh, Quảng Trị, trở thành địa đầu giới tuyến và là điểm tập kết của hàng vạn đồng bào, học sinh miền Nam lên đường ra Bắc học tập, sơ tán. Những chuyến xe đưa đồng bào, học sinh ngày ấy đã gắn liền với tên tuổi của ông.

Hiệp định Geneve được ký kết năm 1954, sông Bến Hải - vĩ tuyến 17 tạm thời là ranh giới chia cắt hai miền đất nước. Vĩnh Linh - tuyến lửa trở thành địa đầu giới tuyến miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Lái xe tắt đèn

Tốt nghiệp Trường lái xe Quảng Bình lúc 16 tuổi, năm 1954, chàng thanh niên Trần Chí Thành xung phong vào Nam chiến đấu và chọn Vĩnh Linh - mảnh đất giới tuyến ác liệt làm điểm dừng chân. Vừa làm nghề lái xe, ông vừa là cơ sở bí mật, xây dựng các cơ sở vùng giới tuyến để nắm bắt tình hình của địch, cung cấp cho lực lượng an ninh kịp thời chặn bắt hơn mười tên biệt kích của Mỹ - ngụy vào khu vực Vĩnh Linh. Không lâu sau, ông được cấp trên điều động vào Xí nghiệp ôtô vận tải Vĩnh Linh. Nhiệm vụ đội xe của ông (20 chiếc) chuyên ra Bắc vận chuyển hàng hoá vào vùng giới tuyến để chi viện cho chiến trường miền Nam.

Đoạn đường từ Vĩnh Linh đến Nghệ An dài hàng trăm cây số là mục tiêu số 1 mà bấy giờ địch tập trung bắn phá để chặt đứt tuyến chi viện từ miền Bắc. Do đó, mọi hoạt động vận chuyển hàng hoá chủ yếu vào ban đêm. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn thì chúng phát hiện quy luật đi lại và bắt đầu chuyển hướng bắn phá, càng về đêm càng ác liệt hơn. Máy bay luôn quần đảo trên bầu trời, chỉ cần một chút sơ suất là bom đạn nghiền nát mục tiêu.

Sau nhiều lần vạch kế hoạch đi lại, ông vẫn quyết tâm đi vào ban đêm, nhưng thời gian khởi hành thì liên tục thay đổi, lúc chập tối, lúc nửa đêm, lúc gần sáng. Ông quy định cho tất cả các lái xe không được dùng đèn pha, chỉ chạy bằng đèn gầm qua những đoạn đường có cây che chắn, chỉ khi cần thiết và có lệnh của ông, còn lại thì phải tắt đèn mà đi. Mò mẫm trong đêm tối dưới làn đạn bom, nhưng ông Thành đã chỉ huy đoàn xe ngày lại ngày vận chuyển những chuyến hàng với khối lượng hàng vạn tấn an toàn về vùng giới tuyến.

Bắt đầu từ năm 1967, đội xe vận tải của ông Thành lại được điều động thêm nhiệm vụ mới là chở đồng bào miền Nam ra Bắc tập kết. “Khi bắt đầu nhận nhiệm vụ, cấp trên nói với tui rằng, các đồng chí đang gánh trên vai trách nhiệm rất nặng nề, nhưng vô cùng vinh dự. Nhiệm vụ này như những người "gánh trứng đi trên một sợi dây". Nếu một chút sơ suất là sẽ bị ngã và trứng sẽ vỡ hết...".

Đội xe vận tải của ông được bổ sung thêm 30 chiếc. Mỗi chiếc trung bình chở ba, bốn chục người. Tổng cộng mỗi chuyến đi như thế khoảng 500 đến 800 người, khởi hành từ thị trấn Hồ Xá - Vĩnh Linh ra đến Tân Kỳ - Nghệ An mà phải đi trong một đêm. Quãng đường khoảng 300km nhưng hiểm nguy luôn luôn rình rập. Do đó, những chuyến đi phải bí mật cả về thời gian, số lượng vận chuyển và địa điểm tập kết. Trong vòng hơn 3 năm chở 3 vạn đồng bào, học sinh đi trong đêm tối, hàng trăm lần bị Mỹ - ngụy nã pháo, giội bom, nhưng đội xe đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vượt qua mọi gian khó, nguy hiểm, đảm bảo tính mạng cho bà con...  Những chuyến đi ấy đã ăn sâu vào ký ức tui cho đến tận bây giờ", nói chưa dứt câu, ông quay mặt lấy khăn lau nước mắt...

Chiến công không thể quên

Vào khoảng giữa tháng 7/1967, đội xe 20 chiếc vận chuyển trên 800 học sinh và đồng bào miền Nam do Đội trưởng Trần Chí Thành chỉ huy rời bến Hồ Xá theo hướng Bắc thẳng tiến. Khi đến địa điểm Dốc Sỏi thuộc huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, bất ngờ 3 chiếc máy bay địch từ phía biển bay vào, phát hiện mục tiêu chúng thả pháo sáng, cả đoàn xe lộ rõ dưới ánh hoả châu.

Trước tình thế ngàn cân treo sợi tóc, ông Thành hạ lệnh tất cả quay đầu xe lại, tắt đèn, đi ngược vào Vĩnh Linh với vận tốc chậm để đưa học sinh, bà con vào vùng giáp ranh Quảng Trị - Quảng Bình trú ẩn, còn ông lái một chiếc xe không, bật đèn pha sáng trưng, vượt qua loạt bom nổ chậm, tăng ga chạy hết tốc độ để đánh lạc hướng địch. Đúng như dự kiến, cả 3 chiếc máy bay địch bám theo chiếc xe của ông mà nã đạn, ném bom. Khi đến xã Sen Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình thì xe ông bị trúng bom lật xuống vệ đường, ông Thành mở cửa nhảy ra khỏi xe, chạy ngược lại hướng đoàn xe đang ở phía sau cách đó chừng 3km để tiếp tục chỉ huy, dẫn đường đưa đoàn xe ngược lên phía thượng nguồn Quảng Bình tránh máy bay địch, rồi đưa bà con, học sinh ra Bắc an toàn.

Sau chuyến đi ấy, Đội trưởng Trần Chí Thành vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Năm 1973, ông Trần Chí Thành cũng là người đầu tiên bên bờ Vĩ tuyến 17 vinh dự được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lao động.

Ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, ông được điều động làm Hiệu trưởng Trường Lái xe ở thị trấn Hồ Xá,  Vĩnh Linh,  Quảng Trị cho đến năm 2000. Gần 30 năm quản lý, đào tạo hàng ngàn tài xế, điều mà ông luôn giáo dục học sinh là phải bình tĩnh, dũng cảm, làm chủ trước mọi tình huống trên đường đi cũng như trong cuộc đời mới vượt qua thử thách

Hữu Hà
.
.