Đồng chí Trần Quốc Hoàn và những cuộc vượt ngục lịch sử

Thứ Ba, 20/07/2010, 09:14
Đồng chí Trần Quốc Hoàn, vị Bộ trưởng đầu tiên của Lực lượng Công an từng nhiều năm bị chính quyền thực dân giam cầm ở ngục Sơn La. Tại đây, đồng chí liên tục tham gia cấp ủy Đảng Chi bộ tù nhân ngục và đã tổ chức thành công nhiều cuộc vượt ngục lịch sử. Hướng tới Lễ kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Lực lượng Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945-19/8/2010), chúng tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc đôi nét về những cuộc vượt ngục lịch sử đó.

Từ một câu chuyện Tết trong tù

Tối mồng 2 tết Qúy Mùi (1943), anh em nhà tù Sơn La tổ chức văn nghệ mừng Xuân.

Từ những năm trước, nhiều tù nhân chính trị mà giặc Pháp cho là nguy hiểm đã bị chuyển từ nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội lên. Đó là các đồng chí Trường Chinh, Trần Huy Liệu, Xuân Thủy, Lê Liêm, Văn Tiến Dũng, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Văn Trân...

Các đồng chí đã hướng dẫn anh em trong tù ca hát, đóng những vở kịch nhỏ dựa vào một số tiểu thuyết hay của các nước: Pháp, Anh, Trung Quốc... biểu diễn nhân các ngày tết. Những buổi văn nghệ của anh em tù thường cuốn hút được cả vợ chồng tên giám ngục Pháp Lơbông lẫn vợ con binh lính trong ngục đến xem.

Trong đêm văn nghệ ấy, các đồng chí Tô Hiệu, Trần Quốc Hoàn, Lê Thanh Nghị và Nguyễn Văn Trân, những chi ủy viên chi bộ ngục Sơn La đã tranh thủ họp.

Không thấy một tên lính coi ngục nào ở gần, đồng chí Tô Hiệu nói nhanh:

- Trên cần bố trí cho một số tù nhân chính trị có kinh nghiệm đấu tranh, có trình độ,  vượt ngục ra ngoài tham gia hoạt động cho phong trào Cách mạng hiện đang rất cần cán bộ lãnh đạo. Nhiều vốn quý này hiện còn bị giam trong các nhà tù đế quốc. Cần có kế hoạch tìm thời cơ, tổ chức cho một số đồng chí vượt ngục ra vùng tự do khi có điều kiện. Việc này cần tuyệt đối bí mật, trước hết chỉ cấp ủy biết để chuẩn bị.

Cấp ủy đã nghiên cứu kỹ tình hình ngục, tìm biện pháp tổ chức "bảo đảm cho cuộc vượt ngục thành công, an toàn nhất".

Ngục Sơn La rộng gần 4.000m2 gồm 5 nhà giam chính, 1 dãy 8 xà lim ngầm nằm sâu 3,5m dưới lòng đất, có tường kiên cố bao quanh. Bốn góc có 4 lô cốt cao án ngữ, luôn có lính gác quan sát, đi tuần kiểm tra khắp vùng.

Lúc đầu chi bộ chọn 12 đồng chí, dự định cho vượt ngục vào mùa hè 1943, nhờ một số thương gia Hoa kiều giúp đỡ nhưng rồi cuộc vượt ngục đó không thực hiện được. Chi ủy họp rút kinh nghiệm, tổ chức một cuộc vượt ngục khác.

Bốn người được chọn cho chuyến vượt ngục lần này là các đồng chí Nguyễn Lương Bằng (sau là Phó chủ tịch nước), Trần Đăng Ninh (sau là Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần QĐND Việt Nam), Nguyễn Văn Trân (sau là Bí thư Thành ủy Hà Nội) và Lưu Đức Hiểu (sau là Trưởng ban Văn hóa - Tạp chí Cộng sản). Người dẫn đường vượt ngục được chọn là đồng chí Lò Văn Giá, một đoàn viên Thanh niên cứu quốc người Thái yêu nước tháo vát, dũng cảm.

Đồng chí Trần Quốc Hoàn (người mặc áo trắng, đứng giữa) gặp gỡ đại biểu về dự Hội nghị tuyên dương Anh hùng các Lực lượng An ninh miền Nam.

...Đến cuộc vượt ngục lịch sử năm 1943

Theo phân công của cấp ủy, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã tìm cách bắt liên lạc được với đồng chí Bế Nhật Huấn là một cơ sở bí mật của ta nằm ngay trong Tòa Công sứ tỉnh Sơn La. Đồng chí Huấn đã cung cấp cho anh em vượt ngục nhiều thứ cần thiết như thẻ tùy thân, bản đồ hành chính Sơn La và các vùng lân cận.

Thời gian này, cấp ủy Đảng đã tổ chức vận động quần chúng tại các bản Cọ, bản Heo, bản Là, bản Phiềng Ngừa, bản Tông, bản Hụm... đấu tranh với bọn phìa, tạo (như chánh tổng, lý trưởng vùng xuôi) đòi giảm thuế, bớt đóng góp thóc kho, hạn chế những tô, dịch bất hợp lý... Những cuộc đấu tranh đó đã làm nhân dân quanh ngục Sơn La càng có cảm tình với anh em tù nhân trong ngục. Đây là một thuận lợi lớn cho cuộc vượt ngục của tù nhân ngục Sơn La.

Từ cuối tháng 7 năm1943, trời mưa như trút nước. Khi đã chuẩn bị chu đáo mọi mặt, cấp ủy quyết định lấy thời gian "vượt ngục" là sáng sớm ngày 3/8/1943.

Đã thành quy luật, sáng nào bọn cai ngục cũng dẫn tù nhân ra ngoài trại giam làm các việc công sai mà chúng gọi là làm "cỏ vê": người thì bổ củi, người thì đập đá, người thì làm vườn... Sau khi bọn lính điểm danh tù nhân, các đồng chí Lưu Đức Hiểu và Nguyễn Văn Trân được phân công bổ củi. Các đồng chí Nguyễn Lương Bằng và Trần Đăng Ninh đi làm vườn. Lợi dụng  lúc bọn lính coi tù sơ hở, khi có tù nhân khác đến thay phiên, các đồng chí trà trộn vào đám đông đi nhanh ra ngoài.

Nhóm các đồng chí Trân và Hiểu theo anh Lò Văn Giá dẫn đường đến một khu nhà mồ người Thái bên kia suối Chiềng Lề. Đúng kế hoạch, các đồng chí Nguyễn Lương Bằng và Trần Đăng Ninh cũng đến tập kết ở đây. Theo phong tục địa phương, khi có người chết, gia đình đều đưa quần áo của họ ra để tại các khu nhà mồ. Các đồng chí đã lấy những bộ quần áo dân thường này mặc vào người, còn quần áo tù nhân thì gói lại, vứt xuống suối.

Các đồng chí Nguyễn Văn Trân và Lưu Đức Hiểu cùng anh Lò Văn Giá giả là người Thái đi buôn. Cả ba người đều nói thạo tiếng Thái, mang theo thẻ tùy thân người Thái nên đã đi trót lọt. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng với đồng chí Trần Đăng Ninh đi sau, mặc quần áo nâu, giả làm phu làm đường. Hai đồng chí đang đi thì bị một toán 5 tên do viên tri châu Yên Châu chỉ huy, phóng ngựa đuổi theo.

Tên tri châu hỏi anh Nguyễn Lương Bằng:

- Các anh đi đâu?

- Chúng tôi đi buôn muối, buôn diêm. Muối bán hết rồi, còn ế mấy chục bao diêm.

Anh Bằng mở túi lấy mấy chục bao diêm đưa viên tri châu:

- Bây giờ chúng tôi về Hà Nội cất hàng, còn ít bao diêm, xin biếu quan lớn.

Nhiều câu hỏi khác, các đồng chí Bằng, Ninh đều mưu trí trả lời gẫy gọn nên bọn chúng đã buộc lòng cho đi. Toán vượt ngục đã an toàn về gặp nhau ở Suối Rút.

Từ đây anh Lò Văn Giá quay lại Sơn La. Các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Văn Trân, Trần Đăng Ninh, Lưu Đức Hiểu về tiếp Hòa Bình rồi về Hà Đông, bắt được liên lạc với Trung ương Đảng. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng được chỉ định làm Trưởng ban Tài chính Trung ương Đảng; đồng chí Trần Đăng Ninh nhận nhiệm vụ Xứ ủy Bắc Kỳ; đồng chí Lưu Đức Hiểu phụ trách công tác binh vận xứ ủy Bắc kỳ; đồng chí Nguyễn Văn Trân phụ trách  Ban Công vận Xứ ủy Bắc Kỳ.

Và cuộc thoát ngục lịch sử tháng 3 năm 1945

Các đồng chí Lê Thanh Nghị, Tô Hiệu, Khuất Duy Tiến, Trần Quốc Hoàn... ở lại bị bọn cai ngục Sơn La xếp vào loại những tù nhân chính trị đặc biệt, cần theo dõi.

Đầu năm 1945, sau khi đồng chí Lê Thanh Nghị thoát ngục, đồng chí Trần Quốc Hoàn được bầu làm Bí thư chi bộ thay đồng chí Lê Thanh Nghị.

Ngày 9/3/1945, phát xít Nhật tổ chức cuộc đảo chính lật đổ chính quyền Pháp ở Đông Dương. Ban lãnh đạo tù Sơn La quyết định tổ chức ban binh vận do Bí thư chi bộ Trần Quốc Hoàn trực tiếp phụ trách. Ban binh vận tập hợp 18 tù nhân biết tiếng Pháp chia thành từng nhóm, nhiều lần đến gặp giám ngục Lơbông và các sĩ quan Pháp coi ngục đấu tranh hợp pháp đòi Pháp đối xử tốt với tù nhân. Nếu được như vậy, tù nhân sẽ hợp tác với người Pháp chiến đấu chống phát xít Nhật khi chúng đánh lên Sơn La.

Qua tiếp xúc, ban lãnh đạo nhà tù được biết Công sứ Pháp và đại diện của tướng Pháp  Alếchxăngđ cũng muốn hợp tác với tù nhân để chống Nhật, vận động tù nhân cùng tham gia đánh Nhật và sẽ chuyển tù nhân ở ngục Sơn La đến các trại giam ở Nghĩa Lộ vào sáng 18/3/1945.

Đồng chí Trần Quốc Hoàn triệu tập ngay một cuộc họp đảng viên, quần chúng trung kiên trong ngục để phổ biến kế hoạch chuẩn bị mọi mặt cho cuộc thoát ngục của khoảng 170 đồng chí trên đường chuyển tù nhân từ Sơn La lên Nghĩa Lộ sắp tới.

Sáng 18/3/1945, tên giám ngục Lơbông cùng một số sĩ quan Pháp dẫn đoàn tù nhân chính trị Sơn La theo đường Chiềng Lề, Tà Bú, Tú Lệ lên Nghĩa Lộ.

Chiều hôm đó, đến đèo Khâu Phạ, khi được tin Nhật đánh tới rồi, các tù nhân ở Nghĩa Lộ phá ngục tự giải thoát. Đồng chí Trần Quốc Hoàn đã lãnh đạo anh em nhà tù Sơn La đấu tranh vận động bọn cai ngục trả tự do cho đoàn tù. Bọn cai ngục bỏ trốn. Đồng chí Trần Quốc Hoàn tập trung anh em tù, tuyên bố:

- Đến đây, từ nay chúng ta đã thoát khỏi tù ngục, hoàn toàn tự do.

Sau đó, đồng chí phổ biến kế hoạch của Ban lãnh đạo, tổ chức thành nhiều nhóm đi tiếp về xuôi, liên lạc với trên nhận nhiệm vụ mới. Nhóm đầu đồng chí Lê Trung Toản phụ trách. Đồng chí Hoàng Tùng dẫn đầu nhóm sau rồi lần lượt đến các nhóm khác, mỗi nhóm từ 15 đến 20 người. Liên lạc được với Trung ương, đồng chí Trần Quốc Hoàn được cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, được phân công tham gia lãnh đạo trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 ở Hà Nội và một số tỉnh Bắc bộ.

Sau Cách mạng Tháng Tám, đồng chí Trần Quốc Hoàn được Xứ ủy Bắc Kỳ phân công thay mặt Xứ ủy đặc trách các lĩnh vực công tác ở Hà Nội. Từ đó là những năm tháng đồng chí liên tiếp được Đảng và Chính phủ giao giữ những vị trí trọng trách và đồng chí đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta

Đỗ Sâm
.
.