Đồng chí Trần Quốc Hoàn - người chiến sĩ cách mạng trung kiên của Đảng, nhà lãnh đạo xuất sắc của Công an Việt Nam

Thứ Bảy, 02/09/2006, 09:30

Đó là tiêu đề cuốn sách do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia phối hợp với Nhà xuất bản Công an nhân dân cho ra mắt bạn đọc trong cả nước đầu năm 2006, nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của đồng chí Trần Quốc Hoàn. Toàn bộ cuốn sách là tập hợp các bài viết của nhiều nhà cách mạng tiền bối, của các đồng chí, đồng nghiệp đã từng sống và hoạt động với đồng chí Trần Quốc Hoàn.

20 năm trôi đi, kể từ ngày ông đi vào cõi vĩnh hằng, nhưng cuộc đời hoạt động cách mạng của ông vẫn là tấm gương sáng để mọi người noi theo, đặc biệt là với cán bộ chiến sĩ hiện đang công tác trong lực lượng công an nhân dân.  

Ông sinh ngày 23/1/1916 tại xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Do xuất thân trong một gia đình nghèo, lại sớm chịu ảnh hưởng của phong trào yêu nước nên ngay từ thuở thiếu thời, ông đã tham gia hoạt động trong tổ chức học sinh phản đế. ít lâu sau, ông thoát ly gia đình đi làm phu mỏ ở Lào.

Tại đây, ông vừa lao động, vừa tiếp tục hoạt động cách mạng. Tháng 3 năm 1934, một bước ngoặt lớn đã đến với cuộc đời ông. Đó là việc ông được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Đông Dương. Cuối năm đó, ông đã bị địch bắt kết án 8 tháng tù và 5 năm biệt xứ. Hết hạn tù, cũng như một số người cộng sản khác, bọn thực dân đã đưa ông về quản thúc tại Hà Tĩnh.

Song, với lòng khát khao hoạt động, chẳng bao lâu, ông đã trốn ra Hà Nội. Tại đây, ông tham gia hoạt động trong phong trào Mặt trận Dân chủ và đảm nhận công tác tại một số tờ báo phát hành công khai do Đảng ta tổ chức tại Hà Nội. Năm 1937, theo chỉ thị của Đảng, ông cùng nhiều đồng chí khác đã rút vào hoạt động bí mật, tham gia Ban Thường vụ thành uỷ Hà Nội, làm Phó Bí thư rồi đảm nhận chức Bí thư thành uỷ. Biết tin này, bọn mật thám mở chiến dịch truy lùng ông ráo riết.

Để đảm bảo an toàn, tháng 5/1940, Đảng đã điều ông ra khỏi Hà Nội. Đầu năm 1941, ông lại bị bọn thực dân Pháp bắt đưa về Hà nội với mức án sáu năm tù giam và hai mươi năm quản thúc. Sau đó, ông bị chúng đưa lên giam giữ tại nhà tù Sơn La. Bằng thủ đoạn này, thực dân Pháp hy vọng rằng sẽ cắt đứt mối liên hệ của những người cộng sản với thế giới bên ngoài.

Song điều mà chúng không thể ngờ tới, chính trong nhà tù thực dân đặt ở nơi “rừng thiêng nước độc’ ấy, một chi bộ Đảng Cộng sản đã nhanh chóng được thành lập. Một trong số những bí thư chi bộ trong nhà tù khi ấy là đồng chí Trần Quốc Hoàn. Cuối năm 1944, đồng chí Trần Quốc Hoàn được cử làm bí thư chi bộ nhà tù. Trong thời gian làm bí thư chi bộ nhà tù, đồng chí Trần Quốc Hoàn phụ trách chung các mặt hoạt động của các ban trong nhà tù và Dân vận, Ban Binh vận, Ban địch vận.

Ông cũng là người cùng chi uỷ tổ chức thành công cuộc vượt ngục cho 4 đồng chí gồm Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Văn Trân, Lưu Đức Hiểu. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), đồng chí Trần Quốc Hoàn đã cùng 200 anh em tù chính trị Sơn La ra khỏi nhà tù về miền xuôi tiếp tục hoạt động cách mạng.

Trong cuộc Hội thảo khoa học “Đồng chí Trần Quốc Hoàn với Công an nhân dân Việt Nam”, đồng chí PGS.TS  Nguyễn Trọng Phúc, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng đã viết: “Sau ngày Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương 9/3/1945, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã cùng chi uỷ nhà tù Sơn La tranh thủ thời cơ, linh hoạt thực hiện sách lược bắt tay “hợp tác” với quân Pháp để chống Nhật, thực chất là lợi dụng sự hoang mang của chúng để tìm cách nhanh chóng thoát khỏi nhà tù, trở về với nhân dân.

Đồng chí Trần Quốc Hoàn đã trực tiếp lãnh đạo công tác binh vận, địch vận. Thực hiện sách lược mềm dẻo đó, chớp thời cơ quân Pháp rệu rã, bỏ trốn, đồng chí Trần Quốc Hoàn cùng chi ủy, ban lãnh đạo nhà tù đã bảo vệ an toàn và giải phóng cho gần 200 tù chính trị trên đường dời sang Nghĩa Lộ vào ngày 18/3/1945. Với gần 200 cán bộ, đảng viên được rèn luyện ở nhà tù Sơn La đã trở về các địa phương, đóng góp tịch cực vào cao trào tiền khởi nghĩa đang diễn ra sôi sục ở các tỉnh Bắc Kỳ, nhất là ở các chiến khu như Trần Hưng Đạo, Vần - Hiền - Lương, căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai...

Công đầu trong cuộc giải phóng gần 200 tù chính trị ở nhà tù Sơn La thuộc về đồng chí Trần Quốc Hoàn”. Đây là lực lượng lớn bổ sung cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền vào tháng 8 năm đó. Ra khỏi nhà tù, ông được Trung ương cử làm Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ và trực tiếp lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa cướp chính quyền ở Hà Nội và các tỉnh Bắc Bộ.

Cách mạng tháng 8 thành công, chính quyền cách mạng được thành lập, song lại ở vào hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” của nạn thù trong giặc ngoài, kéo theo đó là nạn đói, nạn dốt và các tệ nạn xã hội khác do chế độ cũ để lại. Trên cương vị Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ, ông đặc biệt coi trọng công tác đấu tranh chống phản cách mạng, đảm bảo an ninh - trật tự, góp phần bảo vệ cuộc sống yên bình của nhân dân ở thành thị và các vùng nông thôn vừa được hưởng quyền tự do, phục vụ công cuộc kháng chiến cứu quốc.

Một điều mà sau này, hồi tưởng lại chính ông cũng không ngờ tới là trong những ngày bộn bề công việc của một bí thư xứ uỷ, ông đã gặp và yêu một thiếu nữ Hà Nội xinh đẹp, kiều diễm. Cô thiếu nữ ấy chính là nữ chiến sĩ điệp báo được ông và Nha Công an trung ương cử thâm nhập vào điều tra tổ chức phản động Nguyễn Hải Thần nhằm bảo vệ những thành quả của cách mạng. Ngày cưới của họ cũng là thời điểm cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ.

Sau ngày cưới, bà cùng ông rút khỏi Hà Nội để tham gia chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta. Hơn 3 năm sau, tại Đại hội Đảng lần thứ II tổ chức ở căn cứ Việt Bắc, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương. Sau Đại hội, vào năm 1952, ông được trung ương phân công phụ trách Bộ Công an, rồi làm Bộ trưởng Bộ Công an. Ông giữ chức vụ này đến ngày đầu của thập niên tám mươi.

Hơn ba mươi năm ở cương vị là Uỷ viên Ban chấp hành trung ương Đảng, hơn hai mươi năm là Uỷ viên Bộ Chính trị, hơn hai mươi bảy năm trên cương vị là người đứng đầu lực lượng công an, đúng như đánh giá của Ban Chấp hành Trung ương tại điếu văn đọc trong lễ tang ông được tổ chức ở Hội trương Ba Đình ngày 7/6/1986 đã khẳng định: “Dù trong hoàn cảnh hoạt động bí mật, khi bị địch bắt hay bị tù đày, ông vẫn một lòng sắt son với Đảng, trung thành với lý tưởng và hạnh phúc của nhân dân. Đặc biệt, trong sự nghiệp đảm bảo an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự xã hội, ông luôn nắm vững và vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng để xây dựng lực lượng Công an nhân dân trở thành một lực lượng vũ trang cách mạng, tin cậy, tuyệt đối trung thành với Đảng và nhân dân”. Với công lao to lớn ấy, ông đã được tặng thưởng Huân chương sao vàng - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta.

Trong bài viết được in trong cuốn sách “Đồng chí Trần Quốc Hoàn - chiến sĩ cách mạng trung kiên của Đảng, nhà lãnh đạo xuất sắc của công an Việt nam”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Tôi biết anh Trần Quốc Hoàn từ Đại hội Tân Trào, từ đó luôn luôn có quan hệ chặt chẽ trong công tác. Thời kỳ 1946-1947, khi anh Hoàn được Trung ương phái về mặt trận Hà Nội, tôi thường xuyên làm việc với anh, đã cùng anh đi kiểm tra tại chỗ việc bố trí lực lượng của bộ đội ta tại mặt trận thủ đô. Tôi đã cùng anh theo dõi, chỉ đạo cuộc chiến đấu 60 ngày đêm “Quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh” của quân dân liên khu I. Ngày 22/1/1947, tôi đã cùng anh Hoàn, anh Hoàng Văn Thái... đến thăm Trung đoàn thủ đô sau cuộc rút quân thần kỳ thắng lợi... Trong 28 năm anh Hoàn phụ trách ngành công an, giữa tôi và anh Hoàn có sự phối hợp hiệp đồng rất tốt. Tôi thường nói anh Quân đội và Công an là anh em sinh đôi, cần có sự phối hợp chặt chẽ. Anh Hoàn đã có công rất lớn trong việc xây dựng, lãnh đạo lực lượng Công an làm tròn nhiệm vụ giữ vững an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội”.

Ngày nay, mỗi lần nhắc đến người chiến sĩ cộng sản trung kiên này, những người có dịp được sống gần ông đều có chung nhận xét: “Ông là một nhà lãnh đạo mẫu mực, sắc sảo về nghiệp vụ và trong con ngươi ấy lúc nào cũng toát lên đức tính chân thành, thẳng thắn, khiêm tốn, giản dị và hết mực thương yêu đồng đội. Tấm gương và phẩm chất cách mạng cao cả đó vẫn đang tỏa sáng để mỗi chúng ta học tập và noi theo”.

Và để tưởng nhớ đến công lao của ông đối với đất nước nói chung, ngày nay, ở mảnh đất Thăng Long lịch sử, một đường phố được mang tên ông. Ông thật xứng đáng với niềm vinh dự ấy”

Ngọc Phi
.
.