Đồng chí Nguyễn Tài và những cái Tết trong nhà tù Mỹ - Ngụy

Thứ Tư, 01/02/2006, 15:11

4 năm, 4 tháng, 10 ngày là quãng thời gian đồng chí Nguyễn Tài, nguyên Trưởng ban An ninh khu Sài Gòn-Gia Định, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, bị giam cầm trong nhà tù Mỹ -Ngụy. Trải qua các hình thức tra tấn cực hình và hà khắc trong nhà tù, đồng chí vẫn giữ vững ý chí chiến đấu của người cán bộ công an cách mạng.

Trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, có một sự kiện đã được ghi vào trong sử sách là cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân (1968). Mặc dù sự kiện ấy chưa đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta về đích cuối cùng song như nhiều tờ báo nước ngoài thời đó đã khẳng định, đây là một dấu mốc lịch sử, tạo tiền đề để "Việt cộng" dành thắng lợi hoàn toàn.

Những con người góp phần làm nên chiến thắng lịch sử ngày ấy, không ít người đã trải qua cảnh tù đày trong các nhà tù Mỹ- Ngụy. Một trong số họ là đồng chí Nguyễn Tài (tức Tư Trọng), nguyên Trưởng ban An ninh khu Sài Gòn-Gia Định, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ; người đã từng trải qua những năm tháng bị giam cầm trong nhà tù Mỹ - Ngụy từ cuối năm 1970 cho đến ngày 30/4/1975, và được bộ đội ta giải thoát khỏi nhà tù 3 Bạch Đằng ở Sài Gòn.

Với những hoạt động không mệt mỏi trong nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, đồng chí Nguyễn Tài đã được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Nhân dịp Tết Bính Tuất (2006), phóng viên Báo CAND có cuộc trao đổi với ông.

Đồng chí Nguyễn Tài và vợ chụp ảnh kỷ niệm trước phòng giam ở số 3 đường Bạch Đằng
- Thưa đồng chí, nhân dịp năm mới, đồng chí có thể cho độc giả biết vài nét về thời kỳ mà đồng chí bị địch bắt và bị giam cầm trong thời kỳ chống Mỹ ở miền Nam?

- Người ta thường nói: "Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại". Tôi bị bắt và bị biệt giam đúng 4 năm, 4 tháng, 10 ngày. Bắt đầu ở Bến Tre, sau địch đưa về Cần Thơ, qua Đình Chức, rồi về Sài Gòn cho đến khi ra tù. Ở Sài Gòn, khi tra tấn, địch đưa đến trại giam ở đường Trần Bình Trọng, thời gian còn lại đều ở trại giam 3 Bạch Đằng. Mỗi một lần giải đi, chúng đều bịt mắt, có lúc còn bít chặt lỗ tai. Chúng đưa đi vào ban đêm, hàng tiếng đồng hồ; đưa vào tận xà lim mới cho mở mắt, tháo bít tai. Ngày được giải phóng, tôi mới biết mấy phòng chúng đã giam tôi chỉ trong khuôn viên khu 3 Bạch Đằng, có phòng chỉ cách chỗ cũ khoảng 20m, mà trước đây tôi cứ ngỡ chúng cách nhau hàng chục cây số.

- Sự kiện nào khiến đồng chí còn nhớ mãi khi đón cái Tết đầu tiên trong nhà tù Mỹ - Ngụy?

- Tết đầu tiên sống trong nhà tù Mỹ - Ngụy là năm 1971. Khi đó, địch chưa biết tung tích thật của tôi. Tôi bị giam ở một xà lim cuối cùng. Ban đêm, chuột cống to bằng con mèo con, chạy tứ tung , trèo qua cả người. Có 2 chuyện nhỏ xảy ra vào dịp Tết năm đó mà đến nay tôi vẫn chưa quên. Vào một buổi chiều, ánh nắng phản chiếu qua những mảnh chông bằng thuỷ tinh trên tường rào, hắt vào phòng tôi thành một điểm sáng trắng tròn xoe, di chuyển khắp phòng. Tôi ngồi ngắm ánh nắng đó và hình thành ý tưởng cho một bài thơ tôi đang tập làm trong tù, với tựa đề "Nắng": "Hôm nay lần đầu tiên/ Có nắng rọi trong phòng/ Ngoài kia chắc nắng đẹp/ Chan hoà nắng tươi vui/ Xà lim chiều vắng lặng/ Không toả hết bàn tay/ Trườn trên tường đốm nắng/ Như sức sống long lanh/ Giơ tay mừng đón nắng/  Lòng những tưởng bồi hồi/ Miền Cờ sao nắng đẹp/ Sức sống bay thăm tôi". 

Còn một lần khác, đúng vào một đêm chẳng hiểu sao mấy tên gác lén mở đài của ta, là đài Hà Nội hay đài Giải Phóng gì đó. Tình cờ tôi nghe lỏm được một bài bình luận, hoan hô các chiến sỹ Giải phóng quân, đánh giỏi, thắng lớn ở đường 9 Nam Lào. Lòng tôi rộn ràng vui sướng không sao tả nổi. Đó thực là món quà Tết đối với tôi mùa Xuân năm đó.

Rồi cuối cùng bọn địch cũng tìm ra tung tích thật của tôi. Chúng tra tấn dai dẳng từ tháng 3 đến tháng 11/1972. Sau đó, bỗng dưng chúng ngưng việc tra tấn tôi. Sau này tôi mới biết, do bên ngoài có chủ trương thả một tên tù binh Mỹ, và đặt vấn đề trao đổi tôi với tên tù binh Mỹ đó trước khi kết thúc Hội nghị Paris. Tuy ngừng tra tấn nhưng bọn Mỹ vẫn tìm cách hỏi cung tôi nhằm khai thác tin tức, đương nhiên tôi phải đối phó để không bị sơ hở có hại cho ta.

- Thế còn Tết năm 1972?

- Lúc đó, chúng đưa tôi đến giam ở một phòng thiết kế đặc biệt rộng khoảng 4m2, cửa sắt đệm cao su để cách âm; tường sơn trắng toát gây căng thẳng tâm lý, cộng với 5 ngọn đèn lúc nào cũng sáng rực để cho người ta không phân biệt được lúc nào là ngày, lúc nào là đêm. Sau ngày 30/4/1975, cán bộ kỹ thuật của ta đến xem, phát hiện trong tường có gắn mi-cờ-rô; trên trần có gắn máy thu hình hồng ngoại để chúng theo dõi động thái của tôi bất cứ lúc nào. Chúng chỉ để một lỗ như chuồng chim để tôi nhận phần ăn.

Một đêm đang ngủ, tôi bỗng nghe có tiếng nổ dữ dội, chắc là trong khu vực trại giam; tôi hiểu là đạn lớn của ta bắn vào. Lúc tôi bị địch bắt, là thời gian địch "bình định cấp tốc nông thôn" sau Mậu Thân 1968; lúc tôi ở Mỏ Cày (Bến Tre), mắt thấy trực thăng của Nguyễn Văn Thiệu hạ xuống ăn mừng "bình định" xong Bến Tre. Nên nay thấy có tiếng đạn lớn bắn vào tận Sài Gòn, tôi thấy ngay là "bình định nông thôn" của địch đã thất bại.

- Còn Tết cuối cùng, trước ngày toàn thắng 30-4?

- Thời điểm đó, tôi được tên Mỹ hỏi cung thông báo đã có Hiệp định Paris; nhưng ý nói chưa biết số phận của tôi thế nào. Thấy không được trao trả, tôi đã đấu tranh bằng nhiều cách, nhưng chúng vẫn tiếp tục biệt giam. Cuối năm 1974, tôi đấu tranh và phê phán chúng vi phạm Hiệp định Paris, không trao trả tôi mà còn vô nhân đạo vì suốt mấy năm không cho tôi ra nắng. Bọn chúng đuối lý, phải cho tôi ra "tắm nắng" theo cách mà tôi đã miêu tả trong bài thơ sau: "Người ta tắm nắng ngoài sân/Dưỡng khí mặt trời khỏi mất tiền mua/Tay chân ngọ nguậy lu bù/ Mắt dòm thiếu lủng đất đen mây trời/ Thế nên nắng đó rẻ ôi/ Ai đủ sức tắm, cả trời cũng trao/ Tôi nay tắm nắng lạ sao/ Tay còng, mắt bịt, ghế ngồi thật yên/ Trong nhà, bên cửa gặp hên/ Nắng kia lọt cửa hứng trên lưng này/ Vì chăng luật pháp nơi đây/ Tắm nắng mắc tiền, hỡi kẻ tù dư/ Nắng ôi! tiết kiệm bao giờ".

Nhưng cũng chỉ được mấy lần, bỗng nhiên chúng không cho "tắm nắng" nữa. Sau khi được giải phóng, tôi mới biết là lúc đó ta đã đánh Buôn Ma Thuột, nên địch trả đũa với các tù nhân chính trị. Cho đến tận sau khi được bộ đội ta giải thoát khỏi nhà tù Mỹ - Ngụy, đúng vào ngày 30/4/1975, tôi mới được các dồng chí lãnh đạo cho biết: Sát ngày ta tấn công Sài Gòn, bọn chỉ huy Mỹ - Ngụy đã ra lệnh giết tôi; nhưng bọn tay sai bên dưới - khi đi học cải tạo đã khai: vì thấy quân ta đã đến gần, nên không dám thi hành mệnh lệnh trên. Nếu chúng kịp giết tôi như chủ trương thì hẳn là tôi không có dịp ghi lại những bài thơ tôi tập làm lúc ở tù; cũng không có dịp kể lại những kỷ niệm đón Tết trong nhà tù Mỹ - Ngụy ở Sài Gòn

Nhật Vũ (thực hiện)
.
.