Đội liên lạc anh hùng Nguyễn Ngọc Nại và khúc bi tráng bên dòng sông Hồng

Thứ Tư, 16/08/2006, 08:30

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tên tuổi Đội Liên lạc Nguyễn Ngọc Nại được ghi vào trang sử vàng của thủ đô và đất nước. Nhưng cho đến hôm nay, câu chuyện tìm kiếm hài cốt của các anh sau gần nửa thế kỷ vẫn được nói đến như một khúc bi tráng bên bờ sông Hồng...

Như thể tâm linh thôi thúc, tôi đội nắng hè chang chang sang nghĩa trang liệt sĩ xã Xuân Canh (huyện Đông Anh), nơi các chiến sĩ của Đội Liên lạc Nguyễn Ngọc Nại đang yên giấc ngàn thu. Thắp nén hương thơm dâng lên hương hồn các anh, lòng tôi xiết bao ngậm ngùi khi không thấy tên các anh trên hai hàng bia mộ.

Đội Liên lạc ra đời trong 60 ngày “Hà Nội cháy khói lửa ngút trời”... Tháng 1/1947, thực dân Pháp đánh chiếm cửa ô Yên Phụ, Đội giao thông liên lạc Trúc - Lãng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp tế, liên lạc cho Trung đoàn Thủ đô đang bám trụ giữa vòng vây của địch trong Liên khu I. Theo lệnh của Chính ủy  Trung đoàn Thủ đô Lê Trung Toản và đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Chủ tịch Ủy ban  kháng chiến hành chính khu Phúc Xá, trung đoàn đã chọn lựa các chiến sĩ tự vệ gan dạ, dũng cảm của khu để thành lập Đội Liên lạc, Đồng chí Nguyễn Ngọc Nại được cử làm Đội trưởng. Địa điểm nhận công văn, thư từ, lương thực, thực phẩm của hậu phương là chùa Tàm Xá.

Từ tháng 1 đến 16/2/1947, các chiến sĩ liên lạc đã giữ vững mạch máu thông tin, tiếp tế cho Trung đoàn. Đêm 17/2/1947, các anh dẫn đường cho Trung đoàn rút khỏi Liên khu I, từ Hàng Bạc qua ngõ Phất Lộc xuống gầm cầu Long Biên, men theo chân đê lên bãi Tàm Xá rồi qua sông Hồng sang bến Dâu (Đông Anh) ra hậu phương an toàn.

Sáng 19/2/1947, khi những chiến sĩ cuối cùng sang sông thì cũng là lúc thực dân Pháp huy động thủy - lục - không quân lên Tàm Xá hòng tiêu diệt Trung đoàn. Các chiến sĩ Đội Liên lạc, dưới sự chỉ huy của Đội trưởng Nguyễn Ngọc Nại đã chiến đấu quyết liệt với kẻ thù trên bãi dâu Tàm Xá. Và trong cuộc chiến đấu không cân sức ấy, tám chiến sĩ hy sinh anh dũng. Hai đội viên là: Nguyễn Thị Chén và Đỗ Văn Túc bị thương, được bờ sông che chở đã thoát hiểm.

Năm tháng qua đi, bãi dâu Tàm Xá không còn. (Do sự biến đổi của dòng chảy cuối những năm 50 của thế kỷ XX, bãi Tàm Xá không còn ở giữa sông Hồng nữa, nhân dân sang Đông Anh sinh sống, thuộc đơn vị hành chính huyện Đông Anh). Thân nhân các liệt sĩ ở quê hương Bắc Biên (Gia Lâm) những tưởng hài cốt các anh đã theo dòng phù sa trôi dạt đâu đó. Nhưng không, tám chiến sĩ vẫn nằm bên nhau, trong lòng đất xã Xuân Canh (Đông Anh) từ ngày tháng xa xưa ấy.

Câu chuyện bất ngờ tìm thấy hài cốt các anh bắt đầu từ năm 1992. Tính đến lúc đó ông Nguyễn Minh Tiến, Chủ tịch UB Kháng chiến hành chính khu Phúc Xá ngày ấy (và sau này trở thành Thứ trưởng Bộ Công an) đã trải 25 năm kiên trì, nhẫn nại ôm tập hồ sơ đến các cơ quan chức năng, đề nghị phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Đội Liên lạc.

Trong những tháng ngày lao tâm khổ tứ đi “gõ cửa” các cấp có thẩm quyền, ông vẫn đau đáu nỗi đau chưa tìm được hài cốt các liệt sĩ, trong đó có em ruột mình là Nguyễn Công Quảng. Ông la cà hỏi các bô lão ở Tứ Tổng, Tứ Liên, Vạn Ngọc nhưng không ai biết gì về hài cốt của các anh. Những lần đến nhà ông ở phố Trần Bình Trọng, tôi được ông giở cho xem tập hồ sơ dày cộp mà những tờ trình từ năm 1957 đến năm 1980 đã ố vàng. Đôi mắt ông đỏ hoe khi sống lại hồi ức của một thời gian khổ.

Hy vọng tìm được hài cốt các liệt sĩ là rất mong manh. Nhưng thật bất ngờ - bao năm “đáy bể mò kim”, hay đâu có một ngày người bạn cũ thuở “nếm mật nằm gai” những năm 1949 - 1950 là ông Hoàng Minh Tiến cho biết mộ tám chiến sĩ nằm trong nghĩa trang liệt sĩ xã Xuân Canh. Nửa tin, nửa ngờ, ông cùng bạn đến tận nơi và cứ để cho nước mắt buồn tủi tuôn trào trước hai hàng bia mộ vô danh. Khi gặp gỡ ông Hoàng Minh Tiến và đồng chí Phó chủ tịch phụ trách văn - xã tại trụ sở UBND xã Tàm Xá, tôi cũng hết sức ngạc nhiên hỏi ông: “Vì sao các liệt sĩ Đội Liên lạc vẫn nằm ở đất Xuân Canh mà không ai biết tung tích các anh?”.

Vẻ mặt quắc thước, cương trực, thông tuệ, ông kể lại những nỗi vất vả, khó khăn và sự ngẫu nhiên trời cho: Trong quá trình sưu tầm tư liệu để viết lịch sử xã Tàm Xá, khi đến xã Xuân Canh, nhìn thấy tám ngôi mộ vô danh, ông lần hỏi những người cao tuổi đã từng tham gia chiến đấu cuối năm 1946 đầu năm 1947. So sánh và khớp lại các chi tiết của các nhân chứng lịch sử hai xã Xuân Canh và Tàm Xá, ông có đủ tư liệu thực tế xác đáng để khẳng định: đây chính là hài cốt các chiến sĩ Đội Liên lạc.

Thì ra ít ngày sau khi  thực dân Pháp tàn sát thảm khốc dân làng Tứ Liên, Tàm Xá, Vạn Ngọc (19/12/1947), những người lánh nạn trở về làng đã nhận mặt những người thân bị chúng giết hại. Riêng tám chiến sĩ Đội Liên lạc, không ai biết là người của làng Bắc Biên nên đã đưa sang bãi nhãn và chân đê xã Xuân Canh chôn cất. Mãi đến năm 1991, có nghĩa trang liệt sĩ, chính quyền xã Xuân Canh đưa hài cốt các liệt sĩ, trong đó có cả liệt sĩ của Đội Liên lạc vào nghĩa trang; nhưng vẫn không ai biết danh tính và quê quán nên đành đặt các anh quây quần bên nhau trong khu mộ vô danh.

Năm 1993, sau sự phát hiện, khảo cứu của ông Hoàng Minh Tiến và cuộc hội thảo khoa học với Viện Khoa học Lịch sử quân sự Việt Nam, Quân khu Thủ đô, Trung đoàn Thủ đô, các anh mới được trả lại danh tính chung: liệt sĩ Đội Liên lạc khu Phúc Xá, đội viên Đội tự vệ thành Hoàng Diệu.

Ngày đến nghĩa trang liệt sĩ Xuân Canh để nhận hài cốt, ông Nguyễn Minh Tiến đã đọc bài điếu hương hồn các liệt sĩ bằng thơ rất xúc động. Ông và mọi người đều khóc trong nỗi đau xót, ngậm ngùi. Sau đó, theo nguyện vọng một số thân nhân liệt sĩ, nhà ngoại cảm Đỗ Bá Hiệp đến tận nơi để xác định tên từng người nhưng cũng chỉ tìm được bốn liệt sĩ còn đủ hài cốt, bốn liệt sĩ khác, hài cốt đã trộn lẫn với nhau. Trong nỗi đau chung, thân nhân các liệt sĩ phải để các anh ở lại Xuân Canh.

Năm 1996, Đội Liên lạc và Đội trưởng Nguyễn Ngọc Nại được Nhà nước truy tặng Anh hùng LLVTND; bảy đội viên được truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Vinh dự tự hào và ghi nhớ công ơn các anh, năm 1997, nhân kỷ niệm Ngày thương binh liệt sĩ, Đảng bộ và nhân dân xã Ngọc Thụy dựng  tấm bia lớn sau hai hàng mộ liệt sĩ khắc dòng chữ: Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ Đội Liên lạc đặc biệt Đặc khu Phúc Xá - Liên khu I Hà Nội.

Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Trên bia cũng ghi rõ tên 8 liệt sĩ và các danh hiệu cao quý mà Nhà nước đã truy tặng các anh. Nhưng trên từng bia mộ, tôi thật xót lòng khi đọc dòng chữ “Liệt sĩ chưa biết tên. 29/1 Đinh Hợi - đội viên tự vệ Thành Hà Nội”. 29/1 Đinh Hợi chính là ngày 19/2/1947 - ngày giỗ chung của các anh!

Cùng với các liệt sĩ xã Xuân Canh, các anh nằm giữa cánh đồng thơm hương lúa chín. Xuân Canh đã trở thành quê hương thứ hai của các liệt sĩ Bắc Biên - Ngọc Thụy trong nghĩa tình sâu nặng thiêng liêng. Chuyện về các liệt sĩ Đội Liên lạc Nguyễn Ngọc Nại hiến dâng tuổi thanh xuân cho độc lập, tự do của Tổ quốc, và hài cốt của các anh được lưu giữ trong lòng đất Xuân Canh, nhưng nửa thế kỷ sau mới xác định được danh tính chung là một trong hàng ngàn huyền thoại bi hùng trong sử thi giữ nước của dân tộc

Phạm Kim Thanh
.
.