Đoàn Nghệ thuật Công an nhân dân: Hữu xạ tự nhiên hương

Thứ Ba, 24/04/2012, 08:00
Năm nay, Đoàn Nghệ thuật Công an nhân dân (CAND), tiền thân của Đoàn Kịch nói CAND và Đoàn Ca múa nhạc CAND bước vào tuổi ba mươi (27/4/1982 - 27/4/2012). Nhân dịp này, Đoàn Kịch nói CAND vinh dự đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất do Chủ tịch nước trao tặng. Ba mươi năm với biết bao thăng trầm, sóng gió và đổi thay, đã từng có cảnh "kẻ ở người đi" bởi những khó khăn chồng chất tưởng chừng không thể vượt qua, nhưng đến hôm nay, Đoàn Nghệ thuật CAND đã khẳng định được "thương hiệu" của mình trong lòng công chúng.

Từ năm 2008, Đoàn Nghệ thuật CAND được tách thành Đoàn Kịch nói CAND và Đoàn Ca múa nhạc CAND, hoạt động tương đối độc lập nhưng hai đơn vị vẫn chọn ngày 27/4/2012 làm ngày kỷ niệm chung. Cái tên Đoàn Nghệ thuật CAND từ "thuở ban đầu lưu luyến ấy" vẫn được gọi như để gợi nhớ về một quãng thời gian đẹp đã qua. Hàng chục năm trở lại đây, các chương trình ca nhạc, những vở kịch mang màu sắc công an luôn đem đến cho khán giả nhiều bất ngờ thú vị như "Người là đồng chí", "Vòng xoáy", "Những quân bài định mệnh", "Đối đầu", "Hoa thép"... không chỉ gây tiếng vang với công chúng Thủ đô mà còn tạo ấn tượng mạnh với khán giả ở các địa phương, nơi đoàn ghé chân trong những chuyến đi lưu diễn kéo dài có khi đến 2 tháng trời.

Suốt dải đất miền Trung nắng gió, đến khu vực miền Đông Nam Bộ hay ở các tỉnh miền Nam - nơi loại hình sân khấu cải lương bản địa gần như thống trị các sân khấu giải trí - thì các vở kịch mà Đoàn Kịch nói CAND mang đến như một làn gió mới. Với những nỗ lực của cả tập thể, đến nay Đoàn Kịch nói CAND đã đến được với khán giả cả nước, đúng như câu ngạn ngữ "hữu xạ tự nhiên hương". Thượng tá Nguyễn Công Bảy - Trưởng đoàn Kịch nói CAND không giấu được niềm vui: "Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất mà Đoàn Kịch nói CAND được trao tặng lần này, vừa như một phần thưởng ghi nhận những đóng góp lớn của tập thể cán bộ diễn viên của đoàn, vừa là một nguồn động viên, cổ vũ to lớn để cán bộ nghệ sĩ, diễn viên của đoàn tiếp tục phấn đấu vươn lên khẳng định sự chính quy, chuyên nghiệp của mình trong những năm tháng tiếp theo".

Có được những thành công như hôm nay, lại nhớ về những ngày đầu gian khó cách đây hơn 20 năm mới thấy hết sự nỗ lực và lòng yêu nghề, mến người của tập thể cán bộ diễn viên trong đoàn. Thượng tá Nguyễn Công Bảy chia sẻ: "Sau vở kịch đầu tiên gây được tiếng vang là vở "Nữ ký giả", đến những năm 1990 là giai đoạn khó khăn nhất của đoàn kịch CAND, với cuộc "khủng hoảng thiếu" diễn viên, kinh phí hạn hẹp, cơ sở vật chất nghèo nàn và thực sự đoàn đã đứng bên bờ sự giải thể. Nhưng chúng tôi đã tìm ra cách khắc phục, đó là dựng những vở diễn ngắn, ít tốn kém nhân lực, vật lực như "Tôi đi tìm tôi", "Vô tích sự", "Con cá chép vàng"...; biến những vở diễn "nho nhỏ" này thành tiết mục chủ đạo cho đoàn đi lưu diễn ở các nơi. Cũng nhờ vậy mà cơn "sóng to, gió cả" ấy đã qua. Đến nay, Đoàn kịch CAND là chủ nhân của nhiều vở diễn gây được tiếng vang trong giới sân khấu nói riêng và dư luận nói chung.

Với vở "Cuộc chia tay lần cuối", đoàn đã giành Huy chương Vàng trong kỳ Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995. Trong Liên hoan sân khấu nhỏ toàn quốc năm 1996, vở diễn: "Thằng Mẫn tóc nâu" (kịch bản Trần Nhượng - đạo diễn NSND Lê Hùng) đoạt giải A và "Đám cưới trong đêm mưa" (Kịch bản Vũ Xuân Cải - đạo diễn Trần Nhượng) đoạt giải B. Đoàn đã giành Huy chương Bạc toàn đoàn...".

Một cảnh trong vở “Quyết định sinh tử” của Đoàn kịch nói CAND.

Sau mỗi thành công như thế, Đoàn Kịch CAND lại có chuyến lưu diễn xuyên Việt dài ngày. Khi thì đi từ Hà Nội vào đến Đồng Tháp, từ đất liền ra các hải đảo thân yêu của Tổ quốc, khi thì đi một vệt từ Hà Nội lên Tây Nguyên, đến TP. Hồ Chí Minh, khi lại hành trình đi khắp các tỉnh miền núi phía Bắc. Hàng chục năm trở lại đây, năm nào đoàn cũng tổ chức những chuyến lưu diễn dài ngày, không hề ngại khi đến với cán bộ chiến sĩ và bà con ở những tỉnh xa xôi, các huyện biên giới và hải đảo như Lý Sơn, Phú Quốc, Côn Đảo. Nhiều nghệ sĩ trong đoàn còn nhớ chuyến đi huyện đảo Côn Đảo năm ấy, hầu hết các nghệ sĩ đều bị say sóng nhưng khi đến nơi vẫn phải đảm nhiệm luôn các phần việc như làm sân khấu, âm thanh, ánh sáng, hậu đài...

Với vở "Đám cưới trong đêm mưa", đoàn đã có một đêm diễn kéo dài đến quá nửa đêm, sau đó còn có buổi giao lưu cảm động và là kỷ niệm đẹp trong đời nghệ sĩ - chiến sĩ của họ. Những vở diễn tiếp theo như "Quả báo" (Kịch bản: Hữu Ước - Đạo diễn: Lê Hùng), "Khoảnh khắc mong manh" (Kịch bản Hữu Ước - Đạo diễn Lê Hùng), "Ngọt ngào trong cay đắng" (Kịch bản: Chu Thơm - Đạo diễn: Lê Hùng), "Nốt nhạc cuối cùng " (Kịch bản: Lê Chí Trung - Đạo diễn: Trần Nhượng), vở "Đối đầu" (Kịch bản: Phan Gia Liên - Đạo diễn: Lê Hùng), "Quyết định sinh tử" (Kịch bản: Phan Gia Liên - Đạo diễn: Lê Hùng), "Hoa thép" (Kịch bản: Phan Gia Liên - Đạo diễn: Khương Đức Thuận)... đã khiến tên tuổi của Đoàn cùng hàng loạt gương mặt diễn viên được khán giả yêu mến tiếp tục tạo dấu ấn đẹp trong lòng công chúng yêu mến sân khấu như NSƯT Trần Nhượng, NSƯT Khương Đức Thuận, NSƯT Nguyễn Công Bảy, NSƯT Thế Bình...

Vở "Những quân bài định mệnh" của đoàn từng được đánh giá là vở diễn ấn tượng nhất, nhiều tính thử nghiệm nhất trong Liên hoan Sân khấu thử nghiệm toàn quốc năm 2008 tại Hà Nội. Bên cạnh đó, đội ngũ những nghệ sĩ trẻ kế cận có nhiều đóng góp như nghệ sĩ Nguyễn Hải, Hương Dung, Thúy Nga, Hoàng Lan, Thúy Hiền là những gương mặt nghệ sĩ quen thuộc được khán giả cả nước yêu mến và đã nằm trong danh sách các nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSƯT đợt này.

Không chỉ ghi dấu ấn đậm nét trong lòng công chúng bằng những vở chính kịch mang đậm tính nhân văn, từ năm 2011 đến nay, Đoàn kịch CAND đã đưa vào thử nghiệm một chùm hài kịch gồm các tác phẩm: "Xem mặt" (Kịch bản: Xuân Cải - Đạo diễn: NSND Lê Hùng), "Trên đường phố" (Kịch bản: Xuân Cải - Đạo diễn: NSND Lê Hùng), "Internet về làng" (Kịch bản: Đỗ Minh Tuấn - Đạo diễn: NSƯT Chí Trung). Tại Liên hoan sân khấu Hài toàn quốc lần thứ nhất tổ chức ở Quảng Ninh vừa qua, Đoàn kịch CAND đã củng cố các tác phẩm trên và dàn dựng thêm hai tiểu phẩm mới là "Lỡ hẹn", "Giàu giả nghèo thật" để tham dự Liên hoan. Các nghệ sĩ Đoàn kịch CAND đã nhận được nhiều lời khen ngợi, động viên, khích lệ cùng với những giải thưởng lớn. Cho đến nay, nhiều diễn viên trong đoàn Kịch nói CAND đã trở thành những gương mặt hết sức quen thuộc đối với khán giả yêu điện ảnh trong cả nước như Trần Nhượng, Hương Dung, Hoàng Lan, Nguyễn Hải, Thúy Hiền, Mỹ Duyên, Khương Đức Thuận, Thế Bình, Thúy Nga, Hồng Quân, Chí Công... và có những đóng góp không nhỏ cho điện ảnh nước nhà.

Không chịu "thua chị kém em", Đoàn Ca múa CAND từ ngày tách ra độc lập cũng có nhiều thành tích đáng kể. Thượng tá, NSƯT Đức Lợi - Trưởng Đoàn Ca múa CAND vui mừng cho biết: "Trong những ngày này, Đoàn Ca múa CAND vẫn đang tích cực tập cho những đêm diễn, những chuyến đi công tác dài ngày tại các địa phương. Mỗi năm đều đặn đoàn có những chuyến đi diễn phục vụ đồng bào và chiến sĩ các tỉnh khu vực phía Bắc, rẻo đất miền Trung và miền Tây Nam Bộ. Mỗi tỉnh chúng tôi lưu lại 1 tới 3 đêm với những chương trình hết sức công phu, nghiêm túc, được khán giả tán thưởng. Có nhiều khi đoàn sắp chia tay nhưng lãnh đạo các tỉnh như Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh... còn tha thiết mời ở lại để đưa anh em nghệ sĩ đi diễn ở các huyện vùng sâu, vùng xa phục vụ bà con các dân tộc thiểu số vốn coi các chiến sĩ công an như người nhà".

Năm 2011, Đoàn đã có chuyến đi biểu diễn dài ngày phục vụ bộ đội và nhân dân huyện đảo Trường Sa. Ngoài ra, Đoàn còn có nhiều chuyến đi biểu diễn và giao lưu quốc tế cùng các đoàn công tác của lãnh đạo Bộ Công an đã tạo được ấn tượng tốt đẹp với bạn bè quốc tế.

Tại địa bàn Thủ đô, mỗi năm đoàn cũng có tới hàng trăm buổi diễn phục vụ các hội diễn, liên hoan, các lễ kỷ niệm và các hội thi diễn ra trong toàn ngành. Những chương trình văn hóa văn nghệ của đoàn kỷ niệm 55 năm, 60 năm, rồi 65 năm ngày thành lập lực lượng Công an đều để lại ấn tượng đẹp trong lòng công chúng với những tên tuổi như ca sĩ, NSƯT Đức Lợi, NSƯT Đặng Văn Hà, NSƯT Phan Kim Thành, Thanh Tâm, Minh Lương, Phương Thủây... Nhiều khi, do khối lượng công việc lớn, anh chị em ca sĩ, diễn viên phải làm việc không nghỉ ngày nào. Các ca sĩ, diễn viên của Đoàn Ca múa CAND luôn tự hào cho rằng, những việc mình đang làm cũng giống như bản tình ca thầm lặng mà sâu lắng về người chiến sĩ trên mặt trận bảo vệ an ninh Tổ quốc

Việt Hà
.
.