Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an TP Hà Nội:

Đánh thức những dấu vết

Thứ Năm, 07/05/2009, 17:30
Hỏi, cường độ làm việc của các anh thế nào? Thượng tá Nguyễn Văn Quyền, Trưởng phòng PC21 cười: "24/24 giờ. Hiện giờ chúng tôi có 74 cán bộ chiến sĩ với 6 đội công tác, phần lớn trong số đó lâu lắm chưa nghỉ phép. Thử hình dung, Hà Nội sau khi mở rộng địa bàn rộng lớn, mỗi ngày bao nhiêu vụ án xảy ra, đâu cũng cần kỹ thuật hình sự, từ tai nạn giao thông, đâm chém nhau, cướp của, hiếp dâm…".

Một xác chết được phát hiện, người hiếu kỳ đứng xa chỉ trỏ, người đi đường bịt mũi phóng thật nhanh, không ai dám lại gần vì mùi thối rữa đã bốc lên nồng nặc từ tử thi... Một án mạng trong quán karaoke, cũng không ai dám nhìn vì những vết chém đã làm biến dạng xác chết... Thế nhưng, bất chấp mùi thối rữa, bất chấp mùi máu và nỗi sợ hãi, vẫn có những người cần mẫn soi từng centimet trên hiện trường hay sờ mó từng li trên xác chết để tìm nguyên nhân dẫn đến cái chết của họ. Và đã có vụ án hung thủ phải cúi đầu nhận tội bởi công an có chứng cứ là một dấu vân chân dính máu trên mặt sàn của phòng vệ sinh!

Người làm công việc tỉ mẩn để có chứng cứ góp phần cho quá trình phá án hay buộc tội hung thủ chính là các chiến sĩ của lực lượng Kỹ thuật hình sự!

Mới đây, dư luận xôn xao vì vụ một doanh nhân chết trong xe Lexus trước khu ngoại giao đoàn ở phố Kim Mã. Chỉ 5 ngày sau khi án mạng xảy ra, Công an đã bắt được thủ phạm. Rất nhiều tình tiết của vụ án đã được các phương tiện thông tin đại chúng khai thác và đưa lên mặt báo, nhưng ít ai biết, một chi tiết độc đáo dẫn đến quyết định hướng điều tra và thời gian phá án là do các cán bộ Phòng Kỹ thuật hình sự (PC21) Công an TP Hà Nội phát hiện: Đó là vết máu trên cửa kính chiếc Lexus.

Thượng tá Nguyễn Văn Quyền, Trưởng phòng PC21 kể: Cuộc khám nghiệm hiện trường và chiếc Lexus do Trung tá Lê Minh Tiến, Đội trưởng Đội Khám nghiệm hiện trường phụ trách, nhưng là lãnh đạo phòng, ông cũng đến trực tiếp làm cùng anh em.

Nạn nhân chết do vết cứa làm đứt động mạch cổ. Chiếc xe đắt tiền nhuốm đầy máu. Nạn nhân đã ra ngoài và xe đã di chuyển nên việc xác định vị trí gây án rất khó khăn. Có nhiều giả thuyết được đặt ra: Có thể nạn nhân bị tấn công ở ngoài xe? Có thể hung thủ không quen biết đột nhập tấn công, để cướp, để thanh toán? Mỗi một giả thuyết là một hướng điều tra. Thật khó khăn!

Nhưng sau khi săm soi từng dấu vết trên chiếc Lexus, đặc biệt vết máu phun ở bên trong cửa kính mở của bên ghế lái nơi nạn nhân gục chết, thượng tá Quyền kết luận: Kẻ giết người ngồi sẵn ở trong xe, thực hiện hành vi giết người vào lúc nạn nhân bất ngờ, nên không hề chống cự! Dấu vết và lập luận ấy quyết định hướng điều tra tập trung vào các mối quan hệ thân quen của nạn nhân, và thế là chỉ trong 5 ngày, cảnh sát đã củng cố đủ chứng cứ để tiến hành bắt hung thủ.

Gần 30 năm trong nghề, Thượng tá Nguyễn Văn Quyền, Trưởng phòng và Thượng tá Nguyễn Xuân Hòa, Phó phòng đều nói, đó là một trong những vụ "sạch sẽ" nhất. Còn những vụ khác? Chủ yếu là những vụ mà tử thi đã bị trương thối không còn có thể nhận diện, những vụ hung thủ đốt cả hiện trường để phi tang, những vụ nạn nhân bị đa chấn thương hay bị chặt khúc… Khi không ai muốn đến gần, không ai dám nhìn, thì các anh vẫn phải vạch vòi, không được phép bỏ sót bất kể một dấu hiệu nào. Với những xác chết lâu ngày còn phải giám định cả côn trùng, vi sinh vật để xác định thời gian chết. Khám nghiệm xong, có khi cả tháng trời không làm sao nuốt nổi cơm.

Cán bộ chiến sĩ Phòng Kỹ thuật Hình sự - Công an TP Hà Nội đang tác nghiệp.

"Làm nghề này, rồi đến lúc không còn cảm giác trên đời có món ăn ngon nữa!" - Thượng tá Quyền nói. Vậy mà hàng nghìn vụ khám nghiệm tử thi và giám định pháp y đã qua tay các anh. Mới vào nghề "kinh" lắm, nhưng làm riết rồi quen. Từ những dấu vết các anh phát hiện được đã giúp đẩy nhanh quá trình phá án, hay giúp củng cố thêm những chứng cứ buộc tội, đưa tội ác ra ánh sáng, đấy là điều đã mang lại niềm vui cho các anh. Nghề các anh là khoa học, là cuộc đấu trí thầm lặng dựa trên khám phá, thu thập, phân tích… Những dấu vết không bao giờ là im lặng, đó là những dấu vết biết nói!

Hỏi, có vụ án nào mà khoa học kỹ thuật hình sự quyết định đến kết quả vụ án không? Thượng tá Quyền cười: "Nhiều lắm, làm sao nhớ hết". Rồi ông kể về một vụ án diễn ra trước tết Kỷ Sửu vừa rồi.

Rạng sáng đó, người dân phát hiện có hai thanh niên nằm chết trên phố Bạch Mai. Đêm trước, có hai toán thanh niên đuổi đánh nhau trên phố, hai xác chết sau khi xác minh cho thấy là người của hai toán thanh niên đó. Dư luận ồn ã rằng đây là một vụ thanh toán của hai nhóm giang hồ? Đang sắp tết, lãnh đạo thành phố lo lắng về tình hình trật tự trị an, nếu quả thật có chuyện giang hồ thanh toán nhau thì chuyện lớn rồi.

Sau khi được tin, các cán bộ của PC21 - Công an TP Hà Nội có mặt. Họ xem xét hai xác chết và hướng hai chiếc xe máy. Căn cứ tính chất vết thương trên thi thể, dấu vết va đập của xe và hiện trường xung quanh, cuối cùng kết luận được đưa ra: tai nạn giao thông! Chuyện có vẻ đơn giản, nhưng thực ra nó tác động rất lớn đến tình hình lúc đó, bởi đó là chứng cứ để dập tắt ngay những tin đồn gây hoang mang cho dân chúng trong khi những ngày tết Nguyên đán đang đến gần.

Hỏi, cường độ làm việc của các anh thế nào? Anh Quyền cười: "24/24 giờ. Hiện giờ chúng tôi có 74 cán bộ chiến sĩ với 6 đội công tác, phần lớn trong số đó lâu lắm chưa nghỉ phép. Thử hình dung, Hà Nội sau khi mở rộng địa bàn rộng lớn, mỗi ngày bao nhiêu vụ án xảy ra, đâu cũng cần kỹ thuật hình sự, từ tai nạn giao thông, đâm chém nhau, cướp của, hiếp dâm…".

Có điện gọi là lên đường lập tức, không kể mưa nắng, nóng lạnh hay nửa đêm, vì hiện trường "nóng" là tốt nhất cho kỹ thật hình sự, vậy phải càng nhanh càng tốt. Nhớ những ngày Hà Nội mưa lũ năm ngoái. Dạo ấy người ta phát hiện nhiều xác chết trên các sông hồ thành phố. Nhiều khả năng đó là những người bị nước cuốn. Nhưng nguyên tắc vẫn phải có khám nghiệm pháp y. Mưa, lạnh, người hiếu kỳ mỏi mệt rồi cũng bỏ đi, cuối cùng chỉ còn lại mấy anh công an phường, và lính kỹ thuật hình sự!

Và đâu chỉ có thế, còn biết bao công tác giám định "nguội": biển số xe, số xe giả, chữ ký, chữ viết, giấy tờ bằng cấp giả, nhãn mác hàng hóa, ma túy, thuốc tân dược giả… Hầu như mẫu vật của các phòng ban nghiệp vụ của Công an thành phố, của các quận huyện thu giữ cần giám định đều đưa về đây. Xã hội hiện đại, kinh tế phát triển, mỗi ngày là một bước tiến nhanh của công nghệ, và mặt trái của nó là tội phạm ngày mỗi tinh vi. Cho nên công việc của các anh lắm lúc cứ như con mọn.

Nói kỹ thuật hình sự là công việc thầm lặng, kể cũng đúng. Nhưng nó tràn đầy sự hấp dẫn.

Không hấp dẫn sao có nhà văn viết trinh thám, suốt đời chuyên kể các câu chuyện phá án bằng kỹ thuật hình sự. Văn chương Mỹ có hình tượng chuyên gia hình sự Lincoln Rhyme trong các tiểu thuyết "Gã săn xương", "Chiếc ghế trống", "Quân bài thứ mười hai", v.v. Các tiểu thuyết này được Holywood dựng thành phim, và chuyên gia Lincoln Rhyme một thời trở thành thần tượng của thanh niên Mỹ.

Không hấp dẫn sao ở PC21 này có những người gắn bó đến 20-30 năm? Trong điều tra phá án, kỹ thuật hình sự giải các bài toán hóc búa một cách chuẩn xác. Kỹ thuật hình sự là khoa học, cho nên khi các dấu vết lên tiếng thì không có lý lẽ nào chối cãi được. Ngày nay, các tiến bộ của khoa học kỹ thuật được ứng dựng trên khắp thế giới, giám định hình ảnh, tự dạng, âm thanh, hóa học, sinh học… đều qua máy móc. Thành tựu cao nhất của công nghệ sinh học là công nghệ gien đã ứng dựng ở Việt Nam, tại PC21 - Công an TP Hà Nội cũng đã có máy và cán bộ thực hiện đọc, so sánh gien. Rồi công nghệ sẽ từng ngày tinh vi hơn, vậy các vụ án và hành vi tội phạm dẫu có tinh vi cách mấy đi nữa rồi sẽ bị các anh "đọc" ra!

Thượng tá Nguyễn Văn Quyền dẫn tôi đi xem các phòng kỹ thuật. Các phòng máy giá trị hàng triệu đôla: máy phân tích hóa học, máy đọc gien… đều được trang bị thế hệ mới. Hỏi, máy móc tinh vi vậy, con người ra làm sao? Người chiến sĩ trẻ đang vận hành máy đọc các chất hóa học trả lời ngay, các anh chị vốn được đào tạo bài bản từ các đài học bên ngoài, như ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Y khoa…, và mỗi một thế hệ máy mới về hay mỗi một công nghệ mới ra đời, đều phải đi đào tạo bổ sung.

Máy tốt, con người không tốt coi bằng không, mà mỗi một chiếc máy tốn bao nhiêu tiền của nhân dân, nên cán bộ ở đây tự thấy trách nhiệm nặng trên vai mình: phải xứng với sự đầu tư của Nhà nước, phải luôn tự trau dồi mình để bắt kịp các tiến bộ kỹ thuật của thế giới. Vậy có đi đào tạo ở các nước kỹ thuật tiên tiến không? Có chứ, nếu có điều kiện! Người chiến sĩ trả lời chắc chắn vậy, rồi cười.

Tôi hỏi anh Quyền, anh Hòa, các anh có nhớ trong đời mình đã khám nghiệm, giám định bao nhiêu vụ việc không. Các anh cười: "Chịu, làm sao nhớ hết! Làm sao nhớ! Đây là công việc hàng ngày, bình thường, thì làm sao ghi nhớ cho xuể!".

Nhưng Đảng, Nhà nước thì không quên vinh danh các anh. Trong hơn 50 năm hoạt động của lực lượng kỹ thật hình sự thủ đô, lực lượng đã được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (năm 1985), được nhận Huân chương chiến công hạng Nhì (năm 2007), các bằng khen, giấy khen của Chính phủ, của Bộ Công an, của Công an TP thì nhiều lắm. Vinh dự gắn với trách nhiệm, tôi cảm nhận tinh thần ấy thấm đẫm nơi mỗi chiến sĩ PC21 - Công an TP Hà Nội

Trần Thanh Hà
.
.