Cuộc chiến thầm lặng chống gián điệp biệt kích

Thứ Năm, 14/09/2006, 14:00

Một trong những chiến công oanh liệt của lực lượng công an trong 61 năm qua là đập tan âm mưu thu thập tình báo, gây cơ sở, lập “mật khu” để hoạt động lâu dài tại một số khu vực miền Bắc Việt Nam.

Còn nhớ, vào thời điểm này của hơn 40 năm về trước, cùng với việc chuẩn y quyết định của Hội đồng an ninh, Tổng thống Kennedy ký lệnh triển khai “chiến dịch chiến tranh bí mật phá hoại miền Bắc Việt Nam”, thực hiện cái mà chúng gọi là “đánh vào nguồn gốc xâm lược” từ Bắc Việt Nam. Kennedy đề ra các biện pháp chủ yếu là sử dụng lực lượng đặc biệt của Nam Việt Nam (gián điệp biệt kích) còn gọi là “Liên đội quan sát số 1” thuộc Sở liên lạc Tổng thống phủ (cơ quan tình báo trung ương nguỵ), gồm phần đông là bọn nguỵ quân, nguỵ quyền phản động cũ miền Bắc di cư do CIA và lực lượng đặc biệt Mỹ trực tiếp chỉ đạo, huấn luyện, trang bị và tung ra phá hoại miền Bắc.

22h5 ngày 27/5/1961, toán gián điệp biệt kích Mỹ - Nguỵ đầu tiên mang mật danh “Castor” nhảy dù xuống điểm cao 828 thuộc bản Hỳ, xã Phiềng Ban, châu Phù Yên, tỉnh Sơn La. Âm mưu thu thập tình báo, gây cơ sở, lập “mật khu” hoạt động lâu dài ở miền Bắc. Ngay sau khi phát hiện địch xâm nhập, cấp uỷ địa phương đã nhanh chóng huy động lực lượng công an vũ trang và dân quân bao vây, truy lùng.

Sau 4 ngày, toàn bộ toán gián điệp biệt kích gồm 4 tên do Hà Văn Chấp (dân tộc Thái, thượng sĩ) chỉ huy đã bị bắt cùng toàn bộ vũ khí, điện đài và phương tiện hoạt động của chúng. Qua đấu tranh khai thác thấy xuất hiện điều kiện và khả năng “dùng địch đánh địch”, Bộ Công an quyết định mở chuyên án gián điệp biệt kích (bí số PY 27) để tìm hiểu sâu về âm mưu, phương thức và thủ đoạn hoạt động gián điệp mới của Mỹ Nguỵ.

Trinh sát tham gia chuyên án PY27 thực hiện phiên liên lạc bằng vô tuyến điện (1964).

Bộ Công an giao cho đồng chí Nguyễn Tài, Cục trưởng Cục bảo vệ chính trị phụ trách đội trinh sát chống gián điệp biệt kích và chỉ đạo chuyên án này. Mở đầu chuyên án, đúng 12h trưa ngày 9/6/1961, ta điều khiển và giám sát chặt chẽ tên hiệu thính viên toán “Castor” thực hiện phiên liên lạc đầu tiên, chuyển về trung tâm chỉ huy địch bản mật điện nằm trong kế hoạch đấu tranh của cơ quan an ninh ta.

Nhận được điện báo của “Castor”, trung tâm chỉ huy địch hí hửng. Bốn ngày sau, chúng đã hẹn tiếp tế. Theo đúng kế hoạch, ta chuẩn bị cho cuộc đón tiếp này hết sức kỹ lưỡng. Trước giờ hẹn 20 phút, theo đúng quy ước, ta cho đốt hỏa châu và điều khiển toán trưởng Hà Văn Chấp liên lạc với tên phi cơ trưởng chuyến bay. Mọi việc thông suốt, chỉ còn ít phút nữa máy bay đến điểm hẹn thì đột nhiên liên lạc bị mất. Tình hình lúc này trở nên phức tạp. Toàn đội nhận lệnh sẵn sàng chiến đấu.

Vài giờ sau, ban chỉ huy chuyên án đã nhận được thông báo của Bộ. Chiếc máy bay Dacota C47 của địch đến địa phận Ninh Bình đã bị tai nạn rơi xuống vùng đầm lầy gần nông trường Bình Minh, huyện Kim Sơn: 2 tên bị chết, 8 tên sống sót, trong đó tên phi cơ trưởng đã bị công an vũ trang đồn số 41 và dân quân địa phương bắt.

Để tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ và tay sai và đánh lạc hướng địch, chính phủ ta đã cho đưa tin công khai trên đài, báo chí và tổ chức triển lãm vụ máy bay C47 của Mỹ - Nguỵ chở gián điệp biệt kích ra phá hoại miền Bắc bị rơi. Sự kiện này khiến địch hết sức lo lắng sợ “Castor” bị lộ, chúng tiến hành kiểm tra gắt gao và ra lệnh cho bọn này phải liên tục di chuyển. Chuyên án của ta có nguy cơ phải huỷ bỏ.

Trước tình hình đó, để xóa nghi ngờ của địch, giữ bí mật chuyên án, Bộ đã chỉ đạo các lực lượng tham gia chuyên án tiến hành các biện pháp nghiệp vụ một cách thận trọng và đồng bộ. Để tránh sự kiểm tra của địch bằng máy dò định vị, các chiến sĩ của ta cũng phải mang theo điện đài, di chuyển theo đúng những lộ trình mà địch vạch ra. Trong suốt 8 tháng ròng rã, địch đã “đưa” “Castor” đi dọc sông Đà trên địa bàn núi rừng Tây Bắc hiểm trở. Tổ chuyên án của ta cũng phải trèo đèo lội suối di chuyển theo.

Càng đi, càng xa dân, việc nhận tiếp tế của ta càng trở nên cách trở. Nhiều khi thiếu lương thực, các chiến sĩ đã phải đào củ mài, hái rau rừng để ăn. Song tất cả cán bộ, chiến sĩ đều quyết tâm thực hiện đúng lời hứa với đồng chí Bộ trưởng trước lúc nhận nhiệm vụ: “trận đầu chỉ thắng, không được thua”.

Cũng trong suốt 8 tháng đó, Ban chỉ đạo chuyên án - “Bộ não” của ta đã bố trí một kế hoạch giả để hợp lý hoá hoạt động từng ngày của “Castor” đồng thời cung cấp cho địch nhiều tin tức và mục tiêu tình báo giả hoặc không còn giá trị. Những tin tức đó có tác dụng vừa thỏa mãn được yêu cầu của địch, vừa gây cho chúng lòng tin, bảo vệ được bí mật chuyên án.

Khi chuyên án bắt đầu tiến triển thuận lợi, “Bộ não” của ta cho “Castor” thực hiện thành công vụ phá cầu Tà Vài nằm trên đường Mộc Châu đi Yên Châu. Đây là chiếc cầu nhỏ nằm ở một vị trí ít quan trọng và đã bị hư hỏng nhiều, ta đã có kế hoạch phối hợp với các ngành khác xây dựng lại nhanh chóng sau khi phá. Sau đó, ta tung tin sang Lào và được biết trung tâm địch đã cử người lên tận biên giới Lào - Việt kiểm tra kết quả. Với “chiến công” này, “Castor” đã được trung tâm địch điện báo trao tặng “anh dũng bội tinh hạng nhất” và thưởng cho mỗi tên 40.000 đồng/tháng.

Thời gian trôi đi, “nhà tình báo” chiến lược “Castor” tiếp tục cung cấp nhiều tin tức tình báo và nhiều mục tiêu phá hoại quan trọng về kinh tế và quốc phòng ở miền Bắc Việt Nam. “Gió lốc” đã thực hiện nhiều vụ phá hoại nhưng không xuể. Theo yêu cầu của “Castor” và “Gió lốc”, trung tâm địch tung thêm các toán gián điệp biệt kích bổ sung. Thế là tất cả bọn chúng đã bị cuốn vào “trò chơi nghiệp vụ” của cơ quan công an nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Từ sau “Gió lốc”, lần lượt các toán “Coots” 7 tên, toán “Perseur” 7 tên, “Gió lốc 2” 6 tên và “Verse” 8 tên bị sa lưới. Đến ngày 23/12/1966, sau hơn 5 năm đấu tranh, chuyên án PY27 đã kết thúc thắng lợi. Cũng trong chuyên án này, ta đã câu nhử và tổ chức đón nhận 18 lần tiếp tế của địch, thu hàng tấn vũ khí, chất nổ, đạn rocket 3,5 và nhiều loại máy móc hiện đại như máy đo chấn động, máy nghe trộm điện thoại, máy phóng đẩy truyền đơn...

Các loại chất nổ, vũ khí thu được qua các chuyên án gián điệp biệt kích được kịp thời gửi vào miền Nam cho lực lượng vũ trang của ta đánh địch. Các trận đánh sân bay Biên Hoà, Tân Sơn Nhất, khách sạn Dạ Hương, Vichtoria... đã làm tan xác hàng trăm tên sĩ quan Mỹ – Nguỵ bằng chính những chất nổ cực mạnh của chúng.

Trong cuộc chiến đấu thầm lặng này, địch đã thất bại thảm hại: hầu hết các toàn gián điệp biệt kích chúng tung ra phá hoại miền Bắc đều bị quân và dân ta bắt gọn. Riêng ngành công an tiến hành 19 chuyên án đã câu nhử, bắt sống và tiêu diệt tổng số 121 tên, góp phần phá tan âm mưu “nội công, ngoại kích” của kẻ thù

Xuân Nguyễn
.
.