Công an Nam Bộ những ngày đầu kháng chiến

Thứ Sáu, 19/08/2005, 07:57

Cách đây 60 năm, vào những ngày đầu tháng 9 lịch sử, giữa lúc các tầng lớp nhân dân ở mọi miền đất nước còn đang phấn khởi, nô nức chào đón chính quyền nhân dân vừa thành lập thì ở Nam Bộ, thực dân Pháp lại rắp tâm thực hiện ý đồ xâm lược nước ta lần thứ 2. Không cam chịu làm nô lệ, nhân dân Nam Bộ cùng cả nước lại tiếp tục đứng lên kháng chiến vì độc lập và tự do của Tổ quốc.

Sáng 23/9/1945, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, các thế lực phản cách mạng như Đại Việt Quốc dân Đảng, những phần tử phản động, bọn mật thám vốn là tay sai của Nhật - Pháp trước đây được dịp trở lại hoạt động chống phá chính quyền cách mạng đang trong thời kỳ trứng nước. Trước hành động xâm lược của thực dân Pháp, Xứ uỷ Nam Bộ tổ chức Hội nghị mở rộng khẩn cấp tại một địa điểm ở khu vực Chợ Lớn để đi đến quyết định lịch sử, động viên các tầng lớp nhân dân đứng lên cầm vũ khí kháng chiến chống thực dân Pháp.

Ngày 23/9 năm ấy, ủy ban Hành chính Nam Bộ đã phát đi lời kêu gọi đồng bào các tỉnh Nam Bộ tham gia kháng chiến cứu quốc, biến Sài Gòn thành một thành phố “không điện, không nước, không cửa hàng và không chợ búa” với mục đích để vây hãm quân thù. Sau đó 3 ngày, ngày 26/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi đồng bào Nam Bộ. Trong thư, Người nêu rõ quyết tâm của nhân dân ta: “Thà chết tự do còn hơn sống nô lệ”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, mặc dù còn gặp trăm ngàn khó khăn, nhân dân các tỉnh miền Bắc đã gửi thuốc men, vũ khí và phát động phong trào “Nam tiến” ủng hộ đồng bào Nam Bộ kháng chiến. Chỉ trong một thời gian ngắn, đã có hàng chục chuyến tàu chở các đoàn quân “Nam tiến” từ Thủ đô Hà Nội, căn cứ địa Việt Bắc, các tỉnh vùng duyên hải, Bắc Trung Bộ... lên đường vào miền Nam cùng quân và dân Nam Bộ chiến đấu chống kẻ thù xâm lược.

Mặc dù lực lượng còn ít, vũ khí trang bị còn thô sơ, nhưng các chiến sĩ trong các đội Quốc gia tự vệ cuộc (Tổ chức tiền thân của lực lượng Công an Nam Bộ) dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Phạm Hùng, Phó Bí thư Xứ uỷ đã thực sự trở thành những lực lượng vũ trang tin cậy của Đảng ở Nam Bộ. Tại Sài Gòn, lực lượng Quốc gia tự vệ cuộc đã phối hợp với lực lượng Công đoàn xung phong và Thanh niên xung phong sử dụng các loại vũ khí thô sơ, bố trí trên các chốt ở một số khu vực trong nội thành để hình thành các tuyến bao vây địch, bảo vệ các đồng chí lãnh đạo chủ chốt trong các cơ quan Đảng và chính quyền; một bộ phận khác tham gia chiến đấu, truy quét bọn Việt gian phản động làm tay sai cho địch và phối hợp với các lực lượng khác tổ chức đánh địch ở nhiều nơi như Sở Chữa cháy, Nhà ga xe lửa Sài Gòn... Một bộ phận khác chủ động rút về các vùng đệm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ các cơ quan và vận chuyển thiết bị, dụng cụ y tế và thuốc men ra vùng kháng chiến; củng cố và xây dựng lực lượng. Còn ở các tỉnh, lực lượng Công an dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp uỷ đã tổ chức nhiều đợt truy quét và trấn áp bọn phản động, trừng trị những tên tề ngụy nguy hiểm có nhiều nợ máu với nhân dân, hỗ trợ tích cực cho cuộc kháng chiến ở địa phương.

Ngày 25/10/1945, Hội nghị cán bộ Nam Bộ đã họp tại huyện Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) quyết định những vấn đề quan trọng về chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Pháp. Dự Hội nghị có đồng chí Hoàng Quốc Việt, ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng và các đồng chí cán bộ lãnh đạo vừa từ Côn Đảo trở về như đồng chí Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng... Hội nghị cũng đã quyết định những vấn đề quan trọng về chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Pháp, củng cố và xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp và toàn diện của Đảng; xây dựng và phát triển các đội trừ gian, các cơ sở bí mật trong thành phố, thị xã bị địch tạm chiếm. Hội nghị đã cử đồng chí Tôn Đức Thắng, một chiến sĩ cách mạng lão thành, phụ trách ủy ban kháng chiến và chỉ đạo lực lượng vũ trang.

Sau Hội nghị, cùng với công tác trấn áp phản cách mạng, phát hiện và bóc gỡ mạng lưới gián điệp, lực lượng Quốc gia tự vệ cuộc đã tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để nắm âm mưu, kịp thời chủ động đối phó, ngăn chặn hoạt động phá hoại của chúng. Trong đó phải kể đến chiến công của các trinh sát trong việc xây dựng cơ sở trong Sở Mật thám và Cảnh sát đặc biệt miền Đông nên đã nắm được nhiều tin tức quan trọng, biết trước những cuộc hành quân đánh chiếm của địch, kịp thời báo cáo ra vùng căn cứ. Cũng từ những thông tin này mà ta đã chủ động đối phó, tránh được những tổn thất cho lực lượng kháng chiến.

Khi địch đánh rộng ra ngoại thành, các lực lượng Quốc gia tự vệ cuộc đã phối hợp với các đơn vị khác tổ chức, chiến đấu ngăn chặn các mũi tiến quân của địch. Đặc biệt, ngày 12/11/1945, dưới sự chỉ huy của đồng chí Lê Bình, “Đội cảm tử quân” gồm các đồng chí trinh sát: Bùi Quang Trinh, Cao Minh Lộc, Lê Nhật Tảo, Trần Chiến, Trần Hữu Nghị, Lê Thị Nguyệt Ánh được sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang và du kích địa phương tiến đánh Sở chỉ huy hành quân của Pháp ở thị trấn Cái Răng, tiêu diệt nhiều sĩ quan và binh lính Pháp. Sau một thời gian chiến đấu giam chân địch, một bộ phận các chiến sĩ Quốc gia tự vệ cuộc hoạt động tại các đô thị đã chủ động rút ra khỏi thành phố, thị xã, tổ chức lại lực lượng kháng chiến lâu dài.

Vậy là qua ba tháng chiến đấu, lực lượng Quốc gia tự vệ cuộc Sài Gòn - Chợ Lớn phối hợp với các lực lượng vũ trang đã làm thất bại kế hoạch “lấy lại Nam Kỳ trong vòng 18 ngày” của tướng Leclerc. Trong cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ 2 này, thực dân Pháp đã vấp phải một bức tường thép không thể phá vỡ, đó là tinh thần của những người dân không chịu trở lại cuộc đời nô lệ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cuộc kháng chiến không hề bị dập tắt, hơn thế phong trào vẫn bùng lên mạnh mẽ khắp nơi.

Ngày 6/1/1946, cuộc Tổng tuyển cử được tiến hành khắp cả nước trong hoàn cảnh thù trong, giặc ngoài đang tìm mọi cách lật đổ chính quyền cách mạng. ở miền Nam, cuộc bầu cử diễn ra trong lúc quân Pháp đã mở rộng chiếm đóng các đô thị, nhiều vùng bị chúng kiểm soát, đàn áp, khủng bố, song nhân dân Nam Bộ đã đi bỏ phiếu dưới làn đạn của kẻ thù. Lực lượng Quốc gia tự vệ cuộc vừa vận động nhân dân đi bỏ phiếu, vừa bảo vệ các hòm phiếu, bảo vệ đồng bào đi bỏ phiếu và di chuyển các hòm phiếu ra vùng căn cứ. Một số cán bộ, chiến sĩ Quốc gia tự vệ cuộc đã hy sinh anh dũng khi làm nhiệm vụ vận động và bảo vệ bầu cử. Lần đầu tiên trong lịch sử nước ta một Quốc hội dân chủ, tiến bộ thật sự của nhân dân ra đời. Đồng chí Hồ Chí Minh được bầu giữ chức Chủ tịch Chính phủ.

Sáu thập kỷ trôi qua, chiến công của những chiến sỹ Công an Nam Bộ ngày ấy mãi mãi là những dấu ấn không thể nào quên trong lịch sử Công an nhân dân

Mai Nga
.
.