Có một người Thầy

Thứ Năm, 29/07/2021, 13:15
Gặp Trung tá Đỗ Quang Thái, Phó đội trưởng, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và Cứu nạn cứu hộ (CNCH) Công an tỉnh Nam Định, tại trụ sở Công an tỉnh Nam Định, khi anh đang say mê truyền đạt về nghiệp vụ PCCC cho lực lượng Công an xã chính quy.


Cái nóng của những ngày cao điểm hè không làm giảm sức hấp dẫn trong từng lời "giảng" của anh. "Học sinh" của anh - những đồng chí Công an xã chính quy với nét mặt hào hứng, chăm chú lắng nghe, không chuyện trò, không điện thoại. Dành trọn những phút nghỉ giải lao, anh kể về cái duyên đến với công tác tuyên truyền về PCCC, về những trăn trở, mong mỏi để người dân hiểu về sự tàn phá khủng khiếp của ngọn lửa mà chủ động phòng ngừa.

Cái duyên với nghề

Chia sẻ về công tác tuyên truyền PCCC, đối với Trung tá Đỗ Quang Thái là một "mối duyên". 4 năm sinh viên, anh đã rất yêu thích phong cách giảng bài cũng như cách tổ chức bài giảng rất có sức hút của các thầy, cô ở trường. Ngoài những môn chuyên ngành, anh còn may mắn được tham gia nhiều buổi tọa đàm, nói chuyện chuyên sâu về công tác PCCC, CNCH do các chuyên gia đầu ngành chủ trì. Tham gia những hoạt động đó, anh mong muốn được trau dồi thêm kiến thức của bản thân về chuyên ngành đang học.

Trung tá Đỗ Quang Thái, Phó đội trưởng, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Nam Định.

Năm 1998, tốt nghiệp Trường Cao đẳng PCCC (nay là Đại học PCCC và CNCH), chàng trai trẻ Đỗ Quang Thái về nhận nhiệm vụ tại Đội Kiểm tra, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Nam Định, ngoài công tác kiểm tra, hướng dẫn về công tác PCCC, anh được lãnh đạo phân công đảm trách thêm công tác tuyên truyền, huấn luyện. Từ đây, anh chính thức "bén duyên" với nghề "kể" về ngọn lửa; cũng từ đây, anh được gọi với danh xưng "thầy Thái phòng cháy".

Thời điểm đầu mới nhận nhiệm vụ, Đỗ Quang Thái gặp không ít khó khăn trong việc làm quen với cách xây dựng bài tuyên truyền; làm sao để đảm bảo đúng, đủ kiến thức, thông tin pháp luật mà vẫn hấp dẫn người nghe. Dù kiến thức, chuyên môn PCCC đã được đào tạo song anh nhận thấy bản thân còn thiếu kiến thức thực tế. 

Đỗ Quang Thái đã dành nhiều thời gian tìm đọc những văn bản đánh giá về tình hình cháy, nổ trên địa bàn tỉnh Nam Định; lắng nghe những câu chuyện nghề của lãnh đạo, chỉ huy, của những đồng chí đi trước trong đơn vị để tích lũy kiến thức. Mỗi khi bắt gặp một ý, một đoạn nào đó đánh giá sâu sắc về công tác PCCC, CNCH, anh đều cẩn thận ghi chép lại, lưu riêng một tập tài liệu để khi cần có thể tìm được ngay. 

Khi lập gia đình với một cô giáo, anh đã không ngần ngại học hỏi phương pháp soạn giáo án của người bạn đời để áp dụng vào công việc tuyên truyền của bản thân. Những bài tuyên truyền đầu tiên được anh nắn nót chép tay từng câu chữ. Sau này, khi có máy tính rồi kỹ thuật trình chiếu hỗ trợ, anh đã lồng ghép thêm hình ảnh, video minh họa tạo sự đa dạng, hấp dẫn, gây sự chú ý của người được tuyên truyền.

Đến bây giờ, đã trải qua 23 năm với nhiệm vụ truyền đạt kỹ năng về PCCC, Trung tá Đỗ Quang Thái vẫn nhớ cảm giác bỡ ngỡ và hồi hộp của những ngày đầu "lên lớp".

"Muốn người ta làm theo thì phải vững kiến thức"

Trung tá Đỗ Quang Thái quan niệm "Muốn người ta hiểu thì phải nói thật, muốn người ta làm theo thì phải vững kiến thức, muốn nội dung tuyên truyền hấp dẫn được người nghe thì phải dẫn được nhiều câu chuyện có thật". Vậy nên, ngoài thời gian làm việc tại đơn vị, anh rất chú trọng việc đi thực tế tại các cơ quan, doanh nghiệp, khu dân cư, thôn, xóm lồng nghép trong các buổi hướng dẫn, kiểm tra để hiểu thêm về thực tế công tác PCCC, từ đó có thêm mối liên hệ với những bài giảng tuyên truyền.

Với đối tượng tuyên truyền là người dân, anh sẽ chú trọng về những kỹ năng sống hàng ngày, cách xử lý tình huống chập, cháy dễ xảy ra. Chẳng hạn như kỹ năng sử dụng bình gas trong nấu ăn hàng ngày, cách sử dụng các thiết bị điện an toàn để chiếu sáng, làm mát; khi có cháy thì phải làm gì và làm thế nào để dập lửa, cách thoát hiểm thoát nạn cho mình và những người thân bên cạnh... Bởi thực tế, Nam Định đã có vụ cháy, nạn nhân thiệt mạng chỉ vì không tìm được chìa khóa để mở cửa, không biết cách chạy thoát hiểm thế nào để đảm bảo an toàn tính mạng...
Một số hình ảnh tại Hội nghị tập huấn công tác PCCC và CNCH cho các hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Nam Định.

23 năm gắn bó với công tác tuyên truyền, nhiệm vụ khó nhất mà Trung tá Đỗ Quang Thái đã hoàn thành chính là công tác vận động, thuyết phục thành công người dân xã Mỹ Thắng (huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) đồng thuận với các biện pháp phòng ngừa cháy, nổ của Công an tỉnh Nam Định. Mỹ Thắng là xã tập trung nhiều hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh về may mặc và chăn, ga, gối, đệm. Phần nhà ở và phần kinh doanh không tách bạch riêng rẽ, mọi khoảng không trong nhà được tận dụng để chứa hàng. Kiến thức và kỹ năng về PCCC, thoát hiểm thoát nạn của các hộ dân còn nhiều hạn chế.

Cùng với các đồng chí được phân công, Trung tá Đỗ Quang Thái đến từng hộ gia đình, hộ sản xuất kinh doanh thăm hỏi, vận động, trò chuyện bằng tất cả sự chân tình và dần để lại ấn tượng, sự cảm mến. Để rồi, từ khởi đầu cự tuyệt, dè dặt, nghi ngại, họ đã vui vẻ đăng ký tham gia và đã đến tham dự Hội nghị tập huấn công tác PCCC và CNCH được tổ chức vào ngày 15/9/2020, tại trụ sở UBND xã Mỹ Thắng. Trung tá Thái trực tiếp đảm nhận phần truyền đạt kiến thức về lý thuyết. Thấy người dân ngồi chật kín hội trường và hành lang bên ngoài nghiêm túc lắng nghe, trong anh vỡ òa bao niềm vui, những vất vả của hơn 60 ngày phơi nắng, kiên trì vận động người dân Mỹ Thắng bỗng tan biến hết. Tiếp nối thành công của Hội nghị tập huấn này, hiện nay Trung tá Thái đang cùng anh em trong đơn vị tham mưu với lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH xây dựng mô hình Khu dân cư, làng nghề an toàn PCCC tại làng Sắc, xã Mỹ Thắng.

Trăn trở với các bài giảng về "giặc lửa"

Hơn 20 năm gắn bó với lực lượng PCCC và CNCH, Trung tá Đỗ Quang Thái vẫn không khỏi ám ảnh mỗi lần đến hiện trường vụ cháy, vụ tai nạn. Vụ cháy cửa hàng sửa chữa điện tử, điện lạnh ở xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định vào ngày 22/4/2018 là một ví dụ. Căn nhà bùng cháy do chập điện. Nghe tiếng kêu cứu của 3 mẹ con trong ngôi nhà, người dân xung quanh chạy đến ứng cứu. Lực lượng Cảnh sát chữa cháy cũng đến hiện trường dập lửa cứu người. Nhưng vì không tìm được chìa khóa nên khi phá được cửa, 3 mẹ con được đưa ra ngoài nhưng đều đã tử vong.

Làm thế nào để nâng cao nhận thức của người dân về an toàn cháy, nổ là vấn đề Trung tá Đỗ Quang Thái luôn trăn trở. Vậy nên, mỗi bài tuyên truyền về PCCC được anh soạn thảo đều chứa đựng nhiều tâm tư, nội dung phải hấp dẫn, thu hút người nghe để họ nhớ; từ đó, nhìn nhận lại chính cuộc sống làm việc, sản xuất và sinh hoạt hàng ngày của từng cơ quan, doanh nghiệp, từng bản thân và gia đình, thấy được những thiếu sót sơ hở mà chỉnh sửa, phòng ngừa. Anh cho rằng, bên cạnh sự cố gắng của lực lượng cảnh sát PCCC, sự chung tay của cả cộng đồng thì mỗi cá nhân cần nêu cao tinh thần cảnh giác với giặc lửa, đồng thời trang bị cho mình những kĩ năng cần thiết để xử lý tình huống cháy cũng như thoát hiểm, thoát nạn.

Chuyên tâm với công tác tuyên truyền, huấn luyện về PCCC và CNCH, Trung tá Đỗ Quang Thái đã được ghi nhận, biểu dương bằng nhiều hình thức khen thưởng. Nhưng vốn là người giản dị, khiêm tốn, anh luôn khẳng định: "Những thành tích đạt được là do công lao của cả tập thể. Nếu chỉ có một mình tôi, chắc chắn không thể đạt được". Tin rằng, anh và đồng đội sẽ cố gắng hơn nữa để kìm chế số vụ và thiệt hại do cháy bằng nhiều biện pháp, trong đó có biện pháp tuyên truyền về PCCC. Bởi, phòng cháy là cách tốt nhất để bảo vệ tài sản, tính mạng của mọi người.

Bích Mận
.
.