Chuyện về người chiến sĩ an ninh quả cảm

Thứ Ba, 25/11/2014, 08:00
Trong cuốn Lịch sử biên niên Công an Quảng Trị giai đoạn 1945 - 1975, về liệt sĩ Văn Ngọc Bé chỉ vỏn vẹn mấy dòng "...bọn địch ập đến bất ngờ nổ súng, đồng chí Hoà hy sinh, đồng chí Bé - An ninh vũ trang bảo vệ đồng chí Hồ Sỹ Thản bị thương nặng, đồng chí Thản được hai đồng chí Tâm và Trị, An ninh vũ trang đưa xuống hầm bí mật...". Lần theo những dòng ghi trong cuốn lịch sử này, tôi tìm lại quê hương và đồng đội của Liệt sĩ Văn Ngọc Bé - người chiến sĩ An ninh đã anh dũng hy sinh để bảo vệ an toàn cho đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị ngày ấy...

Tôi về xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, quê hương của liệt sĩ An  ninh vũ trang Văn Ngọc Bé vào một buổi trưa tháng 11 nắng vàng rực rỡ. Ông Văn Ngọc Lối, người em duy nhất của liệt sĩ Văn Ngọc Bé xúc động dẫn tôi đến Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hải Phú để thăm mộ anh. Trong làn khói hương trầm thơm, ông Lối kể với tôi chuyện của người dưới mộ: "Nhà chỉ có hai anh em. Cha bị bệnh hiểm nghèo, mất sớm khi anh Bé tròn 4 tuổi; còn tui mới đầy 3 tháng. Rồi mẹ tui cũng theo cha tui mà "đi". Anh em tui sống nhờ bà con, họ hàng, lối xóm; lớn chút nữa thì chăn trâu, ở đợ. Anh Bé tuổi Quí Mùi - 1943. Năm 1959, khi 16 tuổi, anh bắt đầu tham gia kháng chiến. Quê hương tui nằm trong lòng địch, nhưng có truyền thống cách mạng. Sau kháng chiến chống Mỹ, cả gia đình tui có 2 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; 10 liệt sĩ. Ông nội tui cũng là liệt sĩ. Bây giờ còn mỗi mình tui là người thừa tự. Anh Bé đi kháng chiến rồi đi mãi, khi hy sinh vẫn chưa có tấm chân tình của người con gái nào!...". Giọng ông Lối chùng xuống, ánh mắt rưng rưng ngấn lệ.

Cũng theo lời kể của ông Lối: Từ năm 1959, anh Bé được biên chế vào đơn vị 45 - An ninh vũ trang bảo vệ Tỉnh ủy Quảng Trị. Từ đó, hai anh em đều bận công tác nên không được gặp nhau. Mãi đến năm 1965, sau 7 năm xa cách, họ gặp lại nhau trên đường công tác, chỉ nhìn thấy nhau, vẫy chào nhau thôi chứ không kịp trao đổi điều gì. Cho đến năm 1967, hai anh em lại được gặp nhau lần nữa, rồi anh Bé hy sinh. Ông Lối khẽ khàng: "Lúc còn nhỏ anh Bé đi chăn trâu ở đợ, tui ở với bà cô. Lớn chút là anh đi kháng chiến, tui đi làm thuê, buôn bán, rồi tham gia kháng chiến. Anh em côi cút vậy mà cứ xa nhau hoài. Bây giờ cứ nghĩ tới là tủi, là thương, là lưu luyến với anh lắm!...".

Rời Hải Phú, Hải Lăng, tôi ngược ra thành phố Đông Hà tìm gặp ông Trần Văn Yến, nguyên Tổ trưởng Tổ Đảng bảo vệ Tỉnh uỷ Quảng Trị năm 1967 để biết thêm về sự hy sinh của liệt sĩ Văn Ngọc Bé. Ông Yến nhiệt tình nói với tôi, dù đã xấp xỉ bảy mươi, sức khoẻ không còn nhiều nhưng trách nhiệm của ông và đồng đội là phải kể lại tất cả những gì mình chứng kiến trong cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược cho hậu thế biết một cách chính xác nhất.

Ông Văn Ngọc Lối thắp hương trước mộ liệt sĩ Văn Ngọc Bé trong Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hải Phú.

Về trường hợp hy sinh của đồng chí Văn Ngọc Bé, ông bảo: "Tôi chỉ khái quát một câu thế này, con người ai cũng khát khao được sống, nhưng khi cận kề cái chết, người ta biết chết như thế nào cho xứng đáng, như vậy cũng đủ để người đời ngưỡng mộ. Còn đồng chí Bé, lúc đó bị thương rất nặng, đồng chí khát khao được sống biết bao! Vậy nhưng đồng chí đã từ chối sự sống đáng quí đó với mong muốn phải bảo vệ tuyệt đối an toàn đồng chí Bí thư Tỉnh ủy. Hành động đó chính là hành động anh hùng của một người anh hùng!".

Theo lời ông Yến kể lại, đồng chí Nguyễn Quốc Trị, nguyên chiến sĩ bảo vệ thuộc đơn vị 45 bảo vệ Tỉnh uỷ, trong cuộc họp sau trận càn đó đã báo cáo Khu ủy toàn bộ diễn biến tình hình và được Khu ủy tặng thưởng Huân chương chiến công hạng 3 về thành tích bảo vệ an toàn đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Hồ Sỹ Thản. Câu chuyện vẫn còn in đậm trong ký ức ông Yến. Đó là một ngày tháng 6/1967, hai đồng chí lãnh đạo đang họp bàn công tác tại một gia đình cơ sở. Lúc 7h30' có tin giặc đến. Chị cơ sở chạy đi nắm tình hình. Trong nhà có hai chiếc hầm bí mật cùng một số hầm dự phòng ở ngoài bờ hóp (cây hóp giống cây tre - NV). "Tôi mở cửa đưa đồng chí Hòa - Bí thư Huyện ủy Hải Lăng và đồng chí Hồ Sỹ Thản - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị xuống hầm bí mật. Ba anh em bảo vệ chúng tôi, gồm: Trị, Tâm và Bé ở lại phía trên. Sau một tiếng đồng hồ, tình hình trở nên im ắng. Chị cơ sở đi về báo tin không có địch càn. Mọi người thở phào đưa các đồng chí lãnh đạo lên ngồi họp bàn công việc nơi chiếc giường cạnh liếp cửa. Nhóm bảo vệ chia làm hai canh gác hai đầu… Thế nhưng, thật bất ngờ, hai tốp thám báo giả dạng thường dân, súng ống đeo dọc thân người bỗng từ đâu xuất hiện ngay trên con đập trước nhà. Không kịp nữa rồi! Một loạt trung liên vang lên, đồng chí Hòa gục xuống tại chỗ. Đồng chí Bé - người trực tiếp bảo vệ đồng chí Hồ Sỹ Thản bị đạn găm nát hai chân, người đầy thương tích. Tổ bảo vệ nhanh chóng đưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy rút xuống hầm bí mật và đáp trả địch bằng AK, dập tắt ổ trung liên của đối phương. Địch đột nhiên rút quân. Tình hình lúc bấy giờ vô cùng căng thẳng. Phải kịp thời đưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cùng đồng đội ra khỏi vùng nguy hiểm, nếu không, khi địch quay trở lại thì sẽ khó thoát khỏi. Tuy nhiên, trong khi tìm giải pháp xử lý, ngoài việc phải gửi lại đồng chí Hòa đã hy sinh cho cơ sở thì ý kiến đồng chí Văn Ngọc Bé làm cho những người có mặt hôm ấy đều nhói lòng: "Các đồng chí hãy quyết tâm bảo vệ an toàn cho đồng chí Bí thư Tỉnh ủy. Trước sau gì tui cũng hy sinh nên các đồng chí đừng băn khoăn, đừng lo cho tui nữa. Nếu mang tui đi cùng, sẽ làm khó khăn thêm cho các đồng chí và làm khó khăn thêm cho việc bảo vệ đồng chí Bí thư Tỉnh ủy. Tất cả súng đạn của tui các đồng chí hãy mang đi. Hãy mở khuy hai quả đạn rồi móc vào tay tui, nếu bọn chúng vào, tui sẽ chết cùng chúng. Các đồng chí hãy nhanh chóng đi đi!...".

Nghe đồng chí Bé nói vậy, mọi người đều không đồng ý. Nhưng, khi đang chần chừ thì nghe tin địch đã quay trở lại. Trước tình hình quá nguy cấp, cuối cùng tất cả làm theo lời đồng chí  Bé… Hai đồng chí bảo vệ cùng với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy vừa đi vừa ngoái lui. Trong ngôi nhà lá bé nhỏ, cạnh chiếc cối xay lúa là người đồng đội quyết tử. Xung quanh ngôi nhà chỉ có chuối và tre hóp bốn bề. Trước sân có một con mương chảy qua. Họ lội đi trong sình lầy, trong tre hóp, trên đầu máy bay OV10, "Rọ gáo" bay rà rà. Anh em rẽ hóp mà đi, lòng đau nhói…".

Và khi họ vừa đi khuất thì bọn thám báo quay trở lại. Sau này, người dân chứng kiến sự việc hôm đó kể lại rằng, bọn giặc đã lùng sục nát cả làng để cố tìm cho ra nơi quân ta ẩn nấp. Hai chân nát bươm, máu chảy quá nhiều đến kiệt sức, đồng chí Văn Ngọc Bé đã không kịp làm điều mình ấp ủ là nổ tung hai quả lựu đạn trên tay cùng với quân thù. Anh nằm sấp, úp mặt xuống mảnh đất quê hương đau thương, trên lưng găm nhiều mảnh đạn thù. Anh đã sống, chiến đấu và hy sinh xứng đáng với lòng tin yêu của người dân quê hương anh dành cho Đảng, như niềm tin không phai mờ của người nữ cơ sở nơi làng Phú Hải, xã Hải Ba; về sau chị liên tục bị giặc bắt bớ, giam cầm, tra tấn dã man vẫn tin theo Đảng, vẫn một lòng vì cách mạng, mà ông Yến đã không quên kể lại cho chúng tôi nghe và hy vọng biết đâu một ngày nào đó chúng tôi tìm được chị…

Tôi đọc trong bản tóm tắt thành tích truyền thống Đơn vị 45 Anh hùng có đoạn ghi: "Chúng ta làm sao quên được những tấm gương hy sinh của các đồng chí Nguyễn Viết Cù đã chiến đấu và anh dũng hy sinh ngay trong lòng Thành Cổ Quảng Trị; đồng chí Văn Ngọc Bé chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ an toàn cho đồng chí Bí thư Tỉnh ủy…và biết bao đồng chí nữa đã anh dũng hy sinh". Sau ngày nước nhà thống nhất, với những thành tích và chiến công đặc biệt xuất sắc, ngày 6/6/1976, Đơn vị 45 đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; nhiều đồng chí như Nguyễn Viết Cù, Nguyễn Thanh Mai, Nguyễn Thị Lý, Nguyễn Việt Hà… đã được phong tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Liệt sỹ Văn Ngọc Bé đã cùng với nhiều cán bộ chiến sĩ khác của đơn vị đã dùng máu của mình góp phần viết nên bản tráng ca bất tử của lòng dũng cảm bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, của lực lượng Công an tỉnh Quảng Trị Anh hùng. Đồng đội mãi mãi không bao giờ quên sự hy sinh cao cả của Anh hùng Văn Ngọc Bé. Trong những cuộc họp mặt đơn vị cũ, cho dù vắng bóng anh, nhưng tôi đã nghe nhắc nhiều đến tên anh - Văn Ngọc Bé - người chiến sĩ quả cảm đã chấp nhận hy sinh để bảo vệ an toàn cho cán bộ lãnh đạo của địa phương mình, bảo vệ cơ sở cách mạng; góp phần vào công cuộc kháng chiến cứu nước…

Chiến tranh đã lùi xa, vết thương đã liền da trên đất Mẹ. Máu xương của những người yêu nước đã làm nên bình yên của đất nước hôm nay với bạt ngàn ruộng lúa, đồng khoai, với sum suê cây trái. Trong hàng trăm nấm mồ nơi Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hải Phú có liệt sĩ Văn Ngọc Bé đang yên nghỉ. Bài viết này như một nén tâm hương của chúng tôi gửi tới người chiến sĩ quả cảm năm xưa…

Khánh Hà
.
.