Chuyện tình bên dòng sông Công

Thứ Năm, 10/08/2006, 09:00

Đã hơn 10 năm kể từ ngày liệt sĩ Dương Như Thực anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ (anh được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND ngày 22/7/1998), những người thân của anh vẫn không thể tin được dù đó là sự thật.

Câu chuyện về anh, dù đã được gia đình kể đi kể lại nhiều lần mà vẫn nguyên một niềm xúc động thương tiếc khôn nguôi. Họ không thể ngờ được rằng, sau khi mất người con trai, họ còn mất thêm cả người con dâu hiền thảo, một lòng một dạ thương chồng nhưng không thể vượt qua nỗi đau mất mát. Tình yêu của họ gửi lại cuộc đời là đứa con trai bé bỏng, giờ đã lớn vổng ra dáng một chàng trai, với niềm mơ ước sẽ trở thành chiến sĩ công an dũng cảm như bố.

Vượt qua những con dốc, những cung đường ngoằn ngoèo của vùng trung du ngoại ô thị xã Sông Công, tôi tìm đến ngôi nhà của liệt sĩ Dương Như Thực đã sinh ra và lớn lên. Trong căn nhà ấy giờ chỉ còn lại mẹ anh là cụ Lê Thị Nại năm nay đã ngoài 80 tuổi sống cùng gia đình một người cháu nội sớm hôm kề cận để lo cơm nước cho cụ. Khi chúng tôi đến, bà cụ đang phe phẩy quạt nan ngồi hóng mát dưới gốc cây nhãn trước cổng, bên mấy chú bò hiền lành mắt  lim dim đang nằm nhai lại cỏ.

Dáng cụ Nại nhỏ nhắn, khi còn trẻ chắc hẳn nhanh nhẹn tháo vát, giờ mắt cụ đã mờ, chân bước đi chậm chạp. Như tất cả các bà mẹ thương con, cụ bắt đầu câu chuyện về con trai mình trong nước mắt: “Thằng Thực ngoan lắm, lại thương bố mẹ nghèo nên việc gì cũng tự học để làm giúp bố mẹ. Nó học đánh giậm mò cá, học cấy học cày, học xay lúa giã gạo, sàng sảy, học cưa xẻ,… việc gì cũng làm, làm việc gì cũng giỏi. Nó lên rừng lấy gỗ về ngâm dành để làm nhà, thế mà nhà làm xong nó có được ở đâu. Nó mất đi bao năm rồi, tôi vẫn không tài nào nguôi đi được!”.

Sau khi tốt nghiệp Trường sơ cấp Công an năm 1978, đồng chí Dương Như Thực về nhận công tác tại Công an huyện Phú Lương, tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên). Một lần trong khi kiểm tra chiếc xe chở gỗ, anh thấy một cậu bé khoảng năm, sáu tuổi từ thùng xe chui ra. Hỏi anh em lái xe, họ  không biết thằng bé ấy ở đâu ra. Thấy cậu bé bị lạc, anh liền đưa về đơn vị cho ăn uống, tắm rửa thay quần áo sạch sẽ. Đơn vị đông thế, nhưng cậu bé chỉ theo mỗi mình Thực.

Lâu ngày chẳng thấy ai tới nhận, anh liền nhận cậu bé bị lạc ấy làm con nuôi, đặt tên là thằng cu Bình. Lúc ấy Dương Như Thực mới 22 tuổi, anh đi đâu, cu Bình cũng theo đó. Có lúc đang ngồi nói chuyện rất mặn mà với các cô gái, thì cháu lại chạy vào gọi to: “Bố Thực ơi, bố Thực đâu rồi!”, thế là hỏng hết việc đại sự. Nhiều cô không biết sự thể còn trách anh: “Anh là công an, con trai đã lớn tướng thế kia mà lại nói dối là chưa vợ!”. Những lúc như vậy anh Thực chỉ còn biết cười nụ cười méo mó chứ có biết thanh minh làm sao? Anh em trong đơn vị còn trêu đùa: “Trung úy Dương Như Thực có nguy cơ… ế vợ rất cao!”. Anh nuôi cậu bé được khoảng 3 năm trên đơn vị rồi phải đưa cháu về Sông Công cho bố mẹ già nuôi.

Nhớ lại chuyện này, cụ Lê Thị Nại cười móm mém nói: “Thực đưa cu Bình về đến nhà, nhìn thấy ảnh Thực treo trên tường nó reo lên: “Nhà bố Thực đây rồi, không đi đâu nữa!”. Tôi sờ đầu cháu thấy có hai vết sẹo dài, có lẽ vì thế nên trí não cũng không được bình thường lắm. Tôi có cho đi học nhưng cháu không tiếp thu được gì nên thôi. Từ đó nó ở nhà với tôi. Nhà có gì nó ăn nấy, tôi đi đâu nó theo đấy. Dễ có đến 10 năm thì bố đẻ cháu nghe được tin đến đón về!”.

Sau này, nhiều lần cu Bình tội nghiệp còn trốn về thăm bà, thăm bố Thực và cũng có lần bị bố đẻ đánh rất đau. Có lần về chơi, cháu còn nói: “Bố Thực lấy vợ đi!”. Sau này cậu bé ấy lại bị thất lạc đâu không rõ, không được biết tin bố Thực đã lấy vợ, sinh con và cũng đã anh dũng hy sinh.

Đó là đêm 4/12/1991, nhận được tin báo một toán cướp có vũ khí sau khi thực hiện hành vi cướp tài sản đang chạy trốn qua địa bàn Phú Lương, đồng chí Dương Như Thực cùng một số anh em ra chốt trên đường để kiểm tra và tiến hành bắt giữ nếu gặp bọn chúng. Không ngờ, trên đường tẩu thoát, bọn chúng đã tiến hành cướp một chiếc xe tải và khống chế lái xe đi theo yêu cầu của chúng.

Gặp chốt kiểm tra của anh Thực cùng đồng đội, khi anh yêu cầu dừng xe để kiểm tra, bọn chúng khống chế lái xe chạy thẳng. Anh Thực đuổi theo thì chúng điên cuồng nổ súng bắn trả. Một phát đạn nghiệt ngã đã khiến đồng chí Dương Như Thực anh dũng hy sinh ngay tại nơi đang làm nhiệm vụ, để lại niềm thương tiếc vô hạn trong lòng gia đình và đồng đội.

Đồng chí Dương Như Thực mất đi, để lại cha mẹ già, người vợ trẻ và đứa con trai vừa biết lẫy. Sự mất mát quá lớn khiến những người thân trong gia đình anh gần như quị ngã. Vợ anh là chị Vũ Thị Duyên mới về làm dâu được hai năm đã phải chịu cảnh góa bụa – nỗi đau quá lớn đối với người phụ nữ xinh đẹp “có dáng mảnh mai như người thành phố” ấy.--PageBreak--

Tốt nghiệp Trường trung cấp Y của tỉnh, chị Duyên về làm y tá tại một trạm xá của một xã ở gần đơn vị anh Thực. Họ bén duyên nhau và có một tình yêu thật đẹp. Một ngày lành năm 1989, đôi bên họ hàng bạn bè vui mừng chứng kiến đôi trẻ nên duyên vợ chồng. Thương anh Thực còn cha mẹ già ở Sông Công, chị Duyên đã chuyển về ở với bố mẹ chồng. Vốn không phải con nhà nông, từ ngày về làm dâu, chị phải học cấy hái, làm cỏ, trồng khoai sắn, hái chè, chăn nuôi con lợn con gà và chăm sóc bố mẹ thay chồng để chồng yên tâm công tác.

Có lần, bụng mang dạ chửa nhưng thấy mẹ già vẫn đi cày, chị lại gánh phân theo mẹ ra đồng. Đi trên bờ ruộng nhỏ mà lại gánh nặng, loạng choạng thế nào chị bị ngã xuống ruộng. Thấy vậy, mẹ chồng bỏ cày chạy lại gánh đỡ con dâu nhưng cũng không gánh nổi. Vậy là vứt đôi quang đấy, hai mẹ con ngồi bệt xuống bờ cỏ cùng khóc. Bà cụ Nại nói như day dứt, như hờn dỗi số phận: “Những lúc ấy chỉ mong có thằng Thực ở nhà. Có nó là mọi việc xong gọn hết cả. Thế nhưng nó lớn nó phải đi công tác, rồi nó đi luôn, chẳng về nữa! Rồi con dâu cũng đi theo con giai tôi, ông nhà tôi cũng đi luôn. Anh chị ấy bỏ đi để lại cho tôi một thằng con đỏ này đây!”. Bà cụ nói và ôm đứa cháu nội vào lòng.

Sau khi chồng chết, chị Duyên khóc rất nhiều, không ăn, không ngủ sinh ra suy nhược thần kinh. Đến giữa năm 1994, chị cũng bỏ đi theo chồng sau nhiều tháng điều trị tại bệnh viện. Chỉ trong có 4 năm liền bà cụ đã mất đi 3 người thân là con trai, chồng và  con dâu. Nỗi đau tưởng chừng quá lớn đối với thân hình đã cả đời khô đi vì vất vả của bà. Nhưng vì đứa cháu tội nghiệp sớm mồ côi cả cha lẫn mẹ, bà cụ đã phải gắng gượng từng ngày, tần tảo sớm hôm nuôi cháu.

Trên chiếc xe đạp cọc cạnh, đi đâu bà cháu cũng tha nhau đi. Cháu ngồi trước, bà ngồi sau, ai trông thấy cũng thương, cũng khóc. Nhớ lại những ngày ấy, cụ Nại ngậm ngùi: “Cũng có người thương quá nên muốn xin thằng bé về làm con nuôi cho tôi đỡ khổ. Nhưng tôi bảo: “Chả có thì tôi đi ăn mày tôi nuôi cháu tôi, chứ còn giọt máu của vợ chồng nó để lại, cho đi sao đành!”. Cũng may mà nó giờ lớn thế này, chứ nhỡ nó có làm sao thì người ta lại oán là lúc người ta xin thì chẳng cho đi! Khổ thế đấy chị ạ. Lúc ấy có ai nghĩ lại được như hôm nay…”.

Hiện giờ, con trai anh chị là cháu Dương Như Kỷ Niệm đang kỳ nghỉ hè để chuẩn bị lên lớp 10 THPT. Bắt đầu năm học lớp 8, cháu được đưa vào học tại Trường Văn hóa I (Bộ Công an). Từ ngày cháu nội được vào học tại đây, bà cụ Nại vui, bớt lo nghĩ nên đã khỏe  lên nhiều. Bà tin rằng, đứa cháu tội nghiệp của mình chắc chắn sẽ được Nhà nước giáo dục thành một con người có ích cho xã hội. Cháu Dương Như Kỷ Niệm có nét mặt giống cha lạ kỳ, nét mặt đẹp phảng phất một nỗi buồn.

Tôi hỏi: “Lớn lên cháu sẽ làm gì?”. Kỷ Niệm bẽn lẽn trả lời: “Cháu muốn trở thành một chiến sĩ cảnh sát hình sự để truy bắt bọn tội phạm. Bà cháu và chắc cả bố mẹ cháu cũng muốn thế cô ạ!”. Từ ngày bố mẹ cháu mất, anh em chiến sĩ  Công an thị xã Sông Công thường xuyên tới thăm hỏi, nhất là khi mẹ cháu Kỷ Niệm ốm nằm viện một thời gian dài.

Đồng chí Dương Như Trác hiện là Trưởng Công an phường Cải Đan (thị xã Sông Công) là bạn học của liệt sĩ Dương Như Thực đã nhận đỡ đầu cháu Kỷ Niệm. Anh vẫn thường xuyên qua lại thăm hỏi, động viên hai bà cháu để họ vơi bớt  những nỗi buồn và vươn lên trong cuộc sống. Anh Trác tâm sự: “Khi Thực mới mất, mỗi lần thấy bóng áo quân phục của anh em, đồng chí vào thăm, gia đình vì buồn quá mà không muốn tiếp. Có người còn nói: Các anh tuyển con em tôi đi làm công an, giờ có cách nào trả nó về cho tôi!”. Nhưng lâu dần, gia đình cũng hiểu và đều coi chúng tôi như người trong nhà, vui buồn đều chia sẻ. Dù chưa làm được gì nhiều nhưng tôi muốn cháu nó có một chỗ dựa về mặt tinh thần để yên tâm học tập, phấn đấu”.

Đơn vị cũ của anh là Công an huyện Phú Lương thường xuyên dành thời gian thăm hỏi, động viên gia đình. Đồng chí Trần Văn Ổn – Trưởng Công an huyện Phú Lương cho biết: “Là đơn vị nơi đồng chí Dương Như Thực công tác, chúng tôi luôn cảm thấy vinh dự và tự hào. Sau khi anh Thực hy sinh, đơn vị đã tổ chức nhiều đợt học tập, sinh hoạt ôn lại truyền thống đơn vị cũng như tấm gương hy sinh dũng cảm của Thực. Chúng tôi luôn phấn đấu trong công tác để xứng với nơi đã có một cán bộ hy sinh vì sự bình yên của nhân dân!”.

Tôi tìm lên một ngọn đồi nơi người làng chỉ đó là nơi an nghỉ cuối cùng của đôi vợ chồng trẻ. Câu chuyện của họ có lẽ đã được rất nhiều người dân trong vùng biết và truyền tụng. Đó là một ngọn đồi thoai thoải, có những cây bạch đàn vi vút gió và hoa cỏ may đan kín lối. Dưới chân đồi là một hồ sen rộng đang giữa mùa hoa, tỏa hương thơm ngát. Và ngoài xa kia, dòng sông Công vẫn ngày đêm miệt mài chảy âm thầm kể câu chuyện tình yêu huyền thoại của nàng Công - chàng Cốc và cả câu chuyện của Anh hùng liệt sĩ Dương Như Thực và vợ là chị Vũ Thị Duyên đi khắp các vùng quê. Và chắc hẳn, anh linh của anh chị có thể mỉm cười khi thấy đứa con trai giờ đã khôn lớn, được giáo dục, rèn luyện để tiếp bước người cha kính yêu trở thành một chiến sĩ công an quả cảm. Còn người mẹ già của họ cũng đang được sống những ngày cuối đời thanh thản

Nguyệt Hà
.
.