Chuyện những người tìm “chìa khóa” điều tra các vụ án

Thứ Tư, 03/01/2007, 09:30
Tháng 11 vừa qua, đơn vị của họ - Viện Khoa học hình sự (KHHS) Bộ Công an được Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh. Sau buổi lễ long trọng, tôi đã có dịp gặp và trò chuyện với một vài người trong số họ.

1.Người đầu tiên là Trung tá Nguyễn Viết Nội - Giám định viên tư pháp về kỹ thuật hình sự và pháp y. Tôi ngưỡng mộ Nguyễn Viết Nội từ cái đêm anh đại diện cho lực lượng KTHS cả nước giao lưu cùng khán giả truyền hình Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Lực lượng Cảnh sát nhân dân (20-7-2007).

Hôm ấy, anh mặc cảnh phục. Còn hôm nay, trong phòng làm việc giữa bộn bề máy tính và chai lọ, anh khoác áo blu trắng, áo của giám định viên. Anh vừa mới từ hiện trường vụ cháy nổ ở một xưởng sản xuất của nhà máy chế tạo thức ăn chăn nuôi cao cấp bên Bắc Ninh về.

Vụ cháy nổ xảy ra vào đêm 21/11. Tôi hỏi nguyên nhân, anh trầm ngâm: "Căn cứ vào các dấu vết để lại hiện trường, chúng tôi đã dự đoán được "thủ phạm" gây ra vụ cháy nổ này. Nhưng để có kết luận thật chính xác, chúng tôi phải tiếp tục giám định thêm tại phòng thí nghiệm. Kết luận mà chúng tôi đưa ra sẽ là chứng cứ khách quan, chứng cứ được khẳng định bằng khoa học giúp cho cơ quan điều tra có hướng điều tra đúng".

Nghe Nguyễn Viết Nội nhắc tới vụ nổ hôm nay, tôi bỗng nhớ lại vụ cháy chợ Đồng Xuân nhiều năm trước. Vào đêm 14/7/1994, lửa đã thiêu rụi toàn bộ chợ Đồng Xuân mới được xây dựng lại trước đó ba năm, thiệt hại ước tính hơn 300 tỉ đồng.

Có hàng chục tin đồn xung quanh vụ cháy. Có hàng chục giả thiết về nguyên nhân vụ cháy. Có hàng chục nghi can gây ra vụ cháy. Trong khi đó Nguyễn Viết Nội cùng các đồng sự  dưới sự chỉ huy của Đại tá Bùi Lương Bằng - thủ trưởng trực tiếp và cũng là người thầy của anh - vẫn âm thầm với công việc lần tìm thủ phạm bằng các chứng cứ khoa học.

Trong vô vàn nguồn tin liên quan đến vụ cháy, các giám định viên kỹ thuật hình sự dành nhiều chú ý các tình tiết như sau: Hôm ấy chợ mất điện từ 10h đến 18h15’ mới có lại.

Người ta nhìn thấy ngọn lửa vào lúc 22 h35’ tại cửa số 7. Từ cửa số 7 vào có một số kiốt bán tạp hoá và quần áo... "Vậy thì nhiều khả năng nguyên nhân gây cháy là từ điện". Theo hướng phán đoán ấy, tổ khám nghiệm đặc biệt quan tâm đến các thiết bị sử dụng điện ở các kiôt khu vực cửa số 7.

Sau hàng tuần "lọ mọ" trong ngổn ngang đổ nát và tàn tích sau vụ hỏa hoạn các anh mới "tóm" được chiếc quạt cây MD có cuộn dây quấn stator bị cháy từ trong ra ngoài, cháy do om nhiệt. Lại nữa, công tắc phím bấm của chiếc quạt này vẫn đang ở chế độ hoạt động, nút số 3.

Sau này Cơ quan điều tra và Hội đồng khoa học hoàn toàn nhất trí với kết luận cuối cùng do các giám định viên Viện KHHS đưa ra: "Thủ phạm" trực tiếp đốt trụi cả chợ Đồng Xuân chỉ là chiếc quạt MD ở kiốt bán tạp hóa và quần áo số 293.

Thì ra, khi có điện trở lại, chủ kiốt đã về nhà và vì bất cẩn đã không tắt quạt, thậm chí còn để hàng hoá đè lên cánh của nó. Trong hơn 4 tiếng đồng hồ cánh quạt không thể quay, điện năng không biến thành cơ năng mà ngược lại đã tích tụ thành nhiệt năng làm nóng chảy cuộn dây, gây cháy.

Một vụ cháy lớn thu hút sự chú ý của dư luận, và công luận hàng tháng ròng, cuối cùng được phân tích bằng khoa học trở nên đơn giản và dễ hiểu như thế. Nhưng để có mấy dòng kết luận dễ hiểu ấy, người giám định viên không chỉ thận trọng, tỉ mỉ khi khám nghiệm hiện trường mà còn phải có đủ kiến thức khoa học, nghiệp vụ và kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn của mình.

24 năm sau khi tốt nghiệp khoa Hóa Trường đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ) về nhận công tác ở Viện KHHS, đến nay, Nguyễn Viết Nội đã trực tiếp tham gia hàng trăm vụ khám nghiệm hiện trường, trong đó có nhiều vụ cháy nổ còn khủng khiếp hơn cả đám cháy chợ Đồng Xuân.

Chính Nội và đồng sự đã khám nghiệm và tìm nguyên nhân và thủ phạm gây ra vụ thảm họa cháy xe khách 29H-6583 trước cửa đình làng Đại Bái, huyện Gia Bình (Bắc Ninh) làm 46 người chết, 46 người bị tàn phế suốt đời.

Trước đó, tổ khám nghiệm của anh  cũng đã lao tâm khổ tứ để tìm nguyên nhân vụ cháy trên xe khách 26A-2405 tại km 21+700 Quốc lộ số 6 làm gần 40 người chết và bị thương.

Năm 2003, anh và các đồng sự ở Viện KHHS và Công an Hà Tây đã khám nghiệm tử thi một thiếu nữ trên cánh đồng thuộc huyện Phú Xuyên và đưa ra kết luận: nạn nhân đã bị cưỡng hiếp, bị bóp cổ chết trước khi bị tưới xăng đốt.

Mới tháng 7 năm ngoái, khi khám nghiệm vụ cháy ở xưởng chiết xuất thanh hao hoa vàng thuộc Công ty TNHH Duy Hòa (Vĩnh Phúc) làm bị thương 3 công nhân, thiệt hại tài sản hàng tỉ đồng, anh và đồng sự của Viện đã đưa ra kết luận ngược hẳn với dư luận và nhận định ban đầu của một số điều tra viên.

Sau 2 ngày khám nghiệm hiện trường, các anh khẳng định nguyên nhân cháy là do sự bất cẩn và kém hiểu biết của 2 công nhân khi chọc bỏ bã cây thanh hao từ tháp chiết ra. Kết luận ấy đã giải tỏa được mối nghi ngờ rằng thủ phạm là một số người dân xung quanh vốn đang có mâu thuẫn rất căng thẳng với công ty này.--PageBreak--

2. Trong cuốn "Lịch sử lực lượng kỹ thuật hình sự Công an nhân dân" mới ấn hành vào tháng 7/2007 có một phụ lục danh sách các giám định viên cao cấp đã và đang công tác tại Viện KHHS gồm 58 người, trong đó có khá nhiều chuyên gia nổi tiếng như: Lê Văn Thông, Phạm Ngọc Hiền, Phí Văn Võ, Trần Đức Bình, Lê Văn Hào, Nguyễn Văn Hoan, Trần Văn Điểm, Nguyễn Quốc Ân, Lê Viết Cầm, Nguyễn Văn Hò, Nguyễn Lương Bằng…

Trong các Giám định viên hàng đầu của Việt Nam ấy, cũng có tên của Nguyễn Viết Nội và hai nhân vật khác mà tôi được gặp để lấy tư liệu viết bài báo này.

Đó là Thượng tá Hà Văn San và Thượng tá Nguyễn Hữu Hùng - hai lãnh đạo trực tiếp của Nguyễn Viết Nội ở phòng Giám định kỹ thuật pháp lý. Anh Hùng cũng là cựu sinh viên khoa Hóa của Trường đại học Tổng hợp, cũng có hơn 29 năm làm công việc, như cách nói vui của anh Nội là chuyên nghề: "Bới than tro và xác chết".

Còn anh San, cựu sinh viên của Trường đại học Bách Khoa, cũng về nhận công tác ở Viện cùng năm với anh Hùng. Là một kỹ sư chuyên ngành cơ khí, công việc chủ yếu của anh San là giám định các vụ án có liên quan tới sự cố kỹ thuật. Hỏi chuyện mới biết, anh San đã từng tham gia khám nghiệm và tìm nguyên nhân làm sập nhà hát Nguyễn Trãi (Hà Đông) hơn hai mươi năm trước.

Năm 1994, bằng việc tìm ra nguyên nhân sự cố làm vỡ đường ống dẫn khí đồng hành từ mỏ Bạch Hổ vào bờ dưới độ sâu hàng chục mét nước biển chỉ là do chiếc mỏ neo của một con tàu vô tình gây nên, tổ công tác của Hà Văn San không chỉ giải tỏa được tâm lý lo sợ về một vụ phá hoại mà còn khiến các chuyên gia nước bạn vô cùng ngạc nhiên và thán phục vì cách tiến hành thu thập chứng cứ khoa học của họ trong những điều kiện đặc biệt khó khăn.

Mới đây nhất, từ khi xảy ra sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ, Hà Văn San và đồng sự lại bắt đầu chuỗi những ngày tắm nắng, gội mưa, lặn lội trong đống đổ nát khổng lồ để tìm nguyên nhân. Kết luận của các anh sẽ là những chứng cứ quan trọng trong hồ sơ, là chìa khóa mở hướng điều tra sự cố đặc biệt nghiêm trọng này.

Những câu chuyện với bao tình tiết ly kỳ về các cuộc điều tra phá án bằng chứng cứ khoa học của anh Nội, anh San và một số giám định viên của Viện KHHS có ghi cả năm cũng không hết. Chỉ xin dẫn thêm một số vụ mà họ đã làm mang đậm dấu ấn của từng giai đoạn lịch sử.

...Đó là vụ tàn sát 10 người trong gia đình tiệm vàng Vĩnh Tường số nhà 33 phố Hoàng Văn Thụ (thành phố Hải Phòng) vào năm 1946. Việc tìm ra thủ phạm vụ án là một trong những chiến công có tiếng vang đầu tiên của những người làm công tác kỹ thuật hình sự thời chính quyền cách mạng non trẻ.

Bằng việc thu một số dấu vân tay để lại trên chiếc hộp sơn mài đựng bạc ở hiện trường, các giám định viên đã khẳng định thủ phạm gây án là những tên lính Pháp ở trại Lạc Viên. Vụ mất ấn vàng triều Nguyễn "Hoàng hậu chi bửu" và chiếc âu đựng trầu thuốc bằng vàng có tổng trọng lượng 5,4 kg vào năm 1961 cũng được tìm ra thủ phạm nhờ công tác khám nghiệm và giám định chữ viết trên 4 mảnh giấy thu được tại hiện trường do các giám định viên KHHS tiến hành.

Vụ nữ nghệ sĩ cải lương Thanh Nga và chồng bị bắn chết tại nhà riêng tại TP HCM đã từng bị rối tung lên hơn hai tháng trời với những nhận định về động cơ giết người và thủ phạm gây án rất khác nhau.

Sau 78 ngày đêm lặng lẽ, bền bỉ, với công việc tìm kiếm chứng cứ, đến 3 giờ sáng ngày 14/4/1979, các giám định viên của Viện KHHS đã xác định được đích xác khẩu súng đã gây án.

Với kết quả giám định này, cơ quan điều tra đã xác định chính xác thủ phạm gây án, xóa sổ một băng cướp chuyên bắt cóc tống tiền cực kỳ nguy hiểm, chấm dứt các luồng dư luận về động cơ sát hại gia đình nữ nghệ sĩ tài danh.

3. Vào năm 1985, đúng dịp kỷ niệm 100 năm KHHS thế giới, NXB Công an nhân dân cho ra mắt độc giả bộ sách 3 tập: "Dấu vết khó xóa", "Tìm biết qua xác chết" và "Thuốc độc" của Guốcgen Toócvan qua bản dịch của dịch giả Phạm Văn Ba và Nguyễn Thị Giới.

Với tôi đó là một bộ sách rất hấp dẫn. Những vụ án ly kỳ được viết dưới ánh sáng của công tác giám định kỹ thuật hình sự, không chỉ độc đáo về bút pháp mà còn liên tục gây bất ngờ lý thú đối với độc giả, đặc biệt là những độc giả yêu khoa học…

Trong gần 300 trang của cuốn "Lịch sử lực lượng kỹ thuật hình sự Công an nhân dân" mà tôi được đọc cũng có hàng chục vụ án rất nổi tiếng mà đội ngũ cán bộ, chiến sĩ khoa học hình sự cả nước đã tìm ra chìa khóa điều tra. Tôi tin rằng, nếu một nhà văn nào đó dành thời gian và tâm huyết để viết lại, chắc chắn chúng ta cũng sẽ có một bộ sách hay không kém các tác phẩm của Guốcgen Toócvan

Nguyễn Xuân Hải
.
.