“Chuyên gia” diệt ác chống càn

Thứ Ba, 10/10/2006, 10:00

Dũng cảm chống càn, Phạm Văn Chiến còn là chiến sĩ diệt ác có tiếng bởi sự thông minh, lanh lợi và dũng cảm. Lúc anh giả trang phụ nữ, khi vào vai trẻ nhỏ, lúc lại cải trang thành lính ngụy để tiếp cận kẻ thù.

Giữa lung linh cờ hoa của một ngày hội ở thủ đô Hà Nội, người anh hùng ấy lại tạo được ấn tượng bằng gương mặt hiền lành, chất phác, đầy bản lĩnh. Dáng người nhỏ nhắn, nước da màu bánh mật nhưng cặp mắt rất sáng trên gương mặt trầm tĩnh. Đó là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Văn Chiến (tức Điện), ở tổ 2, Rỏng Tượng, xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh.

Thấy tôi muốn nghe chuyện chiến đấu của anh trong thời kỳ máu lửa, Anh hùng Phạm Văn Chiến cười thật hiền: “Cuộc đời tôi đã tham gia không biết bao nhiêu trận đánh, giờ kể sao cho xiết?”. Nhưng rồi, trước sự kiên trì của tôi, anh cũng “mềm lòng”. Với giọng Nam Bộ đậm đặc, anh bảo: “Đánh giặc từ khi còn nhỏ cho tới tuổi trưởng thành. Nhà lại nghèo, không có điều kiện học hành, mãi khi đất nước thống nhất tôi mới được học chữ, nhưng cũng chỉ đến lớp năm”.

Vậy mà trí nhớ của anh về những năm tháng hào hùng ấy lại thật tuyệt vời. Các trận đánh đã trôi qua 30 năm có lẻ cùng với bao thăng trầm của cuộc đời, Phạm Văn Chiến vẫn nhớ vanh vách, như thể chiến tranh mới cách nay chừng vài ba tháng.

Anh hùng Phạm Văn Chiến sinh trưởng trong một gia đình cách mạng ở một miền quê nghèo quanh năm rền vang tiếng súng. Những hàng dừa chưa kịp lên xanh đã rũ tàu vì bom đạn. Tiếng súng giặc phá nát những đêm trăng thanh bình ở Thanh Phước. Đêm đêm, không còn cảnh người trong xóm qua lại thăm hỏi, vui chơi nữa. Ai cũng tất bật lo tránh bom đạn, lo giặc càn quét, đốt nhà và cướp bóc. Không khí thời chiến đậm đặc ngay trong mỗi căn nhà.

Không ít lần, anh Chiến còn phải chứng kiến các cô chú cán bộ cách mạng bị bắt, bị giết rất dã man. Nỗi đau dội lên thành khao khát trả thù, nên Phạm Văn Chiến tham gia phong trào “diệt ác phá kềm”, từ năm 16 tuổi. Cũng từ đó, anh nổi danh với sở trường đánh giặc bằng lựu đạn. Chỉ trừ đi diệt ác là dùng súng ngắn, còn các trận chống càn, tập kích, anh đều “chuyên nghiệp” sử dụng lựu đạn. Và lần nào cũng thắng lớn

 Dũng cảm, kiên cường lại đầy mưu trí, chưa đầy 20 tuổi, Phạm Văn Chiến đã trở thành một đội trưởng trinh sát có tiếng ở Tây Ninh với những trận đánh lớn ngay tại Thanh Phước và thị trấn Gò Dầu. Mỗi chiến công của anh đều làm nức lòng quân dân, góp phần xốc dậy phong trào đấu tranh vũ trang của quần chúng địa phương ngày thêm mạnh mẽ.

Trong ký ức của nhiều người dân Thanh Phước, trận chống càn năm 1972 là một dấu ấn không bao giờ quên. Đó là trận càn khốc liệt nhất trong những năm chiến tranh ở đây. Từ sáng sớm, địch đã huy động trên 100 xe, 300 lính thiện chiến, kéo theo 2 khẩu pháo 105 ly bất ngờ tràn vào căn cứ Thanh Phước. 8h sáng, ngó ra đã thấy quân địch tràn ngập khắp nơi. Dưới hố, trên cây đều lố nhố những chiếc mũ sắt tùm hụp, tay lăm lăm súng trong tư thế sẵn sàng nhả đạn. Thế trận hoàn toàn không cân sức khi lúc đó, lực lượng của ta ở “cứ” chỉ có 6 người với 5 khẩu súng.

Không hề run sợ, Phạm Văn Chiến đã bình tĩnh cùng đồng đội nêu cao quyết tâm chiến đấu đến cùng, với phương thức lấy vũ khí địch đánh địch. Suốt trận đánh, hễ tiêu diệt được tên địch nào, anh Chiến lại cùng đồng đội hô xung phong, rồi bò ra chỗ xác chúng để lấy súng và lựu đạn. Cứ thế, các anh kiên cường chiến đấu từ sáng tới tận tối. Khi màn đêm buông xuống, cũng là lúc kẻ địch phải thất thểu rút quân, kéo theo 84 xác giặc đã bỏ mạng mà vẫn không chiếm nổi khu căn cứ.

“Cũng trong năm 1972, à, chính xác là ngày 16 tháng Giêng năm 1972, tụi tui còn đánh một trận đã đời lắm!”- Anh Chiến vui miệng kể tiếp. Hôm đó, Tiểu đoàn ác ôn 304 của địch bất ngờ tấn công khu căn cứ. Chẳng kịp ăn cơm, anh Chiến chỉ huy 4 chiến sĩ phối hợp với du kích xã chiến đấu suốt từ 12h trưa đến tận 8 rưỡi tối hôm đó. Cũng như các trận khác, anh Chiến đều “chơi” với địch bằng lựu đạn và lấy súng, lựu đạn của giặc để đánh giặc.

Bị thương, anh vẫn tiếp tục chỉ huy các chiến sĩ bình tĩnh chống trả từng đợt phản công của kẻ thù. Đến tối, cả tiểu đoàn địch đã bị đánh lui. Phải chống chọi với cả một đội quân tinh nhuệ trong điều kiện quân ta không có hỏa lực, nhưng chính ý chí và sự can trường đã giúp các anh chiến thắng kẻ thù.

Nhớ lại chuyện xưa, giọng anh Chiến đầy tự hào: “Bao năm chiến đấu gian khổ, hiểm nguy cận kề từng giây, nhưng đơn vị tụi tui không có ai chiêu hồi, nản chí. Một phần do công tác giáo dục, tuyên truyền tốt, nhưng cái chính là chúng tôi sống với nhau như anh em ruột thịt. Đánh trận đêm nhiều, rủi có đồng đội hy sinh là chúng tôi bằng mọi giá lấy cho được thi thể về, chôn cất chu đáo và luôn quan tâm các gia đình thương binh, liệt sĩ, nên anh em tin tưởng và quyết tâm chiến đấu.

Với nhân dân đang phải sống ở vùng ấp chiến lược cũng vậy, chúng tôi phải khẳng định bằng chiến công để bà con tin tưởng vào cách mạng. Chúng tôi  đã vào trận là thắng, lại thu được vũ khí và nhiều chiến lợi phẩm khác, mà không làm tổn hại đến bà con, nên nhân dân đều yên tâm, sẵn sàng ủng hộ cách mạng”.

Dũng cảm chống càn, Phạm Văn Chiến còn là chiến sĩ diệt ác có tiếng bởi sự thông minh, lanh lợi và dũng cảm. Lúc anh giả trang phụ nữ, khi vào vai trẻ nhỏ, lúc lại cải trang thành lính ngụy để tiếp cận kẻ thù. Vụ tiêu diệt tên cảnh sát ác ôn Lê Văn Ngộ có nhiều nợ máu với cách mạng là một minh chứng.

Nhận lệnh phải tiêu diệt hắn để tránh hậu họa, Phạm Văn Chiến đã hứa với lãnh đạo sẽ không chỉ giết được Ngộ, mà còn mang được chiến lợi phẩm về. Anh Chiến hóa trang thành trẻ nhỏ, rồi phục sẵn trong ấp cả ngày vì biết thế nào tên Ngộ cũng đến đây mò gái. Mãi chiều tối mới thấy hắn từ quận xuống, nhưng đem theo 5 tên lính bảo vệ cùng 2 khẩu M16, 5 cây súng ngắn, 2 tiểu liên nên rất khó tiếp cận.--PageBreak--

Đợi tên Ngộ ghé vào nhà một cơ sở của hắn, nhanh như cắt, anh Chiến liền xông vào, gí súng vào ngực hắn bắn chết tại chỗ. Bọn lính ngụy đi theo bị bất ngờ, hoảng sợ bỏ chạy tán loạn. Anh Chiến điềm tĩnh lột hết vũ khí của tên Ngộ, thu được cuốn sổ ghi chép 36 cơ sở chống phá cách mạng mà hắn xây dựng được ở ấp Cây Xoài, rồi cùng đồng đội cướp xe Honda của chúng tẩu thoát.

Khi địch mới kịp hoàn hồn, cho 3 xe tăng đuổi theo thì anh đã kịp dúi xe Honda xuống hố bom để xóa giấu vết rồi tuốt vào rừng. Tên Ngộ chết, đồng bọn của hắn hoảng sợ trước khí thế cách mạng đã phải chùn tay, còn số cơ sở hắn ghi trong cuốn sổ được ta đem công khai để ngăn chặn hoạt động chống phá cách mạng.

Lần khác, anh Chiến lại nhận nhiệm vụ tiêu diệt tên chủ ấp làm tay sai đắc lực cho giặc, đã gây nhiều thiệt hại cho cách mạng và bà con. Chiều xuống, anh giả làm một phụ nữ cùng “chồng” đi làm đồng về, tay xách chiếc gầu trong đựng khẩu súng đã lên đạn. Cặp “vợ chồng” bước vào xin gặp chủ ấp đúng lúc hắn đang nhậu nhẹt cùng đàn em. Chỉ một phát đạn, tên chủ ấp gục xuống. Các chiến sĩ trinh sát thoát êm ra ngoài, trong khi lũ tay chân chưa hết sững sờ vì hoảng sợ. Vụ đó ám ảnh bọn giặc đến nỗi, từ đấy, gặp bất kể ai xách gầu là chúng đều kiểm tra, đề phòng Cộng sản.

Phạm Văn Chiến còn lập một chiến công lẫy lừng khác. Mỗi trận càn của địch đều để lại sự xơ xác, hoang tàn nên anh em phải quán triệt phương châm “đi không dấu, nấu không khói” để tránh bị phát hiện. Nhưng trong một trận càn của địch vào cứ, anh Chiến chỉ đạo anh em trước khi rút lui cố tình để lại mấy thùng đạn đại liên vốn dùng đựng gạo và tài liệu.

Từ dưới hầm bí mật, các anh nghe rõ tiếng một tên lính reo lên mừng hú: “Trung úy ơi, em phát hiện được thùng đồ của Cộng quân!”. Rồi tiếng tên sĩ quan dõng dạc bảo tên lính mang lại. Vài phút sau là tiếng nổ rầm trời. Té ra, Phạm Văn Chiến đã gài trái trong thùng “tài liệu”. 16 tên giặc chết tại chỗ, số bị thương không đếm hết giữa chiến địa tan hoang.

Chiến tranh kết thúc, anh Chiến mới có điều kiện nghĩ tới hạnh phúc riêng. Vợ anh chính là một cơ sở cách mạng, trước đây hai người đã thương thầm nhớ trộm, nhưng đều còn mải đánh giặc nên chưa lúc nào rảnh để làm lễ cưới. Họ có với nhau 3 cậu con trai. Giờ đây, các con anh đều đã trưởng thành. Con trai cả công tác trong ngành bưu điện, cậu thứ hai chạy xe, còn con trai út làm thầy giáo. Điều mãn nguyện của anh là các con anh không phải trải qua một ngày chiến tranh, được học hành chu đáo. Đó chính là mục đích mà anh đã cống hiến suốt cả thời tuổi trẻ.

Đi qua những chiến công oanh liệt, được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND vào tháng 1/1976, rồi làm thanh tra của Công an tỉnh Tây Ninh, nhưng do hoàn cảnh riêng, năm 1986 Thượng uý Phạm Văn Chiến xin nghỉ công tác. Anh trở lại gắn bó với ruộng vườn, đồng bãi mà ngày xưa anh từng chiến đấu để bảo vệ.

Cuộc sống còn bộn bề khó khăn, nhưng điều tôi cảm phục anh chính bởi những suy nghĩ thật chân thành: “Anh em đồng đội đều quan tâm, nhưng tại tôi không được học hành đến nơi đến chốn, nên thấy không theo kịp mà tự xin về. Bây giờ, tôi giỏi giang mọi việc lắm: trồng cây, làm thợ điện, thợ hồ, v.v... ai kêu gì tôi làm nấy! Tôi nghỉ lâu rồi nhưng vẫn được ngành quan tâm. Điều đó khiến tôi càng phải tự cố gắng nhiều để không phụ lòng anh em mình”. Vẫn những suy nghĩ giản dị như ngày nào gác việc nhà sang một bên đi đánh giặc, đủ để chúng ta cảm phục và mến yêu anh

Ngô Thanh Hằng
.
.